Ngày 19/7, đoàn công tác của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) do TS Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng VPI, Hiệu trưởng PVU dẫn đầu đã đến thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nhằm thảo luận, trao đổi, tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo.

VPI, PVU và BSR tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo
Quang cảnh chung của buổi làm việc

 

Tham dự buổi làm việc, về phía BSR có ông Phạm Minh Nghĩa - Phó Tổng giám đốc, ông Đặng Ngọc Đình Điệp - Phó Giám đốc Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất; ông Trần Hải Ninh - Phó Ban Nghiên cứu Phát triển; ông Nguyễn Minh Quân - Phó Trưởng phòng thuộc Ban Quản trị Nguồn nhân lực; cùng đại diện các ban chuyên môn trong công ty.

Về phía VPI và PVU có TS Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng VPI, Hiệu trưởng PVU; ông Trần Vĩnh Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí; ông Lê Hồng Nguyên - đại diện VPI tại miền Trung; TS Lê Quốc Phong - Trưởng phòng Đào tạo; ông Nguyễn Thái Đạt - Trưởng phòng Tổ chức hành chính; ông Châu Khiếu Minh - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao; TS Trương Thanh Tuấn - Phó phòng phụ trách Phòng Đối ngoại và Khoa học Công nghệ; TS Dương Chí Trung - Chủ nhiệm bộ môn Lọc hóa dầu. Bên cạnh đó, VPI còn có các chuyên gia cao cấp gồm ông Trương Như Tùng và ông Nguyễn Hữu Lương tham dự họp trực tuyến.

Đại diện BSR đã giới thiệu tổng quan về BSR và NMLD Dung Quất, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thành tựu nổi bật thời gian qua về công tác khoa học công nghệ, an toàn vận hành, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tái tạo văn hóa doanh nghiệp và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Đại diện VPI giới thiệu về các hướng nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn, định hướng ứng dụng cũng như các vấn đề khoa học kỹ thuật cụ thể đối với lĩnh vực chế biến dầu khí và BSR.

VPI, PVU và BSR tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo
VPI, PVU và BSR tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo
TS Phan Minh Quốc Bình giới thiệu về PVU tại buổi làm việc

Về phía PVU, TS Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu về cơ sở vật chất, các ngành nghề đào tạo tại trường cũng như chương trình liên kết quốc tế với các trường và trung tâm uy tín, có thế mạnh trong lĩnh vực dầu khí trên thế giới. Đặc biệt, tháng 12/2021 PVU đã tổ chức thành công đợt kiểm định chính thức cho 3 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET bao gồm: Kỹ thuật địa chất, kỹ thuật dầu khí và kỹ thuật hóa học và đã nhận được tổ chức ABET nhận xét, đánh giá cao cho cả 3 chương trình. Bên cạnh đó, trường đang nghiên cứu thành lập các bộ môn mới về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tài nguyên năng lượng mới và tái tạo… đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành Dầu khí nói riêng và xã hội nói chung trong giai đoạn phát triển của CMCN 4.0. Trong hơn 11 năm kể từ khi thành lập PVU đến nay, BSR đã luôn hỗ trợ việc hướng dẫn tốt nghiệp và thực tập nghề cho nhiều lớp sinh viên của trường cũng như tạo điều kiện cơ hội, việc làm cho sinh viên. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của trường sẵn sàng hỗ trợ BSR về chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng như các khóa học nâng cao, chuyên sâu phục vụ cho công việc.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Nghĩa - Phó Tổng giám đốc BRS đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa BSR và VPI, PVU trong thời gian qua cũng như ghi nhận chất lượng nghiên cứu, đào tạo của Viện và Trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam; đồng thời chúc mừng PVU đã tổ chức thành công đợt kiểm định chính thức cho 3 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET của Mỹ.

VPI, PVU và BSR tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo
VPI, PVU và BSR tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo
Đại diện BSR và VPI, PVU trao đổi tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo tại buổi làm việc

Trong khuôn khổ buổi họp, các bên cũng chia sẻ, trao đổi thông tin về nội dung hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cụ thể như sau:

Hướng hợp tác giữa BSR và VPI tập trung vào nghiên cứu các phương án giảm phát thải CO2 tại NMLD Dung Quất; Đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống các van an toàn, đường xả khí và đuốc đốt khi các phân xưởng công nghệ trong nhà máy vận hành ở công suất cao; Nghiên cứu các công nghệ cụ thể trong sản xuất, tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydro cho NMLD; Nghiên cứu sản xuất dầu gốc để pha chế dầu bôi trơn; Tư vấn xây dựng chiến lược phát triển Trung tâm R&D của BSR; Đào tạo tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật hóa học.

