Định hướng

Mô hình hoạt động

Trường ĐHDK Việt Nam là trường đại học công lập đặc biệt, do Tập đoàn dầu khí Việt Nam đề nghị thành lập, đầu tư 100% vốn và là chủ sở hữu. Trường không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và thu học phí theo quy định đối với trường đại học công lập.

Cơ cấu tổ chức của Trường ĐHDKVN được xây dựng theo mô hình trường đại học thuộc doanh nghiệp giống như các trường đại học doanh nghiệp tiên tiến trên Thế giới. Trường áp dụng mô hình đào tạo và quản lý giáo dục đào tạo chất lượng cao phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT; gắn nhu cầu học tập của người học với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động. CTĐT được thiết kế theo hướng liên thông hợp lý giữa các trình độ, ngành nghề đào tạo và phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ.

Phương châm hoạt động

Trường ĐHDKVN được thành lập và hoạt động theo các phương châm chủ yếu sau đây:

1. Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp và ứng dụng

Công tác đào tạo của PVU gắn liền với nhu cầu nhân lực của PVN và các doanh nghiệp theo từng giai đoạn và trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. CTĐT của Trường được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp và ứng dụng cao. Phương pháp đào tạo chủ động, tăng cường thực hành, tạo động lực thúc đẩy tinh thần say mê học tập, nghiên cứu và sáng tạo cho mỗi sinh viên. CTĐT bậc đại học được tăng cường các nội dung ứng dụng, thực tế và cập nhật kiến thức, rèn luyện các kỹ năng đảm bảo sau khi ra trường có thể làm việc được ngay tại các doanh nghiệp/công ty dầu khí ở trong và ngoài nước;

2. Gắn kết đào tạo với thực tiễn sản xuất, NCKH và triển khai công nghệ dầu khí

Hoạt động NCKH là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của PVU, được xem là phương án tiếp cận bền vững để thực hiện mục tiêu phát triển Trường thành tổ chức nghiên cứu-đào tạo có uy tín trong nước và trên thế giới.

PVU thực hiện liên kết chặt chẽ với các trung tâm NCKH công nghệ, các PTN chuyên ngành trong các cơ sở của PVN và với các trường đại học ở trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho sinh viên củng cố cơ sở lý thuyết đã được học và tham gia NCKH. Sinh viên của PVU có nhiều điều kiện tham gia NCKH ứng dụng trong thời gian học tập. Các đề tài NCKH của CBGD, của các nhà khoa học và của sinh viên chủ yếu tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn trong hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trong Ngành.

Các cán bộ, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn sản xuất trong Ngành, cũng như trong công tác NCKH được huy động tham gia công tác giảng dạy và hướng dẫn sinh viên thực tập. Các vấn đề KHCN phát sinh trong thực tế SXKD được đưa ra để các sinh viên cùng tham gia giải quyết, tạo ra môi trường nuôi dưỡng và phát triển tài năng, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển KHCN của Ngành Dầu khí Việt Nam;

3. Áp dụng mô hình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đảm bảo tính liên thông với các cấp đào tạo và các trường đại học trong nước và thế giới

PVU áp dụng mô hình đào tạo và quản lý giáo dục đào tạo tiên tiến của thế giới phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT, gắn nhu cầu học tập của người học với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng liên thông hợp lý giữa các trình độ, ngành nghề đào tạo và phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ.

Về phương pháp dạy và học, PVU chủ trương áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, sử dụng rộng rãi nguồn học liệu mở, các bài giảng và giáo trình điện tử, tạo môi trường tự nghiên cứu và lấy người học làm trung tâm.

PVU chủ trương tiếp thu có chọn lọc và sử dụng các giáo trình, chương trình giảng dạy của các trường đại học có uy tín trên thế giới. Thư viện của Trường được xây dựng hiện đại, khai thác hiệu quả nguồn học liệu mở, các nguồn tư liệu giảng dạy và chuyên môn của các công ty dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp liên quan đến dầu khí, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại để phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập nhằm đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất;

4. Xây dựng đội ngũ CBGD và CBQL Trường có trình độ cao

Đội ngũ CBGD của PVU được tuyển chọn từ số cán bộ đầu đàn trong đội ngũ cán bộ KHKT, các nhà khoa học của Ngành Dầu khí có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và quản lý, có tâm huyết với công tác đào tạo, được trang bị kiến thức sư phạm và phương pháp giảng dạy tiên tiến để tham gia công tác giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho sinh viên. Đồng thời, Trường tiến hành lựa chọn và đàm phán với các trường đại học có uy tín ở trong và ngoài nước để thực hiện liên kết đào tạo, cung cấp và trao đổi CBGD có uy tín đến tham gia giảng dạy; thực hiện Quy chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Tập đoàn ban hành nhằm đáp ứng mục tiêu của Trường là sớm đạt chuẩn quốc tế.

5. Chính sách học phí, học bổng, tiền thù lao NCKH/trợ giảng

Chính sách học phí của PVU tuân thủ theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về chính sách thu và sử dụng học phí tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trường có chính sách cấp học bổng cho các sinh viên học giỏi, cho vay tín dụng với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo cho sinh viên có điều kiện học tập tốt. Sinh viên cao học, nghiên cứu sinh tham gia NCKH hoặc trợ giảng sẽ được nhận tiền thù lao tương xứng với sự đóng góp của họ.

6. Quốc tế hoá và hợp tác quốc tế

PVU không chỉ đào tạo sinh viên là người Việt Nam mà còn hướng tới thu hút và đào tạo cho sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Tính quốc tế hoá của Trường còn thể hiện ở chỗ sinh viên tốt nghiệp PVU sẽ có cơ hội và khả năng làm việc cho các công ty dầu khí đa quốc gia khác trong khu vực, trên thế giới và các công ty trong, ngoài nước ở các lĩnh vực khác. Hệ thống PTN phục vụ NCKH với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại với cơ chế chính sách thu hút các chuyên gia và các nhà khoa học phù hợp sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học ở các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trên thế giới đến Trường cùng tham gia NCKH và chuyển giao công nghệ.

Gia tăng hợp tác quốc tế, xem đó là một trong những kênh hữu hiệu để cập nhật thành quả trí tuệ của nhân loại, là chiếc cầu nối để tăng cường ngoại lực nhằm phát huy nội lực của Trường trong lĩnh vực ĐT&NCKH. PVU chủ trương hợp tác quốc tế những vấn đề cụ thể như:

- Tư vấn tổng thể cho công tác thành lập Trường, bao gồm quy hoạch tổng thể, quản trị nhân sự, cơ chế vận hành, thiết kế các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế bao gồm: giáo trình, giáo khoa, nội dung các khóa học, sách tham khảo, tư vấn hỗ trợ xây dựng hệ thống PTN và các phần mềm ứng dụng, phát triển cơ sở vật chất,...

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong toàn hệ thống Trường: CBQL, CBGD và nhân viên hành chính;

- Liên kết đào tạo với một số trường đại học tiên tiến ở nước ngoài, ký hợp đồng với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành của các trường đại học tiên tiến của nước ngoài/các công ty dầu khí đa quốc gia vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng để nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm đào tạo và tiếp cận KHKT của các nước tiên tiến. Các chương trình đào tạo có sự tham gia của tổ chức đào tạo nước ngoài và được thiết kế phù hợp theo đặc điểm của đối tác, nhu cầu của PVN và xã hội cũng như năng lực của Trường;

- Thành lập các trung tâm liên kết đào tạo ở các cấp độ, trung tâm nghiên cứu và trung tâm chuyển giao công nghệ.

7. Ngôn ngữ giảng dạy và học tập

Để sinh viên có thể tiếp cận với sự tiến bộ KHKT, tìm hiểu và tiếp thu các nguồn học liệu tiên tiến được phổ biến chủ yếu bằng tiếng Anh; tiếp thu được kiến thức do các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, giáo sư có uy tín của nước ngoài giảng dạy và chuyển giao công nghệ tại PVU (theo hình thức thỉnh giảng), ngôn ngữ giảng dạy của Trường sẽ là tiếng Anh và tiếng Việt. Ngay từ giai đoạn đầu, khối kiến thức giáo dục đại cương (trừ các môn học chính trị, xã hội-nhân văn, giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất sẽ được dạy bằng tiếng Việt), cơ sở và chuyên ngành sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh.Trường tổ chức đào tạo tiếng Anh cho sinh viên trong những năm học đầu để đảm bảo sinh viên có thể học tập và nghiên cứu bằng tiếng Anh. Sinh viên tốt nghiệp tại PVU có thể làm việc được ngay trong các công ty quốc tế.

8. Bằng cấp và chứng chỉ

Sinh viên tốt nghiệp PVU được nhận bằng do PVU cấp; do trường đại học nước ngoài và PVU đồng cấp (trên cơ sở hợp tác thỏa thuận cụ thể với từng trường đại học nước ngoài và tuân thủ theo quy định của Bộ GD&ĐT), hoặc do trường đại học nước ngoài cấp theo các chương trình liên kết. Việc cấp bằng tốt nghiệp và chứng chỉ của Trường được thực hiện theo các quy định của Bộ GD&ĐT.

9. Chuẩn đầu ra của sinh viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam

- Đạo đức: có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nhân cách toàn diện của con người mới XHCN; nhận thức đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và thái độ phục vụ tốt; có ý thức trách nhiệm và có hoài bão về nghề nghiệp được đào tạo;

- Trình độ tư duy: có năng lực tư duy và sáng tạo, biết phát kiến và thực thi các giải pháp cho một vấn đề thực tiễn, lập luận bảo vệ phương án đã lựa chọn một cách logic, thuyết phục; có khả năng đề xuất những giải pháp mới; năng động, cập nhật kiến thức và áp dụng sáng tạo trong công việc;

- Năng lực chuyên môn: nắm vững các kiến thức giáo dục đại cương và chuyên ngành, đáp ứng tốt cho việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ sau đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo liên kết của các trường nước ngoài, nắm bắt thực tế ứng dụng của lĩnh vực chuyên môn hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp thuần thục; có khả năng lập kế hoạch, xây dựng giải pháp và triển khai một dự án;

- Khả năng làm việc theo nhóm: biết cách dựa vào sức mạnh tập thể để tìm ra giải pháp cho một vấn đề; có khả năng diễn đạt ý tưởng một cách trong sáng, khúc chiết; có năng lực tiếp thu, phân tích và tổng hợp ý kiến; biết cách gợi ý để tranh thủ ý kiến của đồng nghiệp; sử dụng thành thạo các công cụ làm việc từ xa theo nhóm.

- Năng lực chỉ huy, lãnh đạo: biết tập hợp sức mạnh tập thể, biết nhận ra thế mạnh của từng người để phân công nhiệm vụ phù hợp; có năng lực tổ chức, đề xuất các chiến thuật xử lý tình huống ngắn hạn, trung hạn nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược lâu dài cho tổ chức, đơn vị công tác, có kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý;

- Khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ: sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp, học tập và nghiên cứu; có khả năng hòa nhập ngay với môi trường học tập và làm việc nước ngoài dùng tiếng Anh và phục vụ cho các hoạt động nghề nghiệp;

- Khả năng ứng xử: khéo léo trong ứng xử, khôn ngoan trong đàm phán, chuẩn mực trong phát ngôn, thể hiện nền nếp văn hóa, đạo đức trong mọi tình huống;

- Khả năng tự học tập và nghiên cứu: có năng lực và biết tổ chức công tác NCKH; có khả năng phát triển nhận thức, tự định hướng  phát triển một số vấn đề công nghệ; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, nhanh chóng thích ứng với KHKT-CN hiện đại và ứng dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn;

- Khả năng tổ chức cuộc sống và thích nghi với môi trường công tác: tổ chức tốt cuộc sống, tư tin, lạc quan trong những lúc khó khăn; hòa nhập nhanh chóng với mọi hoàn cảnh sống;  thích nghi với môi trường công tác, đảm nhận được những công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn chưa học ở nhà trường;

- Khả năng đảm nhận công việc sau khi ra trường: sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhận tốt các công việc ở các công ty trực thuộc PVN, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất theo chuyên ngành được đào tạo, các công ty hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại kỹ thuật, với vai trò người vận hành, quản lý hệ thống hoặc thiết kế, cải tạo nâng cấp hệ điều khiển hay là người tư vấn kỹ thuật của chuyên ngành được đào tạo