Chiều ngày 24/8, tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về cảm biến từ, kiểm tra không phá hủy và internet vạn vật: "Các kết quả và triển vọng trong tương lai”. Hội thảo diễn ra trực tiếp tại cơ sở PVU Bà Rịa và trực tuyến ở các điểm cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - Hà Nội, Pháp và Mỹ.
Tham dự hội thảo, ở đầu cầu Pháp có ông Đỗ Khánh Chung - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp; TS Sidina Wane - Chủ tịch Công ty eV-Technologies, công ty công nghệ chuyên về cảm biến từ và IoT tại Pháp. Ở đầu cầu Mỹ có sự tham gia của GS.TS Azzedine Bousseksou - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu.
Về phía Petrovietnam có bà Đỗ Thị Thu Phương - Phó trưởng Ban Công nghệ An toàn - Môi Trường.
Về phía đối tác của PVU có sự tham gia của GS.TS Ferial Terki đến từ Đại học (ĐH) Montpellier (Pháp); GS.TS Trần Quang Hưng - Giảng viên ĐH Montpellier, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty eV-Technologies (Pháp); ông Phạm Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật HANA NDT; TS Thái Trung Kiên - Viện Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự; TS Võ Thanh Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty GMNEST; cùng sự tham gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM; và các đơn vị của Petrovietnam: Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Trường Cao đẳng Dầu khí, Xí nghiệp Cơ điện - Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty Dịch vụ Khí, Công ty Chế biến khí Vũng Tàu, Công ty Đường ống Nam Côn Sơn.
Về phía PVU có sự tham gia của TS Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng; TS Lê Quốc Phong - Phó hiệu trưởng; cùng đông đảo các cán bộ giảng dạy và sinh viên PVU.
TS Vũ Minh Hùng - Trưởng khoa Khoa học Cơ bản PVU chủ trì hội thảo |
Phát biểu khai mạc, TS Lê Quốc Phong - Phó hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học là một hoạt động không thể thiếu tại một trường đại học. Sứ mệnh của một trường đại học là tạo ra, quảng bá và chuyển giao tri thức cho xã hội. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là nội lực và cũng là một trong những thành tố quan trọng khẳng định vị thế của trường đại học.
TS Lê Quốc Phong - Phó hiệu trưởng PVU phát biểu khai mạc hội thảo |
TS Lê Quốc Phong cho biết: PVU là một trường đại học trực thuộc Petrovietnam, dù có quy mô nhỏ và còn non trẻ nhưng đã có những thành tích đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học. Trường có tỉ lệ công bố bài báo trên mỗi giảng viên thuộc nhóm cao trong nước (số liệu thống kê năm 2022 là 1,3 bài báo quốc tế/giảng viên). Đặc biệt tại PVU đã hình thành được một nhóm nghiên cứu mạnh về kiểm tra không phá hủy bằng phương pháp từ, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Petrovietnam theo một định hướng tập trung là sử dụng cảm biến từ tính hiện đại trong kiểm tra không phá hủy các ống và hệ đường ống. Trên cơ sở của sự hợp tác chặt chẽ, chân tình và hiệu quả với các đơn vị ở Pháp như ĐH Montpellier, Viện Khoa học Công nghệ Pháp (CNRS) và Công ty eV-Technologies mà đại diện là GS Ferial và GS Trần Quang Hưng, nhóm nghiên cứu khoa học của PVU đã thực hiện 6 đề tài cơ sở, 3 đề tài cấp Tập đoàn, công bố 10 bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục Q1, Q2, đăng ký 2 bản quyền sáng chế tại Mỹ và châu Âu. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu mới cũng như hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu đã có để có thể đưa các kết quả ứng dụng vào thực tế, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
TS Lê Quốc Phong cho biết thêm: Trong thời gian tới, với định hướng nghiên cứu mới, ngoài lĩnh vực kiểm tra không phá hủy, PVU cũng có kế hoạch triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ IoT để giám sát vận hành, cảnh báo rủi ro và bảo trì dự đoán cho các hệ thống đường ống dẫn dầu, khí, các giàn khoan và các nhà máy thuộc Petrovietnam, vì đây là nhu cầu rất lớn của xã hội nói chung và Petrovietnam nói riêng. Hơn nữa, khi chọn hướng nghiên cứu này, PVU có sự hợp tác hiệu quả với Công ty eV-Technologies, một công ty tiên phong về IoT. Theo hướng nghiên cứu này, PVU cũng phát huy được thế mạnh của mình trong lĩnh vực cảm biến đo và xử lý số liệu. Việc triển khai nghiên cứu IoT cho các ứng dụng cụ thể trong ngành Dầu khí rất cần sự tham gia của các đối tác thuộc Petrovietnam và sự ủng hộ của lãnh đạo Tập đoàn.
Ông Đỗ Khánh Chung - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Khánh Chung - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đánh giá cao và ủng hộ sự hợp tác của PVU đối với các đối tác của Pháp, đặc biệt là sự hợp tác nghiên cứu giữa PVU với ĐH Montpellier. Đây là những ưu tiên mà chính phủ hai nước mong muốn tăng cường sự hợp tác. Từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới, hy vọng PVU và ĐH Montpellier Pháp sẽ phát triển hơn nữa những thành tựu hợp tác của cả hai bên.
Ông Phạm Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật HANA NDT trình bày tham luận |
PGS.TS Phạm Hồng Quang - Giảng viên PVU trình bày tham luận |
GS.TS Trần Quang Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty eV-Technologies Co., (Pháp) trình bày tham luận |
GS.TS Ferial Terki - Giảng viên ĐH Montpellier trình bày tham luận |
Tại hội thảo cũng đã có nhiều tham luận được trình bày, trong đó bao gồm: "Tổng quan về kiểm tra không phá hủy" của ông Phạm Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật HANA NDT; "Khai thác ưu điểm của cảm biến Hall phẳng trong phương pháp mật độ đường sức từ để đo độ dày thành ống và trong phương pháp rò rỉ đường sức từ để phát hiện khuyết tật trong vật liệu sắt từ" của PGS.TS Phạm Hồng Quang - Giảng viên PVU; "Cảm biến Hall phẳng và tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực kiểm tra không phá hủy" do GS.TS Trần Quang Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty eV-Technologies Co., (Pháp) trình bày; "Ứng dụng của cảm biến Hall phẳng" do GS.TS Ferial Terki - Giảng viên ĐH Montpellier trình bày; "Giới thiệu về IoT và các ứng dụng tiềm năng trong công nghiệp dầu khí" do TS Sidina WANE Chủ tịch Công ty eV-Technologies (Pháp) trình bày; "Giới thiệu về vật liệu đảo spin và các ứng dụng tiềm năng" do GS Azzedine Bousseksou - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu trình bày.
Quang cảnh chung của hội thảo |
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các ứng dụng của cảm biến Hall phẳng trong công nghiệp dầu khí và các vấn đề liên quan đến các đường ống công nghệ.
Được biết, hội thảo diễn ra trong 2 ngày 24-25/8. Ngày đầu hội thảo đã khép lại thành công tốt đẹp với những câu hỏi và ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia và nhà quản lý cho các nội dung được trình bày. Trong ngày 25/8, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về hướng nghiên cứu ứng dụng IoT trong công nghiệp dầu khí và triển vọng hình thành nhóm nghiên cứu.
TS Lê Quốc Phong trao kỷ niệm chương cho nhóm nghiên cứu chung UM - PVU |
TS Lê Quốc Phong tặng quà lưu niệm cho các diễn giả |
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo |
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại PVU |
An Nhiên