Giới thiệu Khoa Khoa Học Cơ Bản

Thông tin chung

Khoa Khoa học Cơ bản được thành lập theo QĐ số 43/QĐ-ĐHDK ngày 27 tháng 1 năm 2011 của Hội đồng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Khoa Khoa học Cơ bản là đơn vị đào tạo và quản lý cơ sở của Trường, có chức năng tổ chức thực hiện công tác đào tạo các môn học đại cương, cơ sở kỹ thuật ngành trong chương trình đào tạo hệ đại học chính quy và các hệ đào tạo khác của Trường.

Hiện tại Khoa có 12 cán bộ giảng viên, trong đó bao gồm: 1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ và 7 thạc sĩ. Đa số cán bộ giảng dạy của Khoa được đào tạo ở nước ngoài trong các lĩnh vực Điện - Tự động hóa, Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin, Toán – Lý - Hóa và Tiếng Anh.

Khoa đảm nhiệm giảng dạy 32 học phần giáo dục đại cương, kỹ thuật cơ sở và Tiếng Anh cho các Ngành Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật hóa học và Địa chất-địa vật lý. Cán bộ giảng viên của Khoa tham gia đào tạo sinh viên cả hệ đại học và cao học. Đến nay, cán bộ của Khoa đã hướng dẫn thành công 10 học viên cao học Công trình biển.

Các Đội tuyển Olympic Toán, Vật lý, Cơ học, Tiếng Anh và CAD của Trường do Khoa quản lý và hướng dẫn đã tham gia các Kỳ thi Olympic toàn quốc từ năm 2013-2020 và đạt được hàng trăm giải thưởng.

Từ năm 2016-2021, Khoa đã công bố khoảng 60 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín và trong nước; cán bộ trong Khoa cũng đã chủ trì thực hiện 4 đề tài PVN, 20 đề tài cơ sở và hướng dẫn hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.

Địa điểm: Tầng 7, toàn nhà 9 tầng-PVU, số 762 Cách Mạng Tháng Tám, Phường Long toàn, Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

1. Chức năng

- Khoa là một đơn vị trực thuộc Trường có chức năng tham mưu cho , giúp việc Hiệu trưởng về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp chuyên môn được giao và chịu trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện.

2. Nhiệm vụ

2.1. Nhiệm vụ chung

  • Đề xuất, điều chỉnh sửa đổi việc xây dựng các quy chế, quy định liên quan đến chức năng và nhiệm vụ của Khoa.
  • Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của Khoa và triển khai thực hiện theo kế hoạch chung của Trường.
  • Chủ trì các công việc liên quan đến khen thưởng, kỷ luận của Khoa.
  • Quản lý, điều phối hoạt động của các Bộ môn trực thuộc.
  • Đề xuất nhu cầu tuyển dụng cán bộ giảng dạy.
  • Quản lý cán bộ thuộc khoa và người học theo thẩm quyền được giao.
  • Đề xuất các kế hoạch phát triển trung và dài hạn cho Khoa bao gồm các việc đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng; Nghiên cứu và đề xuất cải tiến phương pháp quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
  • Xây dựng, quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy; quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên thuộc Khoa.
  • Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ nhân viên và người học.
  • Thực hiện quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo theo hướng dẫn của Trường.
  • Phối hợp với Phòng Đào tạo xây dựng đội ngũ mạng lưới giảng viên thỉnh giảng chất lượng trong và ngoài nước.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng phân công.

2.2. Công tác xây dựng chương trình đào tạo, học liệu

  • Triển khai và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học sau khi được Hiệu trưởng phê duyệt.
  • Phối hợp với Phòng Đào tạo xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi các chương trình đào tạo, xây dựng đề án xin mở ngành đào tạo.
  • Đề xuất và thu thập học liệu; tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các môn học liên quan bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các môn học của chương trình đào tạo hoặc giữa các trình độ đào tạo; biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo cho các môn học do Khoa phụ trách theo chương trình đào tạo, định hướng phát triển của Trường.

2.3. Công tác tuyển sinh

  • Phối hợp với Phòng Đào tạo đề xuất chỉ tiêu, khối thi tuyển sinh đối với các ngành đào tạo của khoa.
  • Cử cán bộ tham gia công tác tuyển sinh; tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh theo nhiệm vụ được phân công.

2.4. Công tác đào tạo, quản lý sinh viên

  • Thực hiện kế hoạch đào tạo và bố trí cán bộ giảng dạy các môn học theo thời khoá biểu chung của Khoa, của Trường.
  • Phối hợp với Phòng Đào tạo lập kế hoạch, chuẩn bị các thủ tục và tổ chức thi/ bảo vệ luận văn tốt nghiệp cho khoa theo kế hoạch chung của Trường; đề xuất danh sách hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp.
  • Điều động cán bộ coi thi theo nhiệm vụ được phân công và thực hiện việc chấm thi.
  • Quản lý sinh viên, học viên theo quy định của Trường; phối hợp với phòng Đào tạo trong việc lập và hoàn thiện hồ sơ sinh viên; lập danh sách sinh viên thi/viết khoá luận/sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng hoặc chứng chỉ chuyển phòng Đào tạo.
  • Phối hợp với phòng Đào tạo trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến sinh viên (làm thủ tục tiếp nhận sinh viên mới, cấp thẻ sinh viên, xác nhận sinh viên và các giấy tờ khác cần thiết cho sinh viên..),thực hiện các chế độ chính sách, xét cấp học bổng, xét thi đua khen thưởng kỷ luật cho sinh viên.
  • Phối hợp với phòng Đào tạo tổ chức lễ khai giảng và lễ trao bằng tốt nghiệp.

2.5. Công tác Khoa học công nghệ và đối ngoại

  • Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học các cấp của Khoa hàng năm. Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.
  • Phối hợp với phòng Đối ngoại & Khoa học công nghệ tổ chức xét duyệt, kiểm tra, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học do Khoa thực hiện.
  • Triển khai thực hiện các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp; gắn hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học –chuyên giao công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội.
  • Phối hợp với phòng Đào tạo, phòng Đối ngoại và Khoa học Công nghệ tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
  • Giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên dự thi cấp Trường.
  • Tổ chức các Hội nghị/hoạt động khoa học và kỹ thuật trong mối liên hệ trực tiếp giữa nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh.
  • Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp nghiên cứu và đào tạo.

2.6. Công tác xây dựng, quản lý cơ sở vật chất

  • Quản lý, giám sát các Bộ môn sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, tài sản, thiết bị, vật tư được trang bị cho các Bộ môn thuộc Khoa phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo đúng quy định của Nhà nước và của Trường.
  • Cùng với Bộ môn trực thuộc phối hợp với Phòng Quản trị thiết bị và dự án xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm mới và bổ sung, bảo trì tài sản thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, nghiên cứu và đáp ứng quy mô đào tạo đạt hiệu quả cao nhất.
  • Quản lý, giám sát, yêu cầu các Bộ môn xây dựng kế hoạch mua sắm công cụ dụng cụ, vật tư tiêu hao hàng năm và đột xuất cho các Phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học kịp thời.