Hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), đồng thời với mục tiêu giáo dục truyền thống lịch sử cho toàn thể đảng viên của Đảng bộ. Vừa qua, ngày 16/7/2023, Đảng bộ Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã tổ chức hành trình giáo dục truyền thống lịch sử thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và Tượng đài tưởng niệm quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga - Việt Nam (còn gọi là Tượng đài Cam Ranh), tỉnh Khánh Hòa.
Tham gia chương trình có TS. Lê Quốc Phong - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; bà Ngô Thu Kiều - Chủ tịch Công đoàn; tập thể Đảng ủy, cán bộ đảng viên và quần chúng ưu tú của nhà trường. Đoàn đã tổ chức Lễ tưởng niệm, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và Tượng đài Cam Ranh; tham quan và nghe thuyết minh về khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Ông Châu Khiếu Minh - Đảng ủy viên, Giám đốc ATC đã đọc bài viếng các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Đại diện đoàn công tác của Đảng bộ PVU, ông Châu Khiếu Minh - Đảng ủy viên, Giám đốc ATC - đã đọc bài viếng các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Sau lễ dâng hương, đoàn công tác được nghe thuyết trình về trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 để hiểu thêm tinh thần, khí phách của 64 chiến sĩ Gạc Ma và sự hy sinh anh dũng của các anh trong trận chiến đấu ác liệt nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quang cảnh lễ tưởng niệm |
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng và khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 7/2017. Tổng thể khu tưởng niệm có 5 công trình, gồm: Tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, quảng trường hòa bình và khuôn viên cây xanh. Trong đó, tượng đài mang tên "Những người nằm lại phía chân trời" đã khắc họa hình ảnh 64 người chiến sĩ Gạc Ma quả cảm hi sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảng viên và cán bộ nhân viên PVU dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Đảng viên và cán bộ nhân viên PVU dâng hương tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma cao 15,15m (cả phần đế), bề ngang 12m, bán kính 7m, với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Những ý tưởng được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật, điêu khắc sinh động và ấn tượng như: Vòng cung mặt trời nhô lên khỏi mặt biển tận nơi chân trời xa xôi, nơi được đánh dấu phần lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam bằng những hòn đảo lớn nhỏ, có những đảo chìm và đảo nổi. Cụm nhân vật (9 nhân vật) là đại diện cho 64 chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hy sinh. Các anh ở tư thế trong tay không một vũ khí mà chỉ có cuốc, xẻng, búa, rìu làm nhiệm vụ múc cát, đá, sỏi để nâng cao mặt đảo. Khi bị quân thù bao vây, các anh quay tròn lại nắm tay nhau để bảo vệ lá cờ tạo thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, một hình ảnh sinh động đọng lại trong lòng mọi người. Toàn bộ khối tượng nằm trên bệ, xung quanh là nước, là biểu tượng của biển đảo Trường Sa, thể hiện sự ác liệt của cuộc chiến đấu, đồng thời làm nổi bật tinh thần bất khuất của các chiến sĩ ta trong trận chiến này.
Tham quan vòng tròn Bất tử Gạc Ma |
Khu trưng bày ngầm dưới mặt đất, nằm ở vị trí trung tâm, bao gồm ba phần: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam; Chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.
Thăm quan và nghe thuyết minh khu tưởng niệm Gạc Ma |
Mộ gió, là khu vực tâm linh của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma ngày 14/3/1988, với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Đây là chốn đi về của những người con hy sinh trên biển, đảo để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Cũng là nơi những người đang sống đến tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đoàn thắp hương khu Mộ gió |
Quảng trường Hòa bình, với hình ảnh chim câu tung cánh bay về hướng biển. Đó là thông điệp gửi đến toàn thế giới về khát vọng “Hòa bình” của dân tộc Việt Nam. Trước mặt quảng trường hòa bình là công viên sinh thái, có một con đường đưa người tham quan ra biển và cũng là con đường dẫn các anh linh từ biển trở về.
Đoàn tham quan và nghe thuyết minh về khu quảng trường Hòa bình |
TS. Lê Quốc Phong - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt Đảng ủy PVU gửi lời cảm ơn Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Sau khi được nghe Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thuyết minh, thay mặt Đảng ủy và đoàn công tác PVU, TS. Lê Quốc Phong - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã bày tỏ niềm xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ "Máu của các anh đã hoà vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ". TS. Lê Quốc Phong nhấn mạnh, đảng viên và CBCNV PVU sau khi được tham quan và tìm hiểu về khu tưởng niệm Gạc Ma, đã được giáo dục về truyền thống lịch sử của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào và ý chí đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Đoàn dâng hương tại Tượng đài Cam Ranh |
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Tượng đài Cam Ranh |
Đoàn công tác cũng đã đến dâng hương tại Tượng đài tưởng niệm quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga - Việt Nam (còn gọi là Tượng đài Cam Ranh), công trình do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro xây dựng, biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga.
Được biết, Tượng đài Cam Ranh được khánh thành vào năm 2009, là một công trình văn hóa mang nhiều ý nghĩa về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam, Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay).
Đoàn chụp hình lưu niệm tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bồi dưỡng, hun đúc những tình cảm tốt đẹp, lòng yêu nước trong mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam.
Hồng Thắm