Vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 6-12-2016, Vietsovpetro đã hoàn thành khoan và mở vỉa thành công, đón dòng khí và condensate đầu tiên từ giếng khai thác TU-6, giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng, đánh dấu bước tiến ra các vùng nước sâu xa bờ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Vào ngày 29-6-2015, tại bãi cảng Vietsovpetro, tôi có dịp được tham dự lễ hạ thủy chân đế giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng để đưa ra lắp đặt tại mỏ khí Thiên Ưng thuộc Lô 04-3, cách Vũng Tàu khoảng 270km. Việc xây dựng giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng tại Lô 04-3 đánh dấu bước phát triển mới của Vietsovpetro. Dự án BK-TNG mỏ Thiên Ưng thành công sẽ giúp Vietsovpetro ổn định sản lượng khai thác trong những năm tiếp theo. Đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện tổng thầu dự án xây dựng giàn khai thác khí tại khu vực nước sâu có quy mô lớn nhất, với tỷ lệ nội địa từ khâu thiết kế, mua sắm, chế tạo đạt cao nhất, đánh dấu sự phát triển và lớn mạnh vượt bậc của đơn vị trong lĩnh vực này.
Giàn BT-TNG Thiên Ưng
Trước giải phóng miền Nam, từ năm 1974 đã có hoạt động nghiên cứu, khảo sát địa chấn 2D, 3D ở lô này. Như vậy, tuổi đời phát hiện mỏ khí Thiên Ưng tại Lô 04-3 cũng gần xấp xỉ tuổi đời phát hiện dầu trong móng mỏ Bạch Hổ ở Lô 09-1. Nhưng có lẽ Bạch Hổ may mắn hơn và trữ lượng lớn hơn, được khai thác sớm hơn. Qua quá trình khảo sát tại Lô 04-3 đã xác định được các cấu tạo tiềm năng như cấu tạo Thiên Ưng - Mãng Cầu, Bồ Câu, Hoàng Hạc, Đại Bàng - Ưng Trắng. Kể từ thời điểm đó đến nay Lô 04-3 đã khoan tổng cộng 15 giếng khoan thăm dò thẩm lượng.
Lô 04-3 được quản lý bởi tổ hợp nhà thầu Petrovietnam và Công ty Cổ phần mở Zarubezhneft (Liên bang Nga). Vietsovpetro tham gia các công việc nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò ngay từ đầu, nhưng mãi đến đầu năm 2009, sau khi giếng thăm dò 3X cho dòng khí lưu lượng lớn trên 1 triệu m3 khí ngày đêm thì được chính thức chỉ định làm nhà điều hành. Sau đó, rất nhiều phương án phát triển mỏ Thiên Ưng đã được nghiên cứu, rất nhiều những cuộc họp ở cấp lãnh đạo cao nhất của Petrovietnam để đánh giá và quyết định khả năng phát triển mỏ Thiên Ưng.
Thiên Ưng được xếp loại là mỏ nhỏ, cận biên trong điều kiện nước sâu (120m), xa bờ (270km), để phát triển thương mại cần phải có những giải pháp đột phá về kỹ thuật hoặc nới lỏng một số quy định về công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư và vận hành. Tháng 6-2013 Viện NIPI đã hoàn thiện luận chứng kinh tế kỹ thuật phát triển mỏ Thiên Ưng với tập hợp các giải pháp đột phá về khai thác mỏ, kinh tế và xây dựng mỏ. Trong cuộc họp ngày 11-3-2013, tại văn phòng Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) do Tổng giám đốc Tập đoàn Đỗ Văn Hậu chủ trì, Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến đã thuyết phục được lãnh đạo Tập đoàn rằng, trong 11 phương án Vietsovpetro đã nghiên cứu, có 1 phương án khả thi. Sau đó được hai phía chấp thuận. Đó cũng là thời điểm Dự án Thiên Ưng hồi sinh trở lại và tiếp tục lăn bánh.
