CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
I. CHUẨN ĐẦU RA CHUNG
Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (sau đây gọi là Trường hay PVU) đảm bảo sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp đạt được 10 tiêu chí chung. Các tiêu chí chuẩn đầu ra chung của sinh viên Trường được cụ thể hóa bằng các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, năng lực hành vi và khả năng ngoại ngữ. Cụ thể như sau:
1. Đạo đức, phẩm chất và thái độ: Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nhân cách toàn diện của con người mới Xã hội Chủ nghĩa (XHCN); nhận thức đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có nhận thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp; có hoài bão phát triển sự nghiệp theo ngành nghề chuyên môn được đào tạo; say mê khoa học và không ngừng tự rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của ngành Dầu khí.
2. Trình độ tư duy: Có năng lực tư duy logic, hệ thống và sáng tạo.
3. Năng lực chuyên môn: Nắm vững các kiến thức giáo dục đại cương, cơ sở ngành và các kiến thức chuyên ngành; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp thuần thục, đáp ứng tốt cho yêu cầu làm việc trong môi trường công nghệ cao của ngành Dầu khí; có khả năng học tập nâng cao trình độ ở các bậc học cao hơn; có khả năng áp dụng kiến thức toán học, khoa học, kỹ thuật: có khả năng thiết kế và tiến hành thí nghiệm cũng như phân tích và diễn giải dữ liệu; khả năng thiết kế một hệ thống, các thành phần hoặc một quá trình đáp ứng các yêu cầu thực tiễn như kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị, đạo đức, sức khỏe và an toàn; có khả năng nhận biết, xác lập và giải quyết các bài toán kỹ thuật; có kiến thức rộng cần thiết để nhận thức được tác động của các giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh xã hội và toàn cầu hóa; có khả năng áp dụng các kỹ năng, kỹ thuật và công cụ khoa học tiên tiến vào thực tiễn khoa học; nắm bắt thực tiễn ứng dụng và tiến bộ trong lĩnh vực Dầu khí hiện nay và xu hướng phát triển của nó trong tương lai.
4. Kỹ năng làm việc: Chủ động và tự chủ trong công việc, có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm đa cấp độ; có kỹ năng lắng nghe hiệu quả; có khả năng thuyết trình ý tưởng một cách trong sáng, khúc chiết, thuyết phục; có kỹ năng đặt mục tiêu và tạo động lực làm việc để hoàn thành mục tiêu đề ra; có kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc hiệu quả; có kỹ năng đàm phán.
5. Năng lực làm việc: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên của Trường có thể đảm nhận tốt các vị trí như: Kỹ sư thiết kế, kỹ sư vận hành, cán bộ kỹ thuật, cán bộ
nghiên cứu hoặc cán bộ giảng dạy về lĩnh vực Dầu khí. Bên cạnh đó, các kỹ sư tốt nghiệp của Trường có thể phấn đấu để đảm nhận những vị trí cán bộ điều hành hay cán bộ quản lý sau một vài năm làm việc.
6. Khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ: Đạt trình độ tiếng Anh từ 5.5 điểm IELTS trở lên; sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu và các hoạt động nghề nghiệp; có khả năng hòa nhập ngay với môi trường học tập và làm việc quốc tế có sử dụng tiếng Anh.
7. Khả năng giao tiếp, ứng xử: Có khả năng giao tiếp hiệu quả bằng lời nói và văn bản trong nội bộ, với các đối tác trong nước và quốc tế; có kỹ năng ứng xử, tạo lập và quản lý mối quan hệ hiệu quả.
8. Khả năng tự học tập và nghiên cứu: Nhận thức được sự cần thiết và có khả năng học tập suốt đời để tự đào tạo, tự nghiên cứu nhằm nhanh chóng thích ứng với khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại; có năng lực tổ chức công tác nghiên cứu khoa học.
9. Khả năng quản lý bản thân và thích nghi với môi trường công tác: Có kỹ năng quản lý bản thân và tinh thần tự tôn; có ý thức không ngừng phát triển cá nhân và sự nghiệp; luôn có tư duy lạc quan và hành động tích cực; có khả năng thích nghi, hòa nhập nhanh chóng với mọi môi trường sống và làm việc; có tư duy mở toàn cầu.
