Super User

Super User

Khép lại quý 3/2017, doanh thu của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán: DCM) ước đạt 4.260 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động xuất khẩu tại thị trường trọng điểm Campuchia tăng trưởng hơn 120%.

Mặc dù phải bảo dưỡng khá dài trong tháng 8 nhưng khi hoạt động trở lại, Nhà máy Đạm Cà Mau đã chạy vượt công suất thiết kế và duy trì ổn định sản lượng, đến hết quý 3 đã đạt sản lượng 652.000 tấn, bằng 90% kế hoạch đặt ra. Nhờ đó tổng khối lượng tiêu thụ urê thương mại DCM 9 tháng năm 2017 đạt 646.000 tấn, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ.

Với những thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, DCM dự kiến sẽ hoàn thành 116% kế hoạch sản lượng năm 2017, tạo động lực quan trọng giúp DCM hoàn thành vượt các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.


Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Đạm Cà Mau

Với nền tảng tăng trưởng vững chắc, giá trị cổ phiếu DCM đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 37,76% kể từ đầu năm 2017.

Đặc biệt, DCM hiện đang nghiên cứu, triển khai dự án sản xuất phân bón phức hợp NPK cao cấp với công suất 300.000 tấn/năm. Quý IV năm nay, dự án sẽ khởi công và dự kiến khi đi vào vận hành cuối năm 2018 sẽ mang lại hiệu quả đột phá cho DCM bởi nhu cầu thị trường đang rất lớn, trong khi tổng mức cung của các nhà máy trong nước mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu.

Với vị thế là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành phân bón, sự hỗ trợ từ chính sách, dự báo khởi sắc của thị trường phân bón trong năm 2018, DCM đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Phú Khởi

Từ ngày 19 - 24/9, Giàn nén khí trung tâm mỏ Bạch Hổ (CCP) cùng các nhà thầu đã hoàn thành vượt kế hoạch dừng giàn để tổng bảo dưỡng, đưa giàn trở lại hoạt động bình thường sớm 1,5 ngày so với kế hoạch đã đề ra.

Thực hiện theo kế hoạch và được sự nhất trí của lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (Vietsovpetro Gas) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), ngày 19/9, Giàn CCP đã tiến hành dừng giàn để thực hiện tổng bảo dưỡng sửa chữa (BDSC). Cùng với việc dừng giàn, CCP còn kết hợp với công việc thay Flare tip, thay Internal part cho hai Contactors A/B và thay hệ thống F&G trên giàn…


Mở nắp Manhole để thay thế Internal Parts 1-T-311

Khối lượng công việc dừng giàn năm nay được đánh giá là cực kỳ lớn và rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, CCP tự tin hoàn thành nhiệm vụ được giao và phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch. Công tác chuẩn bị về khối lượng công việc, vật tư, nhân sự... đều được lên kế hoạch và triển khai cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết. Các phân tích rủi ro công việc, quy trình thực hiện được rà soát hiệu chuẩn, vật tư dụng cụ được chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, công tác an toàn đã được lãnh đạo giàn và các bộ phận chuẩn bị từ trước, các thiết bị an toàn phục vụ cho công việc thay Internal part cho 2 bình Contactors A/B và thay Flare Tip trong tình trạng làm việc hoàn hảo.


Đóng nắp Manhole 1-T-311 sau khi thay xong

Để hoàn thành công tác dừng giàn năm nay, lãnh đạo Vietsovpetro Gas đã huy động nhân lực lên tới 215 người. Bên cạnh đó, với sự tham gia của nhiều nhà thầu khác, Vietsovpetro Gas đã phải nhờ đến sự hỗ trợ ăn ở của Giàn CTP-2 cho lực lượng BDSC, điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý nhân sự.

Song, hòa chung niềm vui kỷ niệm 22 năm thành lập Vietsovpetro Gas và mừng cột mốc 50 tỷ m3 khí sản lượng, toàn thể CBCNV CCP đã rất nhiệt nhiệt huyết thực hiện các công việc bảo dưỡng cả ngày lẫn đêm. Các nhóm công việc được khẩn trương triển khai với nỗ lực hoàn thành và phương châm An toàn - Chất lượng.


Flare cũ được tháo xuống

Ngày 18/9, toàn bộ nhân lực các đơn vị nhà thầu đã có mặt trên Giàn CCP để nghe phổ biến quán triệt các quy tắc an toàn, các quy trình phối hợp làm việc trong toàn bộ thời gian có mặt trên giàn.

Ngày 19/9, vào lúc 4h30 sáng, toàn bộ nhóm vận hành công nghệ, turbine máy nén khí, nhóm điện đã phối hợp để tiến hành dừng giàn phục vụ công tác bảo dưỡng. Đúng 7h, nhóm vận hành công nghệ đã xả hết khí trong hệ thống của giàn để nhóm cơ khí tiến hành đặt mặt chặn cho cách ly giàn, đồng thời đặt mặt chặn cách ly hoàn toàn hệ thống bình Flare với Flare tip phục vụ cho nhóm xây lắp thay thế Flare tip mới. Ngay sau khi Fakel tắt, nhóm xây lắp đã tiến hành thực hiện công việc ngay để hoàn thành theo tiến độ.