Hướng hợp tác giữa BSR và PVU tập trung trong lĩnh vực đào tạo: PVU tổ chức các khóa cao học ngành kỹ thuật hóa học (chuyên sâu vào lĩnh vực lọc - hóa dầu); Tiếp tục hợp tác và giảng dạy các khóa học ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu về kỹ thuật - quản trị do Trung tâm ATC - PVU tổ chức; BSR chia sẻ các chuyên đề truyền cảm hứng nghề nghiệp cho sinh viên PVU; PVU gửi giảng viên đi đào tạo thực tế tại BSR; Tiếp tục gửi sinh viên năm thứ 3-4 của PVU thực tập tại BSR… Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu cải tiến quy trình xử lý khí; Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả chứng cất dầu thô tại NMLD Dung Quất; Xây dựng bộ điều khiển nâng cao ứng dụng tại phân xưởng isomer hóa của nhà máy; Khắc phục vấn đề dính trượt cho các van dính trượt…

VPI, PVU và BSR tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo
Ông Phạm Minh Nghĩa - Phó Tổng giám đốc BRS phát biểu tại buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, ông Phạm Minh Nghĩa - Phó Tổng giám đốc BRS nhấn mạnh: “Các nội dung nghiên cứu đề xuất của VPI và PVU sẽ được phía BSR rà soát tính cần thiết để lựa chọn nghiên cứu triển khai sớm trong năm nay và đưa vào kế hoạch những năm sau. Về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ngoài việc luôn tạo điều kiện và ủng hộ những thế mạnh của PVU, BSR sẽ tăng cường phối hợp với nhà trường trong việc cử chuyên gia có kinh nghiệm tham gia huấn luyện cũng như huy động các trang thiết bị, mô hình có sẵn để cùng cung cấp giải pháp và dịch vụ cho các đơn vị khác”.

Cuộc họp cũng khẳng định về chủ trương tăng cường hơn nữa hợp tác của các đơn vị “nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Hồng Thắm

 
Published in Tin mới PVU

Sáng ngày 22/6/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Theo kế hoạch, từ ngày 22 đến 29/6/2021, sẽ có 1.000 người lao động BSR được tiêm mũi thứ nhất vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca.

Ngày 15/6/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đợt 2. Trong đợt 2 này, BSR là một trong những đơn vị được ưu tiên tiêm cho người lao động. Ban lãnh đạo Công ty đã nỗ lực đàm phán với tỉnh Quảng Ngãi để được phân bổ 1.000 liều vắc-xin.

Ngay trong ngày đầu tiên 22/6/2021 đã có trên 170 CBCNV đã được tiêm và không có bất cứ trường hợp phản ứng phản vệ đặc biệt nào được ghi nhận sau khi tiêm.


CBCNV đến tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được tiếp đón chu đáo và hướng dẫn để điền thông tin vào các biểu mẫu.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nơi người lao động BSR được tiêm vắc-xin, là nơi có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ y bác sỹ tay nghề cao, đảm bảo tư vấn, xử lý các tình huống (nếu có) trong quá trình tiêm vắc-xin.

Người lao động BSR được tiêm vắc xin đợt này theo thứ tự ưu tiên là: 100% nhân sự trực tiếp vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Ban lãnh đạo Công ty, lãnh đạo các ban chuyên môn, nhân sự làm việc tại Nhà máy, nhân sự thường xuyên tiếp xúc bên ngoài và một số nhân sự nhà thầu cung cấp dịch vụ cho Nhà máy như lực lượng an ninh, nhân sự cung cấp hậu cần ăn uống cho người lao động.