10. Khả năng đảm nhận công việc sau khi ra trường: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận tốt các công việc ở các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất theo chuyên ngành được đào tạo, các công ty hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại kỹ thuật, các tổ chức giáo dục và đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước có chuyên môn liên quan.
II. CHUẨN ĐẦU RA CHO TỪNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
II.1. NGÀNH KỸ THUẬT ĐỊA CHẤT
CHUYÊN NGÀNH ĐỊA CHẤT – ĐỊA VẬT LÝ DẦU KHÍ
- Tên ngành đào tạo: Kỹ thuật Địa chất (Geological Engineering)
- Mã số: 52520501
- Tên chuyên ngành đào tạo: Địa chất – Địa vật lý Dầu khí (Petroleum Geology & Geophysics)
- Trình độ đào tạo: Đại học (Cấp bằng: Kỹ sư)
- Mục tiêu:
1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo chuyên ngành Địa chất – Địa vật lý Dầu khí nhằm đào tạo những kỹ sư có bản lĩnh chính trị, đạo đức, học vấn, và sức khoẻ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và phát triển ngành công nghiệp dầu khí hiện đại của
Việt Nam. SV được trang bị những kiến thức cơ sở rộng, vững chắc, kiến thức và kỹ năng về ngành Địa chất, trọng tâm theo chuyên ngành Địa chất, Địa vật lý dầu khí.
Kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Địa chất – Địa vật lý Dầu khí có năng lực thiết kế, nghiên cứu và sáng tạo khoa học, quản lý trong lĩnh vực địa chất, địa vật lý dầu khí. Kỹ sư Địa chất, Địa vật lý dầu khí có thể đảm nhiệm công tác tại các đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, các công ty dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu theo chuyên ngành liên quan.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về kiến thức
SV chuyên ngành Địa chất – Địa vật lý Dầu khí được trang bị những kiến thức đại cương về Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ngành Địa chất, đặc biệt tập trung các kiến thức chuyên môn về Địa chất, Địa vật lý dầu khí.
2.2. Về năng lực
a) Hiểu biết kỹ thuật
- Nắm vững các kiến thức về Địa chất, trên nền tảng các kiến thức về toán, khoa học kỹ thuật cơ bản, khoa học địa chất, chuyên môn địa chất, địa vật lý dầu khí.
- Khả năng xác định, thiết lập và giải quyết các vấn đề về khoa học về Địa chất, địa vật lý dầu khí.
b) Năng lực chuyên môn
- Khả năng nghiên cứu nguồn gốc, qui luật và trạng thái phân bố của dầu khí trong vỏ trái đất; các chế độ hình thành, lưu trữ, bảo tồn, phá hủy các loại bẫy dầu khí, cấu trúc các bẫy chứa dầu khí.
- Năng lực tính toán các cấp trữ lượng tài nguyên dầu khí, trữ lượng thu hồi và các điều kiện khai thác mỏ, đánh giá tiềm năng các tập hợp triển vọng dầu khí.
- Khả năng ứng dụng công nghệ định lượng về các phương pháp tìm kiếm thăm dò, địa vật lý giếng khoan, thăm dò địa chấn, các phương pháp đánh giá thành hệ ... để xác định chính xác các thông số của các mỏ dầu khí phục vục cho hoạt động đánh giá trữ lượng, khoan và khai thác dầu khí, quản lý và vận hành mỏ.
- Khả năng ứng dụng các phần mềm chuyên ngành để giải quyết các bài toán thực tế trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý dầu khí.
c) Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm
- Sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp (chuẩn đầu ra tương đương IETS 5.5), làm việc và nghiên cứu;
- Có khả năng viết, nói, tổ chức và giới thiệu thông tin, kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một cách có hiệu quả.
- Khả năng làm việc tập thể, khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án ứng dụng;
- Tôn trọng tính đa dạng và kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp.
d) Khả năng học tập nâng cao: Có khả năng tiếp tục học chương trình sau đại học, hay khả năng học tập suốt đời, đặc biệt là khả năng học tập, tiếp thu tiến bộ Khoa học – Kỹ thuật của ngành và các ngành lân cận.
e) Khả năng nghề nghiệp: Có kiến thức về các vấn đề hiện đại, hiểu biết những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành và có khả năng áp dụng vào thực tiễn, hiểu biết về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.