Mở nắp Manhole 1-V-211

Sau khi kết thúc công tác đặt mặt chặn, các nhóm bắt đầu công việc một cách nhanh chóng, đồng thời do đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước. Công việc BDSC, thay đường ống, thay van, và đặc biệt là PPU hai bình Contactors A/B để cho nhóm DK tiến hành thay thế Internal Part một cách nhanh nhất.

Sau 4 - 5 ngày làm việc không ngừng nghỉ 24/24h, các nhóm đều được phân công và kiểm soát chặt chẽ thực hiện công việc theo kế hoạch. Các hạng mục cần làm trong dừng giàn đã cơ bản hoàn thành, thể hiện tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao hoàn thành khối lượng công việc được giao.


Sửa chữa, thay thế các đường ống

Bước sang ngày 23/9 - ngày thứ 4 của đợt dừng giàn, các nhóm thực hiện dọn dẹp khu vực làm việc, tháo dàn giáo để giàn chuẩn bị thử hệ thống phun mưa phục vụ cho đăng kiểm BV.

Đến 8h, giàn tiến hành các công đoạn chuẩn bị đưa khí gas vào hệ thống để khởi động lại. Đây là công việc cự kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ gas. Chính vì thế, đội vận hành công nghệ, turbine rất tập trung kiểm soát tất cả các thông số; các nhóm được phân công giám sát trực tiếp tại tất cả các cụm thiết bị, kiểm tra rò khí, phát hiện ngay các bất thường... để đảm bảo an toàn tuyệt đối.


Flare mới đã được thắp sáng trên CCP

Trong quá trình khởi động lại giàn có rất nhiều khó khăn khách quan do thời tiết, nhưng bằng lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm cao nhất, các CBNV Giàn CCP đã xử lý ngay trong ngày, chạy lên tải thành công tổ máy nén cao áp A vào lúc 15h30 ngày 23/9. Sau đó, nhóm vận hành tiếp tục lên tải các tổ máy còn lại để đưa giàn vào hoạt động bình thường.

P.V

Năm 2017, Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ (KĐN) tròn 15 năm xây dựng và phát triển, một chặng đường rèn giũa nhiều thế hệ, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để ghi dấu những thắng lợi vẻ vang.

Vượt qua thách thức

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã giao cho KĐN nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường ống dẫn khí và các trạm phân phối khí. Từ khi thành lập đến nay, KĐN liên tục được giao thêm trách nhiệm ở những công trình khí tại các địa phương, vùng miền khác nhau. Đó là, Trung tâm Phân phối Khí Phú Mỹ GDC thuộc hệ thống Nam Côn Sơn 1, được đưa vào vận hành năm 2002; các công trình như: tuyến ống Rạng Đông - Bạch Hổ, đưa vào hoạt động năm 2003, đến năm 2008 kết nối thêm tuyến ống thu gom khí Sư Tử Vàng - Rạng Đông thuộc hệ thống khí Cửu Long. Năm 2010, giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi được KĐN tiếp nhận vận hành; hệ thống này đã đạt mốc 2 tỉ m3 khí đưa vào bờ vào tháng 6-2017.

KĐN còn tiếp nhận và vận hành Hệ thống Thu gom khí thấp áp Vòm Bắc mỏ Bạch Hổ từ năm 2010; công trình tuyến ống thu gom khí mới Tê Giác Trắng, Hải Sư Trắng từ năm 2011; công trình mở rộng thu gom khí mỏ Rồng - Đồi Mồi từ năm 2012, nâng công suất giàn nén khí mỏ Rồng lên 1,5 triệu m3/ngày đêm như hiện nay. Song song với đó, KĐN cũng phụ trách các công trình vận chuyển phân phối khí trong bờ được mở rộng. Điển hình như Hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM với 2 trung tâm phân phối khí tại Nhơn Trạch và Hiệp Phước, phát triển cung cấp khí vươn tới thị trường Đồng Nai và TP HCM cho các khách hàng nhà máy điện và khu công nghiệp với sản lượng đến 5 triệu m3/ngày.


Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình

Ngày 7-8-2015, Dự án thu gom khí Hàm Rồng - Thái Bình được đưa vào hoạt động, đánh dấu một sự kiện rất quan trọng đối với KĐN, khi nhận nhiệm vụ mở rộng hoạt động ra miền Bắc. Đây là địa bàn làm việc khó khăn, đầy thách thức so với các công trình mà KĐN quản lý trước đây. Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực, sáng tạo, bền bỉ, tập thể CBCNV KĐN đã vận hành an toàn và ổn định hệ thống này, ghi dấu ấn đậm nét cho bản đồ khí Việt Nam.

