Super User

Super User

Tăng khả năng tự chủ xăng dầu trong nước, tiết kiệm ngoại tệ quốc gia, tạo ra hàng nghìn việc làm mới, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước… là điều mà Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ mang lại cho nền kinh tế khi đi vào vận hành thương mại.

Trong số các sản phẩm năng lượng hiện nay, mặt hàng xăng dầu chỉ xếp sau mặt hàng điện về mức độ “nhạy cảm” đối với các hoạt động của nền kinh tế. Nếu ví điện là “máu” nuôi sống “cơ thể” là nền kinh tế, là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thì xăng dầu cũng là thứ “thức ăn” không thể thiếu để “cơ thể” đó “sống, vận hành được”. Điều này đã được khẳng định trong những năm gần đây khi giá xăng dầu tăng hay giảm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và tạo nên những tác động nhất định đối với các hoạt động của nền kinh tế.

Xăng dầu vì thế được xem là mặt hàng chiến lược, có vị trí quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng quốc gia - nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Vậy nên, việc triển khai xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 200.000 thùng/ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trong giai đoạn 2007-2008, nhiều nước trên thế giới cũng tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế trong trung và dài hạn, trong đó có việc mua các mỏ dầu để đảm bảo an ninh năng lượng, tồn trữ để tạo sự ổn định, bền vững với chính sách năng lượng đi trước một bước. Trong khi đó, đầu tư vào ngành công nghiệp lọc hóa dầu, ngành công nghiệp có vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn lâu. Với năng lực tài chính và kinh nghiệm hạn chế, Việt Nam chưa thành công trong việc mua các mỏ dầu như các quốc gia khác. Vì vậy, phương hướng xây dựng các dự án lọc hóa dầu đi kèm cam kết cung cấp nguồn dầu thô dài hạn được xem là hướng đi khôn ngoan, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế.

Thực tế, trong giai đoạn này, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia… cũng có chủ trương tạo cơ chế ưu đãi để thu hút đối tác nước ngoài đầu tư vào công nghiệp lọc hóa dầu. Và trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia trên nhằm thu hút nhà đầu tư là Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) - nhà đầu tư đã được chào mời và cũng đang cân nhắc việc đầu tư vào Trung Quốc, Indonesia - Việt Nam với sự ổn định về chính trị cùng các chính sách ưu đãi đảm bảo hiệu quả đầu tư đã giành phần thắng. Đồng thời, KPI sẽ cung cấp 10 triệu tấn dầu thô/năm trong cả đời dự án 70 năm và có thể gia hạn.

Với sự tham gia của Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) - những công ty hàng đầu trong lĩnh vực lọc hóa dầu cam kết hỗ trợ kinh nghiệm vận hành, kinh doanh, cam kết của KPI đã giúp Việt Nam gia tăng được nguồn cung về dầu thô. Và thông qua Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ được đảm bảo, giảm thiểu nhập khẩu, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển.

Xin nói thêm rằng, ngay trong quá trình thi công xây dựng, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã có những đóng góp rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động địa phương cũng như nhiều tỉnh, thành khác. Theo đó, dự án đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động với giá trị hợp đồng cho nhà thầu phụ của Việt Nam vào khoảng 2 tỉ USD. Đây là con số hết sức ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động như những năm gần đây. Thông qua việc tham gia thi công, xây dựng nhà máy, trình độ thiết kế, xây lắp, quản lý của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã được nâng cao, là một bước để tự đảm nhận công tác xây dựng trong tương lai. Và chắc rằng, khi nhà máy đi vào vận hành thương mại sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp phụ trợ vào Khu kinh tế Nghi Sơn, qua đó tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Và trên chặng đường phía trước, một điều không thể không nhắc tới là thông qua Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với sự đầu tư của 4 doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) và KPI, bên cạnh vấn đề giải quyết nguồn cung xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc xây dựng và vận hành thành công dự án sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản và Kuwait.