Chia sẻ trong lúc chờ theo dõi sau khi được tiêm vắc-xin, anh Nguyễn Ngọc Văn - Công nhân kỹ thuật Điện hơi, Ban Vận hành sản xuất rất vui vì đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Là một trong những nhân sự được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, chúng tôi rất cảm ơn Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Công ty BSR đã quan tâm đến người lao động trong Khu công nghiệp Dung Quất nói chung, NMLD Dung Quất nói riêng. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, sau khi tiêm vắc-xin thì nỗi lo lắng về việc bị nhiễm bệnh sẽ giảm đi rất nhiều, từ giờ chúng tôi sẽ yên tâm làm việc hơn và cùng chung tay lao động hết sức mình để vận hành Nhà máy tuyệt đối an toàn, liên tục và hiệu quả.” - anh Nguyễn Ngọc Văn chia sẻ.


Anh Nguyễn Ngọc Văn - Công nhân kỹ thuật Điện hơi, Ban Vận hành sản xuất được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Bác Sỹ Ngô Văn Hùng - Trưởng Trạm y tế NMLD Dung Quất cho biết, BSR đã chuẩn bị rất chu đáo công tác triển khai tiêm vắc-xin cho người lao động. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Công ty, trước khi triển khai tiêm vắc-xin, Ban An toàn môi trường (ATMT) đã phổ biến những thông tin cần thiết về tiêm vắc-xin trong thời gian trước, trong và sau khi tiêm cho toàn bộ CBCNV. Công ty đã bố trí xe đưa đón CBCNV đến nơi tiêm phòng hợp lý, đầy đủ và kịp thời; đồng thời phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi bố trí địa điểm tiếp đón CBCNV tại khu vực tiêm; hướng dẫn làm các thủ tục trước khi tiêm,… nhằm đảo an toàn cho người lao động khi tiêm phòng.

NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm Quốc gia trong lĩnh vực Dầu khí và giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Đất nước. Nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao đó, Lãnh đạo Công ty BSR đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người lao động nhằm giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Bên cạnh việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, BSR đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt tất cả các biện pháp phòng chống dịch cần thiết như tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới CBCNV thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K theo đúng quy định; Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động trực tiếp sản xuất và những nhân sự có thời gian nghỉ lễ hoặc có di chuyển đến các địa điểm có ca nhiễm Covid-19; Tăng cường phương tiện vận chuyển CBCNV nhằm ngồi giãn cách khi đưa đón đến nơi làm việc; Tổ chức phun khử khuẩn phương tiện vận chuyển hằng ngày để đảm bảo an toàn trong thời gian dịch bệnh; Bố trí phòng ở cho trên 200 nhân sự trực tiếp vận hành NMLD Dung Quất để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; Xây dựng kế hoạch nhập/lưu trữ hàng hóa thực phẩm đảm bảo cho ít nhất 30 ngày trong trường hợp Quảng Ngãi có dịch bệnh bùng phát nhanh và hàng hóa không được lưu thông.

Dưới đây là một số hình ảnh người lao động BSR tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong ngày đầu tiên:


Tại bàn đón tiếp, CBCNV được đo nhiệt độ, huyết áp và kê khai những thông tin cần thiết.


Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội tại bàn tiêm vắc-xin phòng Covid-19.


Thành viên HĐQT BSR Nguyễn Bá Phước đang được đo huyết áp tại bàn đón tiếp.


Tại bàn khám sàng lọc, CBCNV được bác sỹ khám sức khỏe và tư vấn những vấn đề cần thiết.


Thành viên HĐQT BSR Nguyễn Hải Âu tại bàn khám sàng lọc.


Bác sỹ thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động BSR.


Bác sỹ thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động BSR.


CBCNV chia sẻ “Những điều nên biết về tiêm vắc-xin phòng Covid-19” trong lúc chờ theo dõi sau khi được tiêm.

Ngày 15/6/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đợt 2, với khoảng 20.810 người được tiêm phòng mũi 1. Trong đợt 2 này, bên cạnh các đối tượng ưu tiên theo quy định, người lao động tại Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh; các công trình trọng điểm quốc gia; doanh nghiệp có quy mô lớn và đối tượng lao động làm việc giao tiếp nhiều… cũng được tiêm trong đợt này.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu Kinh tế Dung Quất nên là đối tượng ưu tiên tiêm đợt này. Ban lãnh đạo Công ty đã nỗ lực đàm phán với tỉnh Quảng Ngãi để được phân bổ 1.000 liều vắc xin cho người lao động BSR trong đợt này.