Ngày 14-12-2015, tuyến ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 thuộc Dự án Nam Côn Sơn 2 tiếp nhận về bờ dòng khí đồng hành đầu tiên từ mỏ Đại Hùng. Tiếp theo, ngày 6-12-2016, dòng khí đầu tiên từ mỏ Thiên Ưng đánh dấu cột mốc phát triển mạnh mẽ của KĐN khi tiếp nhận quản lý vận hành an toàn và ổn định dự án thành phần thuộc chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, tạo bước khởi đầu thuận lợi cho việc phát triển mở rộng dự án trọng điểm này của PV GAS cho các năm tới đây.

Sự phát triển mở rộng liên tục các công trình mới cũng như tiếp nhận thêm các nguồn nguồn khí từ các Lô 09.1/09.3, Lô 15.1, Lô 15.2, Lô 12W và nguồn khí Hải Thạch - Mộc Tinh Lô 05.2, 05.3 và Đại Hùng Lô 05.1, Thiên Ưng Lô 04.3 cuối năm 2016 đã giúp KĐN liên tục mở rộng quy mô công suất vận chuyển và phân phối khí lên đến 22 triệu m3/ngày đêm như hiện nay, sản lượng khí hằng năm không ngừng nhảy vọt với liên tiếp những cột mốc mới, nếu như năm 2002 là 2,1 tỉ m3 thì đến năm 2017 đã lên đến 7,7 tỉ m3.

Hệ thống khách hàng tiêu thụ khí của công ty cũng tăng lên hằng năm. Nếu vào ngày đầu thành lập, KĐN chỉ có 3 khách hàng, thì đến giai đoạn 2016-2017 đã có 15 khách hàng lớn, mở ra một thị trường cung cấp khí đầy tiềm năng, góp phần cùng PV GAS thực hiện nhiệm vụ “Không chỉ làm tốt trách nhiệm ở hạ nguồn giá trị khí mà còn tích cực tham gia đầu tư thượng nguồn để duy trì nguồn cấp ổn định cho khách hàng”.

Cùng với những cơ hội phát triển được rộng mở thì nhiệm vụ được giao càng nhiều, trách nhiệm công việc lại càng nặng nề, đòi hỏi tập thể KĐN phải bản lĩnh, không ngừng nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

Xây dựng mô hình dịch vụ thích hợp

Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức nhưng trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển, ban lãnh đạo và tập thể KĐN luôn ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động của hệ thống công trình khí; cam kết tiên phong trong mọi hoạt động để cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống vận chuyển khí chuyên nghiệp, đảm bảo lợi ích tối ưu cho khách hàng, đối tác.

Đáp ứng với quy mô phát triển mở rộng của công ty, đội ngũ CBCNV KĐN cũng không ngừng được nâng lên về số lượng và chất lượng, từ 91 CBCNV (2007) đến nay KĐN đã có hơn 200 CBCNV. Đội ngũ cán bộ, người lao động được đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp trong hành động thực thi nhiệm vụ, phát huy sáng kiến, cải tiến, nhận thức tốt và không ngừng phát huy văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn, đóng góp thiết thực vào kết quả sản xuất kinh doanh của KĐN trong những năm vừa qua.

Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu trong suốt 15 năm hình thành và phát triển, KĐN đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, cờ thi đua do các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn trao tặng.

Để đảm đương tốt vai trò và trọng trách được giao, phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, thách thức, KĐN định hướng phát triển đồng bộ, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với chiến lược phát triển của PV GAS, ngành công nghiệp khí và chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp khí an toàn, hiện đại trên phạm vi toàn quốc, bảo vệ môi trường, tài nguyên quốc gia; “chuyển dịch từ đơn vị chuyên vận hành sang mô hình dịch vụ vận hành trên phạm vị toàn quốc và xa hơn”.

Ông Triệu Quốc Tuấn - Giám đốc KĐN nhấn mạnh: “Với niềm tin bền bỉ và năng lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức 15 năm qua là một chặng đường ghi lại những dấu ấn và kết quả đạt được từ nỗ lực đóng góp của mỗi cá nhân và tập thể CBCNV KĐN, ban lãnh đạo KĐN kêu gọi toàn thể người lao động nỗ lực hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2017 và giai đoạn tiếp theo, với sứ mệnh tham gia phát triển nguồn năng lượng bền vững cho tương lai”.

 Tiền thân từ một bộ phận của Trung tâm Vận hành Khí, rồi Xí nghiệp Vận chuyển Khí, với nhiệm vụ ban đầu được giao là quản lý vận hành tuyến ống Bạch Hổ - Dinh Cố - Phú Mỹ, 2 trạm khí đầu vào Dinh Cố và trạm phân phối khí Bà Rịa, năm 2007 Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ được thành lập và vai trò ngày càng nâng cao.

Mai Anh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện; đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

Nguyên tắc chung trong quá trình xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương là sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác. Bên cạnh đó, xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Cụ thể: Tiếp tục tập trung vào các giải pháp chung về đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm nhiên liệu sinh học, phân bón, thép, đóng tàu; các giải pháp về áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ các sản phẩm sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ và quyền lợi của các đối tượng có liên quan trong các lĩnh vực phân bón, thép, xơ sợi...