Để giảm chi phí đầu tư Dự án Thiên Ưng, đưa giá khí về mức thị trường, Viện NIPI đã cùng các đơn vị trong Vietsovpetro đưa ra các giải pháp kỹ thuật mang tính bước ngoặt, đó là kết nối với mỏ Thiên Ưng. Đây là giải pháp đột phá so với các phương án đã được nghiên cứu và đề xuất của các đơn vị trong Tập đoàn tại thời điểm trên. Thứ hai, việc nghiên cứu đưa ra phương án phân kỳ đầu tư đường ống NCS2, với giai đoạn 1 vận chuyển 2 pha, thấp áp, kết nối về mỏ Bạch Hổ (giải pháp vận chuyển 2 pha, thấp áp với chiều dài đường ống 160km chưa có tiền lệ đặt ra rất nhiều nghi ngại trong nội bộ Vietsovpetro cũng như các đơn vị trong Tập đoàn). Thứ ba, nghiên cứu phương án thiết kế giàn Thiên Ưng với đầy đủ các quá trình công nghệ cần thiết trên giàn đầu giếng, khoan bằng giàn tự nâng Tam Đảo-02. Các phương án kỹ thuật hướng tới sử dụng tối đa nội lực của Vietsovpetro để giảm chi phí tài chính. Tỷ lệ các công việc do nội bộ Vietsovpetro tự thực hiện cho Thiên Ưng dự kiến lên đến 61%.
Bắt tay thiết kế Dự án BK Thiên Ưng khi đội ngũ thiết kế của Viện NIPI mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm với công trình biển, nhưng cũng chưa từng thực hiện công trình nước sâu trên 100m và càng ít kinh nghiệm hơn với thiết kế phần thượng tầng công nghệ (Topside) phải nỗ lực vượt bậc trong cả hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: Thiết kế FEED: Thuê nhà thầu nước ngoài thực hiện, tạo điều kiện cho đội ngũ thiết kế của Viện NIPI học hỏi kinh nghiệm và chuẩn bị lực lượng. Giai đoạn 2: Thiết kế chi tiết: Viện NIPI chủ trì thực hiện và thực hiện chính, thuê thêm nhân sự của các nhà thầu trong và ngoài nước để hỗ trợ.
Cuối cùng, kế hoạch đầy tham vọng thiết kế giàn Thiên Ưng bằng nội lực đã được thực hiện thành công. Cần phải kể đến sự đóng góp của nhà thầu Technip đã chủ trì thực hiện thiết kế FEED và Liên doanh nhà thầu PVE-Technip đã hỗ trợ trong quá trình thiết kế chi tiết.
Đặc biệt, sau công trình này, rất nhiều những bài học kinh nghiệm quý báu về quản lý, về chuyên môn, ý tưởng đã để lại cho Ban Quản lý dự án, đội ngũ quản lý, kỹ sư ở Viện NIPI, Xí nghiệp Xây lắp… cho các thế hệ kế cận và tương lai để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo hơn, hiệu quả hơn.
Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp Đỗ Văn Hùng từng nhắc rằng, đây là công trình siêu trường siêu trọng, có tải trọng toàn bộ trên 15 ngàn tấn, trong đó chân đế BK-TNG có trọng lượng 6.274 tấn, cọc 3.200 tấn, bến cập tàu 53 tấn, thượng tầng 3.952 tấn, khu nhà ở 530 tấn, 700 tấn cọc tách nước được lắp đặt tại vùng nước sâu 120m nước.
Được biết, tổng vốn đầu tư dự án là hơn 1 tỉ USD, khi đi vào vận hành, tổng công suất tối đa của giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng lên tới hơn 3 triệu m3 khí/ngày. Thế là niềm vui đã đến, những ngày đầu tháng cuối cùng của năm Bính Thân, vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 6-12, Vietsovpetro đã hoàn thành khoan và mở vỉa thành công, đón dòng khí và condensate đầu tiên từ giếng khai thác TU-6, giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng. Giếng hiện cho lưu lượng trung bình mỗi ngày khoảng 540 nghìn m3 khí và 200 tấn condensate. Vietsovpetro đang khẩn trương thực hiện các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đưa khí và condensate vào hệ thống công nghệ, chuyển qua mỏ Bạch Hổ, đưa về bờ trong thời gian sớm nhất.
Công trình dự kiến sẽ đạt công suất cao nhất vào năm 2019, sản lượng khai thác đỉnh sẽ đạt khoảng 700 triệu m3 khí. Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng Lô 04-3 là một trong nhiều dự án liên quan với nhau trong quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn khí tại khu vực bể Nam Côn Sơn, tạo cơ sở hạ tầng để kết nối, kích thích phát triển thăm dò, khai thác khu vực nước sâu xa bờ rộng lớn này trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam.