Super User

Super User

Giai đoạn hiện nay được cho là đặc biệt khó khăn đối với ngành công nghiệp Dầu khí toàn cầu. Nhiều quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã và đang nỗ lực phối hợp cắt giảm sản lượng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích cục bộ để chung sức đẩy giá dầu lên, tái cân bằng thị trường...

Là một quốc gia có sản lượng dầu thô xuất khẩu không lớn, nhưng Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ từ “cơn sóng gió” này. Dưới đây là quan điểm đầu tư phát triển đối với ngành Dầu khí của ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu mỏ & Khí đốt Việt Nam và ông Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM).


Ông Hồ Tế (bên phải) và ông Trần Ngọc Cảnh tại buổi trả lời phỏng vấn của Báo Năng lượng Mới (ảnh: Hiền Anh)

Thưa ông Hồ Tế, thưa ông Trần Ngọc Cảnh, hai ông từng giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý cao nhất của ngành Dầu khí, xin cho biết một vài nhận định tổng quát về quan điểm và tư duy phát triển lĩnh vực công nghiệp Dầu khí Việt Nam?

Ông Hồ Tế: Dầu khí là ngành quan trọng đối với chính trị, kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) và an ninh, quốc phòng của đất nước; một ngành kinh tế tổng hợp có quan hệ từ Trung ương đến địa phương, hợp tác quốc tế rộng rãi, vừa có tính chất công nghiệp, tài chính - thương mại, sản xuất với khoa học công nghệ cao lại vừa mang tính dịch vụ.

Có thể nói, ngay từ sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt, nhất quán, từ định hướng đường lối đến chính sách ưu đãi đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao mọi hoạt động của ngành Dầu khí, của PETROVIETNAM. Trong hơn 40 năm qua, PETROVIETNAM được Nhà nước giao quyền thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí và các quy định khác của pháp luật.

Ông Trần Ngọc Cảnh: Đã hơn 2 năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó Tìm kiếm, Thăm dò và Khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi được quan tâm chú trọng đầu tư nhằm phát hiện và xác minh nguồn trữ lượng dầu khí, bảo đảm giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển ổn định, bền vững ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của PETROVIETNAM và là động lực lớn lao đối với niềm tin và khát vọng của những người làm công tác Dầu khí.

Ngày 16-10-2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP, tạo ra một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, cũng như quy định đầy đủ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công Thương và PETROVIETNAM trong các hoạt động dầu khí.

Nghị quyết 41 và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí được Chính phủ phê duyệt đều chỉ rõ mục tiêu phải xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển và có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, phải phát triển theo nguyên tắc kinh tế thị trường với hiệu quả kinh tế cao, có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ; phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; mở rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

3 năm trở lại đây, công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khó khăn khi giá dầu suy giảm sâu và kéo dài, tác động xấu đến hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam, bên cạnh đó, một số vụ việc tiêu cực trong ngành bị phanh phui, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và thương hiệu của PETROVIETNAM, xin cho biết đánh giá về vấn đề này?

Ông Hồ Tế: Con đường phát triển phía trước của PETROVIETNAM sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không nên quá bi quan. Thử thách của lĩnh vực này chính là luôn đầy chông gai và rủi ro cao. Có lúc giá dầu chưa đến 10 USD/thùng, chúng ta vẫn trụ được. Vừa qua, thật đáng tiếc là trong ngành đã xảy ra một số sự việc, sự cố không mong muốn do một số cá nhân cán bộ mắc sai lầm trong công tác quản lý. Tuy vậy, ngành Dầu khí vốn đã trải qua nhiều giai đoạn gian khổ và chưa từng lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của PETROVIETNAM.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; sự chia sẻ, đồng hành, vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, tôi tin rằng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của mình, PETROVIETNAM hoàn toàn có cơ sở để vượt qua mọi thách thức.


Quang cảnh mỏ Bạch Hổ

Ông Trần Ngọc Cảnh: Bên cạnh yếu tố giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp kéo dài như hiện nay, gây nên nhiều khó khăn cho lĩnh vực cốt lõi của ngành là Tìm kiếm - Thăm dò - Khai thác Dầu khí và các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị Dầu khí, thì các vụ việc liên quan đến các dự án kéo dài, chậm tiến độ, chưa hiệu quả, cũng như sai phạm của một số cá nhân trong PETROVIETNAM… đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt hoạt động của Tập đoàn và tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí.

Tuy vậy, trong những khó khăn đó, thực tế là PETROVIETNAM vẫn đứng vững, hoàn thành tốt và vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ giao và luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Chúng tôi, những người làm công tác Dầu khí đã nghỉ hưu, trân trọng và đánh giá cao sự cố gắng vượt bậc và các đóng góp của Lãnh đạo và CBCNV - lao động của PETROVIETNAM đối với ngành và đất nước.

Tôi cho rằng, các vụ việc tiêu cực đã xảy ra chỉ là cá biệt và tập trung trong một giai đoạn nhất định so với cả chặng đường lịch sử 56 năm xây dựng và phát triển của ngành này. Đây là bài học đau đớn đối với PETROVIETNAM. Với thời gian, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét xử lý công khai, minh bạch trách nhiệm của những người có liên quan, còn ngành Dầu khí Việt Nam với đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và các cơ sở công nghiệp hiện đại trị giá hàng chục tỉ đôla đã được Đảng, Nhà nước và các đối tác trong/ngoài nước đầu tư suốt mấy chục năm qua sẽ vẫn phải tồn tại và phát triển.