Một góc Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch. Tiến hành xem xét, rà soát và điều chỉnh một số Luật thuế nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp và môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành hàng, sản phẩm công nghiệp trong nước; xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ liên quan đến các dự án, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định.

Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản trị doanh nghiệp, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư; giám sát chặt chẽ vấn đề vệ sinh môi trường, kể cả chất thải rắn, chất thải khí, nước thải để đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh nhà máy. Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

Theo nguyên tắc chung trên, Đề án đã đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp chưa hiệu quả, trong đó có phương án xử lý 5 dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Cụ thể:

Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi các đơn vị của PVN chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.

Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: Ưu tiên chọn phương án Tổng công ty Dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm: 1 - Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; 2 - Tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; 3 - Dừng triển khai dự án, phá sản công ty.

Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF): Ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty Dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.

Với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS): Ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai phương án phá sản DQS theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX): Ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án PVTEX chuyển nhượng công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án phá sản công ty theo quy định của pháp luật.

Được biết, trước đó, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngày 7/7, PVN đã họp bàn giải pháp, tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc, xử lý các dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn. Tại cuộc họp, PVN đã thành lập ra các tổ công tác chuyên trách xử lý từng dự án chưa hiệu quả, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia tổ công tác. Sau 2 tháng vào cuộc quyết liệt, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch khắc phục đối với các dự án chưa hiệu quả đã hoàn tất và được triển khai tích cực.

Chẳng hạn, với PVTEX, PVN/PVTEX đã làm việc với VINATEX về công tác hợp tác trong giai đoạn tới. Để triển khai chi tiết, bắt đầu từ ngày 6/9/2017, đại diện PVN/PVTEX sẽ khảo sát và tiếp xúc với các đối tác tiêu thụ sản phẩm tiềm năng để triển khai công tác thị trường.

Bên cạnh đó, PVN/PVTEX cũng đang tích cực triển khai việc tìm kiếm các đối tác khác để hợp tác trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngày 5/10, PVN và một đối tác nước ngoài đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi polyester, trong đó có việc hỗ trợ PVTEX trong việc chuẩn bị và khởi động lại nhà máy.

Hay như với OBF, Tổ công tác chuyên trách của PVN cùng PVOIL đã trực tiếp khảo sát tại nhà máy và làm việc với Chủ đầu tư OBF và Cổ đông Toyo (Thái Lan), Licogi 16. Qua khảo sát và làm việc với các đối tác cho thấy, các bên có mong muốn tiếp tục vận hành nhà máy khi có hiệu quả và hiện nay là thời điểm thuận lợi để xem xét khởi động lại nhà máy. Đặc biệt là đối tác Thái Lan mong muốn các bên cùng tính toán phương án khởi động lại để xem xét.

Hà Lê

Ngày 7/10, tại Nhà hát Thanh thiếu niên Việt Nam (Đống Đa, Hà Nội), Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết Chương trình "Truyền thông Xây dựng và Phát triển nền Kinh tế xanh Quốc gia - Tự hào thương hiệu, sản phẩm Việt Nam năm 2017”. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vinh dự được nhận giải thưởng Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”.

Tới dự buổi lễ có PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; TS Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp nổi bật trong phát triển kinh tế xanh bền vững.

 

Lễ trao biểu trưng và chứng nhận cho các doanh nghiệp tiêu biểu về Xây dựng và Phát triển nền kinh tế xanh quốc gia 2017

Chương trình nhằm phát huy phong trào bảo vệ môi trường đến từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nâng cao vị thế, uy tín của sản phẩm thương hiệu Việt. Qua đó, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời ghi nhận những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, trí thức tiêu biểu trong việc đưa tổ chức, đơn vị phát triển kinh tế bền vững.


PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam - PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định: chương trình truyền thông xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh quốc gia năm 2017 được phát động nhằm tiếp tục đẩy mạnh chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn năm 2050. Chương trình đã thực hiện công tác thông tin truyền thông, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, công tác truyền thông quảng bá rất quan trọng. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có những hành động thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh: “Trong bối cảnh lực lượng trí thức, doanh nhân là lực lượng tiên phong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển sâu rộng thì vai trò của trí thức, đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện rõ. Vì vậy, cần tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhằm kịp thời phát hiện, nhân rộng và ghi nhận, biểu dương những nhân tố đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường”.


Đại diện BSR nhận giải thưởng “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2017


Với trách nhiệm của mình, NMLD Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn coi việc bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu. NMLD Dung Quất được đánh giá cao về công nghệ xử lý chất thải, nước thải, gồm cả xử lý hóa chất, vi sinh, ô xy hóa… đáp ứng mọi tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, BSR còn quan tâm tới các vấn đề xử lý chất thải rắn, khí và nước thải. Trong quá trình sản xuất, BSR đã lắp đặt các thiết bị máy móc đúng yêu cầu kỹ thuật và lắp đặt thiết bị xử lý khí thải, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường không khí xung quanh. Bên cạnh đó, tất cả chất thải rắn và nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đều được xử lý, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu luật định.

Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy được đầu tư với công suất thiết kế 565m3/giờ để xử lý tất cả các dòng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất bằng các phương pháp khác nhau. Tại bể chứa nước thải sau xử lý, công ty trồng một số loài cây thủy sinh như sen, súng, thả cá..., tất cả đang phát triển rất tốt. Điều này thể hiện chất lượng nước thải đầu ra của NMLD Dung Quất rất sạch, có thể bảo đảm cho sự sinh sống và phát triển của các sinh vật.

Với những nỗ lực trên của đơn vị, năm 2017, NMLD Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được vinh danh đạt Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”.


Lễ trao tặng bảng vàng ghi danh cho các nhà quản lý tài năng năm 2017

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng chứng nhận, biểu trưng và bảng vàng ghi danh cho hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, các nhà lãnh đạo… đã có đóng góp tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát triển kinh tế xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Nguyễn Hoan

Ngày 5/10, Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã xuất thử nghiệm thành công chuyến hàng thương mại LPG đầu tiên cho xe bồn.

Tham dự buổi xuất hàng thử nghiệm có đại diện lãnh đạo Công ty Khí Cà Mau, Ban Quản lý dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau, Công ty Kinh doanh Sản phẩm Khí cùng CBCNV của 3 đơn vị.


Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau xuất thử nghiệm thành công chuyến LPG đầu tiên cho xe bồn

Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau (GPP Cà Mau) tọa lạc tại Khu công nghiệp Khánh An, tỉnh Cà Mau. GPP Cà Mau chính thức khởi công xây dựng vào năm 2015 và khánh thành vào năm 2017, là một bộ phận quan trọng của dây chuyền cấp khí khu vực Tây Nam Bộ, với nhiệm vụ thu hồi thành phần lỏng (LPG, condensate) trong nguồn khí tự nhiên, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nguồn khí.


Các kỹ sư kiểm tra các thông số kỹ thuật khi xuất hàng

Với 4 bồn chứa LPG có tổng công suất lên đến 8.000 tấn, thời gian vận hành là 30 năm, khu vực kho chứa và cảng xuất của GPP Cà Mau đóng vai trò quan trọng trong việc tàng trữ, cung ứng và ổn định giá LPG cho khu vực Tây Nam Bộ, góp phần củng cố ưu thế của thương hiệu PV GAS trong chiến lược phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG tại thị trường trẻ và năng động này.


CBCNV PV GAS tham gia buổi xuất thử nghiệm chuyến hàng LPG đầu tiên của GPP Cà Mau

Với quyết tâm cao độ, trải qua gần 1 tháng chạy thử nghiệm, GPP Cà Mau đã hoàn tất quá trình kiểm tra kỹ thuật, thiết bị và tiến hành xuất thử nghiệm thành công chuyến hàng thương mại LPG đầu tiên cho xe bồn một cách an toàn và thành công. Sự kiện đã đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng CBCNV Công ty Khí Cà Mau trong công tác vận hành và tiếp nhận công trình GPP Cà Mau năm 2017 - một công trình trọng điểm, hiện đại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.


Toàn cảnh Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau

GPP Cà Mau đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình bàn giao, tiếp nhận, dự kiến sẽ đi vào vận hành chính thức trong quý IV/2017, tiếp tục khẳng định bước đi vững chắc của PV GAS trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra trong năm 2017 cũng như thời gian tới.

Việt Hùng

Trái ngược với tình cảnh cực kỳ khó khăn của hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành khoan dầu khí, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) vẫn đang tiếp tục duy trì vị thế và sự lạc quan.

Thị trường khoan thế giới lao đao

Thị trường khoan dầu khí thế giới trong vòng 3 năm trở lại đây đã trải qua hàng loạt biến động, nhiều thăng trầm. Nếu như năm 2014 được đánh giá là thời kỳ hoàng kim khi các nhà thầu đều tích cực mở rộng các chiến dịch khoan cùng với đơn giá cho thuê giàn luôn duy trì ở mức cao, thì sang năm 2015-2016, trước sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu, các nhà thầu phải dừng, giãn triển khai các chương trình khoan dẫn đến nhu cầu giàn khoan giảm mạnh.

Trong năm 2016, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á giảm xuống chỉ còn 49%, từ mức 74% trong năm 2015; số lượng giàn khoan hoạt động trung bình tại Việt Nam giảm từ 12 giàn xuống chỉ còn 7 giàn; giá cho thuê giàn khoan, khối lượng công việc, đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan giảm 50-70%. Thêm vào đó, thời điểm cuối năm 2016, khu vực Đông Nam Á dư thừa tới hơn 40 giàn khoan, khiến việc cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho các giàn khoan trở nên gay gắt.


Giàn khoan đất liền PV DRILLING 11

Trong bức tranh có nhiều gam màu tối của thị trường dịch vụ khoan dầu khí, hàng loạt công ty khoan lớn trên thế giới thua lỗ nghiêm trọng, phải quyết liệt thực thi hàng loạt các biện pháp tái cấu trúc, mua bán (M&A) hay thu hẹp hoạt động. Cụ thể, Atwood sáp nhập vào Ensco, Rowan đang đàm phán để thu mua Maersk; Seadrill phải bán 3 giàn khoan tự nâng cho Shelf Drilling để xử lý các khoản nợ khổng lồ; Transocean quyết định bán 15 giàn khoan tự nâng cho Borr Drilling... Gần đây nhất, Hercules và Paragon Offshore đã tuyên bố phá sản do không có khả năng chi trả các khoản nợ khổng lồ.

Những tín hiệu lạc quan

PV Drilling đã và đang phải đối mặt với vô vàn thách thức do khối lượng công việc cũng như đơn giá của dịch vụ khoan và các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến khoan sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung đó, điểm sáng của PV Drilling là vẫn tiếp tục duy trì hiệu suất sử dụng đầy ấn tượng cho các giàn khoan khi hiện nay 5/6 giàn sở hữu của PV Drilling đều đang có việc làm. Đặc biệt, trong tháng 8-2017, PV Drilling đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PV DRILLING I cho chiến dịch khoan của Kris Energy tại Thái Lan và giàn khoan PV DRILLING III dự kiến cung cấp dài hạn cho 1-2 chương trình khoan tại Malaysia, kế hoạch khoan sẽ bắt đầu triển khai từ giữa tháng 10-2017 và có thể kéo dài sang năm 2020. Trước đó, vào tháng 6-2017, PV Drilling đã ký kết hợp đồng cung cấp giàn PV DRILLING VI cho TNK Vietnam B.V. (Rosneft).

Có thể nói, sau thành công của giàn PV DRILLING I hoạt động tại Total Myanmar, việc PV Drilling tiếp tục trúng thầu cung cấp giàn khoan tại nước ngoài một lần nữa thể hiện chiến lược đúng đắn giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường trong nước vốn còn nhiều khó khăn, nỗ lực tham gia đấu thầu cung cấp giàn khoan và các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan tại thị trường khu vực Đông Nam Á.

Một điểm sáng nữa của PV Drilling là vẫn tiếp tục duy trì tốt chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng thông qua công tác vận hành giàn khoan và cung cấp các dịch vụ an toàn, không để xảy ra sự cố đối với những hợp đồng còn đang thực hiện, đồng thời hiệu suất hoạt động của các giàn luôn được bảo đảm ở mức cao.

Một ưu tiên khác của PV Drilling trong giai đoạn thử thách hiện nay là chú trọng đẩy mạnh công tác tái cấu trúc, tiếp tục tăng cường công tác quản trị tài chính, triệt để tuân thủ các giải pháp về tiết giảm chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt chú trọng cắt giảm chi phí vận hành các giàn khoan, điều phối hợp lý nguồn nhân lực, hoàn thiện dự án quản trị rủi ro, đưa vào ứng dụng hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Drilling. Thêm nữa, PV Drilling liên tục theo dõi, cập nhật tình hình thị trường để kịp thời đưa ra những quyết định đầu tư chiến lược, hướng tới phát triển lâu dài trong tương lai.

Bước qua gần 3/4 chặng đường của năm 2017, thị trường dịch vụ khoan đang dần dần có những tín hiệu lạc quan. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức ODS Petrodata, lượng cung giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2017 được dự báo vào khoảng 65 giàn, trong khi nhu cầu giàn tự nâng khoảng 35 giàn, góp phần xoa dịu tình trạng dư thừa nguồn cung giàn tự nâng. Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng trong 9 tháng năm 2017 đã đạt mức 61,7%, tăng 12,7% so với năm 2016 (49%). Một số quốc gia trong khu vực trước đây có số lượng lớn giàn khoan tự nâng nằm chờ việc thì nay đang dần dần cải thiện tình trạng hoạt động cho các giàn như Malaysia hiện có 11 giàn, Indonesia có 5 giàn hoạt động. Trong khi đó, số lượng giàn đóng mới tại Singapore cũng giảm từ 17 giàn vào cuối năm 2016 xuống còn 15 giàn vào cuối tháng 9-2017.

Tại thị trường Việt Nam, số lượng giàn khoan hoạt động trung bình trong 9 tháng năm 2017 đạt 9,6 giàn so với mức trung bình 7 giàn của năm 2016. Giá cho thuê giàn khoan, khối lượng công việc và đơn giá của các dịch vụ cũng đang từng bước hồi phục. Đây chính là những tín hiệu tích cực, là cơ sở vững chắc để PV Drilling tin tưởng vào một cuộc phục hồi mạnh mẽ của ngành dầu khí nói chung và PV Drilling nói riêng trong tương lai gần.

Tính đến tháng 8-2017, các giàn khoan sở hữu của PV Drilling đạt hiệu suất hoạt động trung bình lên đến trên 98% và tất cả các giàn đều đạt zero LTI (không để xảy ra tai nạn gây mất thời gian lao động).

