VPI tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn

Ngày 21/12/2016, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.
 

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Như Chinh - Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, Bộ Công Thương; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh; Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phan Ngọc Trung; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quỳnh Lâm; Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trần Quang Dũng; Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan; đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của Viện Dầu khí Việt Nam

Trong năm 2016, mặc dù các công ty/nhà thầu dầu khí tiếp tục cắt giảm kinh phí nghiên cứu khoa học, dừng/giãn tiến độ dự án do giá dầu giảm, nhưng VPI đã vượt qua khó khăn, triển khai thực hiện 344 hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ; thực hiện phân tích mẫu theo hợp đồng khung; đọc phản biện, nhận xét 24 báo cáo RAR, ODP, FDP… cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương.

TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam trình bày Báo cáo tổng kết năm 2016 và kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017

Theo TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, trong năm 2016, VPI đã tập trung nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, trong đó tập trung triển khai các nghiên cứu có tính ứng dụng cao (tư vấn, tham gia xây dựng Quy hoạch phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đào tạo; thăm dò địa chấn tổng thể toàn thềm lục địa Việt Nam…); phát triển các sản phẩm đặc trưng (phần mềm xử lý đặc biệt, anode hy sinh nhôm, chống đóng cặn, chất độn chống ăn mòn, có 19 đơn đăng ký sáng chế…); tập trung phát triển nguồn lực (đào tạo chuyên sâu/chuyên gia, đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: Nghiên cứu cấu trúc địa chất và các điều kiện hình thành khí hydrate ở vùng nước sâu thềm lục địa miền Trung và Đông Nam Bộ Việt Nam; Nghiên cứu tổ hợp các phương pháp địa chất - địa vật lý dự báo các bẫy phi cấu tạo trong trầm tích Miocene - Pliocene ở khu vực trung tâm bể trầm tích Nam Côn Sơn, Đông Nam thềm lục địa Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng và phát triển nghiên cứu công nghệ chế tạo phụ gia ZSM-5 từ các nguồn nguyên liệu trong nước dùng để tăng hiệu suất propylene của Phân xưởng RFCC…

Trong năm 2017, VPI tập trung ổn định cơ cấu tổ chức và mô hình “Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư” theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ; tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác, mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ. Đặc biệt, VPI tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: Hoàn thiện phương án thăm dò địa chấn toàn thềm lục địa Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2020; nghiên cứu cấu trúc địa chất khu vực nước sâu xa bờ; chương trình tổng thể áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) cho các mỏ dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. VPI cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm thương mại: sản xuất và cung cấp anode hy sinh, hóa chất khai thác (chống đóng cặn, deoiler), sản phẩm thông dụng (cồn rửa tay), phần mềm dầu khí chuyên dụng; đồng thời hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong công tác quản lý vốn đầu tư và quản lý đầu tư vốn, kỹ thuật công nghệ và kinh tế, thu thập, lưu trữ và sử dụng hiệu quả tài liệu, mẫu vật.

TS. Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quỳnh Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá cao đóng góp của VPI vào thành công chung của Tập đoàn trong năm 2016. TS. Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết Lãnh đạo Tập đoàn sẽ phân tích, quyết định mô hình hoạt động mới của VPI, sớm ban hành Quy chế Quản lý Khoa học Công nghệ và Quy chế sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ…  để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Trong bối cảnh năm 2017 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến giá dầu phức tạp, TS. Nguyễn Quỳnh Lâm yêu cầu VPI tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trở thành nơi hội tụ chất xám và các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm tin tưởng với sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí của tập thể người lao động, Ban lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết, có năng lực, VPI sẽ giữ vững tốc độ phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ Tập đoàn giao.

Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam và Chủ tịch Công đoàn Viện Dầu khí Việt Nam ký Thỏa ước lao động tập thể

Ông Nguyễn Như Chinh,Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ Công Thương và TS. Phan Ngọc Trung,Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 
trao tặng Bằng khen của Bộ Công Thương cho các tập thể có thành tích xuất sắc

TS. Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 
trao tặng Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Cũng tại Hội nghị, Công đoàn Viện Dầu khí Việt Nam đã phát động phong trào thi đua năm 2017. Theo đó, cán bộ, công nhân viên, người lao động VPI tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình làm việc, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nhằm tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tập trung tối đa mọi nguồn lực thi đua lao động nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch 2017, tạo đà quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2016 - 2020.

Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan trao tặng Cờ thi đua cho Công đoàn cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam

(Theo www.pvn.vn)