Super User

Super User

Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho miễn thuế xuất khẩu đối với dầu thô khai thác từ mỏ dầu Sông Đốc để tránh làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án trong thời gian tới.

Mỏ Sông Đốc thuộc Hợp đồng PSC Lô 46-02 được ký kết ngày 12-12-2002 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tổ hợp nhà thầu gồm: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Petronas và Talisman. Dự án do Công ty Điều hành chung Trường Sơn JOC điều hành. Trên cơ sở kế hoạch khai thác sớm được Chính phủ phê duyệt năm 2007, Trường Sơn JOC đã đưa mỏ Sông Đốc vào khai thác và cho dòng dầu đầu tiên vào ngày 24-11-2008.


Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Sông Đốc

Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành khai thác, tổ hợp nhà thầu đánh giá dự án triển khai khó khăn, không mang lại hiệu quả nên đã dừng khai thác và rút khỏi dự án. Nhằm tiếp tục khai thác nguồn dầu khí tại mỏ Sông Đốc, Chính phủ đã giao PVN nghiên cứu tiếp tục triển khai vận hành, khai thác mỏ. Ngày 24-11-2013, PVN đã giao nhiệm vụ cho PVEP tiếp nhận và vận hành mỏ Sông Đốc, nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên, đồng thời mang về nguồn thu cho ngân sách và bảo đảm kế hoạch sản lượng khai thác của ngành Dầu khí.

Ngay sau khi nhận bàn giao vận hành mỏ, PVEP đã khẩn trương triển khai xây dựng mô hình, quy trình phù hợp cũng như bố trí nhân lực, phân công nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn để thực hiện công tác vừa quản lý vừa điều hành dự án được hiệu quả. Ban lãnh đạo cùng tập thể CBCNV PVEP quyết tâm dám nghĩ dám làm, với tiêu chí an toàn luôn được đề cao để duy trì vận hành, khai thác mỏ Sông Đốc, đã đem lại nhiều thành công được Chính phủ, các bộ, ngành và Tập đoàn ghi nhận.

Việc phát động phong trào đóng góp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã mang lại nhiều giải pháp hợp lý hóa sản xuất; góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của hệ thống thiết bị khai thác, giảm giá thành khai thác và tăng hiệu quả kinh tế cho mỏ. Kể từ thời điểm chuyển giao đến nay, mỏ Sông Đốc luôn được PVEP vận hành tuyệt đối an toàn với hiệu suất của hệ thống thiết bị khai thác đạt mức trung bình 99,9%, là một kỳ tích trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi. Công tác quản lý mỏ cũng đã được PVEP thực hiện và giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế sự suy giảm sản lượng.

Mỏ Sông Đốc nằm trong Bể Malay - Thổ Chu, cách mũi Cà Mau khoảng 205km về phía tây nam. Thành công của PVEP trong việc tự vận hành mỏ Sông Đốc còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỏ Sông Đốc cũng thường xuyên hỗ trợ, ứng cứu ngư dân Việt Nam trong trường hợp xảy ra tai nạn gần khu vực mỏ.

Bên cạnh khó khăn về mặt địa lý, mỏ Sông Đốc có trữ lượng còn không nhiều, hàm lượng nước xâm nhập 50-90%. Chính vì thế, việc vận hành và duy trì khai thác hiệu quả dự án này để mang lại lợi ích kinh tế là một vấn đề hết sức khó khăn, thách thức. PVEP cùng PVN đã hết sức trăn trở để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho dự án, khai thác nguồn tài nguyên mà không gây thiệt hại về kinh tế. Theo cơ chế truyền thống, chắc chắn phải dừng khai thác và triển khai việc thu dọn mỏ, vì đã tìm mọi phương cách cắt giảm các dịch vụ phụ trợ, đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ thiết yếu, để hạ giá thành khai thác.

Sau khi cân nhắc kỹ, lãnh đạo PVEP đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương, PVN tạo cơ chế điều hành phi lợi nhuận mỏ Sông Đốc, để khai thác mỏ. Điểm cốt lõi, toàn bộ doanh thu bán dầu thô từ mỏ sẽ được đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước, PVEP chỉ đóng vai trò là người thay mặt Nhà nước vận hành và khai thác dầu khí tại mỏ này, tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm. Đây là cơ chế có tính đặc thù, chỉ dành riêng cho mỏ Sông Đốc, nơi hoàn toàn do người Việt Nam tự điều hành. Từ tháng 4-2016, Chính phủ đã chủ trương giao PVEP khai thác dầu khí, đóng góp thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bằng cơ chế đặc biệt - điều hành phi lợi nhuận theo đề xuất. Chính việc này đã tạo điều kiện để mỏ Sông Đốc tiếp tục duy trì hoạt động, người lao động của PVEP có việc làm, nguồn thu của quốc gia được đảm bảo.