BSR tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ông Bùi Ngọc Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR cho biết: Công ty hết sức vui mừng vì được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm ưu tiên phê duyệt 1.000 liều vắc xin và sẽ triển khai tiêm từ ngày 22/6 - 29/6/2021. BSR đã xây dựng kịch bản tiêm phù hợp để đảm bảo người lao động đi tiêm an toàn, đầy đủ nhưng vẫn đủ quân số vận hành an toàn, liên tục cho NMLD Dung Quất. Người lao động BSR sẽ được tiêm vắc xin ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi - là nơi có cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sỹ có tay nghề cao, đảm bảo tư vấn, xử lý các tình huống (nếu có) trong quá trình tiêm vắc xin.


Xét nghiệm PCR cho CBCNV BSR

Chúng tôi đang phối hợp thường xuyên với tỉnh Quảng Ngãi để triển khai thành công đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho CBCNV BSR theo thứ tự ưu tiên là: 100% nhân sự trực tiếp vận hành Nhà máy sẽ được tiêm trong đợt này, Ban lãnh đạo Công ty, lãnh đạo các ban chuyên môn, nhân sự làm việc tại Nhà máy, nhân sự thường xuyên tiếp xúc bên ngoài và một số nhân sự nhà thầu cung cấp dịch vụ cho Nhà máy như lực lượng an ninh, nhân sự cung cấp hậu cần ăn uống cho người lao động. Ông Bùi Ngọc Dương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, BSR theo dõi thường xuyên tình hình dịch bệnh đang xảy ra phức tạp ở một vài tỉnh/thành để tiếp tục có những biện pháp phòng dịch như: xét nghiệm PCR cho người trở về từ vùng dịch, khai báo y tế, bố trí nghỉ phép/nghỉ bù/làm việc online… Đặc biệt, BSR tiếp tục triển khai đưa các công nhân, kỹ sư vận hành trực tiếp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào sống tập trung ở khu CT1, Khu tập thể Vạn Tường để phòng chống dịch bệnh.\

Chiều ngày 17/8/2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức lễ tổng kết công tác cổ phần hóa 3 đơn vị: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIl) và Công ty Cổ phần Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, các thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa. Về phía Tập đoàn Dầu khí có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn, các đồng chí Thành viên HĐTV, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị PVPower, BSR và PVOIl.

Tại buổi lễ, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Đinh Văn Sơn, thay mặt Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa các đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp tại PV Power, PVOIl và BSR. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí) đã cơ bản hoàn thành công tác cổ phần hóa ba đơn vị thành viên Tập đoàn là PVPower, PVOIl và BSR.


Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Đinh Văn Sơn báo cáo tổng kết công tác cổ phần hóa tại 3 đơn vị

Ban chỉ đạo đã chỉ đạo ba đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng Phương án cổ phần hóa phù hợp với các quy định hiện hành để báo cáo Hội đồng Thành viên Tập đoàn thông qua, trình Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp và đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và triển khai thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật.

Công tác kiểm kê, xử lý tài chính, xác định giá trị thực hiện theo đúng các quy định hiên hành. Sau khi tổ chức tư vấn định giá lập hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, Tập đoàn đã báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương mời Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp.

Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp như sau: PVOIl là 19.309 tỷ đồng; PVPower 60.623 tỷ đồng; BSR 72.880 tỷ đồng. Giá trị doanh nghiệp xác định lại của ba đơn vị đều tăng so với giá trị sổ sách, là cơ sở để xác định giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Cụ thể, giá khởi điểm của PVOIl là 13.400 đồng/CP, PVPower là 14.400 đồng/CP, BSR là 14,600 đồng/CP.


Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh tặng hoa biểu dương Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa 3 đơn vị

Phương án cổ phần hóa được xây dựng phù hợp với tình hình, kế hoạch sản xuất kinh doanh và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, công khai, dân chủ của toàn thể người lao động thông qua Đại hội công nhân viên chức. Sau nhiều lần rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của CBCNV, của các Thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Lãnh đạo Tập đoàn và các Bộ ngành liên quan, Tập đoàn đã hoàn thiện Phương án báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 8/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, 1979/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam, 1978/QĐ-TTg ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa dầu Bình Sơn.

Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội, giải đáp các câu hỏi về tiềm năng khi đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Kết quả, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện thành công, thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho Nhà nước.


Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn tặng bằng khen cho các đơn vị đang hoàn thành xuất sắc công tác cổ phần hóa

Ngay sau khi hoàn tất việc bán đấu giá cổ phần, cổ phiếu của 3 đơn vị đã được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Upcom (cổ phiếu BSR giao dịch vào ngày 1/3/2018, cổ phiếu PVPower giao dịch vào ngày 6/3/2018, cổ phiếu PVOIl giao dịch vào ngày 7/3/2018), chỉ sau hơn 2 tháng kể từ ngày bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO).

Bên cạnh đó, việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã được triển khai tích cực và khẩn trương. Căn cứ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư, xem xét hồ sơ đăng ký, tiến hành đàm phán và thực hiện các thủ tục có liên quan để sớm hoàn tất việc bán cổ phần cho các Nhà đầu tư chiến lược. Cổ phiếu của cả 3 đơn vị đã nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược, riêng PVOIl, số lượng nhà đầu tư đủ điều kiện mua cổ phần, đã thực hiện thẩm định đầu tư và có văn bản đăng ký mua cổ phần là 04 nhà đầu tư (SK Energy, Idemitsu, Sovico và HD Bank) với tổng khối lượng cổ phần đăng ký dự kiến của các nhà đầu tư gấp 2,86 lần khối lượng chào bán.


Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết

Do đã hết thời hạn chào bán cho cổ đông chiến lược và thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 5030/VPCP-ĐMDN ngày 30/5/2018, Ban chỉ đạo CPH đã chỉ đạo PV Power, PVOIl, BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần (BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu ngày 21/6/2018, PV Power 26/6/2018, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ 1/7/2018. PVOIl đã tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu vào ngày 30/7/2018, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ 1/8/2018).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, 3 đơn vị cổ phần hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng, thành công lớn nhất là chuyển đổi sang công ty cổ phần – giúp các Tổng công ty, Công ty có thêm động lực mới, nguồn lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới.

Đồng thời, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc cổ phần hoá này cũng là cơ hội giúp tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh thị trường dầu khí ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

 Kết quả cụ thể việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của các đơn vị:

Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa Dầu Bình Sơn (BSR): đã bán đấu giá thành công 241.427.969 cổ phần (tương đương 7,79% VĐL), thu về số tiền 5.414.651.191.200 đồng với giá đấu thành công bình quân: 23.043 đồng/cổ phần. Thặng dư khoảng 3.150 tỷ đồng.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower): đã bán đấu giá thành công 467.802.523 cổ phần (tương đương20% VĐL), thu về số tiền 6.987.286.898.480 đồng với giá đấu thành công bình quân: 14.938 đồng/cổ phần. Thặng dư khoảng 2.300 tỷ đồng.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIl): đã bán đấu giá thành công 200.445.036 cổ phần (tương đương 20% VĐL), thu về số tiền 4.039.964.286.800 đồng với giá đấu thành công bình quân: 20.155 đồng/cổ phần. Thặng dư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hiền Anh

Theo Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong năm 2017, BSR đã thực hiện được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Trong đó có việc bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần thứ 3, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế, đóng góp ngân sách nhà nước và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cổ phần hóa.

Ngày 15/1, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức cuộc họp thông tin cho báo chí về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và những việc cần triển khai trong năm 2018.

Tại cuộc họp, ông Vương Quốc Hà, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch BSR đã thông tin đến báo giới về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017. Cụ thể, năm 2017, BSR đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu về sản lượng và tài chính. Cụ thể, sản lượng sản xuất đạt 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng.

Năm 2017, Nhà máy vận hành liên tục, ổn định với công suất trung bình 105% công suất thiết kế. Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3 vượt tiến độ hơn 1 ngày so với kế hoạch đề ra (tương đương kế hoạch chế biến dầu thô thêm 10 ngày).

Trong năm 2017, Xưởng Cơ khí đã được Tổ chức ASME&NB của Mỹ đánh giá thành công và nhận được bộ chứng chỉ U, S và R, xác nhận chính thức năng lực của xưởng trong việc chế tạo và sửa chữa thiết bị áp lực theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Xưởng bảo dưỡng cũng được cơ quan có thẩm quyền công nhận trở thành Trung tâm hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO-17025.

Kể từ ngày 1/1/2018, xăng E5 RON 92 sẽ thay thế hoàn toàn xăng RON 92 trên toàn quốc vì vậy thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc BSR cung cấp xăng khoáng 92 để cung ứng ra thị trường, pha chế thành xăng E5 RON 92, ước tổng khối lượng xuất bán xăng E5 RON 92 qua kho PVOil Dung Quất trong năm 2017 khoảng 32.701 tấn.