Chúng ta phải làm gì để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 23-7-2015? Đó mới là những điều mà chúng ta - những người làm công tác Dầu khí phải cùng nhau chuẩn bị, phải có các giải pháp kiến nghị Đảng, Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện. Đó cũng là cách tư duy tích cực và nhìn nhận đúng những khó khăn chủ quan và khách quan trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi nhiều khoản đầu tư cho ngành Dầu khí đang bị thu hẹp thì gần đây nhiều ý kiến cho rằng cần phải siết chặt quản lý với PETROVIETNAM, thậm chí hạn chế quyền chủ động quyết định các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước cho PETROVIETNAM. Vậy tư duy theo hướng nào sẽ được coi là tích cực, thưa hai ông?

Ông Hồ Tế: Những năm qua, song hành với các nghĩa vụ đối với Nhà nước, PETROVIETNAM cũng được giao quyền chủ động quyết định đối với nhiều công trình, dự án trọng điểm về Dầu khí sau khi được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt; quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ của PETROVIETNAM theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn kinh phí được Nhà nước phê duyệt chủ trương đầu tư trở lại cho PETROVIETNAM đã có thời kỳ lên đến 50% tổng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà (thu được từ Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, lợi nhuận được chia từ Liên doanh dầu khí Vietsovpetro và tiền phí đọc tài liệu dầu khí) mỗi năm.

Mặc dù trên thực tế, do khó khăn, ngân sách phải điều tiết, cân đối chung, khoản kinh phí này chưa bao giờ được cấp đủ và kịp thời cho PETROVIETNAM, thậm chí mấy năm gần đây chỉ còn chưa tới phân nửa. Tuy vậy, cũng chính nhờ có sự “đầu tư cho tương lai” ấy, ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trong 10 năm qua, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, đồng thời cũng nâng cao vị thế của PETROVIETNAM trên trường quốc tế.

Tôi cho rằng, mọi chính sách về nguồn lực tài chính, về kiểm soát đối với PETROVIETNAM cần phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc hết sức thận trọng, bởi nó mang tính kiến tạo cho sự phát triển của PETROVIETNAM và để PETROVIETNAM có thể ứng phó kịp thời với những đặc thù của hoạt động dầu khí; đồng thời cũng có những tác động rất to lớn với nền kinh tế. Các Bộ, ngành... cần xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý, kinh tế, ngoại giao trước khi trình Chính phủ quyết định thay đổi hay điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, hoạt động cũng như các cơ chế tài chính, đầu tư đối với PETROVIETNAM.

Ông Trần Ngọc Cảnh: Theo tinh thần của Nghị quyết 41, Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho PETROVIETNAM theo từng thời kỳ phù hợp với pháp luật về dầu khí và với tình hình thực tế của đất nước. PETROVIETNAM chủ động xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch phát triển phù hợp với tỷ lệ để lại; có phương án tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, cân đối nguồn lực cho PETROVIETNAM từ các nguồn vốn hợp pháp khác… trong trường hợp cần thiết để bảo đảm yêu cầu đầu tư phát triển của Tập đoàn. Chính phủ xây dựng quy định cụ thể về việc sử dụng và cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực tài chính của PETROVIETNAM đúng mục đích và có hiệu quả.

Tôi cho rằng, tư duy tích cực là phải tin tưởng và bám sát những định hướng phát triển PETROVIETNAM mà Bộ Chính trị đã xác định. PETROVIETNAM là một doanh nghiệp tầm quốc gia, có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, cần có các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu hướng hội nhập hiện nay để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển chứ không nên xử lý theo kiểu “không quản được thì cấm” hay “siết chặt” một cách cứng nhắc.

Đối với các dự án còn dang dở, biện pháp tích cực là khắc phục kịp thời, không né tránh, mạnh dạn chuẩn bị và báo cáo với Đảng, Chính phủ và Quốc hội về các giải pháp kinh tế - kỹ thuật, tài chính - thương mại, tổ chức - nhân sự... nhằm kịp thời xử lý các bế tắc và sớm đưa các công trình, dự án này vào sản xuất.

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội cần cho PETROVIETNAM cơ hội để báo cáo toàn diện và đầy đủ các giải pháp, kể cả về tài chính… sao cho trên dưới đồng lòng, xử lý dứt điểm các vướng mắc để sớm hoàn thành các dự án, bởi vì đối với các dự án loại này, mỗi ngày trôi qua là một ngày giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí.


Cụm giàn công nghệ số 3 (ảnh: Đức Hậu - Vietsovpetro)

Việc phòng ngừa bằng cách hạn chế đầu tư cho PETROVIETNAM sẽ là một bước lùi về quản lý, không chỉ ảnh hưởng đến khâu tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp khí, điện khí, lọc - hóa dầu khí, sản xuất phân đạm, dịch vụ dầu khí... và hệ quả là sẽ làm giảm đóng góp của ngành Dầu khí Việt Nam vào ngân sách Nhà nước.

