Super User

Super User

Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) là trường đại học công lập thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau 6 năm thành lập đã có 124 sinh viên khóa I tốt nghiệp, 100% kỹ sư có việc làm trong và ngoài ngành Dầu khí. Con số ấn tượng này là thước đo rất giá trị đối với một trường đại học mới ra đời. Trong thành công đó không thể không nhắc đến chiếc cầu nối vô hình - Ngày hội hướng nghiệp (Company Day) qua 3 lần (2014, 2015 và 2017) nhà trường tổ chức rất thành công.

Hồi hộp, đợi chờ, hy vọng…

Đó là tâm trạng chung của các em sinh viên PVU, nhất là sinh viên năm thứ 4 và năm thứ 5 tham gia Company Day năm nay. Gặp Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên khóa II (năm thứ 5) chuyên ngành Lọc - Hóa dầu tại tầng 5 Tòa nhà Đại học Dầu khí Việt Nam (TP Bà Rịa) sau khi kết thúc vòng phỏng vấn, vẫn còn rất hồi hộp. Tuấn Anh cho hay, ước mơ ra trường sẽ được làm việc tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo). Có lẽ ước mơ của Tuấn Anh đang dần thành hiện thực khi Company Day 2017 em được Phòng Tổ chức nhân sự Nhà máy Đạm Phú Mỹ phỏng vấn.

TS Phan Minh Quốc Bình và TS Hoàng Hùng trao Kỷ niệm chương cho đại diện các đơn vị tham dự Company Day 2017

Tuấn Anh chân thành chia sẻ: Nhà tuyển dụng tập trung kiểm tra khả năng xử lý tình huống; kiến thức chuyên ngành; đam mê và sở thích… Sau khi phỏng vấn xong các anh, chị còn góp ý về điểm mạnh, điểm yếu và khuyến khích em cần phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tuấn Anh cho rằng mình có thế mạnh trong xử lý tình huống và trong quá trình học có hai lần thực tập tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, mỗi lần 1 tháng. Chính quá trình này giúp Tuấn Anh cũng như các bạn cùng lớp có rất nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế bổ ích. Nhưng Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận ngoại ngữ chỉ ở mức khá và đang cố gắng rèn luyện thêm.

Còn Dương Hoài Nam, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Địa chất - Địa Vật lý Dầu khí được bộ phận nhân sự khu vực Đông Nam Á (Công ty TNHH Dịch vụ Schlumberger) phỏng vấn vòng 1 trước đó một ngày. Ngày 26-5, có 24 sinh viên năm thứ 4 và thứ 5 trải qua vòng kiểm tra năng lực rất căng thẳng hoàn toàn bằng tiếng Anh từ 12h30’ đến 18h30’. Trong đó, nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên nói về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Các câu hỏi thường là: Tại sao em chọn Schlumberger ứng tuyển? Tại sao Schlumberger phải chọn em? Khả năng làm việc nhóm, làm theo yêu cầu, thuyết trình và tính điểm… Hoài Nam hơi buồn vì sau ngày kiểm tra vòng 1 em không nằm trong top 8 sinh viên xuất sắc nhất PVU lọt vào vòng phỏng vấn trực tiếp trong ngày 27-5. Hoài Nam cho rằng, em còn một năm nữa để cải thiện kết quả học tập, đặc biệt là nâng cao năng lực tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác để Company Day lần sau có cơ hội được lựa chọn phỏng vấn bởi Schlumberger. Nam cho biết sẽ không từ bỏ ước mơ được làm việc ở Tập đoàn Schlumberger.

Trong khi đó, sinh viên Lê Văn Ý cũng chuyên ngành Địa chất - Địa Vật lý Dầu khí may mắn hơn, vượt qua vòng 1 và trong ngày 27-5 được Giám đốc Nhân sự Schlumberger Đông Nam Á phỏng vấn trực tiếp. Văn Ý cho hay, các câu hỏi của nhà tuyển dụng xoay quanh gia đình ứng viên; kiến thức chuyên ngành; thời gian sinh viên cảm thấy tuyệt vời nhất và thời gian cảm thấy tồi tệ nhất; các hoạt động tham gia trong quá trình học tại trường; các hoạt động bán thời gian và tại sao sinh viên chọn tham gia các hoạt động này… Văn Ý chưa chắc chắn là đậu hay rớt ở vòng phỏng vấn trực tiếp vì còn chờ thư của nhà tuyển dụng gửi phản hồi. Nhưng qua lần phỏng vấn này, được Giám đốc Nhân sự khu vực Đông Nam Á của Schlumberger phỏng vấn đã cho Văn Ý có thêm kinh nghiệm.