Những lợi ích mà Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đem lại trong tương lai là rất lớn. Nhìn vào những lợi ích tổng thể mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang mang lại đối với nền kinh tế, chúng ta có thể thấy điều đó rõ ràng.

 Tổng quan Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn

- Chủ đầu tư: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) góp vốn 25,1%; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%; Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%.

- Tổng mức đầu tư: 9 tỉ USD (là giá trị đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư). Theo hợp đồng vay vốn ký năm 2013, tổng mức đầu tư của dự án là 9,237 tỉ USD.

Thanh Ngọc

Được sự thống nhất và chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong ngày 18/8, Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) đã phối hợp với Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí của Tập đoàn tổ chức Hội thảo “Tầng chứa Turbidite - Tiềm năng chứa dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam”.

Hội thảo “Tầng chứa Turbidite - Tiềm năng chứa dầu khí ở Thềm lục địa Việt Nam”

Hội thảo do Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tiến sĩ Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cùng điều hành.

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các tổ chức liên quan/hội viên tập thể của Hội trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ; rút ra những bài học, giải pháp khoa học và công nghệ đối với tầng chứa Turbidite nói riêng và tầng chứa phi truyền thống nói chung, góp phần đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới.


Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Lâm

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành dầu khí đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi người làm công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác cần phải tập trung đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để có những giải pháp khoa học, căn cơ, thực tế, tìm ra những đối tượng mới, phi truyền thống nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh ổn định, gia tăng sản lượng…

Thực tế trong thời gian qua, các đơn vị như: Vietsovpetro, PVEP, Biển Đông POC đã tích cực đầu tư nghiên cứu, có những phát hiện mới trong các tầng chứa phi truyền thống, mở ra một hướng mới trong công tác tìm kiếm thăm dò.


Tiến sĩ Ngô Thường San

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị như Vietsovpetro, PVEP OVS, Biển Đông POC… đã lần lượt trình bày các tham luận của đơn vị mình. Sau mỗi tham luận, các đại biểu đặt câu hỏi và cùng nhau thảo luận để làm rõ hơn về đề tài. Có tổng cộng 8 đề tài đã được các đại biểu báo cáo và thảo luận tại hội thảo.


Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Cuối hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Lâm đã có những đánh giá, kết luận đối với một số vấn đề quan trọng liên quan đến tầng chứa Turbidite mà các đơn vị đã báo cáo: Hội thảo đã thành công bước đầu khi mang đến rất nhiều thông tin lý thú, bổ ích, góp phần mở ra hướng mới trong công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí. Sau hội thảo, các đơn vị cần tiếp tục trao đổi và phát triển công tác nghiên cứu để hội thảo thật sự có hiệu quả, ý nghĩa thiết thực; các đơn vị cần tiếp tục phát huy thế mạnh, đoàn kết để công tác tìm kiếm thăm dò trong giai đoạn tới có nhiều thành công hơn nữa.


Các đại biểu thảo luận



Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Tiến sĩ Ngô Thường San chia sẻ, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức hội thảo này với mong muốn cùng các đơn vị tìm hướng đi mới trong công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn. Hội xác định luôn là một tổ chức đồng hành với Tập đoàn, hội viên của Hội là các nhà khoa học tâm huyết sẽ liên tục phát huy khả năng của mình để đóng góp vào sự phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Lê Trúc

Từ ngày 17/8, hệ thống khí PM3 – Cà Mau bước vào đợt bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) lớn theo định kỳ 5 năm/lần. Cùng thời điểm, toàn bộ các đối tác trong chuỗi giá trị khí này đồng loạt thực hiện BDSC để đảm bảo an toàn và chất lượng cho hệ thống.