Để đảm bảo nguồn thu lâu dài cho Nhà nước và sự phát triển bền vững cho PETROVIETNAM, trong giai đoạn khi các quyết sách của Chính phủ đối với công tác tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa... các đơn vị trong Tập đoàn chưa mang lại hiệu quả mong muốn, thì bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác thẩm định, xem xét phê duyệt và thắt chặt kiểm tra giám sát đối với các hoạt động đầu tư của PETROVIETNAM... Nhà nước vẫn cần để lại một tỷ lệ thích đáng từ nguồn thu của PETROVIETNAM để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành như đẩy mạnh công tác Tìm kiếm - Thăm dò - gia tăng trữ lượng dầu khí, khai thác, công nghiệp Khí, lọc hóa dầu khí... Đây về thực chất là các biện pháp căn cơ để nuôi nguồn thu lâu dài cho quốc gia.

Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều định hướng và giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh... Tôi tin rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân đã và sẽ tiếp tục tin tưởng, tạo điều kiện để PETROVIETNAM ngày càng phát triển và tiếp tục giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân.

Xin cảm ơn quý vị!

 Ngành Dầu khí vốn đã trải qua nhiều giai đoạn gian khổ và chưa từng lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của PETROVIETNAM.

Nguyễn Tiến Dũng

Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Gazprom (Nga) Alexey Miller; Tổng giám đốc điều hành của Premier Oil PLC (Anh) Anthony Durrant; Chủ tịch SKK Migas (Indonesia) Amien Sunaryadi.

Tại buổi làm việc sáng ngày 10/11 với Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã bày tỏ sự cảm kích trước số tiền 5 triệu USD và 40 tấn hàng cứu trợ của Chính phủ và nhân dân Nga cho nhân dân miền Trung bị thiệt hại do bão số 12.


Buổi làm việc giữa Petrovietnam và Gazprom.

Cả 2 bên đã nhìn lại những hợp tác trong thời gian qua. Cả 2 bên đã kiểm tra lại tình hình hợp tác tại các dự án của Gazpromviet và Vietgazprom. Hai bên cam kết sẽ thúc đẩy các dự án, đặc biệt xem xét tạo điều kiện thuận lợi để có thể phát triển chuỗi dự án tại mỏ khí Báo Vàng và các mỏ khí của Gazpromviet tại Nga.

Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn và Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác thêm các dự án khác trong tương lai.


Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn và Chủ tịch Gazprom Alexey Miller.

Chiều cùng ngày, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi gặp với Tổng giám đốc điều hành của Premier Oil PLC Anthony Durrant và Chủ tịch SKK Migas Amien Sunaryadi. Tại buổi làm việc, lãnh đạo 3 bên đã ký bản ghi nhớ (MOU) về việc khai thác và xuất khí sang Việt Nam. Các bên thoả thuận sau khi ký cam kết này sẽ triển khai đàm phán các thoả thuận thương mại chi tiết và phát triển mỏ Tuna để có khí xuất sang Việt Nam sau năm 2023.

Mỏ khí Tuna nằm tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, do tổ hợp nhà thầu gồm công ty Premier Oil, MOECO và GS Energy trong đó Premier Oil là nhà điều hành. Mỏ được phát hiện năm 2014 và có trữ lượng tại chỗ khoảng 616 tỉ bộ khối khí và 20 triệu thùng dầu.


Lễ ký kết giữa PetroVietnam, Premier Oil và SKK Migas.

Mỏ khí này nằm cách vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 11 km và gần các cơ sở hạ tầng dầu khí đang khai thác của Việt Nam như mỏ Lan Tây, Chim Sáo và Cá Rồng Đỏ. Việc kết nối từ mỏ Tuna về cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển dự án.

Xét về vị trí địa lý, mỏ Tuna nằm ở khu vực sát đường ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia tạo tiền đề cho việc thắt chặt quan hệ hợp tác song phương, cũng như trong tương lai tạo tiền đề cho việc hợp tác giữa Việt Nam với các nước khác.

Thanh Hiếu

Ngày 10 tháng 11 năm 2017, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Mitsui (Nhật Bản) đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực công nghiệp Khí và Điện-Khí tại miền Nam, Việt Nam.

 
Lãnh đạo Petrovietnam và Công ty Mitsui trao đổi Thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe

Thỏa thuận hợp tác đề ra việc nghiên cứu tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư giữa PetroVietnam và Công ty Mitsui để theo đuổi các cơ hội kinh doanh tiềm năng liên quan đến phát triển cung cấp LNG, các trạm tiếp nhận LNG, các nhà máy điện khí và các công trình khác có liên quan tại Miền Nam, Việt Nam. Các bên khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh phát triển các nỗ lực hợp tác để phục vụ lợi ích chung cho cả hai bên.

PetroVietnam hiện đang quản lý và điều hành phát triển ngành công nghiệp dầu khí và hóa dầu tại Việt Nam cũng như đang tham gia đầu tư một số dự án về dầu khí tại các quốc gia có tiềm năng về dầu khí trên thế giới. Mitsui là một công ty thương mại và đầu tư toàn cầu hàng đầu, có hoạt động trên khắp thế giới trong lĩnh vực sản xuất, tiếp thị, và kinh doanh hyđrocacbon, LNG; và phát triển các dự án hạ tầng chẳng hạn như trạm tiếp nhận LNG, phân phối khí, đường ống vận chuyển khí và phát điện.

Hiện nay, PetroVietnam và công ty liên kết của Mitsui là Mitsui Oil Exploration Co., Ltd. (“MOECO”) đang là các đối tác trong Dự án chuỗi giá trị Khí Lô B, bao gồm phát triển các mỏ khí tại Lô B & 48/95 và Lô 52/97 ngoài khơi Tây Nam, Việt Nam; một đường ống vận chuyển khí đến Cà Mau, Kiên Giang và Ô Môn; và các nhà máy điện khí.
Thông qua thỏa thuận hợp tác này, phía Công ty Mitsui cũng mong muốn cùng hợp tác với PetroVietnam tìm kiếm các cơ hội vay vốn từ các tổ chức tài chính phục vụ cho việc đầu tư phát triển Dự án chuỗi giá trị Khí Lô B

10 tháng năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nộp ngân sách Nhà nước 76,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.


Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 của Vietsovpetro

Có thể nói năm 2017 là năm khó khăn nhất trong hơn 42 năm xây dựng và phát triển của PVN. Ngoài yếu tố giá dầu suy giảm kéo dài, lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác khó khăn, kéo theo các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị dầu khí sụt giảm…, đặc biệt là nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với ngành Dầu khí chưa được tháo gỡ, đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực hoạt động của PVN.

Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn, thách thức đó, một lần nữa bản lĩnh, trí tuệ đã được tôi rèn, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể CNCNV-LĐ toàn Tập đoàn, 10 tháng đầu năm 2017, PVN đã hoàn thành vượt hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao, trong đó nộp ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch cả năm 2017.

Theo đó, tổng sản lượng khai thác quy dầu 10 tháng đạt 21,26 triệu tấn, vượt 0,2% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 82,4% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu 10 tháng đạt 13,01 triệu tấn, vượt 2,8% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 85,6% kế hoạch năm (riêng khai thác dầu ở trong nước 10 tháng đạt 11,39 triệu tấn, vượt 3%, tương đương vượt 323 nghìn tấn so với kế hoạch 10 tháng); sản lượng khai thác khí 10 tháng đạt 8,25 tỷ m3, bằng 77,8% kế hoạch năm; sản xuất điện 10 tháng đạt 17,09 tỷ kWh, bằng 85% kế hoạch năm; sản xuất đạm 10 tháng đạt 1,48 triệu tấn, vượt 10,6% kế hoạch 10 tháng và bằng 97,5% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn 10 tháng đạt 5,03 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch 10 tháng và bằng 74% kế hoạch năm.

Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 10 tháng đạt 404,2 nghìn tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 92% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 10 tháng đạt 76,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh việc hoàn thành, hoàn thành vượt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, công tác tái cấu trúc doanh nghiệp được Tập đoàn triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo được triển khai tích cực. Công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được tích cực thực hiện theo cam kết.

Việc hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tài chính... 10 tháng năm 2017 là động lực quan trọng để Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2017 do Chính phủ giao.

Tính đến hết tháng 10/2017, nhiều đơn vị trong Tập đoàn tiếp tục giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó:

+ 3 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2017 về các chỉ tiêu tài chính hợp nhất là: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) và Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans).

+ 3 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2017 về hai (02) chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất và nộp ngân sách Nhà nước là: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower); Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

+ 3 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2017 về chỉ tiêu tổng doanh thu là: Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling) và Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí - CTCP (DMC).

Hà Lê

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Sinh Khang tham gia đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Khai khoáng và các nguồn Tài nguyên và làm việc với chính quyền, doanh nghiệp một số bang của Úc trong lĩnh vực năng lượng từ ngày 28/10 đến 4/11/2017

Trong các ngày từ 28/10-4/11/2017, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Sinh Khang cùng các đơn vị PV Gas, PV Power và đại diện Lãnh đạo các Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã tham gia đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Khai khoáng và các nguồn Tài nguyên  – International Mining and Resources 2017 (IMARC) tại Úc.

Thông qua chủ đề "Tạo giá trị thông qua hợp tác", 3000 đại biểu quốc tế tại IMARC 2017 tập trung trao đổi về các vấn đề khai thác mỏ: từ thăm dò đến tài chính và đầu tư, đổi mới và tối ưu hóa công nghệ, năng lượng trong tương lai cũng như cơ sở hạ tầng khai thác và trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Các đại biểu đã cùng thảo luận về những thách thức và cơ hội hợp tác trong tương lai của ngành công nghiệp khai khoáng thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á -  Thái Bình Dương. 

 

Đoàn Petrovietnam tham dự Hội nghị IMARC 2017

Trong thời gian này, đoàn đã tham dự các cuộc gặp và làm việc với chính quyền các bang Nam Úc, Victoria, Queensland,  Bộ Đầu tư và Thương mại Nam Úc, Cơ quan Điều tiết Năng lượng Úc, Cơ quan vận hành thị trường năng lượng Úc, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Queensland để tìm hiểu năng lực và trao đổi cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Úc trong lĩnh vực khí, LNG, phát triển năng lượng tái tạo, truyền tải và phân phối điện, cung ứng than bao gồm hạ tầng cảng trung chuyển và căn cứ hậu cần. 

Với thế mạnh về trữ lượng và sản lượng sản xuất than lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng rất phát triển, phía Úc bày tỏ mong muốn tăng cường mạnh mẽ xuất khẩu than sang thị trường Việt Nam, đồng thời sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng điện sử dụng than.

Xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu than khối lượng lớn trong tương lai, vấn đề cơ sở hạ tầng cảng được xem là vấn đề then chốt do tính đặc thù của các nhà máy nhiệt điện của Petrovietnam. Các bên đã trao đổi về phương án hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy khả năng cung ứng than từ thị trường tiềm năng Úc.


Làm việc với Chính quyền bang Nam Úc và Bộ Đầu tư và Thương mại Nam Úc

Tại buổi làm việc với Công ty Santos, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã đánh giá cao việc hợp tác của Santos với Petrovietnam trong các hợp đồng dầu khí lô 123, 124, 12W tại Việt Nam và mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác thông qua các dự án mới trong lĩnh vực khí và nhập khẩu LNG. Đoàn đã đến thăm cảng LNG của Santos tại Gladstone thuộc dự án GLNG sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng từ các vỉa than ở Queensland.

 

Thăm cảng LNG của Santos tại Gladstone

Bên lề Hội nghị, Petrovietnam đã có buổi làm việc với các công ty Transfield Woley Parsons, Montserrat Mining, New Black Energy, BMT… trao đổi thông tin trong việc bảo dưỡng các nhà máy điện, đào tạo chuyên gia chuyên sâu, hợp tác vào các nhà máy điện trong tương lai, cơ sở hạ tầng và cung ứng than. Ngoài ra, các đối tác đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về mỏ than, thông số kỹ thuật chất lượng than và đề xuất các phương thức mua bán tiềm năng. Đây là cơ hội lớn cho các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng trong việc tiếp cận, xác định nguồn than phù hợp và xây dựng chiến lược lâu dài trong cung ứng than nhập khẩu khi mà thủ tục đấu thầu hiện hành không thực sự phù hợp với các hợp đồng cung cấp than dài hạn. 

Rạng sáng ngày 7-11-1917, loạt đạn đại bác vang lên từ chiến hạm Rạng Đông trên dòng sông Neva mở màn cho cuộc cách mạng vô sản Nga do Lê-nin và Đảng Bolshevik Nga lãnh đạo.

Hàng nghìn người lao động cùng khổ và binh lính phản chiến không cam chịu cảnh bị bóc lột dưới chế độ Sa hoàng đã đứng lên chiếm Cung điện Mùa Đông, lật đổ chế độ Sa hoàng Nga.


Các chuyên gia Nga sát cánh bên người lao động Việt Nam trên giàn khai thác của Vietsovpetro trong hơn 35 năm qua

Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Vào ngày kỷ niệm trọng đại này, không chỉ nước Nga, người dân Nga mà rất nhiều người Việt Nam không khỏi bồi hồi hướng về xứ sở bạch dương cùng những con người mộc mạc, đôn hậu, nền văn hóa đặc sắc và những bản tình ca Nga sâu lắng… bằng những cảm xúc hết sức ấm áp, chân thành.

Tháng 1-1950, Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ đó tới nay, trong hơn 70 năm, quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố bền chặt, Liên Xô đã giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam trong cả hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chân tình và đầy hiệu quả mà nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga anh em dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.


Bức tranh cổ động “Việt Nam - Liên Xô, khoảng cách tuy xa nhưng trái tim của chúng ta luôn ở bên nhau”

Tổng thống V. Putin từng nói: “Quan hệ Nga - Việt có gốc rễ sâu xa, giữa nhân dân hai nước từ lâu đã có mối thiện cảm to lớn và chính điều này đã giúp chúng ta phát triển mối quan hệ ngày hôm nay”.

Hàng chục ngàn chuyên gia Nga từng sang giúp đỡ Việt Nam trong mọi lĩnh vực, hàng trăm ngàn người Việt đã và đang sống, học tập và lao động tại các nước Liên Xô cũ và Liên bang Nga hiện nay là những mối dây liên hệ ràng buộc, gắn bó tình cảm và hiểu biết sâu sắc về nhau trong nhiều thập niên. Quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian cũng như sự biến động của lịch sử.


Kể từ ngày Bác Hồ thăm Azerbaijan năm 1959 và đặt nền móng cho sự ra đời ngành Dầu khí Việt Nam, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đối tác Liên Xô, Liên bang Nga ngày càng có hiệu quả và thật sự đi vào chiều sâu. Cũng chính từ đó, công cuộc xây dựng nền công nghiệp dầu khí non trẻ của Việt Nam bắt nguồn từ đây. Trên mọi nẻo đường, từ những lối mòn của rừng sâu đến những núi đá cao hiểm trở của đất nước hình chữ S đã in dấu chân của những chuyên gia dầu khí Liên Xô sang giúp Việt Nam nghiên cứu địa chất và thực hiện các các hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Trong ngành Dầu khí Việt Nam hiện có rất nhiều người đã, đang học tập, lao động ở Nga, cũng có hàng nghìn người Nga đang sống và làm việc ở Việt Nam (tại Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro, Rusvietpetro). Và, những hợp tác về dầu khí dần được “đơm hoa, kết trái”,

Hợp tác năng lượng chính là điểm sáng trong quan hệ Việt - Nga, trong đó dầu khí đóng vai trò then chốt của sự phối hợp hành động trong lĩnh vực tổ hợp nhiên liệu - năng lượng, công trình đã nhiều năm trở thành công trình chính yếu là Liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam “Vietsovpetro”. Bên cạnh hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam, trong những năm qua, hai bên tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở cả hai nước, hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh dầu khí hai nước thời gian qua đạt hiệu quả cao, đồng thời cũng cùng nhau đầu tư vào các nước thứ ba. Những Tập đoàn Dầu khí lớn nhất của Nga như Rosneft, Gazprom, Zarubezhneft, Lukoil và TNK - BP đều đang cùng Petrovietnam triển khai các dự án dầu khí.

Không phải bây giờ, mà từ hơn 30 năm trước, những người thầy Nga, học trò Việt và những bạn học cùng trang lứa thời ấy đã là tác nhân quyết định việc chúng ta ký được hiệp định với Liên Xô để thành lập liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam ngày 19-6-1981.

Được biết, cả những cán bộ dầu khí phía bạn và phía ta đều khẳng định, bên cạnh quyết tâm của hai Nhà nước và hai Tập đoàn (Petrovietnam và Zarubezhneft), chính tình cảm cá nhân gắn bó giữa những cán bộ dầu khí từng du học tại Nga và những người bạn Nga từng hiểu biết, quý trọng họ đã làm nên thành công của liên doanh này. Những cán bộ dầu khí Việt Nam và những người bạn Nga đã trở thành anh em tin cậy, chân thành và gắn bó cả một đời.

Những năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Petrovietnam và các đối tác của Nga vẫn luôn phát triển và ngày thêm mật thiết, bền chặt trên cơ sở hợp tác hiệu quả với sự quan tâm tin tưởng và tình hữu nghị đặc biệt thủy chung.

Có một người bạn lớn, một công dân Nga đã được Nhà nước Việt Nam trân trọng tôn vinh và trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông là GS.TSKH Evgheny Areshev, Phó chủ tịch Ủy ban về Dự trữ địa chất của Liên bang Nga, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft, từng có 24 năm gắn bó với Vietsovpetro.

Ông Areshev đã kể rằng, lần đầu tiên đến Vũng Tàu, ông đã gặp tại đó hàng trăm chuyên viên của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, những người mà ông từng làm quen khi họ đi thực tế ở Nga: "Cùng với những đồng nghiệp như vậy, tuy tới làm việc ở đất nước nhiệt đới cách xa Nga nhưng ngay lập tức tôi thấy thân thuộc như ở nhà mình. Sau này, mỗi khi lãnh đạo Petrovietnam mời tôi đến Vũng Tàu, tôi luôn nói với mọi người trong gia đình: Tôi về thăm nhà đây”.

Hợp tác dầu khí Việt - Nga luôn đóng vai trò trụ cột quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, góp phần to lớn vào việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga.

Tình hữu nghị Việt - Nga dựa trên cơ sở tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, được dày công vun đắp, trải qua nhiều thử thách của thời gian, là tài sản vô giá mà hôm nay chúng ta có bổn phận gìn giữ và cùng nhau phát triển.

 Ngày 7-11-2017, tròn 100 năm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX đã tạo ra một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên của thế giới, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều quốc gia.

Nguyễn Tiến Dũng

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CUỘC THI “DẤU ẤN PVU”

                                                            

  1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
    1. Mục đích:

-         Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2017.

-         Bên cạnh đó, cuộc thi được tổ chức cũng với mục đích lưu giữ những khoảnh khắc đẹp, những lưu bút hay và những clip ý nghĩa giữa thầy và trò, trường lớp.

-         Thể hiện được trách nhiệm và tinh thần nhiệt huyết của Đoàn viên thanh niên Trường Đại học Dầu khí trong việc quảng bá hình ảnh PVU.

  1. Yêu cầu:

-         Cuộc thi được tổ chức trong nội bộ Trường PVU

-         Cuộc thi đảm bảo được tính công bằng, minh bạch

  1. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI

-         Đoàn viên thanh niên các Chi đoàn thuộc Trường Đại học Dầu khí Việt Nam

  1. NỘI DUNG – HÌNH THỨC THI
    1. Chủ đề: “Dấu Ấn PVU”
    2. Nội dung:

                 Hạng mục dự thi:

-         Hình ảnh và lời bình

-         Viết bài

-         Clip.

  1. Hình ảnh và lời bình:

-         Yêu cầu: hình ảnh chụp bằng điện thoại, lời bình viết thành một đoạn văn (ít nhất 100 từ) về nội dung bức ảnh, bối cảnh chụp và cảm nhận của tác giả

-         Nội dung:

  • Tác phẩm dự thi thể hiện các khoảnh khắc độc đáo trong học tập tại Trường hoặc trong cuộc sống thường nhật của sinh viên PVU
  • Tác phẩm thể hiện tình thầy trò tại PVU
  1. Viết bài:

-         Ngôn ngữ: Tiếng Việt.

