Super User

Super User

Chiều ngày 24/4, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Lễ phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tham dự lễ phát động, về phía UBND tỉnh Cà Mau có ông Nguyễn Minh Luân - Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía Petrovietnam có ông Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; các ông/bà trong Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn; ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Tập đoàn; bà Nghiêm Thùy Lan - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban/Văn phòng Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Khí Cà Mau thuộc PV GAS; Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau thuộc PV Power, các đơn vị Dầu khí trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến khô hạn là do những cánh rừng bị tàn phá nặng nề làm giảm khả năng điều tiết nước bề mặt, hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Chính vì thế việc trồng cây, gây rừng là một trong những biện pháp cấp thiết, lâu dài, bền vững khắc phục tình trạng hạn hán. Bên cạnh đó, việc phủ xanh những cánh rừng bị ngập mặn, nhiễm phèn, ngập nước… góp phần quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống xã hội. Đối với doanh nghiệp việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn đưa lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ carbon bù đắp phần phát thải.

Ông Lê Mạnh Hùng khẳng định, việc phát động trồng cây là hành động mạnh mẽ của Petrovietnam khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Từ lễ phát động này, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn, mỗi cán bộ nhân viên, người lao động sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường, không gian làm việc xanh, sạch, đẹp; qua đó tô đậm hình ảnh người Petrovietnam thân thiện, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Petrovietnam.

“Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí tiếp tục hưởng ứng và cam kết: chủ động trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái trong toàn Tập đoàn, tại các địa phương trong cả nước nhất là những nơi/vùng có hoạt động dầu khí. Bên cạnh đó, trồng cây phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ; xác định trồng cây nào, sống cây đó”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với chủ đề “Phục hồi rừng trên đất ngập nước”, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các đơn vị tập trung phối hợp với các địa phương tham gia trồng, phủ xanh, phục hồi rừng trồng trên đất ngập mặn, ngập nước tại các tỉnh có hoạt động dầu khí, đảm bảo mục tiêu kép hoàn thành trồng 3 triệu cây xanh trong năm 2025 và lượng hóa việc giảm thải CO2 vào môi trường làm cơ sở đón đầu xu hướng miễn, giảm thuế/phí môi trường, chống phát thải, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai hoàn thành chỉ tiêu phân bổ trong năm 2024 và 2025.

Năm 2022, Petrovietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 - 2025. Trong 2 năm qua các đơn vị đã trồng mới và chăm sóc 615.135 cây xanh. Các đơn vị đã có những hành động cụ thể thực hiện chương trình tiêu biểu như: Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã phối hợp với địa phương/đơn vị trồng được hơn 260.000 cây xanh trên 76 ha rừng tại Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An và hiện đã có những cánh rừng mang tên PVEP; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đánh giá tác động của các loại cây trồng đối với môi trường và đã hỗ trợ 100.000 cây phi lao giống cùng các vật tư đi kèm để chuyển tới các đảo Trường Sa trong chương trình “Xanh hóa Trường Sa”; Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đã cam kết cùng tỉnh Quảng Ngãi trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh; … Tuy nhiên, số lượng cây trồng thực hiện trong 2 năm qua còn thấp so với mục tiêu đề ra. Vì vậy năm 2024 là năm quan trọng then chốt để tăng tốc hoàn thành mục tiêu.

Ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP phát biểu

Ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP cho biết, với mục tiêu hướng đến Net Zero vào năm 2050, PVEP đã chủ động xây dựng lộ trình trồng cây từ 2024-2050 với tổng số cây dự kiến trồng hơn 1,7 triệu cây, mỗi năm trồng từ 60-300 ngàn cây xanh. Thông qua dự án trồng rừng đóng góp khoảng 5 -7% vào mục tiêu giảm phát thải ròng của PVEP đến năm 2050. PVEP xác định trồng rừng là một trong những biện pháp giúp PVEP đạt mục tiêu giảm phát thải, đồng thời cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Lãnh đạo Petrovietnam cùng cán bộ nhân viên Tập đoàn tham gia trồng cây tại lễ phát động.

Cũng tại lễ phát động, PVEP, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã ký thỏa thuận cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau bù đắp những cánh rừng bị hạn hán tàn phá, cũng như xanh hóa đất rừng bị nhiễm phèn, ngặp mặn để lan toả đi thông điệp “Phục hồi rừng trên đất ngặp nước vì một Việt Nam xanh”.

PVEP, PVCFC ký thỏa thuận với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh.

Biên bản ghi nhớ này đánh dấu sự hợp tác giữa PVEP và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, nhằm mục đích khai thác lợi thế của mỗi bên trong các hoạt động trồng và bảo vệ rừng, hướng tới các mục tiêu chính như bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu, trung hòa carbon và phát triển các cơ chế quy đổi tín chỉ carbon. Cả hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cùng thực hiện các dự án mà cả hai đều quan tâm.

Người dân huyện Trần Văn Thời nhận túi trữ nước ngọt.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 100 bồn nước, tổng trị giá 100 triệu đồng hỗ trợ bà con nhân dân huyện Trần Văn Thời.

Việt Nam đang đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước nhiều nơi cạn kiệt, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, cây trồng, nước sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Cà Mau. Trước tình hình đó, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của người lao động dầu khí, PVCFC dành tặng cho bà con nhân dân tỉnh Cà Mau 1 tỷ đồng để mua túi trữ nước ngọt hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 100 bồn nước với tổng trị giá 100 triệu đồng hỗ trợ bà con nhân dân huyện Trần Văn Thời khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân trao học bổng cho các em học sinh.

Khánh thành cầu tuyến 87 (xã Khánh Bình Tây Bắc) xây dựng bằng nguồn tài trợ của Petrovietnam.

Cùng ngày, đoàn công tác Petrovietnam cũng dự Lễ khánh thành cầu tuyến 87 (ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Tổng kinh phí xây dựng cầu hơn 500 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Petrovietnam. Đây là một trong 6 công trình giao thông nông thôn do Petrovietnam hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2022 - 2023 với tổng kinh phí 5 tỷ đồng.

Dịp này, Petrovietnam cũng trao tặng 20 suất học bổng, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh tại xã Khánh Bình Tây Bắc để khích lệ tinh thần hiếu học của các em.

Nguồn: Petrotimes

Từ ngày 8-19/4/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức khóa học "Công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả phát triển mỏ dầu khí" (Advanced technologies of increasing efficiency of oil and gas fields development) tại trụ sở Trường Đại học Dầu khí Việt Nam ở Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giảng viên khóa học là các chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu khoa học “Các vấn đề địa công nghệ của Dầu, Khí và Hóa học” (GPOGC), Học viện Dầu mỏ Quốc gia Azerbaijan (GS.TS Arif Suleymanov; PGS.TS Haji Malikov; TS. Turan Ibrahimov) với sự tham gia của 30 học viên đến từ các Ban & đơn vị thành viên thuộc PVN: Ban Khai thác Dầu khí Tập đoàn, VSP, PVEP, PQ POC, HLHV JOC, VPI, PVChem-Tech, DMC, PVU. TS. Lê Việt Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc VSP) tham gia trợ giảng và chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ Khai giảng khóa học vào ngày 8/4/2024, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó trưởng Phòng Đào tạo - Ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn đã chia sẻ: "Trong bối cảnh sản lượng dầu khí đang có xu hướng suy giảm, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Quản trị Nguồn nhân lực được lãnh đạo Tập đoàn giao phó là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu, Tập đoàn mong muốn các học viên nắm vững những kiến thức, công nghệ mới, để có thể áp dụng vào công việc thực tiễn, qua đó phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, hoàn thành các mục tiêu mà Tập đoàn đề ra".

PGS. TS Haji Malikov đại diện cho các chuyên gia từ Azerbaijan phát biểu cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho sự hợp tác lâu dài và hiệu quả của Tập đoàn và  Học viện Dầu mỏ Quốc gia Azerbaijan, trong đó rất nhiều chương trình trao đổi kỹ thuật, đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực của công nghiệp dầu khí được tổ chức tại Việt Nam và Azerbaijan. “Azerbaijan là một trong những nơi khai thác dầu mỏ sớm nhất thế giới, với tiềm năng rất lớn về dầu khí và có một lịch sử dài lâu với kinh nghiệm phong phú trong khai thác và sản xuất dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, các chất hóa dầu… Trường đại học Hóa Dầu Baku là trường đào tạo về dầu khí danh tiếng ở châu Âu. Trường đã có lịch sử hơn 100 năm và đào tạo kỹ sư cho khâu đầu là tìm kiếm, thăm dò, khai thác rất giỏi, trong đó rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam được đào tạo tại đây, nhiều người đã trở thành Lãnh đạo của PVN và các đơn vị thành viên”. PGS.TS Haji cũng nhắc lại sự kiện lịch sử ngày 23/7/1959 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vùng mỏ dầu  Baku của Cộng hòa Azerbaijan.