BSR đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2017.

Năm qua, BSR đã lên kế hoạch thực hiện 19 giải pháp tối ưu hóa năng lượng. Tính đến nay, việc triển khai thành công 9/20 giải pháp, trong đó có 6 giải pháp đã tiết giảm cho Công ty khoảng 1,45 triệu USD/năm và một số lợi ích vô hình khác; 3 giải pháp đang trong giai đoạn thu thập số liệu và báo cáo hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, BSR tiết kiệm chi phí trong năm 2017 ước đạt 932,82 tỷ đồng (vượt kế hoạch tiết kiệm cả năm là 97,2%). Tính đến nay, Công ty BSR đạt được 15 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công.

Năm 2017, BSR chiếm 16% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nộp ngân sách Nhà nước chiếm 10% PVN. Đặc biệt, BSR đóng góp 33% lợi nhuận toàn PVN. Theo tính toán, một người lao động BSR một năm làm ra trên 50 tỷ đồng doanh thu, trên 5 tỷ đồng lợi nhuận và nộp ngân sách gần 7 tỷ đồng, sản xuất 4.000 tấn sản phẩm.

Ngoài ra, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017 và đứng thứ 7 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017 theo đánh giá của tổ chức Vietnam Report.

Kế hoạch 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 8.326 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang cũng cho biết, cho đến nay BSR là công ty lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Đến nay, đã có hơn 600 triệu cổ phần BSR được đăng ký mua trên 242 triệu cổ phần BSR được chào bán. "Điều này chứng tỏ, cổ phiếu BSR rất được chờ đón", Chủ tịch BSR Nguyễn Hoài Giang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Giang cũng cho biết thêm, sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (xấp xỉ 38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỷ đồng (gần 7 tỷ USD).

Thanh Hiếu

Ngày 20/12, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào BSR.

Tham dự hội thảo có ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa BSR; ông Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng Đại học Dầu khí Việt Nam. Về phía BSR có ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV; ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc; lãnh đạo các ban chuyên môn của BSR; cùng hơn 200 đại biểu là đại diện các tổ chức đầu tư tài chính, công ty chứng khoán trong và ngoài nước.


Toàn cảnh hội thảo ngày 20/12

Tại hội thảo, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã giới thiệu với các nhà đầu tư bức tranh toàn cảnh của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, giới thiệu các thông tin về cơ cấu tổ chức, sản xuất kinh doanh (SXKD) của BSR. Trong 11 tháng của năm 2017, BSR đã đạt được những kết quả SXKD ấn tượng. Về sản lượng, nhà máy đã nhập 6,08 triệu tấn dầu thô và xuất bán 5,57 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại (đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong cả nước). Doanh thu đạt 71.900 tỷ đồng, vượt 15,8% so với kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước 9.060 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng (26,3%) so với kế hoạch. Đến nay, BSR đã đạt và vượt tất cả kế hoạch chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017 bao gồm: Sản lượng sản xuất, doanh thu, nộp NSNN, lợi nhuận…

BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa (3,2 tỷ USD). Dự kiến vào ngày 17/01/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán, lần IPO này sẽ thu về cho Nhà nước khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD.


Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo

Hiện BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược, trong đó có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi). Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha), Tập đoàn PetroleumBrunei, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina), SRC (Singapore)… cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại BSR. Đặc biệt, Tập đoàn Năng lượng Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô… của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Trước đó, các Tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT - công ty dầu khí lớn nhấtcủa Thái và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait đã đánh tiếng mua cổ phần của NMLD Dung Quất. Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.


Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên giới thiệu về hoạt động SXKD của BSR

Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, là đơn vị thành viên của PVN, BSR giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc cổ phần hóa BSR nằm trong kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà Chính phủ đang triển khai quyết liệt. Đây là một trong những công ty trụ cột của PVN cũng như trong ngành năng lượng của Việt Nam và có tiềm năng phát triển mạnh. Vì vậy, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định PVN sẽ tiếp tục đầu tư, định hướng BSR trở thành doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực lọc hóa dầu theo hướng nâng cấp, mở rộng quy mô cũng như phát triển công nghệ chế biến chuyên sâu hơn tại NMLD Dung Quất. Với hoạt động kinh doanh khả quan hiện nay và tiềm năng phát triển trong những năm tới, Phó Tổng giám đốc PVN tin tưởng việc cổ phần hóa BSR sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đã có những nhận định khả quan về tiềm năng phát triển mạnh của BSR trong những năm tới, đồng thời khẳng định việc cổ phần hóa BSR được dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi khi mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào doanh nghiệp, thay đổi từ cơ cấu cổ đông 100% vốn nhà nước sang cơ cấu cổ đông nhà nước chỉ nắm 43% vốn, kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức và chất lượng quản trị của doanh nghiệp.

Ngày 8/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1978/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo đó, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có vốn điều lệ hơn 31 nghìn tỷ đồng. Theo Quyết định, cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR là 1.333.214.835 cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định. 

Nguyên Phương

Ngày 5/12, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo Vietnamnet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là doanh nghiệp đứng thứ 7 trong top 500 doanh nghiệp được công bố.

Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, công bố chính thức lần đầu tiên vào năm 2007. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

BSR đứng thứ 7 sau Samsung Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel, Petrolimex, Agribank và đứng thứ nhất trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Sau gần 9 năm đi vào hoạt động (từ tháng 2/2009), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỷ đồng (gần 38 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 ngàn tỷ đồng (gần 7 tỷ USD). Các chỉ số tài chính của BSR (tính hết tháng 9/2017) đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 16,09%; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,07%; tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 9,1%.

Kết quả sản xuất kinh doanh của BSR trong 11 tháng đầu năm 2017 rất khả quan. Về sản lượng, nhà máy đã nhập 6,08 triệu tấn dầu thô và xuất bán 5,57 triệu tấn sản phẩm dầu; doanh thu khoảng 71.900 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 9.060 tỷ đồng.

Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 19/1/2018 tại khách sạn Grand Plaza, Hà Nội.

Đ.C

Sáng 1/12 tại Quảng Ngãi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Chương trình tiếp nhận và hỗ trợ an sinh xã hội (ASXH) cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tham gia và hỗ trợ 14.330.000.000 đồng để thực hiện chương trình ASXH tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2017 - 2018.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi cùng đại diện 10 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ.

Đầu tháng 11/2017, cơn bão số 12 đã gây mưa lớn, ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân.

Nhằm kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi và tổ chức Chương trình tiếp nhận và hỗ trợ ASXH cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.


Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên trao bảng tượng trưng 14.330.000.000 đồng ủng hộ Chương trình ASXH tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2017 - 2018.

Đã có rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp, ngân hàng, các tập thể và các cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Bình Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bắc Hà…

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tham gia và hỗ trợ 14.330.000.000 đồng cho Chương trình ASXH tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2017 - 2018.


Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tặng hoa cho các đơn vị tài trợ.

Là đơn vị đóng trên địa bàn Quảng Ngãi, BSR luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với công tác ASXH tại địa phương Quảng Ngãi cũng như những vùng khó khăn khác của đất nước. Hằng năm, BSR đều dành khoảng 40 tỷ đồng để làm công tác ASXH và kể từ khi chính thức đi vào vận hành thương mại đến nay, tổng số tiền cho công tác này lên đến trên 330 tỷ đồng. Các hạng mục BSR tài trợ bao gồm: xây dựng trường học, trạm y tế, nhà trẻ, chợ và đường giao thông nông thôn cho các khu tái định cư và một số địa phương còn khó khăn trong và ngoài tỉnh; xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; hỗ trợ quỹ đền ơn đáp nghĩa, khắc phục thiên tai, cứu trợ nhân đạo, khuyến học khuyến tài...

Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của BSR đối với cộng đồng mà còn là nguyện vọng chung của toàn thể CBCNV BSR với mong muốn chia sẻ với người dân ở những nơi khó khăn trên cả nước, đặc biệt là địa bàn tỉnh Quảng Ngãi - nơi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.


BSR tài trợ cho Chương trình xây nhà tình nghĩa tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngọc Lâm

Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng Profit500 - Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2017, trong đó Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) xếp hạng 16/500 doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng Profit500 2017 nhằm tôn vinh những doanh nghiệp năng động, sáng tạo, tiêu biểu, đạt thành tích kinh doanh vượt trội, hiệu quả, có khả năng sinh lợi nhuận tốt và là những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.