II.2. NGÀNH KỸ THUẬT DẦU KHÍ
CHUYÊN NGÀNH KHOAN - KHAI THÁC MỎ DẦU KHÍ
- Tên ngành đào tạo: Kỹ thuật Dầu khí (Petroleum Engineering)
- Mã số: 52520604
- Tên chuyên ngành đào tạo: Khoan – khai thác mỏ Dầu khí (Petroleum Drilling and Production)
- Trình độ đào tạo: Đại học (Cấp bằng: Kỹ sư)
Mục tiêu:
1. Mục tiêu chung
CTĐT ngành Kỹ thuật Dầu khí, chuyên ngành Khoan khai thác Dầu khí nhằm đào tạo những kỹ sư có bản lĩnh chính trị, đạo đức, học vấn, và sức khoẻ đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp dầu khí hiện đại của Việt Nam. Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ sở kỹ thuật rộng, vững chắc, kiến thức và kỹ năng về ngành Kỹ thuật Dầu khí.
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Dầu khí có năng lực thiết kế, thi công sản xuất, nghiên cứu và sáng tạo khoa học, quản lý sản xuất trong lĩnh vực Kỹ thuật Dầu khí. Kỹ sư Kỹ thuật Dầu khí có thể đảm nhiệm công tác tại các đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, các công ty dầu khí và dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong và ngoài nước, các trường đại học và viện nghiên cứu theo các chuyên ngành liên quan.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về kiến thức
Sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí được trang bị những kiến thức đại cương về Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, kỹ thuật cơ sở, cơ sở ngành, ngành/chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí, đặc biệt tập trung kiến thức chuyên môn về Khoan, Khai thác và Công nghệ mỏ.
2.2 Về năng lực
a) Hiểu biết kỹ thuật
- Nắm vững các kiến thức về Kỹ thuật Dầu khí, trên nền tảng các kiến thức về toán, khoa học kỹ thuật cơ bản, khoa học địa chất và chuyên môn Kỹ thuật Dầu khí;
- Khả năng xác định, thiết lập và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và công nghệ dầu khí.
b) Năng lực chuyên môn
- Khả năng thiết kế và phân tích hệ thống giếng khoan và quy trình khoan và hoàn thiện giếng khoan;
- Khả năng thiết kế và phân tích hệ thống khai thác, thu gom, xử lý và vận chuyển dầu khí;
- Khả năng sử dụng các phương pháp trong khoa học địa chất và kỹ thuật để xác định đặc tính, ước lượng những thông tin địa chất và nguồn tài nguyên;
- Khả năng ứng dụng những nguyên lý công nghệ mỏ và điều kiện thực tế để tối ưu hóa việc phát triển và quản lý tài nguyên;
- Khả năng sử dụng kiến thức về kinh tế học và các phương pháp đánh giá tài nguyên cho công tác thiết kế và đưa ra quyết định dưới các điều kiện rủi ro và không chắc chắn;
- Khả năng sử dụng các công nghệ, công cụ hiện đại cần thiết cho công việc chuyên môn;
- Khả năng thiết kế, thực hiện thí nghiệm; phân tích, giải thích số liệu và áp dụng kết quả để cải thiện các quy trình.
c) Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm:
- Sử dụng thành thạo tiếng Anh (chuẩn đầu ra tương đương IETS 5.5) trong giao tiếp, làm việc và nghiên cứu;
- Có khả năng viết, nói, tổ chức và giới thiệu thông tin, kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một cách có hiệu quả;
- Khả năng làm việc tập thể, khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án ứng dụng;
- Tôn trọng tính đa dạng và kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp.
d) Khả năng học tập nâng cao: Có khả năng tiếp tục học chương trình sau đại học, làm nghiên cứu sinh, hay khả năng học tập suốt đời, đặc biệt là khả năng học tập, tiếp thu tiến bộ Khoa học – Kỹ thuật của ngành và các ngành lân cận.
e) Khả năng nghề nghiệp: Có kiến thức về các vấn đề hiện đại, hiểu biết những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành và có khả năng áp dụng vào thực tiễn, hiểu biết về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.