Trong quý III/2017, hoạt động khai thác dầu thô tại mỏ Sông Đốc đạt 164.300 thùng, doanh thu đạt trên 187 tỉ đồng, dòng tiền dự án dương (thu vào) khoảng 16,6 tỉ đồng. Dự kiến trong quý IV/2017, mỏ Sông Đốc sẽ khai thác khoảng 154.860 thùng, sau khi nộp thuế tài nguyên (7%), thuế xuất khẩu dầu thô (10%), dòng tiền dự án trong quý IV là khoảng gần 500 triệu đồng. Nếu được miễn thuế xuất khẩu dầu thô (10%) dòng tiền thu vào dự án 12,8 tỉ đồng.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nếu tiếp tục thu thuế xuất khẩu dầu thô, trong quý I/2018, dự án sẽ âm khoảng 6 tỉ đồng. Trường hợp được miễn thuế, dòng tiền thu vào dự án sẽ là 10 tỉ đồng. Đặc biệt, vì mỏ Sông Đốc được giao PVEP điều hành với cơ chế phi lợi nhuận nên nếu dòng tiền âm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách quốc gia. Chính vì vậy, để duy trì khai thác mỏ Sông Đốc sau ngày 31-12-2017, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế xuất khẩu dầu thô nhằm đảm bảo dự án có dòng tiền lãi. Trường hợp nếu dự án được miễn thuế xuất khẩu, PVN đánh giá dự án có dòng tiền dương đến hết quý II/2018, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 34,2 tỉ đồng.

Việc miễn thuế xuất khẩu dầu thô đối với mỏ Sông Đốc sẽ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tài nguyên quốc gia không bị lãng phí, tạo việc làm cho lao động ngành Dầu khí.

H.A

Chiều ngày 17/10 tại Hà Nội, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tổ chức lễ ký Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mới và cung cấp dịch vụ dầu khí với Công ty cổ phần FPT.

Tham dự lễ ký về phía FPT có TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT; ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Software cùng các lãnh đạo quản lý và chuyên gia của FPT.

Về phía PVEP có Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải cùng các lãnh đạo trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, đại diện các Ban chuyên môn, đơn vị của Tổng Công ty.


Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải và Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình ký kết thỏa thuận hợp tác

Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực dầu khí giữa PVEP và FPT trên tinh thần ưu tiên phát triển nguồn lực, trí tuệ trong nước giữa các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, hướng tới quan hệ đối tác lâu dài, tạo điều kiện hợp tác triển khai và chia sẻ tri thức trong việc khai thác các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực bao gồm: Mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT); Dữ liệu lớn (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Khoa học dữ liệu (Data Science) áp dụng cho sản xuất kinh doanh nhằm tăng hiệu quả khai thác dầu khí, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động của hệ thống thiết bị, tiết kiệm chi phí rủi ro cho đơn vị, mục tiêu nhằm tiến tới chuyển dịch sang môi trường số hóa (Digital Transformation) các hoạt động của PVEP.


Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình phát biểu tại lễ ký

Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để việc phối hợp giữa FPT và PVEP diễn ra thuận lợi, tích cực tham vấn chuyên môn liên quan để phát triển những ý tưởng hợp tác có kết quả sớm nhất. Trước mắt, FPT sẽ tổ chức gặp gỡ, thảo luận, lựa chọn một dự án đang khai thác của PVEP điều hành để đề xuất triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ mới phù hợp với dự án.


Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải phát biểu tại lễ ký

Thay mặt lãnh đạo PVEP, Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng việc hợp tác giữa 2 bên sẽ thành công, cùng với đó sẽ nhanh chóng áp dụng cho tất cả dự án của PVEP trong và ngoài nước. Việc áp dụng thành công những công nghệ mới vào những dự án đang triển khai của PVEP sẽ giúp tối ưu khả năng khai thác hiệu quả, giảm tối đa các chi phí trong điều kiện khó khăn của ngành dầu khí nói chung và PVEP nói riêng.


Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải tặng quà lưu niệm Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình

Đồng hành cùng FPT, PVEP sẽ có cơ hội tiếp cận nhanh chóng với những xu hướng mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0, những giải pháp tối ưu hiện đại mà FPT đang có thế mạnh. Kinh nghiệm và thế mạnh của FPT sẽ giúp PVEP tận dụng xu thế công nghệ tiên tiến, chuẩn bị các nguồn lực cho cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, FPT sẽ có cơ hội tiếp cần với môi trường kỹ thuật công nghệ thăm dò khai thác dầu khí đặc thù để thử nghiệm và nâng cao phạm vi ứng dụng, qua đó hoàn thiện hơn các dịch vụ và giải pháp công nghệ của mình ở trong nước và trên toàn thế giới.

Thỏa thuận giữa PVEP và FPT sẽ là tiền đề để hai bên hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn trong thời gian tới trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, bình đẳng, vì sự phát triển của hai bên và nền khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung.

Hiền Anh

Ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp 4.0 không thể không nhắc đến máy quét laser 3D. Thị trường công nghệ quét 3D có thể tăng trưởng từ 3,76 tỉ USD năm 2017 đến 5,90 tỉ USD trước năm 2023. Tuy nhiên, tại Việt Nam, máy quét laser 3D chưa được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực, kể cả trong ngành Dầu khí.   

Theo tiến sĩ tự động hóa Lê Minh Tuấn - cố vấn Công ty CP Giải pháp chuyên gia Star Global, trong khoảng 15 năm qua, công nghệ quét 3D được áp dụng rộng rãi trên thế giới và trong khu vực, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các lĩnh vực như kỹ thuật, dầu khí, kiến trúc, xây dựng, khảo sát, bảo tồn, văn hóa, điện ảnh, pháp y… Công nghệ quét 3D cho phép ghi lại hình ảnh vật thể ba chiều chính xác, sống động giúp kiểm tra hiện trạng, phát hiện hư hỏng, biến dạng công trình, so sánh thực tế hoàn công với thiết kế chính xác tới cấp độ mm.

