Ngày 8/4, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) phối hợp với UBND thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tổ chức Hội thảo kỹ thuật về trượt lở đất đá và tái định cư GEOSAPA, với chủ đề “Khảo sát trượt lở đất vì lợi ích của đồng bào thiểu số ở miền Bắc Việt Nam”. Hội thảo đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng các phương pháp địa kỹ thuật và địa vật lý để xác định mặt trượt mỏng tại điểm trượt ở Sa Pa.
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có Tiến sĩ Andreass Schaffhauser, Cục trưởng Cục Địa chất, Thủy văn và Khí tượng Áo; Tiến sĩ Sobert Supper, Phó Cục trưởng Cục Địa chất, Thủy văn và Khí tượng Áo; ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam; cùng các giáo sư, tiến sĩ, và chuyên gia từ Hội Địa chất Công trình và Môi trường Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất; đại diện một số sở, ngành và lãnh đạo thị xã Sa Pa.
Quang cảnh chung của hội thảo.
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Huy Giao, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam đã trình bày về dự án GWB “Khảo sát trượt lở đất vì lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam”, trong đó nêu bật kết quả khảo sát mới tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa; quá trình hợp tác giữa các đơn vị dự án; công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ cho cán bộ của các địa phương tại Lào Cai.
PGS.TS Phạm Huy Giao trình bày về dự án GWB “Khảo sát trượt lở đất vì lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam”.
Trước đó, Đoàn khảo sát gồm thầy trò PVU, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, và chuyên gia của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã tiến hành khảo sát các khu vực trượt lở đất tại Sa Pa. Đặc biệt, tại điểm khảo sát cầu Cạn đã sử dụng các thiết bị địa vật lý hiện đại của TEDI để đo điện trở suất và địa chấn của 8 tuyến. Đây là dữ liệu quan trọng để nghiên cứu sâu về các khối trượt phục vụ cảnh báo sớm tai biến trượt lở đất, lũ quét hiệu quả.
Đoàn khảo sát đo địa vật lý tại khu vực trượt lở đất.
Các đơn vị thành viên của dự án GWB đã phân tích, làm rõ nội dung trong thực hiện kỹ thuật phân tích thuận và ngược điện trở suất 3 chiều áp dụng tại thị xã Sa Pa; khảo sát địa kỹ thuật của khối trượt chậm ở Sa Pa; quan trắc trượt lở đất sử dụng hình ảnh radar theo chuỗi thời gian; sạt lở đất và lũ bùn đá quy mô rộng ở Lào Cai.
Các chuyên gia bàn giải pháp cảnh báo và ứng phó với trượt lở đất sớm.
Các chuyên gia từ Áo cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về công tác quan trắc trượt lở đất tại Áo và châu Âu, đặc biệt là trong chiến lược ứng phó với các tai biến tự nhiên, giúp làm rõ hơn về tình hình trượt lở đất tại Sa Pa và các khu vực miền núi phía Bắc.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tình hình sạt lở đất, lũ quét, những ảnh hưởng lâu dài đối với đời sống của người dân, cũng như nguyên nhân và các giải pháp tổng thể để phòng chống và khắc phục. Trong đó, các giải pháp công nghệ cho việc cảnh báo và xử lý sạt trượt đất được đặc biệt chú trọng, nhằm ứng dụng vào các khu vực có nguy cơ cao, bao gồm Sa Pa và các địa phương lân cận.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp các ý kiến quý báu. Ông cũng bày tỏ mong muốn tỉnh Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong và ngoài nước để triển khai các giải pháp cụ thể như xây dựng bản đồ cảnh báo ngập úng và sạt trượt đất, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để xử lý các vấn đề này một cách bền vững.
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu tại hội thảo.
Ông Tô Ngọc Liễn cho biết, thị xã Sa Pa sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác quy hoạch dân cư ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao đối với lũ quét và sạt lở đất, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.
Hội thảo không chỉ giúp nâng cao nhận thức về nguy cơ trượt lở đất tại Sa Pa, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số và xây dựng một Sa Pa phát triển bền vững.