Riêng trong phần phỏng vấn sinh viên PVU của Công ty PVD Logging tôi được phép trực tiếp tham dự. Sinh viên Trương Đoàn Tuấn Kiệt (năm thứ 4 chuyên ngành Địa chất - Địa Vật lý Dầu khí) tuy có chút rụt rè nhưng khi được hỏi về kiến thức chuyên ngành và các đề tài nghiên cứu khoa học từng tham gia Kiệt trả lời rất tốt. Kiệt cũng là sinh viên năng động và có kỹ năng làm việc nhóm rất tốt.

Tất cả hồ sơ xin việc của sinh viên tham gia phỏng vấn được viết bằng tiếng Anh, kết quả học tập của em đều đạt khá - giỏi. Trong bảng điểm các em sinh viên PVU đều có môn “Kiến tập định hướng nghề nghiệp”. Đây là một trong những nội dung được PVU đưa vào chương trình đào tạo và được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao chất lượng sinh viên PVU bên cạnh kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác.

Nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp sinh viên PVU tại Company Day 2015

Trong lần về thăm trường nhân Company Day 2017, kỹ sư Đinh Thiện Sỹ - cựu sinh viên khóa I, hiện đang công tác tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) xúc động chia sẻ với chúng tôi về những trải nghiệm đầu tiên luôn mang lại ấn tượng không thể nào quên, Company Day đầu tiên tổ chức đã để lại trong em những hình ảnh, ký ức vô cùng đẹp. Cũng như các sinh viên tham gia Company Day 2017, Thiện Sỹ và các bạn cùng khóa thời điểm Company Day 2014 cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc hồi hộp, đợi chờ, lo lắng, có hy vọng, có thất vọng… Mặc dù trong quá trình học tại trường, các em đều tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như đi làm thêm, nhưng các kỹ năng mềm, kỹ năng phỏng vấn vẫn hạn chế. Qua lần phỏng vấn ở Company Day 2014 bởi Giám đốc Nhân sự PVEP, Thiện Sỹ thấy thiếu sót khá nhiều và rút ra nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

Kỹ sư Thiện Sỹ cùng một số bạn sinh viên khóa I về tham dự lần này cũng nhắn nhủ các em sinh viên khóa sau, hãy nhận thức sâu sắc về những lợi thế khi học tại PVU, lợi ích của Company Day mang lại. Dù sau này làm việc đúng ngành hay trái ngành thì những gì học hỏi trong Company Day phải được ứng dụng linh hoạt, đa dạng. Đúng là không có gì tuyệt vời hơn khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp được đánh giá khách quan năng lực bởi những giám đốc nhân sự có kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết.

Bản thân các thầy cô và sinh viên đều mong muốn các nhà tuyển dụng có bảng đánh giá rõ ràng, chi tiết, khách quan, trao đổi thẳng thắn, trực tiếp, theo kiểu “thuốc đắng dã tật” để các em sắp tốt nghiệp thấy được khả năng của mình ở đâu, cái gì được, cái gì chưa được, còn thiếu kỹ năng gì, cần cải thiện gì và định hướng phương pháp cải thiện điểm yếu… Đó chính là những bài học vô cùng quý giá. Company Day chính là sợi dây vô hình rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp

Nói về Company Day 2017 để nhớ về Company Day lần đầu tiên PVU tổ chức vào năm 2014. Lần thứ nhất tôi có cơ hội tham dự và thực sự khâm phục cách tổ chức chuyên nghiệp và mang tính quốc tế của Nhà trường. Sau biết rằng, hầu hết giảng viên PVU đều tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học lớn trên thế giới. Chính các thầy cô đã mang kiến thức, kinh nghiệm hướng nghiệp theo mô hình các trường đại học trên thế giới về PVU. Việc tổ chức ngày hội hướng nghiệp ở các trường đại học trên thế giới có thể hằng tháng, thậm chí là hằng tuần. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc tổ chức Company Day như PVU chưa phổ biến, bởi để tổ chức như vậy đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian và mối quan hệ của trường đại học với các doanh nghiệp. May mắn là PVU có sẵn lợi thế một trường đại học trong tập đoàn kinh tế lớn nhất nước và mang tầm quốc tế.

Nhà tuyển dụng trao đổi với sinh viên PVU tại ngày hội Company Day lần I-2014

Theo TS Hoàng Hùng, Phó hiệu trưởng PVU thì trong lần đầu tổ chức việc lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện thu hút rất nhiều các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cả các công ty nước ngoài tham dự, vì vậy đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kiên trì của tất cả giảng viên trong trường. Tại Company Day 2014, với điều kiện thuận lợi so với các trường khác cùng đào tạo lĩnh vực dầu khí như Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh… PVU thu hút sự tham gia của đại diện các công ty lớn ở lĩnh vực Upstream, Downstream và mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí: Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Schlumberger, BSR, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PTSC, PV Drilling, PVEP POC, BIENDONG POC, JX NOEX, JVPC…

Lần đó, sau sự kiện, PVU cũng ghi nhận nhiều đóng góp tích cực của các doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp trình bày những điểm khái quát nhất của công ty và đặc biệt là những yêu cầu về tuyển dụng, trong đó có kỹ năng cứng (chuyên môn) là kỹ năng cốt lõi bắt buộc của một kỹ sư (thông thường chiếm tới 50% tỷ trọng đánh giá một ứng viên tham gia phỏng vấn), kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Một điểm đáng chú ý là, tất cả phần trình bày của các công ty (chưa kể các công ty giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh) đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của tiếng Anh trong ngành Dầu khí. Đây là một môi trường quốc tế, năng động và chuyên nghiệp, giỏi tiếng Anh không những giúp sinh viên có thể giao tiếp với người nước ngoài mà còn tiếp thu các kiến thức chuyên ngành về dầu khí, hầu hết được viết bằng tiếng Anh.

Thời điểm sau Company Day 2014, ông Lê Quang Ánh - Trưởng ban Tổ chức Nhân sự và Đào tạo PVEP đánh giá một cách khách quan, mặt bằng chung chất lượng của sinh viên khóa I (thời điểm đó là sinh viên năm thứ 4) còn một số khía cạnh thiếu hụt liên quan đến chuyên môn. Ông Lê Quang Ánh chia sẻ thêm: “Khi các bạn xác định đi theo chuyên ngành nào, chúng ta nên tập trung vào những mảng đó! Tuy nhiên, về kiến thức tổng quát chung thì các em sinh viên vẫn nắm được. Về kỹ năng mềm, ngoại ngữ thì các em thể hiện khá tốt. Đây là một lợi thế rất tốt, các bạn cần phát huy”.

Và 3 năm sau, khi trò chuyện với TS Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU được ông cho biết, tất cả sinh viên khóa I đã tốt nghiệp và 100% có việc làm, trong đó 60% làm đúng chuyên ngành Dầu khí còn 40% làm ngành gần hoặc khác ngành. Điều đó cũng đã minh chứng cho sự nỗ lực vô cùng lớn của ban lãnh đạo, đội ngũ giảng viên và toàn thể sinh viên, nhất là sinh viên khóa I tốt nghiệp đúng vào thời điểm giá dầu đang ở đáy và ngành Dầu khí gặp rất nhiều khó khăn, thử thách

Nếu như thời điểm PVU tổ chức Company Day 2014 giá dầu còn ở đỉnh cao hơn 100USD/thùng, tất cả các công ty dầu khí ở lĩnh vực Upstream, Downstream và dịch vụ kỹ thuật dầu khí làm không hết việc, nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất cao thì cuối năm 2014 giá dầu bắt đầu giảm. Đầu năm 2015, hàng loạt tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới bắt đầu tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự hàng loạt để tránh nguy cơ phá sản. Như nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí lớn nhất thế giới Schlumberger Ltd có thời điểm cắt giảm tổng cộng lên đến 20.000 vị trí. Giống như Schlumberger Ltd thì hàng loạt tập đoàn dầu khí khác trên thế giới cũng cắt giảm nhân sự hàng loạt. Bức tranh ngành Dầu khí ngày càng khó.

