Super User

Super User

Với tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.890 tỉ đồng, vượt 119% kế hoạch; lợi nhuận đạt 235 tỉ đồng, vượt 120% kế hoạch, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans) đã trở thành điểm sáng trên thị trường vận tải biển thời gian qua.

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển. Thương mại toàn cầu cũng như các nhu cầu vận tải hàng hóa, thiết bị… sụt giảm khiến nhiều DN lâm cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản.

Vượt lên tất cả khó khăn, thách thức ấy là nhờ sự đổi mới liên tục trong công tác quản lý, điều hành cách thức làm việc, đẩy mạnh hiệu quả khai thác, quan hệ với nhiều DN, khách hàng lâu dài và thường xuyên, kết quả sản xuất kinh doanh của PV Trans vẫn vô cùng khả quan, vượt kế hoạch đặt ra. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của tổng công ty đạt 2.890 tỉ đồng, vượt 119% kế hoạch; lợi nhuận đạt 235 tỉ đồng, vượt 120% kế hoạch…


PV Trans thực hiện chuyển tải than tại khu neo đậu, chuyển tải Thiềng Liềng

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, đội tàu của PV Trans có những bước tiến mới trong việc phát triển, mở rộng thị trường khai thác, không chỉ trong nước mà còn ở các nước trong khu vực. Theo đó, trong năm 2017, với việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng sửa chữa 52 ngày, PV Trans đã sớm có kế hoạch đưa tàu đi khai thác quốc tế đồng thời tổ chức tốt vận chuyển các chuyến hàng nội địa và nhập khẩu. PV Trans cũng đã mở rộng các loại hình dịch vụ, giành được những hợp đồng quan trọng như: cung cấp dịch vụ O&M tàu FPSO Sông Đốc Pride MV19 phục vụ khai thác mỏ Sông Đốc ngoài khơi Việt Nam; thực hiện chuyển tải than cung ứng cho NMNĐ Duyên Hải 3 của Liên danh nhà thầu Franky - Tata International JV; trúng thầu vận tải LPG cho Nhà máy GPP Cà Mau…

Bên cạnh kết quả đạt được, PV Trans cũng đã hoàn thành việc thanh toán chia cổ tức 10% cho các cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2016, mang lại sức hút mạnh mẽ về tiềm năng tăng trưởng tốt của cổ phiếu PV Trans trong thời gian tới.

6 tháng cuối năm 2017 được dự báo vẫn là quãng thời gian nhiều thách thức với đội tàu PV Trans. Do nguồn hàng vẫn chưa tốt, giá dầu thô vẫn ở mức thấp khiến các chủ hàng luôn trong tâm thế cắt giảm sản lượng. Thêm vào đó là giá cước vận tải hàng lỏng vẫn ở mức thấp, quan hệ cung cầu, lượng tàu đóng mới đưa vào thị trường từ cuối năm 2016 đã làm dư thừa năng lực vận chuyển trên các thị trường… Những nguyên nhân này ít nhiều sẽ tiếp tục gây ra những khó khăn nhất định đối với các công ty vận tải biển.

PV Trans đã thanh toán cổ tức 10% năm 2016, mang lại sức hút mạnh mẽ về tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu PV Trans.

Tuy nhiên, tận dụng việc chuyển dịch định hướng của ngành vận tải biển trong thời gian sắp tới, PV Trans đã nhanh chóng nắm bắt và thực hiện đầu tư nhằm trẻ hóa đội tàu tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trong khai thác vận tải biển. Tổng công ty đã tiếp nhận bàn giao tàu PVT Saturn tại Singapore ngày 22-6 vừa qua. Ngay sau khi tiếp nhận, tàu PVT Saturn đã được ký hợp đồng thực hiện chuyến hàng đầu tiên đi Ấn độ vào ngày 25-6 và dự kiến sẽ được khai thác tại thị trường quốc tế khu vực Bắc Á, Ấn Độ hoặc Trung Đông.

PV Trans cũng không ngừng đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, hạ tỷ lệ nắm giữ tại các công ty con nhằm thu hút các nhà đầu tư, PV Trans tiếp tục có những chính sách về góp vốn tài chính mới mẻ hơn để lựa chọn được những chủ tàu có khả năng, năng lực nhằm nâng cao tính cạnh tranh hơn nữa ra thị trường quốc tế, không bó hẹp ở thị trường nội địa.

Với những kết quả đã đạt được, PV Trans đã cho thấy khả năng thích ứng trong thị trường vận tải đầy biến động khó khăn hiện nay. Và đó cũng chính là nền tảng để PV Trans sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nguyên Phương

Sáng 5/7, tại phao rót dầu không bến một điểm neo (SPM), tàu Hercules M chở 72.000 tấn dầu thô Bạch Hổ đã cập bến an toàn, nhập chuyến tàu dầu đầu tiên trong đợt bảo dưỡng tổng thể (BDTT) NMLD Dung Quất.

Trước đó, ngày 3/7, Ban Quản lý cảng biển BSR cùng nhà thầu đã thi công lắp đặt 232m đường ống mềm nổi thứ hai tại Phao SPM – cũng là hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho chuyến nhập dầu này.

Sau khi lai dắt tàu vào gần bến, các tàu dịch vụ và cẩu nối ống với hệ thống bơm dầu trên tàu Hercules M để bơm qua phao SPM đưa vào khu vực bể chứa dầu thô ở khu vực U60 của NMLD Dung Quất. Với công suất bơm khoảng 2.500m3/giờ, dự kiến rạng sáng ngày 7/7, công tác bơm dầu sẽ hoàn thành, sẵn sàng cho công tác khởi động lại phân xưởng Chưng cất dầu thô của Nhà máy.

