Tuổi trẻ BSR đi đầu trong lao động sáng tạo

Với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh đặc thù, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí thường lấy thước đo sự đóng góp của đoàn viên vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đoàn viên. Đoàn Thanh niên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là một điển hình như thế.

Trưởng thành trong sản xuất

Đoàn viên thanh niên BSR tích cực nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế sản xuất, nhiều đề tài đoàn viên được thực hiện cùng các “cây đa cây đề” trong công ty như sáng kiến cấp Tập đoàn “Giải pháp làm sạch lõi lọc Aquanlie 5μm bằng phương pháp kết hợp, đảm bảo hiệu suất và hiệu quả của lõi lọc để tái sử dụng nhằm đảm bảo tính linh động, tăng hiệu quả kinh tế cho Phân xưởng Tiền xử lý nước đầu vào cho nhà máy (RO System)”.

Hai “cây đa” đó là Thành viên HĐTV BSR Nguyễn Quang Hòa và Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hội còn hai kỹ sư trẻ đồng tác giả là Phạm Văn Dũng và Nguyễn Văn Thuận trong đó Thuận là Phó bí thư Đoàn BSR.

Công nghệ xử lý nước bằng phương pháp thẩm thấu ngược (RO) là công nghệ tiên tiến sử dụng các màng composit mỏng, quấn lớp để tăng cường hiệu suất tối đa. Kỹ sư Nguyễn Văn Thuận cho biết, nguyên lý hoạt động rất đơn giản: Nguồn nước được xử lý sơ bộ tại 12 thiết bị tiền lọc (MMF vessels) và bơm cao áp qua hệ thống màng thẩm thấu ngược (RO) gồm 361 màng. Với cấu tạo đặc biệt, màng thẩm thấu ngược (RO) chỉ cho các phân tử nước tinh khiết đi qua, đồng thời xả bỏ toàn bộ các tạp chất, kim loại, muối, ion và các chất hữu cơ. Một bộ lọc bảo vệ sơ bộ (catridge filters) gồm 16 bộ, kích thước 5μm được đặt trước màng thẩm thấu ngược (RO) để loại bỏ các tạp chất thể rắn, giảm tải cho màng lọc thẩm thấu ngược (RO). Lõi lọc MCF này được thay thế định kỳ theo 1 trong 3 nhân tố: Định kỳ từ 1 đến 2 tháng, sau khi áp suất chênh lệch lớn hơn 1 bar hoặc khi chỉ số bùn tổng (SDI) bắt đầu tăng.


Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên trao đổi với các kỹ sư trẻ

Thực tế chi phí vận hành cho hệ thống thẩm thấu ngược (RO) tương đối cao bao gồm chi phí: Nước xả bỏ 20%, chi phí hóa chất, chi phí thay lõi lọc Aqualine MCF, chi phí thay màng thẩm thấu ngược (RO).

Theo kỹ sư Thuận, hiệu quả mà giải pháp mang lại là giá trị sử dụng lõi lọc nhiều lần tiết kiệm chi phí mua lõi lọc, giảm chi phí xử lý, tăng tính linh động và chủ động vận hành cụm phân xưởng tiền xử lý nước đầu vào.

Ngoài ra, giải pháp cũng tăng tính linh động của phân xưởng trong một số trường hợp bất khả kháng, đảm bảo phân xưởng hoạt động liên tục cung cấp đủ và đạt chất lượng nước cấp cho nhà máy. Giải pháp cũng góp phần giảm chi phí xử lý xả bỏ và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Có một đề tài vừa được Ban Quản lý Cảng biển (QLCB) thực hiện thành công và được Tổng giám đốc BSR đánh giá cao đó là lắp đặt trạm cung cấp khí di động phục vụ cho công tác khảo sát, nạo vét tại phân xưởng U34. Đề tài này có sự đóng góp của 10 người; trong đó có 6 đoàn viên gồm: Phan Huy Tín; Đỗ Đình Quế; Nguyễn Văn Trịnh; Phạm Văn Đương; Bùi Văn Thịnh; Nguyễn Ngọc Minh - tất cả họ đều là thợ lặn.

Sau khi Ban QLCB triển khai gấp đơn hàng mua sắm vật tư thiết bị để lắp đặt trạm cung cấp khí bề mặt di động nhưng việc đặt hàng mất nhiều thời gian. Do vậy, ban phải tận dụng vật tư thiết bị sẵn có để lắp đặt trạm cung cấp khí bề mặt di động phục vụ hút cát U34, sẵn sàng cho đợt khảo sát hút cát các lần tiếp theo.