Trong thời lượng 02 tuần của khóa học, các học viên đã được nghe và thảo luận sôi nổi cùng giảng viên về các chuyên đề: (1) Cơ sở về mô phỏng mỏ; (2) Các chủ đề nâng cao trong Công nghệ mỏ; (3) Các vấn đề khi khai thác dầu có tỉ số khí dầu cao; (4) Ứng dụng mô phỏng mỏ trong công tác quản lý - phát triển mỏ, dự báo khai thác, thiết kế quy trình, quản lý rủi ro và ra quyết định; (5) Bơm ép nước; (6) Công nghệ giếng ngang; (7) Thử vỉa; (8) Mô phỏng gas tracer; (9) Phân tích rủi ro cho mỏ Azeri sử dụng kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật mới; (10) Kiểm soát cát; (11) Phân tích Fractal; (12) Tối ưu hóa gaslift; (13) Cảm biến nhiệt độ phân tán (Distributed Temperature Sensing); (14) Phân tích đường cong suy giảm sản lượng; (15) Công nghệ nano trong thu hồi dầu tăng cường.

Khóa học được học viên đánh giá cao về nội dung, phương thức truyền đạt, công tác tổ chức. Đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) – đơn vị tổ chức khóa học -  cùng các giảng viên đã cấp chứng nhận hoàn thành cho tất cả các học viên trong lễ Bế giảng vào chiều ngày 19/4/2024.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao sản lượng khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng và phát triển mỏ để sớm đưa vào khai thác, từ đó bù đắp phần sản lượng thiếu hụt do các mỏ chính đều đang ở giai đoạn suy giảm tự nhiên sau nhiều năm khai thác trong khi dư địa tăng sản lượng khai thác ngày càng thu hẹp, các dự án mới có cơ hội đầu tư thêm rất hạn chế. Khóa học trên đã giúp cung cấp thêm thông tin, kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ của PVN và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực E&P nghiên cứu, áp dụng cho những bài toán thực tế tại đơn vị.

Ngày 23/7/1959 đã diễn ra một sự kiện được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam và Azerbaijan. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vùng mỏ dầu  Baku của Cộng hòa Azerbaijan. Chính nơi đây, Bác đã nói với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí nước bạn Azerbaijan rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku”.

Tin và ảnh: ATC/PVU

Một số hình ảnh của khóa học

 Picture1

Các giảng viên từ Azerbaijan, TS. Lê Việt Hải (trợ giảng) và Ban Tổ chức lớp học

Picture2

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó trưởng Phòng Đào tạo - Ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn, phát biểu khai giảng khóa học

Picture3

Ông Châu Khiếu Minh – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) – Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, phổ biến nội quy khóa học

Picture4

Chuyên gia từ Azerbaijan chia sẻ các chuyên đề

Picture6

Trao chứng nhận hoàn thành khóa học tại Lễ bế giảng

Picture7

Các chuyên gia Azerbaijan, TS. Lê Việt Hải, TS. Phan Minh Quốc Bình (Hiệu trưởng PVU) chụp hình kỷ niệm

Ngày 29/3/2024, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Hòa chung khí thế tưng bừng của người lao động Dầu khí trong niềm vui phấn khởi tham gia giải chạy lớn nhất của ngành Dầu khí, Công đoàn trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức khai mạc giải Chạy bộ online Xuân Dầu khí lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Khát vọng vươn xa”.

