Dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các đồng chí đại diện các ban, văn phòng Trung ương Hội CCB Việt Nam; đại diện 45 tổ chức Hội CCB các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương (thuộc Hội Cựu chiến binh khối 487).
Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có đồng chí Phan Đình Đức, Thành viên Hội đồng thành viên, Ủy viên BCH Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn; đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn; đồng chí Vũ Thị Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn cùng đại diện các Ban, Văn phòng Tập đoàn, các ủy viên BCH Hội CCB Tập đoàn.
Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Thực hiện hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP; hướng dẫn số 62/CV-BPL ngày 10/8/2016 của Trung ương Hội CCB Việt Nam về hướng dẫn thực hiện kế hoạch khảo sát, hội thảo tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành về xây dựng Luật CCB.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị lấy ý kiến, thảo luận từ các đại diện Trung ương Hội CCB Việt Nam, đại diện Hội Cựu chiến binh khối 487 với các nội dung quan trọng trong dự thảo luật như tên luật; chức năng, nhiệm vụ của đối tượng được xét kết nạp. Dự thảo Luật cần quy định rõ: Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổ chức cơ sở Hội là nền tảng của Hội;
Ngoài ra, các nội dung bồi dưỡng về phẩm chất và năng lực cho hội viên; Hướng dẫn hoạt động của hội viên và vận động cựu chiến binh thực hiện các nhiệm vụ, các chương trình, phong trào của Hội; về Kinh phí của Hội Cựu chiến binh; Chính sách, chế độ đối với Cựu chiến binh đang làm công tác Hội Cựu chiến binh; Có quy định khen thưởng đối với các hội viên có thành tích và biện pháp xử lý đối với các hội viên vi phạm các điều lệ của tổ chức hội.
Các đại biểu tham dự đề nghị Trung ương Hội CCB Việt Nam cần có riêng một đồng chí cán bộ chuyên trách phụ trách hoạt động Hội Cựu chiến binh khối cơ quan trung ương; Cần có quy định rõ và cụ thể cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động chuyên trách đối với những Hội CCB khối 487 có số lượng hội viên đông; có chế độ chính sách, lương và phụ cấp trách nhiệm như các đối tượng hưởng lương của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác.
Nghị định số 150/2006/NĐ-CP năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh đã được ban hành đến nay đã gần 10 năm, một số nội dung của Nghị định đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Hội CCB Tập đoàn nhất trí với chủ trương của Trung ương Hội CCB Việt Nam về việc góp ý kiến vào kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định và xây dựng Luật Cựu chiến binh.
Qua lấy ý kiến góp ý Hội CCB Tập đoàn cho rằng: Tại điều 1 của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh về Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nhưng không nói đến tổ chức Hội CCB trong các loại hình Doanh nghiệp. Cần bổ sung thêm đối tượng là Doanh nghiệp vào phạm vi điều chỉnh. Từ đó bổ sung Điều 7 nội dung quy định về tổ chức CCB trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cần mở rộng xác định đối tượng đã tham gia quân đội là Cựu chiến binh (Điều 2) để vừa bổ sung thành viên của tổ chức Hội ngày càng phát triển, vừa động viên, phát huy tinh thần anh Bộ đội – CCB trong sản xuất, kinh doanh của cơ quan đơn vị trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Nghị định 150 chưa đề cập đến Hội CCB trong cơ quan Doanh nghiệp nên thiếu hẳn phạm vi điều chỉnh đối với tổ chức CCB trong doanh nghiệp, do vậy các quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách, phụ cấp, trợ cấp… kinh phí hoạt động, trách nhiệm của cơ sở đảng và chính quyền trong doanh nghiệp chưa được quy định.
Ngoài các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch có phụ cấp kiêm nhiệm công tác hội thì cần mở rộng thêm các đối tượng khác được hưởng phụ cấp như: Ủy viên Thường vụ, Ủy viên BCH, Chi hội trưởng… tại các Hội CCB thuộc các cơ quan trung ương.
Với tinh thần trách nhiệm, đóng góp, tham gia ý kiến với sự đồng thuận cao của các đại biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh Luật Cựu chiến binh trong thời gian tới. Qua đó, nhằm đảm bảo mục tiêu cơ bản nhất là quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh, thể hiện vị trí của Hội CCB trong hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị xã hội khác.
Theo www.pvn.vn