-         Hình thức: đánh máy hoặc viết tay (với những bạn chưa có laptop) (tất cả bài viết tay này sẽ được BTC đánh máy lại thành văn bản)

-         Giới hạn độ dài: ít nhất một mặt giấy A4 (khoảng 800 từ)

-         Nội dung:

  • Bài dự thi viết về các khoảnh khắc đáng nhớ tại PVU không chỉ trong học tập mà còn trong đời sống sinh hoạt thường nhật.
  • Bài viết về thầy cô, bạn bè trong PVU.
  1. Clip:

-         Thời gian: tối đa 10 phút.

-         Nội dung:

  • Clip với chủ đề về thầy cô, bạn bè, học tập và đời sống sinh hoạt tại PVU.
  • Nội dung clip phải truyền tải được một thông điệp cụ thể về những đối tượng trên.
  1. Hình thức chấm điểm:

-         Tiêu chí chấm điểm:

  • Bố cục
  • Nội dung
  • Có thông điệp rõ ràng

-         Hình ảnh và lời bình, bài viết: Thầy cô chấm điểm các bài dự thi (chiếm 50%) + lượng like, share trên facebook (chiếm 50%)

-         Clip: Thầy cô đánh giá và chấm điểm các clip dự thi (chiếm 50%) + lượng like, share trên facebook, view trên youtube (chiếm 50%)

-         Quy định:

  • Like: 1 điểm
  • Share: 2 điểm
  • View: 2 điểm
  1. Hình thức và thời gian nộp bài:

-         Tất cả các bài dự thi nộp qua e-mail:   This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

-         Yêu cầu:

  • Hình ảnh + lời bình: gộp chung vào file word.
  • Bài viết: nộp bằng file word, giấy viết tay.
  • Clip: nén file rar, gửi qua Google drive.

-         Thời gian nhận bài: 0h00’ 6/11/2017

-         Thời gian dừng nhận bài: 23h59’ ngày 12/11/2017

-         Thời gian post bài lên fanpage: 13/11/2017

-         Thời gian đóng cổng bình chọn: 23h59’ ngày 16/11/2017

  1. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG

-         Đối với các tác phẩm đoạt giải, BTC có toàn quyền trong việc sử dụng, in ấn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bản quyền vẫn thuộc tác giả

-         Đối với các tác phẩm đoạt giải, nếu vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan theo quy định của pháp luật, BTC sẽ thu hồi giải thưởng và người dự thi sẽ chịu mọi hình thức xử lý của Nhà Trường

-         Ban tổ chức không trả lại tác phẩm dự thi

  1. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

-         Giải cá nhân:

  • Giải hạng mục hình ảnh và lời bình (1 nhất, 1 nhì, 1 ba)
  • Giải hạng mục bài viết tiếng việt (1 nhất, 1 nhì, 1 ba)
  • Giải hạng mục clip (1 nhất, 1 nhì, 1 ba)
  • Giải cho bài dự thi có số lượng bình chọn nhiều nhất (like, share đối với hình ảnh/bài viết hoặc view đối với clip)
  1. DỰ TOÁN KINH PHÍ
TT Nội dung ĐVT Số lượng Đơn giá Thành tiền
1 Poster, hình ảnh quảng bá Lần 1 1,000,000 1,000,000
2 Giải thưởng cá nhân Hạng I Giải 3 500,000 1,500,000
3 Giải thưởng cá nhân Hạng II Giải 3 400,000 1,200,000
4 Giải thưởng cá nhân Hạng III Giải 3 300,000 900,000
5 Giải thưởng bình chọn cao nhất Giải 3 200,000 600,000
Tổng cộng 5,200,000

 

  1. THÀNH PHẦN BAN TỔ CHỨC
    1. Thành phần Ban tổ chức:

-         Ban Giám hiệu Trường Đại học Dầu khí Việt Nam

-         BCH Đoàn Thanh niên

  1. Phân công phụ trách các nội dung:

-         Phụ trách chung về lên ý tưởng: Đ/c Nguyễn Viết Khôi Nguyên, Đ/c Nguyễn Hoàng Thư, Đ/c Lê Thái Hiển, Đ/c Võ Đoàn Phúc

-         Phụ trách chung về lên kế hoạch: Đ/c Nguyễn Hoàng Thư

-         Phụ trách chung về truyền thông: Đ/c Nguyễn Hoàng Tô Châu, Đ/c Bùi Thùy Linh

-         Phụ trách chung về thiết kế hình ảnh cho fanpage: 

-         Phụ trách chung về tổng hợp các hình ảnh, bài viết, clip: Đ/c Võ Đoàn Phúc, Đ/c Phan Thành Đạt

  1. THÀNH PHẦN BAN GIÁM KHẢO

-         Ban Giám Hiệu

-         BCH Đoàn Thanh niên (chỉ có thầy cô)

  1. QUYỀN LỢI

-         Tất cả các bài dự thi đạt giải đều được post lên các group, fanpage chính thức của trường.

