(PetroTimes) - Xin được phép khoanh lại theo mốc thời gian từ ngày thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro 19/6/1981 đến nay và chỉ xin nói đến một nghề, để thấy được cái gian lao vất vả trong lao động sáng tạo của một lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong ngành Dầu khí non trẻ của chúng ta: Công nghệ khoan biển.
Tất nhiên khi nói đến ngành công nghiệp dầu khí, cái thước đo hiệu quả cuối cùng là sản lượng dầu thương phẩm, nhưng để có được cứu cánh này phải cần đến nhiều yếu tố, kể cả trực tiếp và gián tiếp cùng tham gia. Hãy khoan nói đến máu xương của các chiến sĩ trực tiếp giành giật với kẻ thù từng thước vuông lãnh thổ, để có về tay chúng ta một thềm lục địa mênh mông, rộng lớn đầy tiềm năng của bây giờ. Hãy khoan nói đến mồ hôi, nước mắt và tiền bạc của nhân dân cả nước, tập trung đầu tư vô điều kiện cho một ngành công nghiệp mũi nhọn mang tầm cỡ quốc gia. Hãy khoan nói đến công lao sự nghiệp của những người tiền bối trong ngành Dầu khí, mà tiền thân của nó là một bộ phận được tách ra từ Tổng cục Địa chất ngày nào. Họ đã từ biệt gia đình để khăn gói vào Nam tìm dầu cho Tổ quốc, với tâm trạng của người mò kim đáy bể sau những bài học ở vùng trũng sông Hồng.
Những người đặt móng xây nền ấy phần lớn đã về hưu, thậm chí nhiều người đã “vội vã” ra đi không kịp nhìn thấy những ngọn lửa dầu đang rừng rực cháy trên từng trang báo. Xin được phép khoanh lại theo mốc thời gian từ ngày thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro 19/6/1981 đến nay và chỉ xin nói đến một nghề, để thấy được cái gian lao vất vả trong lao động sáng tạo của một lĩnh vực khoa học – kỹ thuật trong ngành Dầu khí non trẻ của chúng ta: Công nghệ khoan biển.
Giàn khoan Bạch Hổ |
Ở Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sau nhiều năm kiên trì vật lộn với biển cả, ngày 26/5/1984 tàu khoan Mikhain Mirchin đã phát hiện ra vỉa dầu công nghiệp với trữ lượng lớn ở vùng mỏ Bạch Hổ. Một cái mốc quan trọng có tính bước ngoặt được đóng xuống, nó đã mở ra một hướng nhìn đầy triển vọng, điều ấy đồng nghĩa với tính chất công việc ngày càng đa dạng và phức tạp. Khoan thăm dò vẫn được tiến hành đồng thời với việc triển khai gấp những mũi khoan khai thác. Hơn một năm sau, đúng 10 giờ 30 phút, ngày 25/6/1985, tại giếng khoan số 1, giàn khoan cố định số 1 ở vùng mỏ Bạch Hổ, van khai thác đã được mở, dòng dầu thương phẩm đầu tiên của nước ta đã tuôn chảy sang tàu chứa siêu hạng Crưm.
Tôi đang đứng trên giàn khoan cố định số 8 của vùng mỏ Bạch Hổ. Bây giờ ở đây đã có 11 giàn khai thác cố định (MSP) và 5 blốc khai thác (BK). Tối nay tôi được mời dự buổi giao ban sản xuất giữa người Nga và người Việt, của kíp khoan đang thi công giếng số 819. Theo thiết kế, giếng này phải khoan 4.800m, bây giờ nó đang khoan ở độ sâu 3.400m. Ca này họ phải xử lý một công đoạn kỹ thuật phức tạp. Họ tranh luận với nhau gay gắt bằng kinh nghiệm và học thuật, xung quanh một yêu cầu về tỉ lệ dung dịch thích hợp để bơm trám thành giếng. Sau cùng họ đã thống nhất được bằng một phương án xử lý tối ưu.
Tôi theo chân họ ra nơi làm việc dưới ánh điện và ánh lửa dầu sáng tưng bừng, tiếng máy nổ rầm rầm rung chuyển cả sàn khoan, tiếng kim khí va vào nhau khô khốc. Tháp khoan cao vút trên 50m, thả 16 hàng dây cáp song song xuống sàn khoan. Máy vẫn nổ rầm rầm, khối ròng rọc động, nặng hàng tấn nâng lên hạ xuống nhịp nhàng. Họ lặng lẽ thao tác chuẩn xác với kỹ năng công nghệ thuần thục, trong phạm vi một quy trình đã được định sẵn. Nhìn họ lặng lẽ lao động giữa một không gian chỉ để dành riêng cho họ, còn mình cứ trố mắt đứng nhìn, tự nhiên tôi cảm thấy lạc lõng, xa lạ với những tiếng động rầm rập, khẩn trương đang vây bủa quanh đây. Tận dụng khoảng thời gian có hạn của đêm nay, tôi tranh thủ xuống blốc khai thác để tìm hiểu về giếng khoan số 815.