Tàu Hercules M bơm dầu tại phao SPM

Được biết, đây là lô dầu thứ 661 với tổng khối lượng là 52,4 triệu tấn được nhập về NMLD Dung Quất.

Tàu Hercules M là con tàu chở dầu thô cỡ lớn của PV Trans, tàu có chiều dài 243 m, chiều rộng 42 m, chiều cao 20 m, trọng tải khoảng 96.000 tấn. Ông Phạm Việt Liêm, thuyền trưởng tàu Hercules M cho biết: Chuyến dầu thô này là chuyến thứ 255 của tàu Hercules M. Tàu được đóng năm 1996, năm 2006 PV Trans sở hữu và vận hành từ đó đến nay. Mỗi tháng Hercules M thực hiện 3 chuyến tàu dầu cho NMLD Dung Quất - được coi là con tàu có tần suất hoạt động bền bỉ nhất của PV Trans.

Chuyến dầu thô đầu tiên của NMLD Dung Quất diễn ra vào ngày 29/12/2008, lô dầu vận chuyển bằng tàu Torn Gudrun cập bến phao SPM. NMLD Dung Quất cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào ngày 22/2/2009. Kể từ đó đến nay, nhà máy đã sản xuất 47,2 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 838,51 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD) và nộp ngân sách khoảng 139,98 nghìn tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD).

BSR

Tính đến hết ngày 3/7/2017, đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã đạt hơn 90% tiến độ. Nhiều hạng mục công việc đã hoàn thành rất sớm, đưa vào vận hành, sẵn sàng chuẩn bị để khởi động toàn bộ nhà máy vào giữa tháng 7 này.

Chiều 2/7, tại phân xưởng Điện, các kỹ sư thuộc khu vực phụ trợ nóng đã cho khởi động lò hơi B. Trước đó, máy bơm P4031 cũng đã được khởi động cấp nước cho lò hơi B. Cùng thời điểm, lò đốt của lò hơi B cũng đi vào hoạt động như cho chạy hệ thống phun tán sương dầu diezel, châm đuốc đốt lò.


Kỹ sư BSR kiểm tra đồng hồ hiển thị của lò đốt B

Việc lò hơi B hoạt động sẽ cấp hơi nước có nhiệt độ khoảng 505 độ C cho các phân xưởng công nghệ và ngoại vi, trong đó có khu bể chứa dầu thô. Hơi nước nóng sẽ làm lỏng dầu thô bơm từ bể sang phân xưởng Chưng cất dầu thô khi nhà máy hoạt động trở lại.


Nhóm kỹ sư khởi động lò đốt B

Hai máy bơm P4032 và P4033 cùng 2 lò hơi A và C sẽ khởi động sau ngày 12/7 - thời điểm dự tính khởi động phân xưởng Chưng cất dầu thô. Kỹ sư Đặng Quốc Tùng cho biết: Lò hơi ở phân xưởng Điện có thể chạy ở 3 chế độ là dầu DO, dầu fuel oil và fuel gas. Tùy thuộc vào thực tiễn vận hành của NMLD Dung Quất, lượng fuel gas sinh ra nhiều sẽ chuyển về phân xưởng Điện để dùng làm nhiên liệu đốt lò với cơ chế độc lập hoặc pha trộn dầu và gas. Đây là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng của NMLD Dung Quất, giúp Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiết giảm chi phí vận hành.


Công nhân, kỹ sư đấu nối đường ống vào phao

Sáng 3/7, Ban Quản lý cảng biển BSR cùng nhà thầu đã thi công lắp đặt 232m đường ống mềm nổi thứ hai tại Phao rót dầu không bến (SPM). Trước đó, công tác lắp đặt 240m đường ống mềm thứ nhất đã được tiến hành vào ngày 1/7. Việc lắp dựng 2 đường ống mềm tiếp nhận dầu thô từ tàu dầu không nằm trong kế hoạch bảo dưỡng tổng thể. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó trưởng ban Quản lý cảng biển thì trong giai đoạn bảo dưỡng, Ban nhận thấy 2 đường ống này đã được sử dụng 9 năm (theo thiết kế là 10 năm) nhưng do tần suất nhập dầu ở cảng rất lớn, khoảng 8 - 9 chuyến/tháng, cộng thêm thời tiết, thủy văn khá khắc nghiệt, Ban đề xuất Tổng giám đốc và đã được sự đồng ý thay mới toàn bộ 2 đường ống dài tổng cộng gần 500m.

Hiện tại, công việc của gói 7 chỉ còn thi công đường ống sạc clo vào ngày 5/7 là sẽ hoàn thành 100% tiến độ đề ra. Việc hoàn thành 2 đường ống mềm nổi trên biển giúp nhà máy sẵn sàng cho chuyến nhập dầu thô đầu tiên sau bảo dưỡng dự kiến vào ngày 5/7.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, sau bảo dưỡng gói 7, Ban đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đó là: Theo thiết kế thì nhiều công trình có niên thọ khoảng 10 năm nhưng điều kiện vận hành thực tế khắc nghiệt của thời tiết và tần suất cao nên phải thay mới để bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật. Gói 7 tuy có thời gian là “dư dả” nhất so với 6 gói thầu còn lại nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, phải bám sát tiến độ, làm sớm ngày nào hay ngày đó. Tính đến nay, gói 7 cơ bản đã hoàn thành bảo đảm chất lượng, “về đích trước” chuẩn bị cho NMLD Dung Quất vận hành trở lại.

