Ê! Mày biết là đang khủng hoảng giá dầu không? Sao lại học trường PVU? Mày yêu ngành dầu khí hả? Tình yêu to bự dữ hen…
Tôi nói bạn nghe nè:
Tình yêu không phải là tìm thấy một nơi nào đó hoàn hảo mà là học cách tìm thấy những điều tuyệt vời từ một nơi không hoàn hảo. Khủng hoảng ư? Không bạn à, đạt cực đại rồi xuống cực tiểu như là một đồ thị biến đổi không ngừng và thời gian sẽ trả lời tất cả, hãy đợi nhé!
Bạn biết không, so với các bạn cùng khóa thì tôi nhập học muộn hơn bốn ngày. Và tôi vẫn nhớ tựa như in cái ngày đầu tiên nhập học với bao nhiêu bỡ ngỡ, bao nhiêu háo hức cứ ùa về tại miền đất mới. Việc Bà Rịa chào đón tôi bằng cái nắng oi ả đã trở thành điều gì đó bình thường bởi vốn dĩ tôi là cô gái đến từ Tây Nguyên, vùng đất đỏ Bazan, nơi đầy nắng và gió. Những điều ấy tôi đã quen thuộc trong từng hơi thở, đối với tôi lúc đó sự ngạc nhiên như là cái gì đó vô hồn nằm vỏn vẹn trong tâm trí tôi. Trong tưởng tượng của tôi PVU sẽ lớn lắm, sẽ đồ sộ như tên gọi của nó vậy “Đại học Dầu Khí Việt Nam”. Nhưng không, đập vào mắt tôi là dòng chữ Trường Cao Đẳng nghề Dầu Khí, tôi còn ngỡ rằng mình đến nhầm trường và bụng thầm trách chú tài xế nữa cơ. Sau một hồi ngó nghiêng, như là một chiến tích tôi đã phát hiện ra trong khuôn viên Trường Cao Đẳng nghề Dầu khí, phía trước một tòa nhà 9 tầng với những dòng chữ đỏ:
“Sinh viên trường Đại học Dầu Khí Việt Nam
Năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần những người đi tìm lửa”
Bỗng chốc tôi cảm thấy có gì đó man mác buồn nhưng cảm giác đó nhanh chóng bị lãng quên vì tôi phải bận rộn làm thủ tục nhập học, tham gia buổi ngoại khóa cùng những người bạn mới. Nắng chiều Bà Rịa dần tắt, màn đêm buông xuống, nhớ tối hôm ấy, tiết trời ấm áp, ban đêm Bà Rịa thật yên tĩnh không ồn ào tấp nập như ở quê, nỗi nhớ nhà khẽ vô tình cuộn trào trong lòng tôi. Đặc biệt rằng, tối hôm đó chính là buổi ngoại khóa PEC đầu tiên, tất cả các bạn sinh viên khóa tôi đều tụ họp đông đủ với một vài anh chị khóa trên, chúng tôi trò chuyện, trao đổi thông tin cho nhau, không khí nhộn nhịp, vui vẻ và tôi đã hiểu hơn về mái trường mà tôi đã chọn để ấp ủ ước mơ sau mười hai năm học phổ thông. Tôi khẽ thì thầm rằng sẽ phải thật cố gắng, sẵn sàng đương đầu với khó khăn trên những chặn đường dài phía trước.
Sinh viên PVU trong ngày lễ tốt nghiệp |
Ngày lại qua ngày dọc theo dòng thời gian, dưới tòa nhà chín tầng PVU, tôi đã gần được hai tuổi rồi đấy. Ở đây, tôi sẽ là một người kỹ sư tương lai nhưng hiện tại tôi là người con của những người cha, người mẹ là những người thầy, người cô đang giảng dạy tại trường.
Thật vậy, tình thầy trò ấm áp lắm bạn ơi!
Có những lúc, ngỡ như đó là một tiếng vọng về từ nơi nào xa lắm. Giữa hàng ngàn mối quan hệ phức tạp ngoài kia ấy dường như tình thầy trò làm ta gợi nhớ, có thể dẫn dắt ta về với những kí ức xa xưa. PVU đã làm được điều ấy. Có ai hiểu nổi nhọc nhằn của những người lái đò thầm lặng? Bản thân tôi, dù yêu PVU nhưng làm sao có thể hiểu hết được những tâm sự của thầy, cô của những người đang dõi theo bước chân của những người con trên con đường đại học. Lớn rồi, những lời răn đe, hù dọa, xử phạt… đã trở thành cái gì đó xa xỉ với những sinh viên đại học như chúng tôi. Thay vào đó những buổi tâm sự nhỏ, những lời động viên, khích lệ như những điều rất đổi bình thường thân thuộc. Đặc biệt, với PVU thì không thể thiếu được.
Tôi kể bạn nghe, đại học năm nhất, khóa tôi may mắn được thầy Tiến Trung chủ nhiệm, thầy là cựu sinh viên khóa một, có thể thầy mới tốt nghiệp nên kinh nghiệm thầy chưa nhiều nhưng sức trẻ, nhiệt huyết của thầy lan tỏa đến từng thành viên trong lớp. Thầy nắm bắt tâm lý chúng tôi, tận tình hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng thời gian sao cho hợp lý, kết hợp giữa học tập và giải trí. Lại nhớ biết bao những buổi trò chuyện, chia sẻ tâm tư nguyện vọng cùng thầy bên quán trà sữa… thời gian trôi thật nhanh, năm nhất kết thúc thầy quyết định đi du học trong niềm tự hào cùng những lưu luyến của sinh viên chúng tôi.