PVU XDK 2024 1

Hòa chung khí thế tưng bừng của người lao động Dầu khí trong niềm vui phấn khởi tham gia giải chạy lớn nhất của ngành Dầu khí, Công đoàn Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức khởi động giải Chạy bộ online "Xuân dầu khí 2024". Sau thành công rực rỡ của giải chạy online "Xuân Dầu khí" lần thứ II được tổ chức năm 2023 với sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào mạnh mẽ tại các Công đoàn trực thuộc, thu hút đông đảo người lao động tham gia tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, phấn đấu hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), CĐ PVU tiếp tục nhiệt liệt hưởng ứng giải chạy online "Xuân dầu khí" lần thứ III năm 2024. Giải chạy còn là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024); kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024); kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024);

Được biết, giải chạy diễn ra trong 14 ngày, bắt đầu từ 0h00 ngày 29/3/2024 và kết thúc vào 23h59 ngày 11/4/2024, với sự tham gia của hơn 9500 VĐV ngành Dầu khí trên khắp cả nước, đến từ các công đoàn các đơn vị thuộc CĐ DKVN. Và ước tính tổng quãng đường đạt được sẽ là hơn 39.000 km.

Dự kiến lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức vào dịp phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024.

Để chuẩn bị cho giải chạy này, Các Runners PVU đã tích cực tập luyện để tham gia, chủ động chia sẻ kiến thức, phát huy tinh thần rèn luyện sức khỏe và quyết tâm đồng lòng gắn kết, vượt lên chính mình để vươn tới những giá trị tốt đẹp và cùng nhau đạt kết quả tốt nhất tại giải chạy năm nay. Phong chào chạy bộ nâng cao sức khỏe cũng là hoạt động thường niên được Công đoàn PVU phát động và tổ chức đều đặn hàng năm, đây cũng là cơ hội để các VĐV của nhà trường cùng nhau rèn luyện nâng cao sức khỏe, tạo sự gắn kết vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng.

Giải chạy bộ online "Xuân Dầu khí 2024" được tổ chức khá gần với kỷ niệm Ngày Quốc tế Thể thao vì Phát triển và Hòa bình. Điều này hi vọng sẽ truyền cảm hứng và thúc đẩy mọi người cùng nhau chạy bộ, nâng cao sức khỏe, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị và yêu chuộng hòa bình. Tại lễ khởi động giải, Câu lạc bộ chạy PVU đã tổ chức hoạt động chạy ngoài trời tại thành phố Bà Rịa. Đồng thời, các vận động viên PVU đang làm việc trên khắp mọi miền trong và ngoài nước, cũng đồng loạt tham gia khởi động giải tại đất nước Nhật Bản, TP Hồ Chí Minh và thành phố biển Vũng Tàu.

Một số hình ảnh:

Ngày 28/3/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cùng các đối tác tổ chức Lễ ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn.

Petrovietnam ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu tại lễ ký.

Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn có quy mô rất lớn tại Việt Nam, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn), với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO).

Quy mô đầu tư toàn chuỗi dự án lên tới gần 12 tỷ USD. Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 mét.

Petrovietnam ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B
Ký kết hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B.

Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW), ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.

Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Petrovietnam ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B
Ký kết hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B.

Trước đó, ngày 30/10/2023, sau thời gian dài chậm triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự quyết tâm của Petrovietnam và toàn bộ các bên trong chuỗi dự án, các bên liên quan trong chuỗi dự án đã ký kết các thỏa thuận khung, các biên bản thỏa thuận và trao thầu gói thầu số 1 EPC thượng nguồn.

Trên cơ sở đó, ngày 28/3/2024, sau quá trình đàm phán trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ cũng như hợp tác cùng phát triển, Petrovietnam và các bên đã thống nhất ký kết các thỏa thuận cho chuỗi dự án.

Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của PVN và các bên đầu tư, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc ký kết thành công các thỏa thuận cho Chuỗi dự án khí điện Lô B góp phần đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án.

Đồng thời, chuỗi dự án sẽ là nguồn lực quan trọng, là bước đệm để hỗ trợ thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó biến đổi khí hậu, và Quy hoạch điện VIII được xây dựng hướng tới một hệ thống năng lượng “xanh hơn”, “sạch hơn”, phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.

Để việc triển khai chuỗi dự án được đồng bộ, đạt các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam và các bên liên quan phải đối diện còn rất lớn.