Đức Chính

Vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) đã tổ chức họp HĐQT và thông qua kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị DMC nhiệm kỳ III (2015-2020).

Theo đó, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty DMC nhiệm kỳ III (2015-2020) kiêm nhiệm với tỉ lệ nhất trí 100%.


Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng trúng cử Chủ tịch HĐQT DMC.

Trước đó, vào ngày 29/6/2017, DMC đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2017. Tại Đại hội, các cổ đông của DMC đã thông qua Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016 và kế hoạch kinh doanh của DMC năm 2017. Trong đó, DMC xây dựng kế hoạch năm 2017 với các chỉ tiêu cơ bản như sau: Tổng doanh thu đạt khoảng 2.660 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 25 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 116,3 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội, do Chủ tịch HĐQT DMC Nguyễn Ngọc Khánh đến tuổi nghỉ hưu, để kiện toàn tổ chức Tổng công ty DMC, Đại hội đồng cổ đông đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên HĐQT DMC nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội đã bỏ phiếu với sự thống nhất, đồng thuận cao bầu ông Lê Mạnh Hùng làm Ủy viên HĐQT DMC.

Bùi Công

Với mục tiêu hoàn thành bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 3 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt chất lượng, rút ngắn thời gian và tuyệt đối an toàn, những người thợ bảo dưỡng của BSR đang ngày đêm hăng say làm việc.

Những công việc phức tạp nhất

Khi nhắc đến khối lượng công việc trong đợt BDTT này, người vững chí nhất cũng phải… toát mồ hôi với 2.150 hạng mục thiết bị tĩnh, 58 tổ hợp thiết bị quay quan trọng, 303 thiết bị điện; 3.475 hạng mục thiết bị tự động hóa; 30 cải tiến kỹ thuật. Bên cạnh đó, hơn 22.000 thao tác kỹ thuật khác nhau, sử dụng và thay thế trên 5.000 đầu mục vật tư phụ tùng… là những công việc chỉ thực hiện trong gần 2 tháng.

Trong đó, phức tạp nhất là 2 gói thầu các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy (gồm gói thầu số 1 là Phân xưởng RFCC và gói thầu số 2 gồm các phân xưởng U16/17/21 và NHT, CCR, ISOM, CDU, KTU, LTU, NTU, PRU). Các nhà thầu tham gia BDTT có năng lực và nhiều kinh nghiệm, tiến độ thực hiện và chi phí hợp lý. Ba nhà thầu nước ngoài trúng thầu đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều là nhà thầu có kinh nghiệm bảo dưỡng các NMLD trên thế giới, 2 trong số 3 nhà thầu chính này đã tham gia thực hiện các lần bảo dưỡng trước.

Gói 1 có số đầu việc và tính năng phức tạp nhất do nhà thầu Hiap Seng (Singapore) đứng đầu. Chúng tôi có mặt trên đỉnh tháp tái sinh xúc tác D-1503, gặp chuyên gia Vicent Wettleson từ dưới một cyclone (thiết bị tách) chui lên. Do người ông quá to, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Có một dây an toàn hỗ trợ đeo vào người chuyên gia này và có 2 công nhân kéo lên bằng tời chuyên dụng.

Từ dưới ống, chuyên gia Vicent lấm lem bụi, mồ hôi đẫm trên mặt và ngực, nở nụ cười ra hiệu là “Tôi ổn”. Ông chia sẻ: “Ở dưới đó tối, thiếu không khí và khá chật”. Ông mở máy ảnh khoe những tấm hình vừa chụp được, đó là những vị trí bị mài mòn của cyclone sau thời gian dài vận hành trong điều kiện khắc nghiệt. Sau khi có kết quả từ thực tế kiểm tra và hình chụp được, ông về viết báo cáo, cùng thảo luận với các kỹ sư đầu mối của BSR để đưa ra biện pháp xử lý. Vị chuyên gia này rất giỏi, nhiều kinh nghiệm và bắt được bệnh của những thiết bị phức tạp trong các tháp phản ứng, tháp tái sinh...


Chuyên gia Vicent Wettleson nở nụ cười thành công khi chui lên từ một cyclone

Kỹ sư Tạ Ngọc Phương, Trưởng ca vận hành Cụm Phân xưởng RFCC cho biết: Có 2 vấn đề kỹ thuật lớn nhất cần phải xử lý trong BDTT lần 3 tại RFCC là các điểm nóng cục bộ và hệ thống tách xúc tác. Điểm nóng cục bộ có thể hiểu nôm na thế này: Cấu tạo của mỗi tháp phản ứng và tháp tách bao gồm lớp vỏ thép bên ngoài, bên trong là lớp gạch cách nhiệt. Quá trình hoạt động, nhiệt độ trong tháp cao khoảng trên 700oC làm biến dạng một vài điểm của lớp gạch cách nhiệt bị ăn mòn hoặc rạn nứt, khiến sức nóng trong lò ảnh hưởng đến lớp kim loại bên ngoài. Các điểm nóng cục bộ là chuyện bình thường xảy ra ở tất cả các NMLD trên thế giới, tuy nhiên nếu xúc tác len qua các khe nứt ra phía sau lớp cánh nhiệt, gây mài mòn lớp vỏ thép, rò rỉ thì sẽ trở nên rất nguy hiểm. Khi vận hành, BSR khống chế bằng cách dùng hơi nước có nhiệt độ khoảng 150oC phun vị trí nóng cục bộ để nhiệt độ ở vị trí nóng này không tăng quá cao. “Chúng tôi sẽ mở từng tháp và thay thế lớp gạch cách nhiệt tại điểm nóng cục bộ bị ăn mòn. Với vị trí chưa phát hiện vấn đề của lớp gạch ăn mòn, chúng tôi sẽ dùng thiết bị chuyên dụng đo đếm kiểm tra kỹ để đảm bảo toàn bộ tháp vận hành trơn tru sau khi bảo dưỡng”, anh Phương cho biết.

Phân xưởng RFCC có quy trình hoạt động phức tạp nên BDTT lần 3 tốn nhiều công sức nhất. Để ra được dòng sản phẩm, Phân xưởng RFCC nhận cặn chưng cất khí quyển từ phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) cho đi lần lượt vào cụm 4 tháp (gồm D1501, D1502, D1503 và T1501) phản ứng với chất xúc tác để tạo ra sản phẩm. Cụ thể, tại tháp D1501, hỗn hợp cặn chưng cất khí tiếp tục chuyển đến tháp tách chính T1501 để tách và tạo ra các sản phẩm: sản phẩm đỉnh (như khí đốt, LPG); xăng nặng; dầu diesel; dầu đốt FO. Hai tháp D1502 và D1503 là tháp tái sinh xúc tác, xử lý xúc tác.

Công trường dưới biển sâu

Nếu công nhân, kỹ sư nhà thầu và BSR phải thức dậy lúc 4h30 để có mặt ở cổng nhà máy lúc 5h45 thì có lẽ nhân sự gói 7 phải dậy sớm hơn thế. Họ cũng phải 6h tập trung ngoài cảng, trước khi vượt 45 phút cưỡi sóng từ cảng ra phao rót dầu không bến (SPM). Với những ngày biển êm, việc di chuyển là dễ dàng. Nhưng chỉ cần có một cơn áp thấp đi ngang qua hay ảnh hưởng của thời tiết mưa giông, biển lại động, có khi đi tàu mất 1 giờ đồng hồ.


Cụm phân xưởng RFCC - trái tim của NMLD Dung Quất

Biết trước được vùng này thời tiết không thuận lợi, không chiều lòng người cho lắm, gói 7 triển khai công việc ngay từ đầu tháng 6 (trước thời điểm dừng nhà máy 1 tuần). Kế hoạch của gói 7 sẽ thực hiện trong 22 ngày, nhưng chỉ phải làm 20 ngày, vượt 2 ngày. Chúng tôi được anh Nguyễn Ngọc Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý cảng biển hồ hởi cung cấp thêm thông tin: Khi tiến độ của đợt BDTT NMLD Dung Quất mới vượt ngưỡng 15% thì riêng gói 7 đã xong đến hơn 2/3 công việc. Anh cho biết, gói 7 phải thực hiện một số công việc lớn như thay thế 2 ống mềm chìm; thay thế đường dây thủy lực và đường dây tín hiệu; sửa chữa 2 mắt xích để neo tàu; sơn lại phao SPM; sửa chữa bảo dưỡng 2 hệ thống thủy lực; thay thế các mặt pin năng lượng mặt trời… Việc nào cũng đòi hỏi độ chính xác, an toàn tuyệt đối, bởi tính chất công việc làm chủ yếu dưới mặt nước. Mà vịnh Việt Thanh nổi tiếng là vịnh sâu (chừng 30m), có dòng hải lưu và thường xuyên có gió mạnh.

 Nắng, nóng, mồ hôi thấm đẫm những bộ quần áo bảo hộ, ngày thì thèm nước, tối thì thèm ngủ… đó là cảm giác của nhiều nhân sự nhà thầu và cán bộ, công nhân viên BSR trong đợt BDTT lần 3 NMLD Dung Quất. Phải dấn thân vào từng thiết bị, từng đường ống, ngọn tháp hay phao rót dầu không bến (SPM) mới thấy hết được tinh thần hăng say làm việc của những người thợ bảo dưỡng.

Hôm chúng tôi ra phao, có chừng 60 người đang hối hả làm việc. Lớn nhất là tàu dịch vụ Ngàn năm Thăng Long của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với nhiệm vụ chính là tàu chỉ huy, chở người và là nơi đặt 2 container thiết bị lặn. Xung quanh có các tàu dịch vụ, tàu cảnh giới. Trên phao SPM luôn có hơn 10 người là thợ của nhà thầu, nhân sự BSR đang thực hiện các công việc sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị.

Trung tâm điều khiển lặn nằm trong 2 container trên tàu dịch vụ Ngàn năm Thăng Long, các thợ lặn của nhà thầu PETROSETCO POTS (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí biển) từng cặp, từng cặp thay nhau xuống đáy biển quay hình, kiểm tra các thiết bị trước khi bắt tay vào các hạng mục sửa chữa, thay thế.

Anh Tôn Tịnh Biên, Phó trưởng ban Quản lý cảng biển nói về quy trình lặn, tác nghiệp dưới đáy biển: Thợ lặn phải là thợ lành nghề, có chứng chỉ lặn biển và có kinh nghiệm nhiều năm lặn, tác nghiệp ở các công trình dầu khí. Họ sẽ được chủ đầu tư (ở đây là BSR) phổ biến quy trình an toàn ở trên bờ. Khi vào việc, tốp 2 thợ lặn của nhà thầu có chừng 10-15 phút khởi động, sau đó đeo các dụng cụ tác nghiệp, mặc quần áo lặn và đội mũ dưỡng khí.

Mỗi thợ lặn đều được nối với cụm 3 dây bao gồm 1 dây điện đài màu đỏ; 1 dây xanh to truyền sinh (oxy); 1 dây xanh nhỏ đo độ sâu. Ở dưới đáy biển, 2 thợ lặn được 1 thợ lặn của BSR kèm sát và hướng dẫn trực tiếp khu vực tác nghiệp, công việc phải làm và quy trình an toàn ngay dưới đáy biển. Sau chừng một khóa ngắn 15 phút, thợ lặn BSR lên tàu và để cho thợ lặn nhà thầu làm việc. Mỗi ngày có chừng 8 ca lặn, 1 ca dự phòng như thế. Mỗi ca làm việc khoảng 45 phút, sau đó ngoi lên cách mặt nước chừng 6m. Ở đây thợ lặn tiếp tục thả lỏng, giảm áp chừng 8 phút. Sau đó, thợ lặn lên cách mặt nước 3m, tiếp tục giảm áp ở đây 26 phút theo quy chuẩn lặn quốc tế. Tổng thời gian làm việc và giảm áp của thợ lặn là 1 giờ 30 phút và một thợ lặn chỉ được phép làm việc 1 ca/ngày.


Thợ lặn sau một ca làm việc

Nhân sự gói 7 luôn thường trực 43 người nhà thầu Vietsovpetro và PETROSETCO, 45 người của BSR. Có thể nói, thành công của gói 7 bên cạnh tiến độ, chất lượng thì đây là gói mà có sự “dầu khí hóa” nhất, bao gồm BSR, Vietsovpetro và PETROSETCO. BSR đã làm chủ được công nghệ và trang thiết bị ở phao SPM và thường kỳ cũng sửa chữa nhiều hạng mục lớn, tiết kiệm hàng tỉ đồng cho công ty. Vietsovpetro và PETROSETCO POTS là những nhà thầu có tiếng trong lĩnh vực lặn, sửa chữa hạng mục dầu khí dưới biển. Sự tham gia của 2 nhà thầu dầu khí đã khẳng định, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng công trình ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thể tự đảm đương, không cần phải thuê nhà thầu nước ngoài. Gói 7 sớm về đích sẽ tác động đến tiến độ của 6 gói thầu còn lại với mục tiêu: tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Các giải pháp kỹ thuật cao

Không chỉ thực hiện công tác BDTT, BSR cũng áp dụng 3 giải pháp kỹ thuật trong giai đoạn này nhằm nâng cao hiệu quả cho NMLD Dung Quất. BSR phối hợp với nhà thầu JGC (Nhật Bản) thực hiện hạng mục lắp đặt đường ống 4 inch từ D-1103 đến D-1514 và phụ trợ để thu hồi khí nhẹ (off-gas) được tách ra từ D-1103 nhằm tăng cường độ linh động trong việc lựa chọn dầu thô chế biến, tối ưu hóa và tăng công suất của phân xưởng CDU. Các điểm đấu nối với hệ thống hiện hữu sẽ được lắp đặt trong giai đoạn BDTT lần 3 này. Hạng mục sẽ được hoàn thành trước ngày 5-7-2017, trước 7 ngày để khởi động lại phân xưởng CDU. Theo kỹ sư Đặng Ngọc Đình Điệp, Phó trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR: Việc áp dụng giải pháp kỹ thuật này giúp nhà máy nâng công suất lên khoảng 115-117%, làm lợi cho công ty khoảng 19 triệu USD/năm.

Ban Nghiên cứu Phát triển BSR cũng là đầu mối thực hiện việc tối ưu hóa sản xuất xăng ở phân xưởng xử lý Naphtha nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Việc tối ưu này chi phí là bằng 0, bởi tận dụng được nhân lực, vật lực sẵn có của BSR. Mặc dù chưa tính được giá trị làm lợi của giải pháp này, nhưng hứa hẹn sẽ là con số rất lớn; đồng thời nâng cao độ nhạy bén trong sản xuất sản phẩm xăng ở nhà máy. Theo kỹ sư Đặng Ngọc Đình Điệp, ở Phân xưởng Reforming xúc tác liên tục (CCR) khi vận hành có một số tồn tại kỹ thuật. Qua nghiên cứu và tư vấn của Shell Global Solution, kỹ sư BSR sẽ khắc phục tồn tại tại lò đốt H-1302 ở phân xưởng CCR. Việc cải hoán này giúp phân xưởng hoạt động ổn định ở công suất cao hơn với chế độ vận hành nghiêm ngặt hơn.


Công nhân đang kiểm tra lớp bê tông cách nhiệt

Nhớ lại lần BDTT lần 2 vào năm 2014, BSR đã áp dụng một số giải pháp, đó là: BSR tự chủ trì và quản lý thực hiện công tác BDTT lần 2, O&M đóng vai trò tư vấn và số lượng giảm hơn 50% so với lần 1; xây dựng và ứng dụng thành công công cụ quản lý BDTT tích hợp Maximo-Primavera P6 trong công tác lập kế hoạch và kiểm soát tiến độ; mạnh dạn áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ công tác sửa chữa vật liệu cách nhiệt (refractory); đột phá trong việc chế tạo thiết bị tách (cyclone) bên trong tháp tái sinh, góp phần đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ; thay đổi và tối ưu hóa quy trình khởi động của nhà máy nhằm cân đối thời gian thực hiện công việc cơ khí giữa các phân xưởng, rút ngắn thời gian khởi động nhà máy… Công tác BDTT lần 2 NMLD Dung Quất cũng đã giải quyết các vấn đề kỹ thuật trọng tâm, tháo gỡ các “nút cổ chai” trong quá trình thiết kế xây lắp để đảm bảo nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, tin cậy ở 105% công suất.