Như một chuỗi may mắn, đến năm hai này, thầy Tô Hoài phụ trách lớp tôi, các anh chị khóa trên ai cũng bảo rằng “Lớp em sướng rồi, thầy Hoài rất nhiệt tình với sinh viên”. Quả là vậy, thầy Hoài là nhất thật, thầy vui tính lại hài hước, tìm hiểu thông tin chúng tôi kỹ càng, thầy nói ”luồng trong hay luồng ngoài, thầy đều biết hết” hơn nữa để tiếp thêm động lực cho lớp, thầy cùng tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, đứng trên sân cỏ cùng hò hét để cổ vũ đội bóng của chúng tôi… Thật tuyệt đúng không nào?
Không những thế, các cô bộ môn tiếng Anh rất dễ thương, nào là cô Kiều, cô Tú, cô Loan, cô Hồng... các cô ai cũng hòa đồng, vui vẻ và đặc biệt nói chuyện rất teen nữa… Các thầy cô trong trường cũng rất quan tâm, thường xuyên tổ chức buổi nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với chúng tôi… Những điều này làm cho chúng tôi vững tin vào tương lai phía trước và hơn hết là cố gắng để không phụ sự nhiệt huyết của thầy, cô, của những người lái đò tận tụy. Và với tư cách là một người con tôi tự hào về điều này, tự hào về mái nhà PVU ấy.
Mà bạn ơi, PVU tuy nhỏ nhưng những người con của PVU lại đến từ khắp mọi miền của nước Việt Nam đấy. Thế nên với PVU bên cạnh thầy cô cần mẫn thì không thể nào thiếu những người anh, người chị, người em hay cũng chính là những người bạn cùng đồng hành với ta trong suốt bốn năm đại học bạn à.
Anh em PVU cùng giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống, cùng nhau chia sẻ kiến thức xã hội, kiến thức văn hóa ba miền. Đó là món quà vô giá cho những ai biết trân trọng và nâng niu nó. Và giữa 500 anh em PVU, ai nói không có cảm mến nhau, ai nói không có ghét nhau, cãi vã nhau… nhưng cũng chính vì vậy mà mỗi tối anh em PVU lại có những confessions mới, cùng suy đoán với những dòng bình luận hài hước xen chút bí ẩn, tò mò… Khoảnh khắc ấy, PVU có hết bạn à.
Và luôn luôn là vậy, đằng sau những giờ học căng thẳng, những cuộc thi đầy cam go thì đến với PVU là cả một thế giới thể thao, lập đội đá bóng, lập đội cờ vua, cờ tướng, cờ vây… hay là đội văn hóa, nghệ thuật để thầy trò ta, để sinh viên ta cùng nhau chơi đùa, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau viết nên những dòng tâm sự mỏng của mình… Theo thời gian hình thành nên tập nhật ký PVU với những lưu bút ấy như những bản nhạc với giai điệu nhẹ nhàng trôi mãi trong miền kí ức vô tận của mỗi người, để rồi khi ngẫm lại ta thấy cả một vùng trời thương nhớ. Không những thế, PVU còn có cả một phòng tập gym, với những câu lạc bộ ý nghĩa luôn ở đấy, mở cửa, chào đón.
Với PVU, tôi đã thấy, trong mái nhà ấy là một bức tranh sơn màu về tình yêu: yêu nghề, yêu thầy, cô và yêu bạn bè. Hơn thế nữa bức tranh ấy là cộng hưởng của rất nhiều màu sắc, nhiều cung bậc vui có, buồn có và cả những giận hờn vu vơ.
Tôi mong sao tình yêu ấy sẽ đến được với mọi người với những người thành đạt và cả những người vô danh để ai cũng tìm được những khoảnh khắc hạnh phúc tinh khôi nhất của đời người.
Cảm giác ấy, liệu bạn đã trải qua?
Và bạn ơi, tháng 11 lại đến rồi đấy, bao kí ức trong tôi bỗng ùa về gợi một chút nhớ, một chút thương, một chút vấn vương của những ngày tháng đã qua. Một chút thôi nhưng đó là quãng thời gian thật đẹp, quãng thời gian vun đắp dưới mái trường PVU cùng những người thầy, người cô, những người bạn mới để lại nhiều kỷ niệm khó phai và chúng tôi gọi đó là quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất.
Cảm ơn tháng 11, tháng của tất cả sự yêu thương của những người trò gửi tặng đến người thầy, người cô. “Thầy, Cô”, hai tiếng bình thường sao mà thiêng liêng quá, cứ vang vọng trong tâm hồn mỗi người. Với lòng thành kính, tri ân nhất, con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thầy, Cô. Gửi đến những người đáng kính một dòng sông tuổi trẻ để mãi làm neo đậu vững chắc cho các thế hệ học trò cập bến. Cảm ơn PVU, cảm ơn tất cả đã cho con những người thầy, người cô tuyệt vời đến như vậy.
Phan Thị Lệ Thanh