Trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế lớn nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, phục hồi kinh tế chưa bền vững. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu liên tục ở mức dưới 50 điểm thể hiện lĩnh vực sản xuất trong giai đoạn suy thoái; nhu cầu thị trường yếu; thị trường tài chính, tiền tệ biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, các nhận định đều cho rằng khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP theo các kịch bản đề ra là rất khó khăn. Với ngành Dầu khí, mặc dù xuất hiện yếu tố tích cực khi giá dầu vào quý III có sự gia tăng so với trước đó, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước và tình hình cung cầu, thị trường tồn tại rất nhiều bất cập; huy động điện thấp kéo theo huy động khí rất thấp so với kế hoạch cũng như cùng kỳ, tác động đến chỉ tiêu khai thác dầu thô và dư thừa khí.
Trong tình hình hết sức khó khăn đó, Petrovietnam vẫn quyết tâm không hạ mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm, nỗ lực không ngừng qua từng tháng, từng quý để đạt mục tiêu tăng trưởng, nhằm đóng góp cao nhất, bù đắp cho khó khăn mà nền kinh tế đất nước đang phải hứng chịu, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP, cùng Chính phủ, các Bộ ngành và cả nước thực hiện các mục tiêu kinh tế của đất nước trong năm 2023 cũng như đặt nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia lên hàng đầu.
Kho cảng LNG Thị Vải chuẩn bị được khánh thành trong tháng 10/2023
Các cuộc giao ban của Tổng Giám đốc Tập đoàn với lãnh đạo các đơn vị thành viên được duy trì định kỳ hàng tháng để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị, thảo luận, chỉ đạo, đưa ra những giải pháp, tổ chức thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng cũng đã trực tiếp làm việc với các đơn vị thành viên, thậm chí với từng dự án, lô, mỏ để rà soát, đôn đốc, kịp thời hỗ trợ, đồng hành với các đơn vị, động viên tinh thần đoàn kết, chung tay thực hiện thắng lợi các mục tiêu lớn của năm 2023: “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh”.
Công tác quản trị, điều hành quyết liệt, xử lý kịp thời những vướng mắc để tận dụng cơ hội và hạn chế thấp nhất tác động từ những yếu tố tiêu cực, hoạt động SXKD của Petrovietnam đạt kết quả khả quan, là một trong những điểm sáng nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn.
Petrovietnam duy trì hoạt động SXKD ở nhịp độ cao
Trong 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đảm bảo sản lượng khai thác dầu trong và ngoài nước ở mức cao. Các nhà máy, xí nghiệp vận hành an toàn, ổn định, công suất cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng; đảm bảo cung cấp khí tối đa cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ ngoài điện; sản lượng sản xuất điện, xăng dầu, đạm và nhiều sản phẩm chủ lực khác đều ở mức cao, vượt kế hoạch được giao, đóng góp quan trọng cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và an ninh năng lượng đất nước.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu 7,85 triệu tấn, vượt 14,1% kế hoạch 9 tháng, bằng 84,6% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 6,51 triệu tấn, vượt 16,8% kế hoạch 9 tháng, bằng 86,5% kế hoạch năm; Khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,34 triệu tấn, vượt 2,7% kế hoạch 9 tháng, bằng 76,2% kế hoạch năm.
Sản lượng khai thác khí 9 tháng đạt 5,76 tỷ m3, vượt 11% kế hoạch 9 tháng, bằng 72,1% kế hoạch năm (kế hoạch năm 7,94 tỷ m3).
Sản xuất cung ứng điện 9 tháng đạt 17,55 tỷ kWh, vượt 1,2% kế hoạch 9 tháng, bằng 73,1% kế hoạch năm, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2022 (12,06 tỷ kWh).
Sản xuất đạm 9 tháng đạt 1,30 triệu tấn, vượt 5,2% kế hoạch 9 tháng, bằng 81% kế hoạch năm, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhờ thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn cũng hoàn thành vượt mức cao kế hoạch và tích cực hơn so với mức giảm của giá dầu và suy giảm sản lượng với một số sản phẩm do tác động từ các yếu tố khách quan. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng ước đạt 643,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch 9 tháng, bằng 95% kế hoạch năm; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 9 tháng ước đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm 78,3 nghìn tỷ đồng trước 5 tháng); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn 9 tháng ước đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm.
Công tác đầu tư của Petrovietnam được tập trung trọng điểm, quyết liệt tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, đưa nhiều dự án, công trình trọng điểm vào hoạt động, tạo những bước chuyển biến tích cực: Hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023, góp phần giải quyết khó khăn cho đất nước giai đoạn thiếu điện; Thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam-4X, lưu lượng khoảng 6.350 thùng dầu/ngày và 4,5 triệu bộ khối khí/ngày, đảm bảo đủ điều kiện để phát triển thương mại, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất; Chuẩn bị khánh thành kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải (kho cảng LNG đầu tiên và lớn nhất Việt Nam); các dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4; Chuỗi dự án Lô B, các dự án nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV,… đều được ưu tiên tập trung triển khai cao độ.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam ước đạt 998 nghìn tỷ đồng, giá trị thương hiệu Petrovietnam đạt 1,382 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2019) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-; Petrovietnam góp mặt trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (Brand Finance) và dẫn đầu các Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 (PROFIT 500 - Vietnam Report).
Những kết quả đạt được thể hiện khát vọng lớn của Petrovietnam, khẳng định vai trò tiên phong của tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xứng đáng với niềm tin và trọng trách mà Đảng và Chính phủ giao phó.