Để có được những thành công này trong BDTT, BSR cũng có một số thuận lợi nhất định như: là công trình trọng điểm quốc gia, NMLD Dung Quất nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các đối tác tiềm năng đã và đang hợp tác với BSR; nhân sự của BSR đã trưởng thành, làm chủ về công nghệ nên có đủ năng lực và kinh nghiệm xử lý các vấn đề kỹ thuật trong BDTT lần 3; các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện tại trong ngành, trong nước đã có những bước tiến rõ rệt về năng lực quản lý, kỹ thuật trong công tác bảo dưỡng sửa chữa NMLD. BSR sẽ tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội để đảm bảo công tác BDTT lần 3 thành công tốt đẹp.

 
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đặt tại Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn các xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 148.000 thùng/ngày); khi nâng cấp mở rộng trong tương lai, công suất chế biến sẽ vào khoảng 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gồm: propylene (sản lượng 136-150 nghìn tấn/năm); khí hóa lỏng (LPG) (sản lượng 400-420 nghìn tấn/năm); xăng RON 92 (sản lượng 1.400-1.800 nghìn tấn/năm); xăng RON A95 (sản lượng 600-700 nghìn tấn/năm); dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet A1 (sản lượng 80-400 nghìn tấn/năm); dầu động cơ diesel ôtô (sản lượng 2.900-3.200 nghìn tấn/năm); dầu nhiên liệu (FO) (sản lượng 60-100 nghìn tấn/năm).

Đức Chính

Sau 17 năm hoạt động, với phương châm “An toàn - Chất lượng - Hiệu quả”, Công ty CP Kinh doanh Khí Miền Nam (PV Gas South) đã trở thành một trong những công ty kinh doanh LPG hàng đầu tại Việt Nam.

Chìa khóa thành công

Là một trong những đơn vị thành viên chủ lực của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), với phương châm “An toàn - Chất lượng - Hiệu quả”, PV Gas South đã góp phần xây dựng, nhận diện thương hiệu PETROVIETNAM GAS và 6 nhãn hiệu bình gas gồm: Gas Dầu khí, VT - Gas, A Gas, JP Gas, Đắk Gas, Đặng Phước Gas có uy tín đối với các đối tác kinh doanh và người tiêu dùng. Mạng lưới kinh doanh LPG của PV Gas South phủ khắp các tỉnh, thành khu vực từ miền Trung đến Tây Nam Bộ.

Bí quyết để PV Gas South giữ được vị trí vững chắc trên thị trường chính là chất lượng vượt trội của sản phẩm và định hướng kinh doanh rõ ràng, hiệu quả.


CBCNV PV Gas South giới thiệu sản phẩm của công ty

Trong tình hình thị trường gas Việt Nam luôn tồn tại sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng loạt các thương hiệu trong và ngoài nước. Không những thế, tình trạng gas sang chiết trái phép, gas giả, gas lậu đang thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng trên khắp cả nước, PV Gas South đã nỗ lực mang lại những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng.

PV Gas South hiện đang cung cấp trên 100 triệu m3 CNG/năm, 250.000 tấn LPG/năm, doanh thu đạt 5.000 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước gần 100 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Song song với đó, PV Gas South còn đầu tư tem chống giả điện tử SMS truy xuất nguồn gốc hàng chính hãng thông qua tổng đài 8077 trên tất cả các bình gas của công ty, nhằm bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, để tạo thêm sự gắn kết với khách hàng, vừa qua công ty đã cho ra mắt ứng dụng “Gọi gas” trên điện thoại thông minh giúp người tiêu dùng có thêm kênh đặt hàng, kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm… cùng với nhiều các chương trình khuyến mãi, tích lũy điểm thưởng đổi quà, PV Gas South đã góp phần nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình.

Mục tiêu lớn

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, PV Gas South đặt mục tiêu tiếp tục bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống kho, trạm chiết, nhà máy bình khí; áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý; tăng cường công tác bán lẻ LPG tại các khu vực thành phố, thị xã, đặc biệt các thành phố lớn khu vực Đông Nam Bộ; duy trì, phát triển thị trường CNG cho khách hàng công nghiệp và giao thông vận tải…

Để thực hoàn thành mục tiêu đó, ngay từ đầu năm 2017, PV Gas South đã thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống kho chứa, trạm chiết nạp. Và ngày 3-1-2017 đã đưa vào hoạt động trạm chiết nạp LPG Cà Mau có tổng diện tích xây dựng khoảng 30.000m2, với công suất chiết nạp ban đầu khoảng 500 tấn LPG/tháng, sức chứa của bồn 100 tấn LPG.

Kết hợp với đầu tư về cơ sở vật chất, PV Gas South luôn chú trọng hoạch định chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược đẩy mạnh nhận diện thương hiệu.

Bằng những giải pháp quyết liệt, đúng đắn, lấy chất lượng làm kim chỉ nam, lợi ích của người tiêu dùng là tiêu chí hàng đầu, PV Gas South đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sản lượng LPG đạt mức 300.000 tấn/năm, chiếm 40% thị phần phía Nam; sản lượng CNG đạt 150 triệu m3/năm, chiếm 60% thị phần CNG khu vực phía Nam; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ trung bình trên 20%/năm.