Công nghệ này hỗ trợ xây dựng được mô hình nhà máy, phân xưởng, cụm thiết bị, công trình, mặt bằng… với kích thước đúng thực tế và có độ chính xác rất cao, rất tiết kiệm thời gian, bởi chỉ cần quét một lần, sử dụng rất nhiều lần vào nhiều mục đích khác nhau (mô hình hóa, mô phỏng, đào tạo…). Hình dạng và kích thước các công trình, nhà máy đã được số hóa nên sẽ tồn tại mãi mãi, không bị hao mòn, xuống cấp theo thời gian.

cong nghe quet 3d trong nganh dau khi
Sinh viên PVU tiếp cận công nghệ quét 3D

Điểm đặc biệt là toàn bộ dữ liệu về kích thước của công trình, nhà máy được lưu giữ trong thẻ nhớ, điều này rất có giá trị trong việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo trong suốt vòng đời hoạt động của nhà máy. Và một tiện ích khác không thể không nhắc đến là nếu sử dụng công nghệ quét 3D có thể chia sẻ dữ liệu mô hình 3D của thực tế với các thành viên trong đội quản lý dự án (trên toàn thế giới) để thực hiện việc giao tiếp và báo cáo hiện trạng, xử lý sự cố một cách rất dễ dàng.

Trong ngành dầu khí thế giới, một nhà máy hóa dầu (Bắc Anh) đã dùng công nghệ quét 3D phân tích mô hình số hóa 3D, phát hiện nguy cơ khi lắp đặt mới, phân tích rò rỉ bể chứa và đưa ra kiến nghị cho việc lắp đặt để hạn chế mức độ rò rỉ chất lưu. Và công nghệ quét 3D đã cho những thông tin cơ sở để thiết kế và phát triển giàn khoan Tico (New Orleans - Mỹ); hỗ trợ thiết kế, lắp đặt và tính toán phế liệu cần loại bỏ cho tàu chở dầu Albatros (Labuan).

Ông Trần Duy Hào - Giám đốc Công ty CP Giải pháp chuyên gia Star Global phân tích thêm: Trước đây để đo khối lượng bể chứa dầu là vô cùng khó khăn, độ chính xác không cao và mất rất nhiều thời gian, nhưng nay các công ty có thể giải quyết vấn đề này bằng công nghệ quét 3D. Và trước đây nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong việc lắp đặt, bảo trì, nâng cấp các giàn khoan dầu khí đòi hỏi phải thay đổi kế hoạch lắp đặt thì ngày nay nhờ công nghệ quét 3D đã giúp các công ty khoan đỡ tốn thời gian và chi phí rất nhiều.

Điểm đặc biệt nữa là khi sử dụng công nghệ quét 3D thì các công trình vẫn vận hành bình thường, nhất là những công trình dầu khí không thể dừng hoạt động dù chỉ một giây. Vì nếu dừng hoạt động sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế. Dùng công nghệ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi hoạt động đang diễn ra tại thời điểm khảo sát, chỉ cần mang máy đến quét và nhanh chóng rời khỏi hiện trường, tất cả những việc khác đều được xử lý offline rất tiện lợi.

Chính dữ liệu trong lần quét đó sẽ được lưu trữ, giúp tăng khả năng vận dụng linh hoạt cho những lần nâng cấp, cải tạo về sau, khi đã có sẵn dữ liệu công trình đã được số hóa. Doanh nghiệp có thể phân tích thực thể thiết bị, nhà máy, công trình đã được mô hình hóa bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào cần. Phân tích được thực thể từ những góc nhìn cực hạn mà không thể thực hiện được bằng phương pháp thông thường. Phân tích thực tế trong môi trường an toàn, đặc biệt là những khu vực nguy hiểm không cho phép con người xuất hiện lâu gây mất an toàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Hào mong rằng, trong tương lai, cùng với sự trợ giúp của Hãng FARO sẽ hợp tác nghiên cứu đưa công nghệ quét 3D thành môn học trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU), đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ này đến các đơn vị trong ngành Dầu khí.

Trưởng khoa Dầu khí PVU - TS Doãn Ngọc San ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Star Global vừa qua đã cùng phối hợp với nhà trường tổ chức hội thảo công nghệ quét 3D trong lĩnh vực dầu khí. Và nhấn mạnh đây là cầu nối để đưa công nghệ quét 3D đến các đơn vị trong ngành dầu khí và sẽ nghiên cứu triển khai giảng dạy công nghệ này trong chương trình đào tạo của nhà trường.

