Quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phải tuân thủ hoàn toàn Luật Đấu thầu có thể dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, không tạo sự linh hoạt, chủ động cho các cổ đông trong việc ra quyết định điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh.
Thiếu quy chế lựa chọn nhà thầu hiệu quả
Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Đấu thầu năm 2013, thực tế cho thấy đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Các quy định về phương pháp đánh giá chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ, công trình có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng. Trong đó, có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
Đại diện pháp chế của một doanh nghiệp nhà nước kinh doanh dược phẩm cho hay, năm 2021 khi dịch Covid-19 cao điểm, công ty này mua sắm kit xét nghiệm phục vụ xét nghiệm hằng ngày cho nhân viên tại nhà máy sản xuất thuốc. Đến năm 2022, khi cơ quan thanh tra vào kiểm tra thì nhận định công ty đã thiếu sót vì không thông qua đấu thầu.
Khắc phục theo kiến nghị của của cơ quan thanh tra, công ty đã ban hành quy chế về đấu thầu. Tuy nhiên lại phát sinh vướng mắc vì các nguyên liệu sản xuất thuốc có đăng ký với Bộ Y tế kêu gọi đấu thầu nhưng không có đơn vị tham dự, khiến cho hoạt động sản xuất của nhà máy bị đình trệ nhiều tháng.
"Trước tình hình đó, lãnh đạo công ty giải quyết bằng cách cho mua trực tiếp với nhà cung cấp nguyên liệu nhưng lại sợ vi phạm Luật Đấu thầu. Ngay cả việc mua sắm trang phục, công cụ lao động cho nhân viên, hay gói khám sức khỏe... cũng không có đơn vị tham dự thầu nên công ty cũng định áp dụng phương án lựa chọn giá cạnh tranh, nhưng lại cũng sợ vi phạm...", ý kiến của một đại diện cho hay.
Nhiều ý kiến liên quan đến công tác đấu thầu được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo Pháp chế doanh nghiệp lần thứ nhất - năm 2023.
Ngoài ra, việc cần rạch ròi định nghĩa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng là một trong số nhiều ý kiến được đưa ra, nhằm áp dụng thỏa đáng đối với các quy định pháp luật liên quan.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp (2020) quy định doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi doanh nghiệp có vốn nhà nước được quy định rải rác, và còn có độ "vênh" trong các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Quản lý tài sản công...
"Các doanh nghiệp nhà nước đang gặp rất nhiều vướng mắc khi thực hiện chặt chẽ theo quy định Luật đấu thầu nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh...", ông Vũ Ngọc Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, nhận xét.
Bất cập trong lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước
Trước đây, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, quy định các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013 sẽ góp phần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện nay, thì doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, theo quy định nêu trên thì các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (Điều mà trước đây chỉ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới phải áp dụng).
Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phải tuân thủ hoàn toàn Luật Đấu thầu có thể dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, không tạo sự linh hoạt, chủ động cho các cổ đông trong việc ra quyết định điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cũng phải tuân thủ toàn bộ quy trình, thủ tục chặt chẽ như đối với doanh nghiệp do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ cũng không bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thu hẹp đối tượng áp dụng để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau về việc thu hẹp đối tượng điều chỉnh của luật này so với luật hiện hành.
Loại ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng phải đấu thầu; bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu. Nếu quy định như vậy sẽ không đảm bảo được yếu tố công bằng, minh bạch trong quản lý tài sản nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận định, cần cân bằng lợi ích Nhà nước và cân bằng sự linh hoạt của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự đa dạng của thực tiễn.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo ông Phan Đức Hiếu, trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của DNNN thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là khá tương đương nhau. Do vậy, xét về mặt lợi ích, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay ở nhiều DNNN nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp; thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn; vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông.
Với những lý do trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhận định: Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định "DNNN là DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ"; đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của DNNN như phương án 1 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.
Nếu theo phương án 2 điều chỉnh cả đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN sẽ là mở rộng phạm vi điều chỉnh nhiều so với luật hiện hành và như vậy, thì không bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp.
Tr.L