Đợt bảo dưỡng lần này tập trung hơn 150 kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và các nhà thầu, làm việc liên tục tại 3 trạm khí với gần 130 đầu việc lớn nhỏ. Trong đó có những đầu việc quan trọng như: Bảo dưỡng hệ thống gia nhiệt bằng nước; đại tu các van điều áp cấp khí cho khách hàng; BDSC hệ thống đuốc tại Trung tâm phân phối, bồn chứa nước cứu hỏa TK-6007, cụm phóng/nhận thoi đường ống biển/bờ…

Công tác BDSC cũng được triển khai đồng thời tại cụm mỏ ở thượng nguồn do chủ mỏ Repsol quản lý, cùng các khách hàng hạ nguồn là 2 Nhà máy Điện và Nhà máy Đạm Cà Mau.


Hệ thống khí PM3-Cà Mau bảo dưỡng lớn lần 2

Để đảm bảo chất lượng an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS)/Công ty Khí Cà Mau (KCM) – đơn vị nhận nhiệm vụ quản lý hệ thống khí PM3 – Cà Mau, luôn đặt công tác BDSC lên hàng đầu, nhằm đảm bảo các thiết bị trong công trình khí luôn trong tình trạng hoạt động tốt nhất, an toàn nhất. Toàn thể đội ngũ CBCNV của Công ty KCM, Công ty Dịch vụ Khí và nhà thầu quyết tâm hoàn thành công tác BDSC lớn định kỳ lần 2 với phương châm “An toàn nhất – Chất lượng nhất – Vượt tiến độ đề ra”.

Công tác bảo dưỡng dự kiến kết thúc vào ngày 30/8.

Hệ thống đường ống PM3-Cà Mau với gần 298km đường ống biển và 27km đường ống bờ, 3 trạm khí gồm: Trạm tiếp bờ, Trạm van ngắt tuyến, Trung tâm phân phối khí Cà Mau có công suất thiết kế trên 2 tỷ m3 khí/năm, đưa khí từ mỏ PM3-CAA thuộc bể Malay – Thổ Chu về bờ. Đây là công trình được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho PV GAS làm chủ đầu tư và quản lý vận hành, hằng năm cung cấp khí nguyên liệu/nhiên liệu để Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất 40% sản lượng đạm của cả nước và 2 Nhà máy Điện Cà Mau sản xuất 8% sản lượng điện quốc gia. Do tính chất quan trọng đó nên việc quản lý, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình và tính toàn vẹn của đường ống luôn là công việc then chốt nhất của hoạt động sản xuất tại Công ty KCM.

Sau mỗi chu kỳ 5 năm vận hành, Công ty KCM thực hiện việc bảo dưỡng toàn bộ các thiết bị. Cuộc BDSC lớn lần thứ nhất đã diễn ra tốt đẹp vào năm 2012.

Đình Toà

Chiều 14/8, Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) lần thứ 9 nhằm tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) Trần Hữu Bình, đại diện các Ban trực thuộc Đảng ủy Khối DNTW; Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn; Phó bí Thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV Phạm Xuân Cảnh cùng các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; Trưởng, phó các Ban Đảng ủy Tập đoàn, Ủy viên UBKT Đảng ủy, Trưởng các Ban chuyên môn; Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn; các đồng chí Bí thư/Phó Bí thư, các đảng ủy, chi ủy trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn.

Tại Hội nghị, Phó bí Thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phạm Xuân Cảnh đã trình bày báo cáo Tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về cơ bản, đội ngũ cán bộ của Tập đoàn hiện nay là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, ngoại ngữ và trình độ quản lý, có uy kín và khả năng quy tụ quần chúng. Đồng thời, phần lớn các chức danh lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động dầu khí do lực lượng trẻ đảm nhận. Đây chính là nhân tố quan trọng đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng.

Báo cáo cũng đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian vừa qua; cũng như đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Toàn cảnh Hội nghị

Sau đó, đồng chí Phạm Xuân Cảnh tiếp tục trình bày báo cáo về tình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2017, các nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng còn lại năm 2017.

Trong thời gian qua, Đảng ủy Tập đoàn đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, ban hành nhiều chỉ thị, kết luận nhằm ổn định tình hình, các biện pháp xử lý sự cố truyền thông và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Nhờ đó, các chỉ tiêu sản xuất, chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức so với kế hoạch 7 tháng đề ra, đặc biệt là sản lượng khai thác dầu thô. Công tác an toàn trên các công trường, nhà máy đều được các nhà thầu dầu khí, các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Xuân Cảnh cũng trình bày Quyết định ban hành Quy chế làm việc (bổ sung, sửa đổi) của BCH Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020 và báo cáo Dự thảo Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn nhằm ổn định tình hình, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) Trần Hữu Bình khẳng định việc tổng kết Nghị quyết TW 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cần thiết. Đồng chí cũng đánh giá báo cáo tổng kết đã thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại của Đảng bộ cũng như chỉ ra những nguyên nhân và đưa ra những giải pháp thiết thực đối với công tác cán bộ.

Hội nghị cũng đã lắng nghe các ý kiến thảo luận của các đại biểu xung quanh báo cáo tổng kết Nghị quyết TW 3 khóa VIII cũng như dự thảo Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn nhằm ổn định tình hình, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, BCH thống nhất với báo cáo về kết quả của Đảng bộ trong 7 tháng và kế hoạch những tháng còn lại của năm 2017. Trước những khó khăn của Tập đoàn trong giai đoạn hiện nay, BCH Đảng bộ thống nhất ban hành Nghị quyết về thực hiện các giải pháp cấp bách để ổn định tình hình, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững Tập đoàn. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Hội nghị, BCH cũng giao cho BTV tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện và ban hành Nghị quyết tới các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức chính trị-xã hội để thực hiện; đồng thời cần cụ thể hóa từng chương trình, phân công cá nhân chịu trách nhiệm và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Đối với việc tổng kết thực hiện Nghị quyết TW 3 khóa VIII, BTV cũng chỉ đạo quy chế quản lý cán bộ của Đảng ủy Tập đoàn phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn theo đúng Chiến lược phát triển ngành dầu khí trong thời gian tới. Về quy chế làm việc của BCH Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện quy chế để ban hành thực hiện.

Vương Tâm

Ngày 10/8/2017, tại Hà Nội, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.

Dự lễ ký có ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có Thành viên HĐTV Phan Đình Đức; các Phó Tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang, Lê Mạnh Hùng; lãnh đạo các ban chuyên môn PVN.

Về phía BSR có Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên và lãnh đạo HĐTV, Ban Tổng giám đốc, các ban chuyên môn BSR.

Về phía Petrolimex có Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Trần Văn Thịnh, đại diện HĐQT, Ban Tổng giám đốc và các ban chuyên môn Petrolimex.


Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên (phải) và Tổng giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh ký thỏa thuận hợp tác

Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác thương mại giữa BSR, đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất mỗi năm sản xuất ra 6,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại và Petrolimex, Tập đoàn kinh doanh xăng dầu chiếm hơn 2/3 thị phần Việt Nam.

Nội dung hợp tác bao gồm: Petrolimex và BSR mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của nhau thông qua việc Petrolimex mua cổ phần của BSR sau khi BSR tiến hành cổ phần hóa và hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Với mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc tham gia mua cổ phần của BSR, Petrolimex ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu, LPG, các sản phẩm hóa dầu của NMLD Dung Quất phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của Petrolimex.

BSR và Petrolimex sẽ hợp tác và ưu tiên để Petrolimex xuất khẩu sản phẩm của NMLD Dung Quất vào thị trường Lào, Campuchia… Hai bên thống nhất hợp tác trong việc thuê và cho thuê kho xăng dầu thương mại để luân chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra hai đơn vị còn xem xét các hợp tác khác trong lĩnh vực bảo hiểm, vận chuyển...


Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang phát biểu tại lễ ký

Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang cho biết: Trong những lúc khó khăn nhất của BSR, Petrolimex luôn đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ BSR trong tiêu thụ sản phẩm. BSR và Petrolimex đã có truyền thống hợp tác gần 10 năm nay không chỉ trên lĩnh vực thương mại xăng dầu mà còn các lĩnh vực hợp tác đầu tư khác. Lễ ký kết này còn đặt nền tảng để hai bên hợp tác cao hơn như tìm hiểu cơ hội mua cổ phần hóa, hợp tác xuất khẩu…


Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Sinh Khang phát biểu

Thay mặt lãnh đạo PVN, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang chúc mừng thành công của lễ ký giữa BSR và Petrolimex, đồng thời nhấn mạnh thành quả của BSR đạt được thời gian qua luôn có sự hỗ trợ rất lớn từ Petrolimex. Việc ký kết hôm nay sẽ phát huy hết khả năng, thế mạnh của 2 đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Thời gian tới, công tác tiêu thụ sản phẩm có sự cạnh tranh khắc nghiệt, hai bên cần tìm ra các giải pháp để có hiệu quả kinh tế cao nhất.


Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo phát biểu tại lễ ký

Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo mong muốn lễ ký kết này sẽ mở ra cho hai bên hợp tác sâu rộng hơn, tích cực hơn. Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo bày tỏ sự tin tưởng NMLD Dung Quất sẽ phát huy tính chất ưu việt nhất so với các nhà máy lọc dầu khác. Petrolimex đã, đang và sẽ luôn dành sự ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt.

Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47,2 triệu tấn sản phẩm các loại (đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước), với tổng doanh thu trên 36 tỷ USD, lợi nhuận trên 15 nghìn tỷ đồng (tính đến hết quý I/2017) và nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD hơn gấp đôi tổng mức đầu tư Nhà máy (3 tỷ USD). NMLD Dung Quất có các sản phẩm xăng Mogas A92/95, nhiên liệu phản lực Jet A1, dầu hỏa, dầu diesel ô tô, dầu nhiên liệu đốt, khí hóa lỏng LPG, propylene và hạt nhựa polypropylene…

Hiện nay, Petrolimex là đơn vị kinh doanh phân phối sản phẩm xăng dầu chiếm thị phần cao nhất tại thị trường nội địa. Với hơn 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam, Petrolimex luôn là đơn vị đi đầu, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm xăng dầu Dung Quất của Petrolimex hàng năm vào khoảng 42%-45% trên tổng số 21 đơn vị khách hàng mua xăng dầu của BSR. Ngay từ ngày đầu sản phẩm xăng dầu Dung Quất tham gia thị trường, Petrolimex và BSR đã luôn đồng hành cùng nhau ở những thời điểm thị trường thuận lợi cũng như có những biến động bất lợi cho cả hai bên.

Hiền Anh

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) vừa trao thưởng các giải vàng đợt 1 cho các khách hàng may mắn trúng thưởng chương trình khuyến mãi “Đạm Phú Mỹ - Triệu tình thương” nhân sự kiện Nhà máy Đạm Phú Mỹ cán mốc sản lượng 10 triệu tấn.

Cụ thể, PVFCCo đã thực hiện việc quay số đợt 1 cho các tin nhắn gửi thành công và hợp lệ đến tổng đài 8083 từ ngày 15/6 - 30/7/2017 để tìm ra các khách hàng may mắn trúng thưởng 10 giải Thần tài mỗi giải 1 lượng vàng SJC 9999 và 5 giải Phú quý mỗi giải 2 lượng vàng SJC 9999.

Buổi quay số đã diễn ra trọng thể và công khai, theo đúng quy định và thể lệ chương trình, có sự tham gia chứng kiến, giám sát của đại diện các cơ quan chức năng, báo chí, đại lý và bà con nông dân… Ngay sau đó, đại diện PVFCCo đã nhanh chóng liên hệ, thông tin và đến tận nơi trao “vàng” tận tay các khách hàng may mắn.


PVFCCo tổ chức quay số trúng thưởng đợt 1

Bất ngờ nhận được giải Phú quý, không khí ở gia đình bác Dũng ở huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk vui như Tết. “Vụ này gia đình tôi vẫn sử dụng Đạm Phú Mỹ như nhiều vụ trước đây, hôm trước dù chưa trúng giải Đồng hành nhưng tôi vẫn nhắn tin đến tổng đài 8083. Hôm nay trúng thưởng được 2 lượng vàng, công ty vừa đến tận nhà trao lại đóng luôn cả thuế thu nhập cho, thật là vui quá! Tôi sẽ dành để sắm cặp sách cho các con sắp bước vào năm học mới và nhất định là đầu tư phân bón Phú Mỹ để chuẩn bị cho vụ tới”, bác Dũng vui mừng cho biết.

Được biết, cùng với tỉnh Đắk Lắk, nhiều khách hàng tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang cũng đã may mắn “trúng vàng” trong đợt 1 này. Bên cạnh các giải trúng vàng, trong đợt 1 cũng đã có gần 200.000 khách hàng trúng giải Đồng hành là các thẻ điện thoại trị giá 10.000 đồng và đã được nạp trực tiếp vào tài khoản điện thoại.



Đại diện PVFCCo trao thưởng và chia vui với các khách hàng may mắn

Chương trình hiện tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân. Tính đến ngày 8/8/2017, đã có gần 500.000 tin nhắn tham dự chương trình và trả thưởng gần 300.000 giải Đồng hành.

Trong tháng 9/2017, PVFCCo sẽ tiếp tục thực hiện quay số trúng thưởng đợt 2 và đợt 3 để tìm ra các chủ nhân tiếp theo của 10 giải Thần tài trị giá 1 lượng vàng SJC 9999/giải, 5 giải Phú quý trị giá 2 lượng vàng SJC 9999/giải và đặc biệt là 1 giải Bội thu với giá trị 10 lượng vàng SJC 9999.

 Chương trình khuyến mãi “Đạm Phú Mỹ - Triệu tình thương” là chương trình được PVFCCo triển khai trên toàn quốc từ ngày 15/6/2017 - 12/9/2017. Trong thời gian khuyến mãi, khi khách hàng mua sản phẩm Đạm Phú Mỹ loại 50kg/bao và ngoài bao bì có ghi “Đạm Phú Mỹ - Triệu tình thương” sẽ có cơ hội nhận được quà tặng thông qua thẻ cào may mắn trong mỗi bao.

 

V.K

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp giữa các bên đối tác, song Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) - đại diện nhà điều hành Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đã và đang có những bước tiến quan trọng trong tổng thể tiến độ của dự án.

Từ tháng 6-2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành nhà điều hành chính thức của Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Chi nhánh của PVN - Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) là đơn vị đại diện nhà điều hành triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các bên PVN, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).

Trong quá trình đàm phán quyết định đầu tư cuối cùng (FID), PVN đã ký thỏa thuận văn kiện đàm phán bổ sung với MOECO, PTTEP để có cơ sở triển khai một số công việc dự án. Các bên sẽ góp chi phí quản lý theo tỷ lệ góp vốn trong BCC, đối với chi phí đầu tư, PVN sẽ ứng trước chi phí cho MOECO và PTTEP, các chi phí này sẽ được các đối tác hoàn trả khi có FID.


Tổng giám đốc SWPOC Đỗ Khang Ninh (phải) nhận Giấy chứng nhận đầu tư từ lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang

Hiện nay, PVN đang cùng các đối tác nước ngoài đàm phán và hoàn thiện FID, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2018. SWPOC cũng đã phối hợp với PVN họp thống nhất với các đối tác tiến độ tổng thể chuỗi dự án khí. Theo đó, dự kiến first gas (đón dòng khí đầu tiên) sẽ diễn ra vào quý IV/2021. Hiện SWPOC đang bám sát tiến độ để báo cáo triển khai các công việc phù hợp với tiến độ của chuỗi dự án này.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù còn gặp một số khó khăn như việc phối hợp các bên chưa chặt chẽ, thời gian phê duyệt các bên còn chậm, song SWPOC đã hoàn thành một số đầu việc quan trọng trong tổng thể tiến độ của dự án như: Phối hợp với nhà thầu Liên danh PVE-SC & LPK hoàn thành công tác khảo sát bờ, biển tuyến ống rẽ nhánh đến trạm GDS Kiên Giang; hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký Hợp đồng Thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) với Liên danh nhà thầu Worley Parson & PVE, dự kiến hoàn thành báo cáo FEED vào tháng 10-2017, hoàn thành việc phê duyệt FEED vào tháng 12-2017…