Đó là điểm nghẽn trong các cơ chế chính sách huy động, vận hành hệ thống điện cho các nhà máy điện tiêu thụ khí Lô B; là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng cho dự án nhà máy điện Ô Môn III; là sự tối ưu, rút ngắn thủ tục phê duyệt để tiến độ dự án nhà máy điện Ô Môn IV để đáp ứng yêu cầu của chuỗi dự án; hay là việc đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán điện của các nhà máy điện sử dụng khí Lô B.

Petrovietnam ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B
Ký kết hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa các chủ mỏ và chủ vận chuyển

Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, là một bên tham gia vào chuỗi dự án, Petrovietnam luôn coi việc đưa Dự án Lô B vào khai thác là nhiệm vụ rất quan trọng và cần được thực hiện thành công. Việc phát triển Dự án Lô B sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia .

Thay mặt ban lãnh đạo Petrovietnam, Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với vai trò là chủ đầu tư của Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV, trong quá trình đàm phán, thống nhất các hợp đồng mua bán điện, cũng như phối hợp cùng báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi các thông tư cần thiết để đảm bảo các nhà máy điện sử dụng khí Lô B tiêu thụ hết lượng khí theo cam kết trong các hợp đồng mua bán khí liên quan.

Petrovietnam sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất triển khai các hạng mục công việc trong chuỗi dự án theo đúng tinh thần chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, đảm bảo đồng bộ về tiến độ giữa các khâu, các dự án thành phần để đảm bảo hiệu quả kinh tế của chuỗi dự án, phấn đấu có dòng khí đầu tiên của dự án trong thời gian sớm nhất.

Các thỏa thuận được ký kết gồm:

1. Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B với các điều khoản cam kết mua bán khí Lô B giữa Chủ mỏ, gồm các bên bán là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí, Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan), với bên mua (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Lượng khí Lô B mỗi năm được các Bên cam kết giao nhận khoảng 5,06 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn.

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê các chủ vận chuyển (gồm các bên: Tổng công ty Khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty MOECO, Công ty PTTEP), theo các điều khoản, điều kiện cam kết trong hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B, nhằm vận chuyển toàn bộ lượng khí Lô B (khoảng 5,06 tỷ m3/năm) về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).

3. Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa các chủ mỏ (gồm các bên là: Petrovietnam, PVEP, MOECO, PTTEP) và Chủ Vận chuyển (gồm các Bên: PV GAS, Petrovietnam, MOECO, PTTEP). Đây là hợp đồng dịch vụ để đấu nối các trang thiết bị của Chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B và chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan để hỗ trợ chủ vận chuyển trong suốt thời hạn hợp đồng.

4. Lượng khí Lô B sau khi về đến bờ, sẽ được Petrovietnam phân bổ và cung cấp cho các Nhà máy điện tại khu vực Ô Môn. Hợp đồng bán khí Lô B giữa Bên Bán (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) với bên mua (Tổng công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2) sẽ cung cấp một phần khí Lô B cho Nhà máy điện Ô Môn I, với lượng khí mỗi năm khoảng 1,265 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn.

Hằng Nga

Trong 2 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ghi nhận nhiều điểm sáng với doanh thu tăng trưởng 19% và nộp ngân sách Nhà nước tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Article thumbnail

Cuộc họp giao ban CEO tại điểm cầu trụ sở Petrovietnam

Ngày 19/3/2024, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn về hoạt động SXKD tháng 2 và 2 tháng đầu năm, dự kiến quý I năm 2024, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng dự và phát biểu chỉ đạo.

Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu tháng 2 đạt 50,3 điểm, tăng 0,3 điểm so với tháng 1. Trong nước, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 2 tăng 0,1 điểm so với tháng 1, đạt 50,4 điểm, và là tháng thứ 2 liên tiếp đạt trên 50 điểm. Tuy nhiên, những rủi ro về kinh tế vĩ mô, thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, nợ công toàn cầu tăng mạnh, trong nước tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ giá biến động bất lợi (trong 2 tháng đầu năm, tỷ giá VNĐ/USD bình quân tăng 3,9% so với cùng kỳ)…; cùng với đó là các rủi ro do căng thẳng địa chính trị, hệ lụy từ các lệnh trừng phạt, kinh tế toàn cầu phân cực, quy tắc thương mại đa phương bị đe dọa.