TS Doãn Ngọc San cảm ơn các đối tác của PVU, trong đó có Star Global thời gian qua đã tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối đến thực tập, có cơ hội cọ xát thực tế công việc, tiếp cận với các công nghệ mới, giúp các sinh viên phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là ứng dụng các tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, vật liệu mới… để giải quyết các vấn đề phức tạp mà không có sự can thiệp của con người hướng đến nền sản xuất thông minh. Và công nghệ quét 3D là một trong những ứng dụng công nghệ cao rất quan trọng trong cuộc cách mạng này.

cong nghe quet 3d trong nganh dau khi

Một môi trường học tập ảo cho phép sinh viên xây dựng các module phần mềm, thiết bị cảm biến, mô phỏng quy trình sản xuất tự động, thông minh sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo của PVU trong CMCN 4.0. Trong tương lai, công nghệ quét 3D có thể được triển khai giảng dạy tại PVU - TS Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU

cong nghe quet 3d trong nganh dau khi

Công nghệ quét 3D là công cụ không thể thiếu trong việc lập mô hình thông tin công trình (BIM) được Nhà nước khuyến khích thông qua Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để các chủ thể liên quan áp dụng, hướng tới mục tiêu tiết kiệm ít nhất 30% chi phí quy đổi tổng hợp từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công cho tới khâu vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp trong suốt vòng đời của công trình hoặc nhà máy - TS tự động hóa Lê Minh Tuấn

 

Theo www.petrovietnam.petrotimes.vn

Chiều ngày 11/10/2017, đoàn lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (XNKT) do Tổng giám đốc Từ Thành Nghĩa làm trưởng đoàn đã đến thăm, kiểm tra, tặng quà và động viên CBCNV Vietsovpetro đang thực hiện dự án vận hành và bảo dưỡng giàn đầu giếng khai thác khí và condensate TBDP-A cho Công ty Petronas Carigali Overseas tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tại Trung tâm phân phối khí Tiền Hải, nhóm CBCNV của XNKT, đại diện PV GAS và Công ty Petronas Carigali Overseas đã báo cáo trước đoàn công tác về tình hình mỏ, sản lượng tối đa có thể đáp ứng; những khó khăn đặc thù về sản xuất kinh doanh trong môi trường khai thác, tiêu thụ khí ở phía Bắc; cũng như khái quát tình hình đời sống, sinh hoạt của người lao động tại dự án khí Thái Bình.

 

Lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Xí nghiệp Khai thác Dầu khí làm việc tại Trung tâm phân phối khí Tiền Hải

Đặc biệt, phía đối tác đánh giá rất cao công tác vận hành và bảo dưỡng giàn đầu giếng khai thác khí và condensate TBDP-A do CBCNV XNKT phụ trách. Tại đây, nhóm Thái Bình O&M đã vượt qua các khó khăn về thời tiết, khí hậu và điều kiện vận hành để luôn hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, duy trì thời lượng uptime của công trình lên tới 99,7 % và đảm bảo công tác an toàn trong sản xuất tuyệt đối kể từ ngày đón dòng khí đầu tiên.

Lắng nghe các báo cáo từ phía các đối tác cũng như tâm tư nguyện vọng của CBCNV, Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa đã có lời động viên khích lệ đến toàn thể CBCNV Vietsovpetro đang làm việc tại dự án khí Thái Bình. Đồng thời, đồng chí Tổng giám đốc nhấn mạnh, tổ công tác cần cố gắng nhiều hơn cả trong công tác lẫn học tập, gương mẫu trong sinh hoạt và phối hợp với các đơn vị nhịp nhàng hơn, nhằm nâng cao chất lượng của công tác O&M, khẳng định thương hiệu Vietsovpetro trong công tác vận hành và bảo dưỡng các công trình dầu khí tại thị trường phía Bắc.

Nhân dịp này, Tổng giám đốc Từ Thành Nghĩa cũng thăm hỏi và tặng quà cho các CBCNV đang trong ca trực của các đơn vị Petronas Carigali Overseas và Công ty vận chuyển khí Đông Nam Bộ.

P.V

Ngày 16/10 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận Sửa đổi Hợp đồng Mua bán khí và Hợp đồng Vận chuyển khí Lô 06.1 cho Dự án phát triển mỏ Phong Lan Dại.

Tới dự Lễ ký về phía Petrovietnam có Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn cùng các đồng chí trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn. Về phía PV Gas có Tổng giám đốc PV Gas Dương Mạnh Sơn cùng đại diện lãnh đạo Tổng Công ty và các đơn vị thành viên.

Dự lễ ký còn có đại diện Công ty Rosneft Vietnam B.V, Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC Vindesh) và Công ty Perenco Việt Nam.

Trải qua quá trình đàm phán, trao đổi, Petrovietnam và các đối tác đã thống nhất các điều khoản và quyết định ký kết các hợp đồng sau:

1. Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 03 của Hợp đồng mua bán khí Lô 06.1 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Rosneft Vietnam B.V., Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh Limited với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas);

2. Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 03 của Hợp đồng Vận chuyển, xử lý và quản lý khí và condensate Lô 06.1 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Rosneft Vietnam B.V., ONGC Videsh Limited với các thành viên của Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn  (gồm Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Perenco Vietnam A.S và Rosneft Pipeline Vietnam B.V.

 

Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ ký, Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh Lô 06.1 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam do Rosneft Vietnam B.V. là nhà điều hành đã hoạt động ổn định trong suốt 15 năm qua, cung cấp hàng năm khoảng hơn 30% sản lượng khí cho Việt Nam. Việc phát triển mỏ Phong Lan Dại là dự án đầy thách thức của Petrovietnam và nhà điều hành Rosneft do phải sử dụng hạ tầng hiện có để giảm thiểu chi phí, nâng cao hệ số khai thác với mục tiêu cung cấp dòng khí đầu tiên vào quí IV năm 2018.

 

Tổng giám đốc Rosneft Việt Nam Mervyn Goddings phát biểu tại buổi lễ

Đồng thời, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn gửi lời cảm ơn đến các đối tác tham gia điều hành đã nỗ lực, cố gắng để đạt được các thành công và mong muốn trong thời gian tới, các bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong các mặt hoạt động để đưa dự án tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

 

Ký kết Thỏa thuận Sửa đổi Hợp đồng Mua bán khí Lô 06.1

Thay mặt các đối tác tham gia ký kết, Tổng Giám đốc Rosneft Việt Nam Mervyn Goddings bày tỏ sự cảm ơn đối với sự quan tâm giúp đỡ của Petrovietnam, PV Gas trong việc hỗ trợ điều hành dự án phát triển mỏ Phong Lan Dại và cam kết sẽ nỗ lực thực hiện việc đưa khí vào bờ đúng như kế hoạch đã đề ra.

 

Ký kết Hợp đồng Vận chuyển Vận chuyển, xử lý và quản lý khí và condensate Lô 06.1

Mỏ khí Phong Lan Dại được phát hiện năm 2016, ODP Phong Lan Dại đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 3/01/2017. Khí và condensate từ mỏ Phong Lan Dại sẽ được đấu nối vào đường ống Nam Côn Sơn đến Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và chuyển đến Cụm Khí - Điện – Đạm Phú Mỹ.

Đây là lần thứ hai Hợp đồng Mua bán Khí và Hợp đồng Vận chuyển Khí Lô 06-1 được sửa đổi để đưa mỏ Phong Lan Dại vào phát triển. Các hợp đồng đầu tiên được ký năm 2000 và 2001 để phát triển mỏ khí Lan Tây, sửa đổi lần đầu tiên năm 2009 để đưa khí từ mỏ Lan Đỏ vào bờ năm 2012. Petrovietnam và các bên nhà thầu đã rất tích cực trong việc tìm kiếm trữ lượng mới và tăng sản lượng khí để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.

Vừa qua, Công ty Idemitsu Q8 (IQ8 - 100% vốn nước ngoài) chính thức khánh thành trạm xăng dầu đầu tiên tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.

Công ty Idemitsu Q8 (IQ8) là liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản.

Tham dự lễ khánh thành trạm xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8), ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc PVOIL - đã gửi lời chào mừng, hoan nghênh IQ8 - doanh nghiệp xăng dầu đến từ Nhật Bản và Kuwait - đã tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam; mang lại tín hiệu tốt đẹp, sự khởi sắc cho thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước thời gian tới.


Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL phát biểu tại lễ khánh thành cửa hàng xăng dầu IQ8

Mặc dù thừa nhận sự xuất hiện của IQ8 sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam, trong đó có PVOIL, tuy nhiên, ông Cao Hoài Dương cũng cho rằng đây chính là động lực cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam nói chung và PVOIL nói riêng không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.


Trạm xăng dầu IQ8 tại Hà Nội

Cũng trong sự kiện này, ông Cao Hoài Dương đã chào mừng IQ8 trở thành đại lý của PVOIL, cảm ơn IQ8 đã tin tưởng lựa chọn PVOIL làm nhà cung cấp các sản phẩm xăng, dầu và cam kết cùng hỗ trợ, đồng hành phát triển trong thời gian tới, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

P.V

Trong bối cảnh khó khăn do giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp, một số cơ chế tài chính chưa phù hợp, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu 9 tháng năm 2017.

9 tháng năm 2017, tổng sản lượng khai thác của PVEP đạt 3,75 triệu tấn quy dầu, đạt 112% kế hoạch 9 tháng và 85% kế hoạch năm do Tập đoàn giao. Trong đó khai thác dầu đạt 2,94 triệu tấn, đạt 108% kế hoạch 9 tháng; khai thác khí đạt 818 triệu m3, đạt 127% kế hoạch 9 tháng.

Trong điều kiện hết sức thách thức hiện nay, PVEP đã hoàn thành khoan 2,5 giếng thăm dò thẩm lượng. Đồng thời, PVEP tập trung triển khai, đưa vào khai thác Dự án thu gom khí mỏ Đại Hùng Lô 05-1 và kiểm soát vận hành hệ thống ổn định các mỏ hiện có nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác, đảm bảo đưa các giếng vào khai thác đúng hạn trong năm 2017. Bên cạnh đó, PVEP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đột phá đối với các phương án phát triển mỏ khác.


Khai thác dầu khí tại mỏ Sư Tử Trắng

Tình hình tài chính của PVEP đã có sự cải thiện rõ rệt. Tổng doanh thu 9 tháng năm 2017 ước tính là 25.591 tỉ đồng, đạt 110% kế hoạch 9 tháng, lợi nhuận sau thuế ước tính 3.111 tỉ đồng. PVEP đã nộp ngân sách Nhà nước 6.417 tỉ đồng, đạt 131% kế hoạch 9 tháng và đạt 92% kế hoạch năm.

Thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách khi phải đối mặt với vấn đề tính hiệu quả của các dự án, do khủng hoảng suy giảm giá dầu kéo dài, PVEP tiếp tục hoàn thiện phương án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020 trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó tập trung cốt lõi vào tái cấu trúc toàn bộ danh mục đầu tư - tài chính của PVEP với mục tiêu đảm bảo tính bền vững của hệ thống, cải thiện dòng tiền và đảm bảo phát triển về dài hạn, đồng thời đề xuất các giải pháp về đầu tư, cơ chế tài chính hợp lý với PVEP và các đơn vị thăm dò khai thác nói chung. Bên cạnh đó, PVEP tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và đề xuất tái cấu trúc của các đơn vị, dự án như PVEP SH, PVEP OVS, PVEP POC để phù hợp với tình hình thực tế…

Về công tác quản lý điều hành, PVEP đã hệ thống hóa và hoàn thiện các quy trình, văn bản pháp lý nội bộ phục vụ công tác đánh giá, quản lý điều hành, hỗ trợ công tác quản lý dự án và giám sát thực hiện đầu tư chặt chẽ và chuyên nghiệp. Tập trung cùng với Tập đoàn thúc đẩy ban hành cơ chế tài chính đặc thù cho PVEP và hoàn tất các thủ tục báo cáo đầu tư nhằm đảm bảo tuân thủ đúng các quy định liên quan.

Phát huy thế mạnh vốn có, PVEP luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, ứng dụng các kết quả nghiên cứu cải tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần tiết kiệm, tối ưu chi phí trong quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất. Từ đầu năm 2017, PVEP đã tiếp nhận đơn đăng ký 14 sáng kiến, giải pháp của đơn vị, trong đó, xét duyệt và công nhận 9 sáng kiến, giải pháp với tổng số tiền làm lợi là 55,5 triệu USD.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong điều hành, sản xuất, PVEP đã yêu cầu tất cả các đơn vị, dự án khẩn trương rà soát và có kế hoạch triển khai cụ thể đối với các dự án đã được phê duyệt, kiên định cắt giảm đầu tư chưa thực sự cần thiết, giảm chi phí vận hành khai thác hoặc thực hiện chuyển nhượng, dừng hẳn dự án. Tăng cường công tác giám sát/kiểm soát thực hiện chi phí tại văn phòng bộ máy và tại các đơn vị, dự án, đảm bảo hợp lý, phù hợp và tiết kiệm, đồng thời rà soát, cơ cấu lại các vị trí nhân sự nhằm tối ưu bộ máy điều hành, tinh giản biên chế và giảm thiểu chi phí hành chính đảm bảo phù hợp với khối lượng công việc trong năm 2017.

PVEP cũng tiếp tục thực hiện rất tốt công tác an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường tại các dự án trong và ngoài nước, không để sự cố nào gây gián đoạn hoạt động sản xuất hay tác động xấu tới môi trường. Đặc biệt với tình trạng an ninh phức tạp tại các nước có dự án, PVEP thường xuyên cập nhật mọi diễn biến tại địa bàn và có hướng dẫn, cảnh báo kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động của các dự án và CBCNV.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác an sinh xã hội của PVEP tiếp tục được quan tâm triển khai tích cực với nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực. Trong điều kiện khó khăn, tổng công ty cũng đã nỗ lực đóng góp trong hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc này với tổng số kinh phí đã thực hiện trong 9 tháng năm 2017 khoảng trên 7,5 tỉ đồng.

Trong những tháng cuối năm, PVEP tập trung triển khai vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả các mỏ nhằm bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, đồng thời tiếp tục rà soát tối ưu triển khai các dự án phát triển mỏ khác. PVEP sẽ tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục rà soát chặt chẽ công tác góp vốn, giãn góp vốn cho các dự án dầu khí; tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, quyết liệt đổi mới phương thức quản trị, tiếp tục tìm các giải pháp đột phá trong kỹ thuật, đề xuất nhiều sáng kiến, sáng chế, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Dự báo giá dầu trong các tháng cuối năm còn nhiều rủi ro, cùng với các bất cập về cơ chế đặc thù chưa được tháo gỡ, PVEP tiếp tục làm việc với các cấp chủ quản để báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh phạm vi sử dụng quỹ tìm kiếm, thăm dò cho toàn bộ hoạt động tìm kiếm, thăm dò. Kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế điều hành phi lợi nhuận đối với các mỏ khai thác tận thu hoặc khai thác không hiệu quả; cũng như bổ sung các ưu đãi cho các mỏ nhỏ, cận biên, nước rất sâu hoặc rất xa bờ. Đồng thời, PVEP kiến nghị Tập đoàn có những hỗ trợ cần thiết trong việc triển khai các hoạt động của đơn vị.

Với nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, người lao động, PVEP đang hướng tới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2017, phấn đấu về đích trước thời hạn các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hiền Anh

Vừa qua, tại Công ty PTSC Long Phú đã diễn ra Lễ ký hợp đồng “Gói thầu thi công lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) - tổ máy số 2 - Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (công suất 2x600MW)” giữa tổng thầu thi công: Chi nhánh Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - Ban Dự án Nhiệt điện Long Phú (PTSC Power) và Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa.

Tham dự lễ ký hợp đồng, về phía tổng thầu PTSC có ông Vũ Văn Kiên - Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Long Phú, ông Nguyễn Chí Linh - Phó Giám đốc Ban dự án. Về phía Công ty PTSC Thanh Hóa có ông Lê Văn Ngà - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Khắc Dũng - Phó giám đốc.