Ngành Dầu khí Việt Nam cũng chịu những tác động tương tự, hầu hết các công ty đều phải tiến hành tái cơ cấu, sắp xếp lại các vị trí để trụ vững. Chính bối cảnh ngành Dầu khí quá khó khăn đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các sinh viên đang theo học ngành này, vốn trước đây là ngành rất khó khi thi đầu vào. Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp và không chùng bước trước khó khăn, thử thách PVU đã tổ chức Ngày hội Company lần III thành công hơn mong đợi. Lần này vắng bóng hầu hết các công ty dầu khí ở mảng Upstream, nhưng đa số các công ty mảng Downstream đều tham dự như PVCFC, PVFCCo, BSR; các công ty PVD Training, PVD Logging; rồi Trung tâm Phân tích thí nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt với sự tham gia của Schlumberger, Premier Oil, Honeywell Việt Nam, Rosneft Việt Nam đã phần nào minh chứng nhu cầu nhân sự ngành Dầu khí đã khởi sắc.

Trao đổi ý kiến bên lề ngày hội, ông Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU cho hay, tại Company Day lần III, PVU đã thực hiện khảo sát chất lượng đào tạo và tìm hiểu nhu cầu đào tạo của các đơn vị thông qua việc đánh giá, góp ý, đề xuất của các đơn vị đã tuyển dụng sinh viên khóa I và các đơn vị tham gia sự kiện Company Day 2017 để nhà trường cải thiện, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.

Qua cuộc trò chuyện với TS Phan Minh Quốc Bình tôi chợt nhớ đến lần trò chuyện mới đây với GS.TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP HCM xoay quanh chuyện hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Giáo sư Thành nhấn mạnh, hiện nay Nhà nước luôn đặt vấn đề các trường phải đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nên chương trình đào tạo phải thay đổi để chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội chứ không chỉ đào tạo những gì có như trước đây. Vì thế bản thân giảng viên ở các khoa, các trường phải năng động, chủ động tìm hiểu và nắm được các doanh nghiệp đang cần gì? Nhu cầu xã hội hiện nay và tương lai ra sao? Nhà trường cần đào tạo gì? Sinh viên ra trường sẽ làm gì?... Đây là những vấn đề rất thực tiễn. Về phía nhà trường rất cần doanh nghiệp để cải tiến, bổ sung trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để sinh viên có nơi kiến tập, khi ra trường có địa chỉ làm việc, dễ xin việc hơn là để các em “tự bơi”.

Không để các em “tự bơi” cũng là phương châm và hành động của đội ngũ giảng viên PVU và kết quả 124 sinh viên khóa I đều có việc làm đã minh chứng cho trách nhiệm trong công tác đào tạo gắn liền với công tác hướng nghiệp của PVU rất thành công, và đây là mô hình rất hay để nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước học tập.

Sau Company Day 2017 tôi có dịp trò chuyện với Hiệu trưởng Phan Minh Quốc Bình, Hiệu phó Hoàng Hùng và Hiệu phó Lê Văn Sỹ về những trăn trở, nỗi lo, cả niềm vui và niềm hy vọng về công việc sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tựu chung ở các thầy đều bật lên niềm hy vọng lớn, trong đó có những ngách công việc ngoài ngành mà PVU đang có nhiều lợi thế. Việc Polytex Fax Eastern, Star Global Expert hay PC Paint tìm đến PVU phỏng vấn tuyển dụng, đề nghị hợp tác nghiên cứu khoa học là những tín hiệu lạc quan. Rồi chuyện PVU bắt nhịp nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sắp tới sẽ làm một số đề tài khoa học tiếp tục là niềm vui, là động lực lớn cho nhà trường.