-         Clip được giải nhất sẽ được trình chiều tại lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2017.

-         Bài viết giải nhất sẽ được đọc trong lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2017, có thể được đăng trên báo Năng Lượng Mới.

-         Tất cả hình ảnh, bài viết đạt giải sẽ được dán trên bảng thông tin của Đoàn thanh niên trong một tuần.

Chiều ngày 1/11, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đến chúc mừng Báo Công an nhân dân nhân kỷ niệm 71 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2017). Tham gia đoàn có đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn và đồng chí Trần Bình Minh, Chánh Văn phòng Tập đoàn cùng các cán bộ Văn phòng Tập đoàn.

Thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Trần Quang Dũng và đồng chí Trần Bình Minh, Chánh Văn phòng Tập đoàn đã tặng hoa chúc mừng Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân nhân ngày truyền thống của Báo đồng thời cảm ơn Báo trong thời gian vừa qua đã quan tâm, theo dõi, đăng tải thông tin, phản ánh kịp thời, chính xác về các mặt hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trên các ấn phẩm của Báo.

 

 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chúc mừng Báo Công an nhân dân

Nhân dịp này, đồng chí Trần Quang Dũng đã thông tin tới Tổng biên tập Phạm Văn Miên về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian qua. Trong bối cảnh tình hình hiện tại rất khó khăn cho các hoạt động dầu khí và Tập đoàn, Tập đoàn vẫn hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ giao, quyết tâm, nỗ lực vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2017.

Đồng chí Trần Quang Dũng cũng mong muốn Báo Công an nhân dân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ, chia sẻ, thấu hiểu với những khó khăn mà Tập đoàn và các đơn vị đang phải đối mặt, tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền các hoạt động của Tập đoàn trong mọi mặt công tác, đặc biệt trong thời gian tới Tập đoàn chuẩn bị kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí (27/11/1961 – 27/11/2017)

Thay mặt Ban Biên tập và cán bộ, chiến sỹ, phóng viên của Báo, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, Thiếu tướng Phạm Văn Miên cảm ơn sự quan tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua, tạo điều kiện cho phóng viên của Báo phản ánh kịp thời nhiều mặt hoạt động của Tập đoàn, các đơn vị thành viên, của người lao động Dầu khí. Thiếu tướng Phạm Văn Miên cũng chia sẻ với những khó khăn hiện tại của Tập đoàn và khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền các hoạt động của ngành Dầu khí.

Hiền Anh

Vừa qua, Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC (PTSC Quảng Ngãi) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (17/10/1997-17/10/2017).

Tham dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; ông Thái Quốc Hiệp - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT PTSC; ông Phan Thanh Tùng - Tổng giám đốc PTSC; ông Nguyễn Trần Toàn - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn PTSC, kiêm Chủ tịch HĐQT PTSC Quảng Ngãi; ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc PTSC Quảng Ngãi cùng hơn 200 CBCNV PTSC Quảng Ngãi.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Trần Toàn - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn PTSC, Chủ tịch HĐQT PTSC Quảng Ngãi đã ôn lại lịch sử của công ty: “Cách đây 20 năm, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa với việc chọn Dung Quất, Quảng Ngãi là nơi xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 của đất nước, nhiệm vụ được đặt lên vai ngành Dầu khí Việt Nam. Trước những thách thức và cơ hội đó, ngày 17/10/1997 Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 1723/DK-HĐQT về việc thành lập Chi nhánh Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tại Quảng Ngãi, với nhiệm vụ chính là cung cấp các dịch vụ phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Chi nhánh đó chính là tiền thân của PTSC Quảng Ngãi ngày nay”.


Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập PTSC Quảng Ngãi

20 năm đi qua, từ một chi nhánh ban đầu chỉ gồm 4 người, văn phòng trụ sở phải đi thuê, cơ sở vật chất thiếu thốn, đến nay số người lao động của công ty đã là 876 người. Hằng năm, công ty luôn hoàn thành các kế hoạch chỉ tiêu kinh tế được tổng công ty giao, doanh thu năm 2017 dự kiến đạt hơn 700 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 35 tỷ đồng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động với mức lương cao hơn so với mặt bằng thu nhập tại địa phương.

Công ty PTSC Quảng Ngãi ngày nay đã trưởng thành về mọi mặt, có những thay đổi rất lớn về tầm vóc cũng như khẳng định được vị thế của mình trong việc xây dựng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Ông Phạm Văn Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc PTSC Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Bên cạnh các thành tích đạt được đáng tự hào, chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại cần tập trung khắc phục, giải quyết để đưa công ty tiếp tục phát triển ổn định, bền vững”.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt CBCNV PTSC Quảng Ngãi, lãnh đạo công ty đã gửi lời tri ân đến các thế hệ lãnh đạo và người lao động đã đóng góp vào sự phát triển của công ty ngày nay.

Lễ kỷ niệm diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, thể hiện nét đẹp văn hóa của doanh nghiệp dầu khí, đồng thời cũng là dịp để động viên khích lệ toàn thể người lao động PTSC Quảng Ngãi tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu được giao trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Lê Nguyên Trang - Thành Luân - Minh Đức

Page 99 of 159