Trong công tác đánh giá tác động môi trường, SWPOC đã ký hợp đồng với Trung tâm An toàn và Môi trường Dầu khí - Viện Dầu khí. Tháng 3-2017 vừa qua đơn vị đã hoàn thành lấy mẫu tại thực địa và dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo vào tháng 9-2017.

 SWPOC đang tiếp tục rà soát tổng thể dự án, tối ưu hóa phương án triển khai nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phi quản lý của dự án. Trong 6 tháng đầu năm, SWPOC đã thực hiện tiết giảm ước khoảng 6,21 tỉ đồng từ chi phí quản lý và chi phí đầu tư.

Hiện SWPOC cũng đã thông báo phương án tuyến ống mới tiếp bờ tại An Minh - Kiên Giang đến các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đơn vị đang làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để thống nhất thanh, quyết toán chi phí tổ chức đã thực hiện đối với phương án tuyến ống cũ và cùng PVN làm việc với Bộ Tài chính để xin hướng dẫn về thông tư áp dụng đối với thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Bắt đầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đối với phương án tuyến ống mới từ tháng 7-2017.


Thực hiện chỉ đạo Tập đoàn, SWPOC đang tiếp tục rà soát tổng thể dự án, tối ưu hóa phương án triển khai nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phi quản lý của dự án. Trong 6 tháng đầu năm, SWPOC đã thực hiện tiết giảm ước khoảng 6,21 tỉ đồng từ chi phí quản lý và chi phí đầu tư.

SWPOC đã tổ chức đào tạo cho 30 lượt CBCNV, tập trung toàn lực vào việc hoàn thành FEED và các gói thầu trọng điểm năm 2017. Đơn vị đã áp dụng triệt để hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường theo tiêu chuẩn quy định, tăng cường công tác quản trị rủi ro, công tác quản lý giám sát kỹ thuật, giám sát công trường, công tác an toàn sức khỏe môi trường, công tác phòng chống cháy nổ... Đầu tháng 6-2017, tổ chức đào tạo và đánh giá chứng nhận BSI đã thực hiện đánh giá và đang chuẩn bị báo cáo trình cấp chứng chỉ cho hệ thống SEQ của SWPOC.


SWPOC họp bàn với UBND tỉnh Kiên Giang về tiến độ dự án

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm cả năm 2017, SWPOC tiếp tục bám sát các chỉ tiêu kế hoạch đã được Tập đoàn chấp thuận, định kỳ đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, có chỉ đạo kịp thời để đạt được mục tiêu. Song song đó, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn và các bên đối tác để có cơ chế phân cấp, ủy quyền phù hợp, tránh chồng chéo làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu sẽ luôn được giám sát chặt chẽ, cập nhật và báo cáo hằng tuần, hằng tháng với Tập đoàn, để kịp thời kiến nghị xử lý các vướng mắc khó khăn của dự án. Đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh nơi tuyến ống đi qua với các ban chức năng của Tập đoàn và các đối tác nước ngoài trong quá trình triển khai dự án.

SWPOC tăng cường và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể công ty, phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, làm việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ thông tin, các giải pháp phần mềm quản lý, điều hành tiên tiến, xây dựng kế hoạch đào tạo có trọng điểm, tái đào tạo cho CBCNV.

 Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của SWPOC

Hiện SWPOC đang huy động toàn lực để bám sát tiến độ của toàn chuỗi dự án. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2017, SWPOC đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tư vấn quản lý dự án và tư vấn cấp chứng chỉ: Hoàn thành xem xét thiết kế FEED; Thiết kế tổng thể và lập dự toán công trình: Hoàn thành phê duyệt thiết kế FEED cập nhật; Hoàn thành 100% thẩm tra thiết kế tổng thể và dự toán công trình; Cập nhật đơn giá, định mức: Hoàn thành và giải ngân 100%; Hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường; Triển khai công tác rà phá bom mìn vật nổ tuyến ống bờ theo tiến độ; Đền bù giải phóng mặt bằng; Thống nhất phương án triển khai hợp đồng EPC, kế hoạch đấu thầu tổng thể dự án; Hoàn thành việc hủy giấy chứng nhận đầu tư tại Cà Mau…

Nguyên Phương

Nhằm phát triển nguồn nhân lực cao cấp trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với công ty dầu khí CGG xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về địa chất, địa vật lý tại Thành phố Hà Nội. Chương trình học kéo dài 5 tuần nhằm nâng cao kiến thức địa chất, địa vật lý của học viên thông qua kết hợp các bài giảng lý thuyết và thực hành trên tài liệu thực tế.

Hai mươi cán bộ kỹ thuật tiềm năng được chọn lọc kỹ từ các đơn vị thuộc khối tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn đã có cơ hội phát triển kỹ năng của mình thông qua khóa học đặc biệt bao gồm các nội dung từ thu nổ địa chấn, xử lý số liệu địa chấn, minh giải địa chấn trên workstation, minh giải cấu trúc và kiến tạo, phân tích địa chấn địa tầng, phân tích AVO/ nghịch đảo địa chấn và đánh giá tiềm năng dầu khí. Chương trình đào tạo cũng là cơ hội đào tạo giảng viên kỹ thuật nội bộ cho Tập đoàn, là cơ hội để Viện Dầu khí Việt Nam từng bước xây dựng các chương trình đào tạo kỹ thuật chuyên sâu một cách bài bản và chuyên nghiệp.

 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang phát biểu tại lễ khai giảng chương trình

Thành công của chương trình phải kể đến sự hỗ trợ từ Công ty Halliburton Landmark. Công ty Halliburton Landmark đã tài trợ cho khóa học 12 license sử dụng phiên bản mới nhất của Landmark- phần mềm Decision Space 10 EP 3.04 & OpenWorks 5000.10.05. Ngoài ra, Halliburton cử chuyên gia kỹ thuật theo sát hỗ trợ trong suốt 5 tuần diễn ra khóa học.

Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của Công ty Halliburton Landmark đồng hành trong suốt khóa học

Sáng kiến hợp tác đào tạo này giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CGG, Halliburton Landmark hứa hẹn sẽ trang bị thêm cho thế hệ chuyên gia trẻ của ngành Dầu khí Việt Nam những kỹ năng, kiến thức cần thiết để thành công trong môi trường làm việc thay đổi từng ngày, đặc biệt trong giai đoạn ngành công nghiệp dầu khí thế giới đang chứng kiến nhiều biến động như hiện nay. Chương trình đào tạo không chỉ hỗ trợ các học viên trên con đường phát triển sự nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam.

PV

Ngày 10/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức buổi quyên góp ủng hộ nhân dân các tỉnh Tây Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.

Những ngày đầu tháng 8/2017, mưa lớn cục bộ đã gây lũy quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh Sơn La và Yên Bái. Theo thống kê bước đầu đã có trên 100 người chết, bị thương và mất tích, hàng tram ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, tổng thiệt hại ước tính trên 800 tỷ đồng.


Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt 

Với tinh thần “tương thân tương ái”, tại buổi quyên góp, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt gây ra số tiền 400 triệu đồng. Số tiền sẽ được chuyển đến Ban cứu trợ thiên tai các tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Các cán bộ, nhân viên quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc bị thiên tai

Trước đó, ngày 8/8, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị lũ lụt, thiên tai số tiền 400 triệu đồng, khẩn cấp hỗ trợ nhân dân các tỉnh gặp thiên tai. Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cử các đoàn công tác trực tiếp đến những vùng bị thiên tai để hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống.

PV