Vỏ bình bằng thép nhập khẩu SG 255 của Hãng Nippon (Nhật Bản), chịu được áp lực cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, thêm vào đó là sử dụng van nhập khẩu, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Bên cạnh chất liệu tốt, bên ngoài vỏ bình còn được mạ kẽm theo công nghệ hồ quang điện và sơn tĩnh điện công nghệ cao, giúp bảo vệ tốt lớp kim loại bên trong. Bằng những chất liệu chất lượng, đạt tiêu chuẩn, vỏ bình gas của PV Gas South có tuổi thọ lên đến trên 25 năm.

Trương Dung

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/2017. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cùng lãnh đạo một số đơn vị thành viên, Ban chuyên môn của Tập đoàn đã tháp tùng Chủ tịch nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Zarubezhneft đã ký kết Bản ghi nhớ để ghi nhận ý định hợp tác và tạo môi trường để hai Bên tiếp tục thảo luận việc nghiên cứu, phát triển các thân dầu nhỏ trong khu vực Lô 09-2/09, bể trầm tích Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Việc ký kết Bản ghi nhớ trên phù hợp với chủ trương hợp tác nghiên cứu và phát triển các thân dầu nhỏ tại thềm lục địa Việt Nam đã được lãnh đạo Tập đoàn và Zarubezhneft thống nhất, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp từ trước đến nay giữa Tập đoàn/PVEP và Zarubezhneft nói riêng cũng như các đối tác Nga nói chung.

Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch HĐTV PVEP và ông Kudryashov Sergey Ivanovich - Tổng Giám đốc Zarubezhneft ký kết Bản ghi nhớ

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự hợp tác của Zarubezhneft với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua, coi đó là thể hiện sinh động cho quan hệ hợp tác toàn diện, phù hợp với Quan hệ Đối tác Chiến lược mà hai nước đã thiết lập. Chủ tịch Nước hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch hợp tác giữa hai bên, đồng thời đề nghị các bên tích cực mở rộng hơn nữa việc tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, Liên bang Nga cũng như các hoạt động hợp tác dầu khí khác.

Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Zarrubezhneft

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty dầu khí hàng đầu khác của Nga như Gazprom, Rosneft, hoạt động của các liên doanh dầu khí hai nước trên lãnh thổ của nhau. Các bên cần nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, không chỉ hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí mà đẩy mạnh hợp tác cả trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, xây dựng đường ống, cung cấp dầu thô dài hạn cho nhà máy lọc dầu, sản xuất nhiên liệu hóa lỏng…; nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác năng lượng mới có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lãnh đạo Tập đoàn làm việc với Rusvietpetro

Nhân dịp này, Lãnh đạo Tập đoàn đã đến thăm và làm việc với Liên doanh Rusvietpetro. Đánh giá cao sự nỗ lực triển khai các công việc theo kế hoạch đã đặt ra của Liên doanh Rusvietpetro, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Thập cũng đề nghị Liên doanh Rusvietpetro tập trung tìm mọi giải pháp cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả của Liên doanh./.

Hoàng Anh

Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), ngày 23/6, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Hội CCB Tập đoàn) phối hợp với Hội CCB tỉnh Đắk Nông đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà 2 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên CCB tỉnh Đắk Nông.

Dự lễ khánh thành có đồng chí Chu Văn Sùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh Đắk Nông; đồng chí Hoàng Văn Lai, Trưởng ban Kinh tế Hội CCB tỉnh Đắk Nông; đồng chí Tống Văn Thư, Chủ tịch Hội CCB huyện Đắk Song; đồng chí Hồ Sỹ Hồng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Cư Jut; đồng chí Lê Quang Toán, Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh văn phòng Hội CCB Tập đoàn cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân tại các huyện Cư Jut, Đắk Song (tỉnh Đắk Nông).


Lễ khánh thành và bàn giao nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho CCB Mai Công Giác

Chiều ngày 23/6, tại thị trấn Đức An (huyện Đắk Song), Hội CCB Tập đoàn đã bàn giao nhà cho gia đình đồng chí Mai Công Giác, hội viên Hội CCB thị trấn Đức An. Đồng chí Mai Công Giác (quê ở Nam Định) vào lập nghiệp tại tỉnh Đắk Nông, đã từng tham gia chiến đấu tại các tỉnh miền Đông và Lào, hoàn cảnh kinh tế gia đình thuộc diện hộ nghèo, không đủ điều kiện xây nhà để ở, bản thân đồng chí thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Nhiều năm qua, cả gia đình đồng chí Giác phải sinh sống trong căn nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có điều kiện để tu sửa.

Sau gần 3 tháng tích cực thi công, căn nhà mới “Nghĩa tình đồng đội” làm bằng bê tông, cốt thép kiên cố, khang trang với diện tích 75m2 có tổng kinh phí xây dựng 120 triệu đồng đã hoàn thành trao cho gia đình CCB Mai Công Giác nhằm giúp gia đình ổn định cuộc sống. Trong đó, Hội CCB Tập đoàn hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, phần kinh phí còn lại do gia đình đóng góp xây dựng và các nguồn hỗ trợ khác.

Trong không khí đầm ấm của tình đồng chí, đồng đội, được nhận nhà "Nghĩa tình đồng đội", CCB Mai Văn Giáp đã bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hội CCB Tập đoàn, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đã giúp gia đình ông có một ngôi nhà chắc chắn, khang trang, là món quà động viên tinh thần hết sức ý nghĩa.