Ban QLCB đã tận dụng các chai khí cũ của Nhà thầu TPC trước đây để lại; cải hoán container cũ để phù hợp kích thước của xe tải vận chuyển container từ cảng PTSC lên U34) và nghiên cứu thiết kế, tự lắp đặt thành công trạm cung cấp khí trong 10 ngày, tiết kiệm được chi phí mua sắm vật tư, thuê chuyên gia và nhân công lắp đặt.

So sánh với giá chào lắp đặt trạm cấp khí bề mặt di động là hơn 2,9 tỉ đồng, trạm “tự lực” đã tiết kiệm được 225 triệu đồng. Việc hoàn thiện lắp đặt trạm cấp khí bề mặt di động sẽ đảm bảo an toàn trong công tác lặn khảo sát và nạo vét cát tại phân xưởng Unit 34, tăng cường khả năng BSR tự thực hiện công việc, giảm thiểu khối lượng thuê dịch vụ ngoài.

Sáng tạo trẻ - giá trị lớn

Ở BSR, nếu tính riêng sự đóng góp của đoàn viên thì 5 năm qua, đã làm lợi cho công ty gần 9,5 tỉ đồng. Điển hình như công trình phần việc thanh niên: “Khắc phục tình trạng mất áp của hệ thống FM-200 bằng cách nạp khí nitơ thay vì phải thay thế các bình FM-200 bị tụt áp”, đã tiết kiệm được chi phí hơn 7,5 tỉ đồng. Công trình thanh niên này đã được nhận giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học của tỉnh Quảng Ngãi năm 2013.

Công trình “Tự kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng được hơn 60 thiết bị tại Ban Quản lý chất lượng” đã tiết kiệm được khoảng 1 tỉ đồng/năm cho chi phí thuê nhà thầu cũng như nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của công ty từ các năm 2012-2017. Công trình phần việc thanh niên: “Phát hiện sớm những thay đổi thông số vận hành và bảo dưỡng của thiết bị quay thông qua hệ thống Process Indicator (PI) cho các thiết bị tối quan trọng tại nhà máy lọc dầu” được thực hiện bởi Chi đoàn Bảo dưỡng 3. Với công trình này đã đăng ký đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2014 cấp công ty. Giá trị của đề tài khoảng 2,1 tỉ đồng...


Kỹ sư trẻ BSR trên công trường

Trong nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên BSR đã thực hiện tốt phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Năm 2017, với các sự kiện lớn như Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp nhiệm kỳ 2017-2022; Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần thứ 3… đoàn viên thanh niên BSR sẽ đón nhận các sự kiện với một tinh thần hăng hái, phấn khởi bên cạnh những khó khăn, thách thức đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nói riêng, cũng như Tập đoàn Dầu khí nói chung. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo hơn nữa của mỗi đoàn viên thanh niên BSR trong triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh niên gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn. Chủ đề công tác năm 2017 là: “Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn BSR, thi đua lao động, sáng tạo lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, góp phần phát triển bền vững BSR”.

Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên từng chia sẻ với đoàn viên thanh niên BSR rằng: Từ khi xây dựng nhà máy đến nay, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã đổ mồ hôi, công sức, tuổi trẻ để mảnh đất Bình Sơn mọc lên nhà máy lọc dầu hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Từ sản xuất đến an sinh xã hội, cứu trợ bão lụt… đều thấy bóng dáng của thanh niên BSR. “Tôi tin tưởng rằng, bằng bản lĩnh, trí tuệ và trình độ chuyên môn cao, thanh niên BSR tiếp tục vận hành NMLD Dung Quất an toàn ổn định, chuẩn bị trước các điều kiện để cạnh tranh sòng phẳng với các nhà máy lọc dầu khác” - Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên nói thêm.

Tổng giám đốc BSR đồng thời cũng nhắn nhủ thanh niên BSR: “Chúng ta muốn hơn người khác thì chúng ta phải có giải pháp hay. Thanh niên làm việc, lao động cần có nhiều sáng kiến, sáng chế. Ngoài ra, các bạn cũng phải giữ trong mình khát vọng vươn lên, cống hiến nhiều hơn cho công ty, từ những việc nhỏ nhất và xây dựng lộ trình phát triển cá nhân”.

 

(Theo www.pvn.vn)