Ông Vũ Văn Kiên - Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Long Phú (trái) và ông Nguyễn Khắc Dũng - Phó giám đốc Công ty PTSC Thanh Hóa ký hợp đồng cho gói thầu thi công lọc bụi tĩnh điện

Với tổng mức đầu tư 29.580,934 tỷ đồng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200MW (gồm 2 tổ máy) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, được xây dựng tại ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Theo hợp đồng được ký kết, Công ty PTSC Thanh Hóa sẽ chịu trách nhiệm thi công lắp đặt, chạy thử phần lọc bụi tĩnh điện của tổ máy số 2, dự kiến sẽ hoàn tất và bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu tháng 9 năm 2018.

Lãnh đạo PTSC Power và PTSC Thanh Hóa chứng kiến lễ ký hợp đồng cho gói thầu thi công lọc bụi tĩnh điện tổ máy số 2

Trong những năm qua, PTSC Thanh Hóa đã khẳng định được vị thế của một nhà thầu thi công chuyên nghiệp, luôn hoàn thành công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ. PTSC Thanh Hóa cũng đã không ngừng nâng cao năng lực, tạo dựng uy tín, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng.

Với việc ký hợp đồng này, một lần nữa khẳng định những nỗ lực to lớn của tập thể lãnh đạo và người lao động PTSC Thanh Hóa trong việc không ngừng nâng cao sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể hóa những chỉ đạo của lãnh đạo công ty trong việc mở rộng và phát triển dịch vụ cơ khí.

Xuân Huy

100% sinh viên khóa 1 của Trường ĐH Dầu khí Việt Nam (PVU) đã có việc làm và đang từng bước khẳng định mình tại các doanh nghiệp, trong đó hơn 10% sinh viên tốt nghiệp khóa 1 được các trường đại học uy tín của Canada, Australia, Italia, Hàn Quốc... cấp học bổng toàn phần để theo học các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.

Kết quả ấn tượng

Một ngôi trường đại học còn non trẻ, thành lập mới 6 năm nhưng chất lượng đội ngũ giảng viên PVU được đánh giá rất cao. Bởi đa số cán bộ giảng dạy (CBGD) tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu trong nước và học tiếp chương trình thạc sĩ, tiến sĩ các đại học lớn trên thế giới. Đồng thời, PVU còn có đội ngũ giảng viên là những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu làm việc lâu năm trong ngành, bên cạnh kiến thức là kinh nghiệm thực tiễn những năm tháng làm việc trong ngành Dầu khí. Kho vàng tri thức ấy được bồi đắp qua các bài giảng rất sống động cho các thế hệ sinh viên (SV) PVU.

Theo TS Hoàng Hùng - Bí thư Đảng ủy - Phó hiệu trưởng PVU, năm học 2016-2017 với đội ngũ 76 CBCNV, trong đó có 2 phó giáo sư - tiến sĩ, 23 tiến sĩ và 27 thạc sĩ, nhà trường triển khai đào tạo 289 SV trình độ đại học hệ chính quy các khóa 2, 3, 4, 5; tổ chức đánh giá hoàn thành luận văn thạc sĩ ngành Công trình biển cho 14 học viên khóa 1; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, dịch vụ đào tạo và đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ. Bên cạnh thành tích học tập tốt thì trong năm học 2016-2017, PVU cử 4 đoàn tham gia các kỳ thi Olympic Toán, Vật lý, Cơ học, Tiếng Anh với 6 giải Nhì, 5 giải Ba và 9 giải Khuyến khích.

pvu khang dinh thuong hieu dao tao nganh dau khi
PVU trao bằng kỹ sư cho sinh viên khóa 2

Mặc dù thị trường lao động ngành Dầu khí hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với nền tảng kiến thức và kỹ năng được đào tạo bài bản, chất lượng, phần lớn SV PVU ra trường đã có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại 100% SV khóa 1 đã có việc làm và đang từng bước khẳng định mình tại các doanh nghiệp, đặc biệt hơn 10% SV tốt nghiệp của khóa 1 được các trường đại học uy tín của Canada, Australia, Italia, Hàn Quốc... cấp học bổng toàn phần để theo học các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Qua đó đã minh chứng cho sự công nhận, đánh giá của các trường đại học lớn trên thế giới đối với chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động kỹ thuật cao của SV PVU. TS Hoàng Hùng vui mừng thông báo, riêng SV khóa 2, đến thời điểm trước khi nhận bằng tốt nghiệp, có gần 70% SV có việc làm phù hợp.

Với thế mạnh một nhà trường trong doanh nghiệp, những SV có thành tích học tập ấn tượng sẽ có cơ hội nhận học bổng hỗ trợ và khuyến khích học tập. Năm học 2016-2017 có 134 suất học bổng và phần thưởng với tổng giá trị 697,5 triệu đồng và 2.500USD được trao cho những SV đạt thành tích cao trong học tập. Tại lễ khai giảng năm học 2017-2018 có gần 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước trao tặng các suất học bổng cho SV PVU với tổng số tiền khoảng 1,1 tỉ đồng. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho các em phấn đấu trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dịch vụ đào tạo

Thời gian qua, ngoài công tác đào tạo đại học chính quy, PVU còn tổ chức các hoạt động dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trong và ngoài ngành Dầu khí, doanh thu đạt gần 11 tỉ đồng.