Thiên Thanh

Ngày 26/9/2017, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE) - Viện Dầu khí Việt Nam đã bảo vệ thành công nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp ngành: “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng bộ chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý môi trường cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Giai đoạn 1: Lĩnh vực lọc - hóa dầu”.

Chủ nhiệm Phạm Thành Đạt - Phòng An toàn và các tác giả thuộc CPSE đã nghiên cứu thiết lập Bộ chỉ số EPI đặc thù cho lĩnh vực lọc - hóa dầu; đánh giá kết quả áp dụng bộ chỉ số EPI và hiệu quả của công tác quản lý môi trường cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Đạm Phú Mỹ; định hướng các giải pháp cải tiến hiệu quả quản lý môi trường cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoạt động trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.


Quy trình thiết lập bộ chỉ số EPI

Bộ chỉ số tổng quát đặc thù cho lĩnh vực lọc - hóa dầu của PVN gồm 2 nhóm: chỉ số vận hành (OPIs) và chỉ số quản lý (MPIs), được đề xuất trên cơ sở đánh giá, sàng lọc từng chỉ số theo những tiêu chí chung đã áp dụng phổ biến trên thế giới. Đây là cơ sở thiết yếu để triển khai xây dựng bộ chỉ số ở các cấp độ cụ thể hơn cho từng đơn vị, là công cụ quản lý hỗ trợ ra quyết định cập nhật xu hướng quản lý mới của thế giới.

Bộ chỉ số đề xuất được cung cấp kèm theo tài liệu thuyết minh, bao gồm các thông tin về định nghĩa, ý nghĩa, phương pháp tính toán và nguồn dữ liệu cần thiết của từng chỉ số cụ thể, giúp các đơn vị có thể triển khai áp dụng trong thực tế.

Việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số hiệu quả môi trường rất cần thiết đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lọc - hóa dầu nhằm nhận diện các khía cạnh môi trường và các chỉ số tương ứng cần và có thể cải tiến, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý môi trường.

Trên cơ sở nhận diện các khía cạnh môi trường và các chỉ số tương ứng, nhóm tác giả cũng đề xuất một số định hướng về giải pháp cải tiến, bao gồm: nhóm giải pháp kỹ thuật và nhóm giải pháp quản lý, liên quan đến các khía cạnh tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, phát thải khí thải, chất thải rắn và nước thải. Ngoài ra, nhiệm vụ cung cấp các hướng dẫn về quá trình thiết lập và áp dụng bộ chỉ số hiệu quả môi trường đã đề xuất, dưới dạng quy trình chi tiết theo các bước cụ thể của vòng lặp PDCA; các hướng dẫn quan trọng khác liên quan đến cách thức tra cứu số liệu, biểu mẫu thu thập tài liệu, dữ liệu môi trường phục vụ quá trình tính toán và đánh giá các chỉ số tại đơn vị.

H.N

Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV GAS South) đã chính thức triển khai chương trình hỗ trợ an toàn cho ngư dân bám biển bằng việc đưa vào sử dụng loại lưới nhựa bảo vệ bình gas 12kg.

Thời gian qua, hầu hết các tàu thuyền đánh bắt dài ngày trên biển đều sử dụng bình gas, bếp gas để nấu nướng, phục vụ tàu bám biển. Mỗi lần ra khơi, trung bình một tàu cá sẽ dự trữ 4-5 bình gas 12kg trên tàu. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn khi sử dụng gas trên tàu vẫn chưa được ngư dân chú trọng. Các bình gas phần lớn đều để lộ thiên, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, chịu sức nóng của mặt trời mỗi ngày. Không ít bình gas bị rỉ sét nghiêm trọng do ăn mòn của nước biển, lại phải chịu sự va đập liên tục trong quá trình vận chuyển và sử dụng, từ đó lớp sơn trên bình bị bong tróc dẫn đến giảm tuổi thọ bình, dễ xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Chương trình mới triển khai của PV GAS South chính là nhằm hạn chế những tác hại trên. Với mục tiêu đưa an toàn lên trên lợi nhuận, PV GAS South triển khai cung cấp miễn phí loại lưới nhựa bảo vệ bình gas cho tất cả các bình gas 12kg. Trong giai đoạn đầu, PV GAS South áp dụng chương trình trước tiên tại các vùng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Định và một số vùng biển khu vực Tây Nam Bộ.


Sản phẩm bình gas có lưới bảo vệ của PV GAS South

Lưới bảo vệ bình gas cao 565mm, đường kính 300mm, chất liệu PE có độ co giãn, chịu được nhiệt độ cao (có thể đến dưới 230 độ C), khối lượng rất nhẹ chỉ 100gram/chiếc. Chiếc lưới nhựa này được bao bọc sát quanh bình gas 12kg (loại thông dụng nhất, đặc biệt trên các tàu đánh cá), có tác dụng bảo vệ lớp sơn trên vỏ bình, hạn chế việc va đập bình, tránh phát sinh tia lửa điện, an toàn hơn cho người sử dụng.