II.2. NGÀNH KỸ THUẬT HÓA HỌC
CHUYÊN NGÀNH LỌC – HÓA DẦU
- Tên ngành đào tạo: Kỹ thuật Hóa học (Chemical Engineering)
- Mã số: 52520301
- Tên chuyên ngành đào tạo: Lọc – Hóa dầu (Oil refining - petrochemicals)
- Trình độ đào tạo: Đại học (Cấp bằng: Kỹ sư)
Mục tiêu đào tạo:
1. Mục tiêu chung
CTĐT ngành Kỹ thuật Hóa học chuyên ngành Lọc – Hóa dầu nhằm đào tạo những kỹ sư có bản lĩnh chính trị, đạo đức, học vấn, và sức khoẻ đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp dầu khí hiện đại của Việt Nam. Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ sở kỹ thuật rộng, vững chắc, kiến thức và kỹ năng về ngành Kỹ thuật Hóa dầu .
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hóa học có năng lực thiết kế, thi công sản xuất, nghiên cứu và và sáng tạo khoa học, quản lý sản xuất trong lĩnh vực lọc – hóa dầu. Kỹ sư Lọc – hóa dầu có thể đảm nhận công tác tại các tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các công ty, nhà máy về Lọc-Hóa dầu trong và ngoài nước; các trường đại học và viện nghiên cứu theo các chuyên ngành liên quan.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về kiến thức
Sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học được trang bị những kiến thức đại cương về Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, kỹ thuật cơ sở, cơ sở ngành, ngành/chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học, đặc biệt tập trung kiến thức chuyên môn Lọc - Hóa dầu.
2.2. Về năng lực
a) Hiểu biết kỹ thuật
- Nắm vững các kiến thức về kỹ thuật hóa dầu, trên nền tảng các kiến thức về toán, khoa học kỹ thuật cơ bản, khoa học hóa học và chuyên môn kỹ thuật hóa dầu.
- Khả năng xác định, thiết lập và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và công nghệ hóa dầu.
b) Năng lực chuyên môn
- Áp dụng được các kiến thức cơ bản và chuyên ngành để nhận biết, phân tích và giải quyết hiệu quả những vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực lọc – hóa dầu và các lĩnh vực liên quan.
- Nắm được cơ sở thiết kế công nghệ và thiết bị trong các nhà máy thuộc lĩnh vực lọc – hóa dầu.
- Có khả năng vận hành được các hệ thống công nghệ trong nhà máy lọc – hóa dầu và các lĩnh vực liên quan.
- Hiểu và có khả năng phân tích được các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu, sử dụng được các thiết bị phân tích.
- Có khả năng cập nhật, lựa chọn, làm chủ được công nghệ hiện đại, công nghệ sản xuất sạch trong lĩnh vực lọc – hóa dầu.
- Có khả năng phát hiện, xử lý sự cố trong quá trình vận hành các nhà máy thuộc lĩnh vực công nghệ lọc – hóa dầu.
- Khả năng sử dụng các công nghệ, công cụ hiện đại cần thiết cho công việc chuyên môn.
- Khả năng thiết kế, thực hiện thí nghiệm; phân tích, giải thích số liệu và áp dụng kết quả để cải thiện các quy trình.
c) Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm
- Sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp (chuẩn đầu ra tương đương IETS 5.5), làm việc và nghiên cứu;
- Có khả năng viết, nói, tổ chức và giới thiệu thông tin, kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một cách có hiệu quả;
- Khả năng làm việc tập thể, khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án ứng dụng;
- Tôn trọng tính đa dạng và kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp.
d) Khả năng học tập nâng cao: Có khả năng tiếp tục học chương trình sau đại học, làm nghiên cứu sinh, hay khả năng học tập suốt đời. Đặc biệt là khả năng học tập, tiếp thu tiến bộ Khoa học – Kỹ thuật của ngành và các ngành lân cận.
e) Khả năng nghề nghiệp: Có kiến thức về các vấn đề hiện đại, hiểu biết những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành và có khả năng áp dụng vào thực tiễn, hiểu biết về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.