Trong năm học 2016-2017, PVU đẩy mạnh công tác NCKH và công bố các bài báo khoa học. Trong đó, CBGD thực hiện 1 đề tài Nafosted, 3 đề tài cấp ngành, 1 đề tài cấp sở, 16 đề tài cấp cơ sở và SV thực hiện 13 đề tài; công bố 36 bài báo khoa học thuộc danh mục ISSN, trong đó có 1 bài thuộc danh mục SCOPUS; 17 bài thuộc danh mục ISI (trong đó có 13 bài thuộc danh mục SCI, 4 bài thuộc danh mục SCIE). Ngoài ra, nhiều CBGD đã tham dự và báo cáo tại nhiều hội nghị trong và ngoài nước. Thành tích NCKH nói trên đã đưa PVU vào top những trường đại học trong nước đứng đầu về chỉ số trung bình bài báo ISI/1 CBGD.

Song song với hoạt động NCKH thì PVU luôn tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế, trong đó thực hiện hiệu quả các nội dung đã ký kết với các đối tác Mỹ, Nhật, Rumani, Hàn Quốc, Canada...; đồng thời ký kết thêm các thỏa thuận ghi nhớ mới. Theo ông Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU thì lĩnh vực hợp tác trong nước luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng, bởi sự gắn kết hữu cơ giữa PVU và các doanh nghiệp thuộc PVN; mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVU trong hoạt động đào tạo, NCKH và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được trong những năm qua, PVU vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Mô hình hoạt động và định hướng phát triển - cơ sở để mở rộng hoạt động đào tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, NCKH và cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật vẫn chưa được khẳng định rõ ràng; các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách để nhà trường có thể tiến tới tự chủ theo chủ trương của Nhà nước vẫn cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của PVN.

Năm học 2016-2017, PVU công nhận tốt nghiệp và trao bằng thạc sĩ cho 14 học viên cao học ngành Công trình biển, công nhận tốt nghiệp và trao bằng kỹ sư cho 103 SV đại học khóa 2.

Trong lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, Thành viên HĐTV PVN Nguyễn Tiến Vinh đặc biệt biểu dương kết quả tất cả SV khóa 1 có việc làm sau tốt nghiệp và khẳng định đây là điểm sáng trong công tác đào tạo của toàn Tập đoàn. Đồng thời ông Nguyễn Tiến Vinh ghi nhận những nỗ lực rất lớn trong năm qua của PVU: Thứ nhất, những kết quả nêu trên đã phản ánh sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của toàn thể nhà trường vì mục tiêu đào tạo chất lượng cao; Thứ hai, trong những năm qua nhà trường đã thực hiện công tác cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế, rút ngắn thời gian đào tạo còn 4 năm theo hướng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất ngành Dầu khí và hội nhập quốc tế; Thứ ba, chính những kết quả trong NCKH của CBGD và SV đã minh chứng hoạt động NCKH trở thành một trong những trụ cột góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Thay mặt lãnh đạo PVN, ông Nguyễn Tiến Vinh chúc tập thể PVU đoàn kết, tự tin thực hiện thành công nhiệm vụ trong năm học mới.

Theo www.petrovietnam.petrotimes.vn

Cùng cả nước hướng về miền Trung ruột thịt, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - thương hiệu Đạm Cà Mau) tổ chức chương trình “Nghĩa tình Đạm Cà Mau đối với đồng bào miền Trung”.

Chương trình kéo dài từ ngày 5/10 - 10/10 tại 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. CBCNV Đạm Cà Mau đã trao tay hàng trăm phần quà gồm: tiền mặt, sách vở, nhu yếu phẩm nhằm kịp thời hỗ trợ bà con giảm bớt phần nào khó khăn thiệt hại do đợt bão lũ vừa qua.

 

Đạm Cà Mau trao tiền hỗ trợ cho bà con miền Trung

Thiết thực thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” với bà con chịu nhiều thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, Đạm Cà Mau đã phát động phong trào quyên góp, thu được số tiền 198 triệu đồng.

Đoàn đã hỗ trợ tiền mặt cho các hộ dân, gia đình học sinh nghèo chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ tại huyện Quảng Trạch, Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình và huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, đoàn còn dành tặng 35 triệu đồng giúp khắc phục hư hỏng cơ sở vật chất cho Trường Mầm non Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; hơn 2.000 quyển vở cũng được trao đến tay học sinh các trường bị thiệt hại để các em tiếp tục học tập trong những ngày sắp tới.


Chương trình “Nghĩa tình Đạm Cà Mau đối với đồng bào miền Trung” hỗ trợ cho nhiều bà con ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh

Trên hành trình xây dựng và phát triển, Đạm Cà Mau xác định trách nhiệm cộng đồng luôn là mục tiêu song hành cùng sự vững mạnh công ty. Ngoài việc tập trung thực hiện các công trình an sinh xã hội, xây dựng các trường học, trạm y tế, hỗ trợ đồng bào miền núi phía Bắc bị lũ quét, miền Trung lũ lụt, miền Nam bị hạn hán, xâm nhập mặn… thì Quỹ học bổng “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” qua 5 năm triển khai đã phát triển sâu rộng khắp cả nước, trở thành động lực để học các sinh nghèo hiếu học vượt khó, vươn lên.

P.V

Page 101 of 159