Kết quả nghiên cứu “Đặc điểm thạch học và các quá trình tạo đá ảnh hưởng đến độ rỗng và độ thấm của đá chứa cát kết Oligocene Lô 15-2, bể Cửu Long” do TS. Liêu Kim Phượng và các tác giả Trung tâm Phân tích Thí nghiệm (VPI-Labs), Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện mới được công bố trên tạp chí quốc tế International Journal of Engineering Research and Applications (IJERA). IJERA là tạp chí khoa học quốc tế, chuyên giới thiệu kết quả nghiên cứu mới trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Độ rỗng và độ thấm là 2 đặc tính quan trọng nhất của đá chứa, đặc biệt là đối tượng cát kết. Trên cơ sở 98 mẫu lõi và mẫu sườn của các cấu tạo ở Lô 15-2, bể Cửu Long, nhóm tác giả của Viện Dầu khí Việt Nam đã thực hiện các phân tích lát mỏng thạch học dưới kính hiển vi phân cực, phân tích kính hiển vi điện tử quét (SEM), phân tích nhiễu xạ tia X (XRD), đo độ rỗng Heli và độ thấm Klinkenberg…
Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả VPI-Labs cho thấy kiến trúc hạt (độ chọn lọc và kích thước hạt) có ảnh hưởng lớn nhất đến độ rỗng, độ thấm của đá chứa cát kết. Đá chứa cát kết có kích thước hạt từ rất mịn - mịn và trung bình - thô có độ rỗng giảm khi độ chọn lọc kém. Đá chứa cát kết có kích thước hạt từ trung bình - thô có độ rỗng, độ thấm tốt nhất.
Độ thấm của đá chứa chịu ảnh hưởng của kích thước hạt. Độ thấm có mối liên hệ chặt chẽ với độ rỗng, nghĩa là đá chứa có độ rỗng cao thì độ thấm cũng cao.
Hình ảnh lát mỏng thạch học chụp dưới kính hiển vi phân cực. Cát kết có kích thước hạt trung bình - thô có độ rỗng giảm khi độ chọn lọc kém. Đôi chỗ kaolinite (K) lấp vào lỗ rỗng và feldspar bị hòa tan.
Khi độ sâu chôn vùi tăng, quá trình xi măng hóa và nén ép cơ học tác động mạnh đến độ rỗng của đá chứa. Tuy nhiên, đôi khi độ rỗng thứ sinh gia tăng do feldspar và các mảnh đá bị hòa tan mạnh hơn.
Các khoáng vật sét làm giảm độ rỗng và độ thấm, tùy thuộc vào hình thái các khoáng vật sét có thể làm cho độ thấm giảm mạnh. Khoáng vật kaolinite ít ảnh hưởng đến độ thấm của đá chứa so với illite và chlorite.
Đá chứa cát kết Oligocen ở Lô 15-2, bể Cửu Long chủ yếu là cát kết arkose, lithic arkose có độ rỗng từ rất kém đến rất tốt, xen kẹp với cát kết feldspathic greywacke và cát kết xi măng carbonate với độ rỗng rất kém (tập BH1.2 và C1). Cát kết giàu matrix và cát kết xi măng zeolite chiếm ưu thế ở các tập D1 và E1.
Nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để lựa chọn và áp dụng các kỹ thuật, chế độ khoan và khai thác tối ưu, nhằm tránh làm mất/giảm độ rỗng/thấm của đá chứa cát kết bể Cửu Long - bể trầm tích cho sản lượng khai thác dầu khí lớn nhất tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Viện Dầu khí Việt Nam đã có 6 công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có Catalysts, chỉ số impact factor 2,96. Ngoài ra, Viện Dầu khí Việt Nam được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho quy trình sản xuất methanol từ hỗn hợp hydro/carbonic bằng lò phản ứng dạng màng; được Bộ Công Thương bổ sung chế phẩm hóa học tăng cường thu hồi dầu VPI-SURF vào danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được…
Đường link toàn văn bài báo “Characterization of petrography and diagenetic processes influence on porosity and permeability of Oligocene sandstone reservoir rocks, Block 15-2 in Cuu Long basin” của VPI-Labs được đăng tải trên International Journal of Engineering Research and Applications. http://www.ijera.com/papers/Vol7_issue6/Part-7/M0706076273.pdf |
H.N