Cuộc họp giao ban CEO tại điểm cầu trụ sở Petrovietnam 

Về mặt thị trường, mặc dù giá dầu thô tháng 2 có mức tăng nhẹ so với tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số giá nhiều mặt hàng sản xuất khác của Petrovietnam giảm và không ổn định: Giá khí đốt giảm mạnh, chạm đáy trong tháng 2/2024 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong nửa đầu tháng 3; giá phân bón bấp bênh (giảm 10% so với cùng kỳ); biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 15%; cơ chế giá điện đang trong quá trình dự thảo, trình xem xét thay đổi; giá than giảm mạnh (giá than thế giới trong tháng 2/2024 giảm đến 25% so với trung bình tháng 1/2024) ảnh hưởng đến việc tiêu thụ khí cho điện cũng như sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, huy động khí và điện tiếp tục ở mức thấp, nhiều nhà máy điện khí gần như không được huy động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả SXKD của Tập đoàn.

Trong tình hình đó, toàn Tập đoàn bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được cấp trên giao và Quyết định 529/QĐ-DKVN của HĐTV Tập đoàn ngày 15/02/2024 về Giao mục tiêu, giải pháp triển khai nhiệm vụ kế hoạch quản trị năm 2024 (Kế hoạch 529); theo dõi chặt diễn biến thị trường: tài chính, các sản phẩm năng lượng để có các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh; công tác đảm bảo an ninh, an toàn sản xuất tại tất cả các đơn vị/công trình/nhà máy/giàn khoan đều thực hiện nghiêm túc, thông suốt... nhờ đó các chỉ tiêu SXKD của Tập đoàn tháng 2/2024 đều hoàn thành vượt mức từ 3- 37% so với kế hoạch.

Các điểm cầu trực tuyến 

Tính chung 2 tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 2 tháng từ 5 - 30%, nổi bật là: khai thác dầu đạt 1,66 triệu tấn, vượt 19% KH; khai thác khí đạt 1,07 tỷ m3, vượt 30% KH (nhưng chỉ bằng 87% so với khả năng cung cấp của Tập đoàn); đạm đạt 314 nghìn tấn, vượt 6% KH, LPG đạt 143 nghìn tấn, vượt 6,8% KH; xăng dầu (bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 2,67 triệu tấn, vượt 8,3% KH; Polypropylen đạt 29,2 nghìn tấn, vượt 14% KH. Đặc biệt, có 6 chỉ tiêu sản xuất thực hiện 2 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, đó là: xăng dầu tăng 23,5%; sản xuất điện tăng 11%; LPG tăng 6,7%; Sản xuất đạm tăng 2,1%; Polypropylen tăng 8,5%; NPK tăng 2,6 lần, góp phần ổn định thị trường và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Nổi bật, xuất khẩu phân bón của PVFCCo trong 2 tháng đầu năm đã đạt tương đương so với mức của cả năm 2023. Phân bón Cà Mau chính thức xâm nhập sản phẩm vào hai thị trường phân bón khó tính của thế giới là Úc, New Zealand, đồng thời tiếp tục chinh phục chất lượng từ thị trường đã có của Châu Mỹ. PV GAS chính thức triển khai cung cấp LNG cho khách hàng công nghiệp từ ngày 15/3/2024. Trong thời gian bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR vẫn tiếp tục xuất hàng ra thị trường thông qua việc pha chế sản phẩm trên cơ sở các cấu tử, sản phẩm trung gian còn lại tại nhà máy cũng như hợp tác với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn…

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiến hành bảo dưỡng tổng thể đồng thời vẫn xuất hàng trong thời gian bảo dưỡng 

Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị biến động nên mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn 2 tháng đầu năm 2024 giảm từ 3 - 15% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 18 - 48% kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 149,6 nghìn tỷ đồng, vượt 28%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, vượt 18%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, công tác đầu tư được Tập đoàn triển khai tích cực, giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn 2 tháng đạt 3,14 nghìn tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2023. Petrovietnam tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư: Đối với Chuỗi dự án Khí điện Lô B - Ô Môn, tích cực đàm phán các thỏa thuận thương mại với các Bên liên quan, với mục tiêu có FID trong tháng 4/2024 theo kế hoạch. Tiến độ tổng thể dự án NMĐ Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 đến ngày 29/02/2024 đạt 80,2%, hiện tại đang tích cực triển khai, đảm bảo đưa NMĐ Nhơn Trạch 3 vào vận hành thương mại trong tháng 12/2024, NMĐ Nhơn Trạch 4 vào tháng 6/2025.