Hội CCB Tập đoàn và chính quyền địa phương dự lễ bàn giao nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho gia đình CCB Hoàng Văn Bình

Trước đó, sáng cùng ngày, tại thôn 1 xã Tâm Thắng (huyện Cư Jut), Hội CCB Tập đoàn cũng tổ chức khánh thành và bàn giao ngôi nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho CCB Hoàng Văn Bình, là CCB kháng chiến chống Mỹ, gặp rất nhiều khó khăn, nhà cửa bị xuống cấp. Sau một thời gian khởi công, ngôi nhà có diện tích 80m2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 70 triệu đồng, trong đó Hội CCB Tập đoàn hỗ trợ 50 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình, họ hàng và địa phương quyên góp.

Việc quyết định đầu tư xây dựng căn nhà mới cho CCB Hoàng Văn Bình, CCB Mai Công Giác là hoạt động thiết thực, đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hội CCB Tập đoàn đối với những người đã cống hiến tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho Tổ quốc, qua đó, giúp gia đình các đồng chí vơi bớt khó khăn trong sinh hoạt để ổn định cuộc sống.

Nhân dịp khánh thành và bàn giao nhà cho gia đình CCB Hoàng Văn Bình, CCB Mai Công Giác, Hội CCB tỉnh Đắk Nông cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng đã có những phần quà hỗ trợ, động viên các gia đình CCB.


Đồng chí Lê Quang Toán, Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh văn phòng Hội CCB Tập đoàn phát biểu tại lễ bàn giao

Thay mặt Hội CCB Tập đoàn, đồng chí Lê Quang Toán đã gửi lời chúc sức khỏe, động viên đến gia đình các CCB tỉnh Đắk Nông. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những hoạt động thiết thực, thường niên của Hội CCB Tập đoàn nhằm phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần sẻ chia những hy sinh mất mát, khó khăn của những người lính đã giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hoạt động còn thể hiện tấm lòng nhân ái của tập thể người lao động dầu khí trong công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và các CCB.

Thời gian tới, công tác này tiếp tục được Hội CCB Tập đoàn đẩy mạnh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước để xây dựng nhiều căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn.

L.T

Với khẩu hiệu hành động: “Mọi cây đại thụ đều bắt đầu từ một hạt mầm nhỏ bé”, bắt đầu từ năm 2017, Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã triển khai chương trình học bổng “Gieo hạt giống tương lai” đến các em học sinh THPT trên toàn địa bàn tỉnh Cà Mau, góp phần giúp các em yên tâm học tập, phấn đấu vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”, học bổng “Gieo hạt giống tương lai” sẽ quyên góp và thực hiện hai nội dung hỗ trợ thiết thực.

Một là chương trình trao học bổng trong thời gian học đại học diễn ra hàng năm, KCM sẽ trao 5 suất học bổng mới với trị giá 15 triệu đồng/năm và duy trì học bổng đó trong suốt thời gian các em học đại học với học lực tốt.

Cụ thể, khi thi đậu đại học chính quy vào một trong các trường đại học: Bách khoa TP HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Công nghiệp TP HCM, Dầu khí, Mỏ địa chất, Ngoại thương TP HCM, tất cả các sinh viên Cà Mau có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi đều được quyền gửi hồ sơ đến KCM để được phỏng vấn, xét tặng học bổng.

Nhằm tạo động lực để các em cố gắng trong suốt thời gian học đại học, học bổng sẽ được duy trì khi các em đạt điểm trung bình mỗi học kỳ từ 7,5 trở lên trên thang điểm 10 (đối với các hệ điểm khác sẽ được quy đổi tương đương). Nếu chỉ một học kỳ không đạt điều kiện trên, học bổng cho các học kỳ sau sẽ không được duy trì nữa.


Đoàn KCM thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau

Hai là chương trình dành cho các học sinh lớp 10, 11, 12 có học lực khá, giỏi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Với mục tiêu giới thiệu cho các em về công trình tổ hợp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, từ đó góp phần vun đắp tình yêu và niềm tự hào về quê hương, định hướng chọn nghề nghiệp tương lai cho thế hệ trẻ, KCM sẽ tổ chức 2 đợt “Mời làm khách danh dự” công trình khí, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 9 và tháng 2 hằng năm. Các em học sinh sẽ được tham quan công trình khí, tìm hiểu về công việc của các anh chị làm việc ở đây thông qua buổi trao đổi, trò chuyện cùng CBCNV công ty, đặc biệt là các anh chị đã sinh ra, lớn lên tại Cà Mau và hiện đang làm việc tại KCM.

Qua chương trình, KCM hy vọng sẽ góp phần truyền niềm say mê học tập để các em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp hơn, thêm mong muốn trở thành những người lao động trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp khí.

Ngoài ra, nằm trong chương trình hành động vì đời sống cộng đồng, vừa qua Đoàn cơ sở KCM đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tại TP HCM và Chi nhánh NCB tại Cà Mau thực hiện chương trình thiện nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau (ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau) và chùa Thiền Tôn (ấp Bến Bảo, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi).


Thăm và tặng quà tại chùa Thiền Tôn

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau hiện đang tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 108 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Tại Trung tâm, Đoàn đã đến thăm, động viên và tặng quà cho một mẹ Việt Nam Anh hùng, một cụ cao niên (107 tuổi) và hơn 60 em nhỏ.

Tại chùa Thiền Tôn, đoàn đã tặng 100 phần quà bao gồm gạo và tập vở cho các em nhỏ đang được chùa cưu mang. Tổng giá trị các phần quà trong chương trình gần 30 triệu đồng (trong đó ngân hàng NCB tài trợ 25 triệu đồng, Đoàn thanh niên KCM đóng góp 5 triệu đồng và hỗ trợ trong công tác đầu mối, mua quà và tổ chức chương trình).

PV