Tại trạm chiết nạp của PV GAS South, công nhân chiết nạp sẽ bao lưới bảo vệ bình gas vào bình sau khi nạp gas, dán tem nhãn hàng hóa, niêm màng co và tem chống hàng giả rồi đưa ra thị trường. Do đây là hỗ trợ của PV GAS South đến tay người tiêu dùng (chủ yếu là ngư dân đi biển), nên lưới bảo vệ bình gas là sản phẩm tặng, không tăng giá bán cũng như không thêm bất cứ khoản phụ thu nào. Đặc biệt chăm sóc ngư dân, sản phẩm của công ty có lưới bảo vệ sẽ được các đại lý, cửa hàng giao đến tận ghe, tàu của ngư dân.

Bên cạnh đó, PV GAS South cũng phân tích một số nguy cơ cho ghe, thuyền đánh cá như: việc sử dụng ống dẫn gas cũ nứt, không thay mới theo hướng dẫn, bố trí bếp và bình gas không hợp lý, chưa cách ly với khu vực máy tàu, không trang bị bình cứu hỏa… Đây cũng là những lý do xảy ra các vụ cháy nổ liên quan đến gas, rất nguy hiểm.

Khi lắp đặt bình gas cho khách hàng, nhân viên giao gas khi thấy dây dẫn cũ, nứt đều tư vấn cho khách hàng thay mới; đồng thời phối hợp với các ban ngành chức năng nhắc nhở, tư vấn và kiểm tra các điều kiện an toàn trên từng ghe, tàu khi có điều kiện.

Với phương châm luôn quan tâm đến sự an toàn của người tiêu dùng, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, PV GAS South vẫn tiếp tục tìm kiếm, đưa ra những giải pháp an toàn, giải tỏa nỗi lo của người dân khi sử dụng gas chính hãng, dù ở đất liền hay trên biển.

Phương Thảo

Ngày 5/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng ủy Tập đoàn) tổ chức tập huấn nghiệp vụ cấp ủy về công tác xây dựng Đảng năm 2017.

Tham dự có Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn, Thành viên HĐTV PVN Phạm Xuân Cảnh; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Trần Quang Dũng; Ủy viên BCH Đảng bộ Tập đoàn, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm cùng gần 100 đồng chí Bí thư chi bộ, Ủy viên BCH Đảng bộ đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại khu vực miền Bắc.


Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn giới thiệu nội dung Quy định 69-QĐ/TƯ và Quy định 89-QĐ/TƯ tại buổi tập huấn.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2017 của Đảng ủy Tập đoàn, nhằm giúp cấp ủy viên các cấp trong toàn Đảng bộ nắm chắc các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng mới được ban hành và các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về công tác đảng, để làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác đảng, Đảng ủy Tập đoàn đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng với những nội dung cụ thể như:

Quán triệt, triển khai một số Quy định của Trung ương Đảng và Đảng ủy Tập đoàn: Quy định số 69-QĐ/TƯ ngày 13/2/2017 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối - Kế hoạch triển khai của Đảng ủy Tập đoàn; Quy định số 89-QĐ/TƯ ngày 4/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.


Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị - Ban Tổ chức Trung ương Quản Minh Cường giới thiệu chuyên đề về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Chuyên đề về công tác bảo vệ chính trị nội bộ gồm các quy định của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng; Trình tự các bước, thẩm quyền các cấp xử lý các hồ sơ đề nghị xác minh về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay từ quần chúng, đảng viên, chi bộ, đảng bộ. Những nội dung, căn cứ để kết luận Hồ sơ có vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; Quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị.

Chuyên đề về nghiệp vụ công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành kỷ luật đảng: Quy định số 30-QĐ/TW và Hướng dẫn 01-HD/UBKTTW ngày 21/11/2016 của Uỷ ban kiểm tra Trung ương về thực hiện một số Điều trong Quy định số 30-QĐ/TW thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; “Hệ thống mẫu văn bản nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng” ban hành kèm theo Quyết định số 359-QĐ/UBKTTW ngày 09/11/2016 của Uỷ ban kiểm tra TW; Quy định 86-QĐ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về giám sát trong Đảng.


Toàn cảnh hội nghị

Chuyên đề về nghiệp vụ công tác đảng viên và công tác Văn phòng cấp ủy gồm các nghiệp vụ, quy trình công tác: kết nạp đảng, thẩm tra/xác minh lý lịch cho quần chúng vào Đảng, chuyển đảng chính thức, chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên; cập nhật cơ sở dữ liệu đảng viên, lưu trữ và bảo quản hồ sơ đảng viên; Một số điểm mới trong Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương về nghiệp vụ công tác đảng viên và Quy định về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng (Quy định số 66-QĐ/TW ngày 06/2/2017 của BCH Trung ương).

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Tập đoàn diễn ra trong 2 ngày từ 5 - 6/10/2017.

Tùng Dương