“Áo mới” Cà Mau

Đóng góp trên 40% nguồn thu ngân sách và tạo ra trên 30% việc làm cho lao động địa phương, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau là động lực kinh tế quan trọng giúp vùng sình lầy “nước đen” Cà Mau xưa kia được thay bằng chiếc “áo mới”.


Nhà máy điện Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Sức bật công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Hơn 10 năm trước đây, Cà Mau nằm trong danh sách tỉnh nghèo nhất cả nước với GDP năm 2006 chỉ đạt 200 tỉ đồng; trong đó nông nghiệp chiếm tới 80% cơ cấu kinh tế. Hạ tầng giao thông nghèo nàn nên từ thị xã chỉ đến được 2 huyện Thới Bình và Cái Nước bằng ô tô. Toàn tỉnh chỉ có 14% hộ dân có điện sinh hoạt.

Thực hiện mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng Tây Nam Bộ để sản xuất điện và đạm phục vụ nhu cầu cả nước và tạo ra sức bật quan trọng giúp tỉnh cực Nam Tổ quốc phát triển công nghiệp, dự án trọng điểm quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau bắt đầu được triển khai vào năm 2004.

Tổ hợp này bao gồm 3 dự án hợp phần được xây dựng trên diện tích hơn 200ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Đó là đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau lấy khí từ khai thác mỏ PM3-CAA (vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia ngoài khơi vịnh Thái Lan) và từ mỏ Block 46 Cái Nước (phần biển ngoài khơi của Việt Nam) để sản xuất điện và phân đạm.

Tiếp đến là dự án Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1500 MW. Cùng với đó là dự án Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800 nghìn tấn/năm. Tổ hợp Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư với tổng mức trên 2 tỷ USD.

Trên cơ sở nền tảng của cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, sân bay đã được hình thành giúp Cà Mau khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản cũng như kết nối gần hơn với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Anh Đoàn Hữu Thư, cán bộ Nhà máy Đạm Cà Mau - người đã gắn bó gần 40 năm với mảnh đất U Minh cho biết: Mảnh đất sình lầy toàn cây đước, cây mắm với đặc sản là muỗi rừng và đất đai quanh năm nước phèn nhuộm đỏ đã “thay da đổi thịt” hoàn toàn kể từ khi có Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Còn nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng khẳng định: “Nếu không có các tập đoàn kinh tế Nhà nước như PVN đầu tư thì không có doanh nghiệp nào dám đứng ra đầu tư ở vùng sình lầy này”.


Robot bốc vác trong dây chuyền xuất phân bón. Ảnh: Anh Nguyễn/BNWEWS/TTXVN

Hình mẫu an toàn và thân thiện môi trường

Kể từ khi chính thức khánh thành vào ngày 26/10/2012, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đem đến sức bật mạnh mẽ không chỉ cho Cà Mau mà cho cả vùng đất chín rồng.

Hiện nay doanh thu lũy kế của Cụm công nghiệp này lên tới 28.000 tỷ đồng, chiếm 50% ngân sách của tỉnh và giải quyết việc làm cho 36% số lao động là người dân địa phương.

Đặc biệt, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư còn là hình mẫu tổ hợp công nghiệp an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường.

Phó Giám đốc Công ty khí Cà Mau Nguyễn Văn Bé Ba cho biết: Ngay từ khi chính thức hoạt động vào tháng 8/2008, Nhà máy đã xây dựng thành công hệ thống quản lý tích hợp AT_CL_MT theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, OHSAS 18001:2007, ISO 14001:2004 và đã nhận được chứng chỉ của Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI).

Đối với dự án mới khởi công vào tháng 4/2015 là Nhà máy xử lý khí Cà Mau (GPP) dự kiến hoàn thành trong năm 2017 này, nước thải công nghiệp được xử lý theo công nghệ hiện đại nhất thế giới của Greentech “theo lý thuyết còn có thể uống được”, Phó trưởng Ban quản lý dự án GPP Nguyễn Tiến Hải khẳng định.

Bản thân nguồn khí đầu vào dùng cho dự án đã là nguồn khí sạch nên về mặt môi trường gần như không có chất thải độc hại.

Bên cạnh đó, Công ty cũng không sử dụng hóa chất để súc rửa đường ống như một số dự án sản xuất công nghiệp khác nên GPP hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Đối với dự án xử lý khí này, công tác an toàn cũng được đảm bảo tuyệt đối. Tính đến nay, dự án đã đạt hơn 2,5 triệu giờ an toàn và chưa xảy ra sự cố về tai nạn lao động.

Tại Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau, Giám đốc Ngô Văn Chiến cho biết: trong số 8 nhà máy điện mà Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) quản lý thì 2 nhà máy Cà Mau 1 và 2 đã đóng góp hơn 50% tổng sản lượng của công ty mẹ.

Với công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp mới hiện đại nhất của Siemens, Nhà máy điện Cà Mau là tổ hợp chất lượng hiệu quả và thân thiện môi trường.

Trong đó, 1 tuabin hơi giúp tận dụng hiệu quả những gì còn lại của 2 tuabin khí trong quá trình hoạt động để tiếp tục sản sinh ra nguồn điện. Vì thế, lượng khí thải còn lại cuối cùng hầu như không đáng kể, lại được làm mát trước khi xả ra môi trường nên không gây ô nhiễm môi trường.

Cũng giống như các “đàn anh” trong tổ hợp, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát phát thải, khí thải và chất thải trong sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Hạnh, Áp dụng tiêu chuẩn môi trường ISO 14001:2015, Công ty đã thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo đúng cam kết, thực hiện lấy mẫu phân tích định kỳ trong từng ca trực. Vì vậy, tất cả các tiêu chuẩn nước thải, khí thải, chất thải và tiếng ồn của Nhà máy đều được kiểm soát theo quy chuẩn an toàn.

Với kim chỉ nam “Nền tảng xanh” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ dây chuyền, trang thiết bị của Nhà máy Đạm Cà Mau được Công ty đầu tư theo công nghệ hiện đại bậc nhất từ các nước phát triển. Công ty cũng áp dụng hàng loạt giải pháp tiết kiệm nguyên nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Đặc biệt, Công ty đã nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường cũng như phối hợp với Hiệp hội Phân bón, Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức nhiều hội thảo, khóa học nâng cao hiểu biết về sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường cho bà con nông dân.

Sau hơn 6 năm chính thức hoạt động, đến nay Đạm Cà Mau đã sản xuất được hơn 4 triệu tấn phân bón, đảm bảo 40% nhu cầu phân bón cho cả nước, góp phần tạo nên những mùa vàng bội thu.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)