Được biết đây là giếng khoan ngang đầu tiên của vùng mỏ này, đã áp dụng quy trình kỹ thuật theo công nghệ mới. Bắt đầu khoan ngày 27/6/1995, hoàn thành thi công ngày 3/3/1996, với độ sâu 3.400m, phần nằm ngang trong vỉa dài 170m. Đã chính thức đi vào khai thác ngày 3/3/1996, sản lượng đạt 320 tấn/một ngày đêm. Khoan ngang, xuất phát từ mũi khoan xiên, khi gặp vỉa người ta đặt máng nghiêng cho mũi khoan đi dọc theo vỉa và chiều mũi khoan đi vuông góc với lực hút của quả đất. Mục đích tạo ra bề mặt tiếp xúc của thành giếng với vỉa càng lớn để khả năng cho dầu càng nhiều. Tuy nhiên, do có những góc lệnh lớn cho nên vành xuyến giữa đường kính ống chống và giếng khoan không đồng đều, dẫn đến quá trình bơm xi-măng khó khăn. Vữa xi măng (dung dịch) không lấp kín vành xuyến, dẫn đến độ kín của vành đá xi-măng chất lượng không tốt. Cũng do góc lệch lún gây nên đất đá thành giếng dễ sập lở. Cần khoan tiếp xúc với đất đá nhiều hơn ở các góc lượn, cho nên khi kéo cần thường xảy ra các hiện tượng phức tạp, mà trong đó sự cố mút dính cần khoan là thường gặp và khó xử lý nhất. Để giải quyết trường hợp phức tạp này buộc phải dùng động cơ đáy đắt tiền để tạo góc xiên, giảm lực ma sát. Đồng thời phải chọn loại dung dịch đặc biệt để khống chế sự cố sập lở giếng khoan, bôi trơn khoan cụ và vận chuyển mùn khoan làm sạch đáy giếng. Đó là dung dịch Polyme bắt buộc phải sử dụng ở các giếng khoan ngang. Giá thành của một giếng khoan ngang tuy cao nhưng hiệu quả kinh tế lại đạt tới mức tối ưu, cụ thể nó cho ra sản phẩm gấp 2-3 lần một giếng khoan bình thường. Mặt khác nó loại trừ được những sự cố mà những giếng khoan bình thường hay gặp phải.
Khoan – Một động từ quen thuộc quá gần gũi nó đã, đang và luôn luôn nắm giữ vai trò chủ đạo. Khoan – Một công việc trung tâm kéo dài nhất, quyết định nhất, nó xuyên suốt trong tiến trình tìm kiếm thăm dò và khai thác cho đến khi có dòng dầu thương phẩm. Động từ khoan đương nhiên đã trở thành một danh từ: Giàn khoan, khi có một hệ thống công nghệ đồng bộ đi theo nó. Danh từ này hội tụ đầy đủ tất cả những tính chất phức tạp trong khoa học – kỹ thuật của một ngành công nghiệp đồ sộ, mà số thành của nó là dầu và khí. Với sản lượng dầu thô tăng bình quân 15% và nguồn doanh thu ngoại tệ đạt trên một tỉ USD mỗi năm, nước ta đương nhiên đã đứng vào hàng ngũ những quốc gia có nền công nghiệp dầu khí đang phát triển.
Cái mốc 50 triệu tấn dầu thô đã được khai thác và tỉ lệ tăng trưởng như đã nói, nó mở ra một tương lai gần cho ngành công nghiệp hóa dầu và nhà máy lọc dầu đầu tiên ở nước ta đã được Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng, tại khu công nghiệp Dung Quất, chứng tỏ chúng ta chưa nghĩ đến bài toán tận vét những giọt dầu cuối cùng trong lòng đất. Điều đó có nghĩa mũi khoan thăm dò và khai thác sẽ không dừng lại ở thềm lục địa phía Nam, mà nó còn mở rộng phạm vi hoạt động, để vươn xa và xoáy sâu hơn nữa, không loại trừ khả năng nó sẽ vươn tới những vùng dầu khí ở ngoài nước.
Những người làm công việc khác người “sống ở trần gian làm nơi âm phủ” này đã trải qua những thăng trầm của buổi đầu chập chững, giờ đây họ đã nắm bắt được những trình độ khoa học – kỹ thuật tiên tiến và dày dạn kinh nghiệm, từng trải trong nghề nghiệp, chắc chắn họ sẽ đảm bảo được một điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất cho ngành công nghiệp Dầu khí của Tổ quốc.
Phạm Văn Đoan