Tại buổi giao ban, bên cạnh thông tin về kết quả SXKD 2 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã tập trung thảo luận, đánh giá và đưa ra các dự báo về tình hình thị trường trong tháng 3 cũng như các tháng còn lại của năm; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các hoạt động, cũng như chủ động tận dụng các cơ hội thị trường.

 PV GAS chính thức cung cấp LNG cho khách hàng công nghiệp

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Petrovietnam đã đạt được trong 2 tháng đầu năm 2024. Nhận định những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam phải đối diện thời gian tới là rất lớn, đang có dấu hiệu gia tăng, Chủ tịch Tập đoàn đề nghị, Ban điều hành và người đại diện Tập đoàn tại các đơn vị tiếp tục quán triệt mục tiêu kế hoạch quản trị với tinh thần đồng bộ, đồng hành, toàn diện, liên tục, hướng đích, từng bước theo tháng, theo quý hoàn thành kế hoạch quản trị của Tập đoàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ thời gian tới như: tập trung thúc đẩy hoàn thiện chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách cho sự phát triển của ngành; theo dõi các rủi ro về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính để có giải pháp ứng phó; tập trung công tác đầu tư, bám sát tiến độ, xử lý các vướng mắc tại các dự án trọng điểm như Lô B, Nhơn Trạch 3 và 4; thúc đẩy các dự án tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho Tập đoàn trong tương lai như dự án tại Long Sơn và Vũng Áng; xử lý triệt để vướng mắc tại các dự án, công trình khó khăn như tái cấu trúc DQS, NMLD Nghi Sơn…

Kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đánh giá, doanh thu và nộp ngân sách toàn Tập đoàn trong 2 tháng đầu năm đạt mục tiêu kế hoạch quản trị đề ra và tăng trưởng so với cùng kỳ là điểm sáng trong hoạt động SXKD của Tập đoàn. Petrovietnam đạt được kết quả đó trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất lợi, đó là sản lượng khai thác dầu, khí, đạt thấp hơn so với kế hoạch do đà suy giảm tự nhiên lớn; tiêu thụ khí và điện khí khó khăn, các cơ chế chính sách về giá, cước phí, bao tiêu, huy động… trong lĩnh vực khí, điện còn nhiều vướng mắc.

 Xuất khẩu Phân bón Phú Mỹ trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng cao

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tích cực triển khai các giải pháp, duy trì công tác quản trị để thực hiện thành công Kế hoạch 529, nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu SXKD của tháng 3, quý I/2024 và các tháng tiếp theo; bám sát, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan và tập trung chỉ đạo để thúc đẩy hoàn thiện các văn bản pháp quy, trước mắt là tập trung thúc đẩy các cơ chế, chính sách liên quan đến LNG, khí, điện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cho sự phát triển xuyên suốt chuỗi hoạt động của Tập đoàn từ thăm dò khai thác đến sản xuất, tiêu thụ; tiếp tục tối ưu hoạt động khai thác, áp dụng các giải pháp hạn chế đà suy giảm sản lượng tự nhiên, cùng với việc thúc đẩy công tác đầu tư, phát triển mỏ để đảm bảo sản lượng khai thác dầu khí; tập trung nguồn lực, bám sát tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án Lô B; tích cực chuẩn bị các công tác liên quan đến đại hội đồng cổ đông thường niên tại các đơn vị thành viên;....

Chủ trì cuộc họp giao ban đầu tiên với lãnh đạo các đơn vị, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn mong muốn và tin tưởng với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, toàn Tập đoàn sẽ đoàn kết một lòng, cùng nhau thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao.

“Với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục khai mở những cơ hội trong khó khăn, thách thức, làm mới động lực cũ và bổ sung động lực mới, đưa Tập đoàn vươn tới những đỉnh cao mới”, Tân Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Ngày 20/3, Petrovietnam đã tổ chức Lễ công bố và trao các quyết định Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn cho đồng chí Lê Ngọc Sơn.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; các đồng chí lãnh đạo đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Về phía Petrovietnam có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo các đơn vị thành viên, chi nhánh, ban quản lý dự án trực thuộc Tập đoàn.

