Tăng khả năng tự chủ xăng dầu trong nước, tiết kiệm ngoại tệ quốc gia, tạo ra hàng nghìn việc làm mới, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước… là điều mà Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ mang lại cho nền kinh tế khi đi vào vận hành thương mại.
Trong số các sản phẩm năng lượng hiện nay, mặt hàng xăng dầu chỉ xếp sau mặt hàng điện về mức độ “nhạy cảm” đối với các hoạt động của nền kinh tế. Nếu ví điện là “máu” nuôi sống “cơ thể” là nền kinh tế, là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thì xăng dầu cũng là thứ “thức ăn” không thể thiếu để “cơ thể” đó “sống, vận hành được”. Điều này đã được khẳng định trong những năm gần đây khi giá xăng dầu tăng hay giảm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và tạo nên những tác động nhất định đối với các hoạt động của nền kinh tế.
Xăng dầu vì thế được xem là mặt hàng chiến lược, có vị trí quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng quốc gia - nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Vậy nên, việc triển khai xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 200.000 thùng/ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong giai đoạn 2007-2008, nhiều nước trên thế giới cũng tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế trong trung và dài hạn, trong đó có việc mua các mỏ dầu để đảm bảo an ninh năng lượng, tồn trữ để tạo sự ổn định, bền vững với chính sách năng lượng đi trước một bước. Trong khi đó, đầu tư vào ngành công nghiệp lọc hóa dầu, ngành công nghiệp có vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn lâu. Với năng lực tài chính và kinh nghiệm hạn chế, Việt Nam chưa thành công trong việc mua các mỏ dầu như các quốc gia khác. Vì vậy, phương hướng xây dựng các dự án lọc hóa dầu đi kèm cam kết cung cấp nguồn dầu thô dài hạn được xem là hướng đi khôn ngoan, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế.
Thực tế, trong giai đoạn này, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia… cũng có chủ trương tạo cơ chế ưu đãi để thu hút đối tác nước ngoài đầu tư vào công nghiệp lọc hóa dầu. Và trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia trên nhằm thu hút nhà đầu tư là Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) - nhà đầu tư đã được chào mời và cũng đang cân nhắc việc đầu tư vào Trung Quốc, Indonesia - Việt Nam với sự ổn định về chính trị cùng các chính sách ưu đãi đảm bảo hiệu quả đầu tư đã giành phần thắng. Đồng thời, KPI sẽ cung cấp 10 triệu tấn dầu thô/năm trong cả đời dự án 70 năm và có thể gia hạn.
Với sự tham gia của Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) - những công ty hàng đầu trong lĩnh vực lọc hóa dầu cam kết hỗ trợ kinh nghiệm vận hành, kinh doanh, cam kết của KPI đã giúp Việt Nam gia tăng được nguồn cung về dầu thô. Và thông qua Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ được đảm bảo, giảm thiểu nhập khẩu, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển.
Xin nói thêm rằng, ngay trong quá trình thi công xây dựng, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã có những đóng góp rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động địa phương cũng như nhiều tỉnh, thành khác. Theo đó, dự án đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động với giá trị hợp đồng cho nhà thầu phụ của Việt Nam vào khoảng 2 tỉ USD. Đây là con số hết sức ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động như những năm gần đây. Thông qua việc tham gia thi công, xây dựng nhà máy, trình độ thiết kế, xây lắp, quản lý của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã được nâng cao, là một bước để tự đảm nhận công tác xây dựng trong tương lai. Và chắc rằng, khi nhà máy đi vào vận hành thương mại sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp phụ trợ vào Khu kinh tế Nghi Sơn, qua đó tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Và trên chặng đường phía trước, một điều không thể không nhắc tới là thông qua Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với sự đầu tư của 4 doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) và KPI, bên cạnh vấn đề giải quyết nguồn cung xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc xây dựng và vận hành thành công dự án sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản và Kuwait.
Những lợi ích mà Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đem lại trong tương lai là rất lớn. Nhìn vào những lợi ích tổng thể mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang mang lại đối với nền kinh tế, chúng ta có thể thấy điều đó rõ ràng.
Tổng quan Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Chủ đầu tư: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) góp vốn 25,1%; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%; Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%. - Tổng mức đầu tư: 9 tỉ USD (là giá trị đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư). Theo hợp đồng vay vốn ký năm 2013, tổng mức đầu tư của dự án là 9,237 tỉ USD. |
Thanh Ngọc