 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

BSR có trọng trách quản lý, vận hành sản xuất và kinh doanh các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Trong những năm qua, BSR luôn đạt những kết quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, BSR sản xuất 4,4 triệu tấn sản phẩm các loại, tiêu thụ hơn 4,3 triệu tấn; doanh thu đạt 54.982 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 6.522 tỷ đồng (bằng 91% kế hoạch năm); lợi nhuận sau thuế đạt 341,7% kế hoạch năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 16,09% (9 tháng 2016 là 3,62%); tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 9,94% (9 tháng 2016 là 2,24%).

Thứ hạng 16/500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2017 là thành quả đáng ghi nhận dựa trên sự cố gắng phấn đấu, chung tay góp sức của tập thể CBCNV BSR trong nhiều năm qua.

BSR được xem là biểu tượng của kinh tế tỉnh Quảng Ngãi. Việc vận hành sản xuất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, hiệu quả là bước khẳng định Việt Nam làm chủ công nghệ lọc hóa dầu, tự chủ xăng dầu phục vụ nền kinh tế.

Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 23/11/2017 tại Hà Nội.

Trang Nhung

Ngày 7/10, tại Nhà hát Thanh thiếu niên Việt Nam (Đống Đa, Hà Nội), Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết Chương trình "Truyền thông Xây dựng và Phát triển nền Kinh tế xanh Quốc gia - Tự hào thương hiệu, sản phẩm Việt Nam năm 2017”. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vinh dự được nhận giải thưởng Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”.

Tới dự buổi lễ có PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; TS Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp nổi bật trong phát triển kinh tế xanh bền vững.

 

Lễ trao biểu trưng và chứng nhận cho các doanh nghiệp tiêu biểu về Xây dựng và Phát triển nền kinh tế xanh quốc gia 2017

Chương trình nhằm phát huy phong trào bảo vệ môi trường đến từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nâng cao vị thế, uy tín của sản phẩm thương hiệu Việt. Qua đó, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời ghi nhận những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, trí thức tiêu biểu trong việc đưa tổ chức, đơn vị phát triển kinh tế bền vững.


PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam - PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định: chương trình truyền thông xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh quốc gia năm 2017 được phát động nhằm tiếp tục đẩy mạnh chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn năm 2050. Chương trình đã thực hiện công tác thông tin truyền thông, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, công tác truyền thông quảng bá rất quan trọng. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có những hành động thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh: “Trong bối cảnh lực lượng trí thức, doanh nhân là lực lượng tiên phong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển sâu rộng thì vai trò của trí thức, đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện rõ. Vì vậy, cần tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhằm kịp thời phát hiện, nhân rộng và ghi nhận, biểu dương những nhân tố đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường”.


Đại diện BSR nhận giải thưởng “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2017


Với trách nhiệm của mình, NMLD Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn coi việc bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu. NMLD Dung Quất được đánh giá cao về công nghệ xử lý chất thải, nước thải, gồm cả xử lý hóa chất, vi sinh, ô xy hóa… đáp ứng mọi tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, BSR còn quan tâm tới các vấn đề xử lý chất thải rắn, khí và nước thải. Trong quá trình sản xuất, BSR đã lắp đặt các thiết bị máy móc đúng yêu cầu kỹ thuật và lắp đặt thiết bị xử lý khí thải, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường không khí xung quanh. Bên cạnh đó, tất cả chất thải rắn và nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đều được xử lý, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu luật định.

Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy được đầu tư với công suất thiết kế 565m3/giờ để xử lý tất cả các dòng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất bằng các phương pháp khác nhau. Tại bể chứa nước thải sau xử lý, công ty trồng một số loài cây thủy sinh như sen, súng, thả cá..., tất cả đang phát triển rất tốt. Điều này thể hiện chất lượng nước thải đầu ra của NMLD Dung Quất rất sạch, có thể bảo đảm cho sự sinh sống và phát triển của các sinh vật.

Với những nỗ lực trên của đơn vị, năm 2017, NMLD Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được vinh danh đạt Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”.


Lễ trao tặng bảng vàng ghi danh cho các nhà quản lý tài năng năm 2017

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng chứng nhận, biểu trưng và bảng vàng ghi danh cho hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, các nhà lãnh đạo… đã có đóng góp tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát triển kinh tế xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Nguyễn Hoan

Page 1 of 2