Tại buổi lễ, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Ủy ban Quản lý vốn, Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Quản trị nguồn nhân lực Petrovietnam đã công bố các quyết định: bổ nhiệm Thành viên HĐTV, bổ nhiệm Tổng giám đốc và chuẩn y tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với đồng chí Lê Ngọc Sơn.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao quyết định bổ nhiệm Thành viên HĐTV Petrovietnam cho đồng chí Lê Ngọc Sơn
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trao quyết định chuẩn y Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn đối với đồng chí Lê Ngọc Sơn
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho đồng chí Lê Ngọc Sơn

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh chúc mừng Petrovietnam đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt, chúc mừng đồng chí Lê Ngọc Sơn được tin tưởng giao nhiệm vụ mới. Khẳng định đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề, Chủ tịch UBQLV tin tưởng với bề dày công tác, là cán bộ có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý điều hành, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Tập đoàn, đồng chí Lê Ngọc Sơn sẽ cùng tập thể ban lãnh đạo, cán bộ, người lao động tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, nỗ lực vượt khó để tăng trưởng, phát triển Tập đoàn ngày càng bền vững.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban phát biểu giao nhiệm vụ

Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Ngọc Sơn cảm ơn lãnh đạo Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, tập thể ban lãnh đạo Tập đoàn đã tin tưởng, tín nhiệm giao trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Đồng thời, đồng chí Lê Ngọc Sơn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các bậc lão thành, các thế hệ người lao động Dầu khí đã khai phá, vun đắp, xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực và an ninh quốc phòng của đất nước.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu nhận nhiệm vụ

Được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn, đồng chí Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm vô cùng to lớn đối với cá nhân đồng chí. Nêu rõ trong chặng đường sắp tới, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Petrovietnam cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, đồng chí Lê Ngọc Sơn tin rằng: Với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục khai mở những cơ hội trong khó khăn, thách thức, làm mới động lực cũ và bổ sung động lực mới, đưa Tập đoàn vươn tới những đỉnh cao mới”.

Trên tinh thần đó, trên cương vị mới, đồng chí Lê Ngọc Sơn cho biết sẽ cùng ban lãnh đạo Tập đoàn, tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm để làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới, đưa Tập đoàn vươn tới những đỉnh cao mới: nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo; nâng tầm văn hóa doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng tầm quản trị doanh nghiệp; tối ưu hóa danh mục đầu tư, tài chính; mở rộng chuỗi liên kết giá trị, phát triển khoa học công nghệ.

“Tôi xin cam kết sẽ tiếp nối truyền thống, bản lĩnh, ý chí của người Dầu khí, “những người đi tìm lửa”, tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa đã được định hình và kiến tạo trong hơn 6 thập kỷ hình thành, xây dựng và phát triển; với phương châm “Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai”, phấn đấu nỗ lực hết mình, sát cánh cùng Tập thể lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên, cán bộ, công nhân viên toàn Tập đoàn, đoàn kết, chung sức đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó và các mục tiêu Tập đoàn đề ra, xây dựng và phát triển Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực”, đồng chí Lê Ngọc Sơn phát biểu.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chúc mừng đồng chí Lê Ngọc Sơn được tín nhiệm, giao nhiệm vụ Phó Bí thư, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành, Đảng ủy Khối DNTW tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, giải quyết những khó khăn mà Tập đoàn đang phải đối mặt. Đồng chí Lê Mạnh Hùng kêu gọi tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Tập đoàn tiếp tục phát huy tinh thần "Một đội ngũ - Một mục tiêu" với phương châm "đồng hành, đồng bộ, toàn diện, liên tục, hướng đích", tập trung xây dựng phát triển Tập đoàn ổn định bền vững, trở thành niềm tự hào của người lao động Dầu khí, của đất nước và của dân tộc Việt Nam

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới
Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban, Đảng ủy Khối DNTW, lãnh đạo Tập đoàn chúc mừng đồng chí Lê Ngọc Sơn

Hiền Anh

Page 1 of 159