Từ năm 2012 đến nay, sinh viên PVU giành được 86 giải thưởng: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì toàn đoàn Olympic môn Vật lý năm 2015 và 2016; 2 giải Ba đồng đội môn Tiếng Anh khu vực phía Nam.

Giải cá nhân có 14 giải Nhất, 22 giải Nhì, 27 giải Ba và 13 giải Khuyến khích ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh; 1 giải Khuyến khích Olympic quốc tế Vật lý qua mạng; Giải Nhất Olympic các môn khoa học Mác - Lênin năm 2015 do Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức; Đạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích Hội thi Tay nghề Quốc gia năm 2014 và 2015.

PVU gửi sinh viên đi thực tập tại nước ngoài và du học: Có 27 sinh viên học tiếp đại học ở Nga, Malaysia và Thái Lan; 3 sinh viên xuất sắc được tham gia chương trình thực tập của UOP tại Mỹ kéo dài 8 tuần; 12 sinh viên tốt nghiệp khóa I (năm 2016) được học bổng toàn phần học tiếp tiến sĩ, thạc sĩ ở Australia, Canada và Hàn Quốc.

Thiên Thanh (Petrotimes)

Ngày 3 - 4/6/2017, Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Trong nước (PVEP POC), đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, đã hỗ trợ chữa trị và chăm sóc y tế cho một thuyền viên của tàu cá BT97811TS bị thương nặng tại vùng mặt do dây cáp đứt, bật vào mặt tại khu vực mỏ Sông Đốc.

Vào hồi 22 giờ 15 phút ngày 3/6 tàu Hoàng Long đang làm nhiệm vụ trực an toàn tại mỏ Sông Đốc, lô 46/13 thuộc thì phát hiện tàu cá BT 97811 TS ra tín hiệu xin tiếp cận và xin trợ giúp y tế vì thuyền viên Lê Hữu Nghị trên tàu bị thương nặng tại vùng mặt do dây cáp tàu đứt và bật vào mặt trong lúc kéo lưới lên tàu.

Giàn khoan tại mỏ Sông Đốc

Sau khi thuyền viên bị nạn được chuyển lên tàu Hoàng Long để sơ cứu y tế thì nhận thấy vết thương của nạn nhận bị rách dài và sâu, máu chảy nhiều nên việc sơ cứu rất khó khăn, không đảm bảo cho thuyền viên bị nạn. Do đó tàu Hoàng Long đã thông báo cho giàn trưởng giàn Sông Đốc xin sự hỗ trợ chuyển thuyền viên Nghị lên tàu FPSO MV 19 để đảm bảo việc sơ cứu, chữa trị tốt hơn.

Đến 1 giờ 45 ngày 4/6, bệnh nhân Nghị đã được bác sĩ của tàu MV19 khâu lại vết thương (15 mũi) để cầm máu, cho uống thuốc kháng sinh, giảm đau. Sau khi được cứu chữa và theo dõi, hiện tình trạng của nạn nhân đã ổn định, tỉnh táo, vết thương không chảy máu, không có biểu hiện bất thường. Tham vấn tình trạng sức khỏe của nạn nhân với bác sĩ, giàn trưởng đã quyết định chuyển bệnh nhân lại tàu cá để đưa nạn nhân về bờ trong thời gian sớm nhất để tiếp tục điều trị.

(Theo www.pvn.vn)

Nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường, sáng ngày 4/6, các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn Thanh niên Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã đồng loạt tổ chức buổi lao động tình nguyện với chủ đề “Hài hòa với thiên nhiên”.

Chương trình thường niên hàng năm này là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa của tuổi trẻ Vietsovpetro nhằm hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6. Các hoạt động tại các cơ sở Đoàn diễn ra sôi nổi và phong phú dưới nhiều hình thức như: vệ sinh, làm sạch môi trường tại các trụ sở, văn phòng làm việc, khu vực sản xuất của các đơn vị trong Vietsovpetro; chăm sóc cây cảnh, trồng mới cây xanh trong khuôn viên trụ sở làm việc. Đặc biệt, hoạt động “Vẽ tranh bằng vân tay” đã thu hút được hơn 100 bạn đoàn viên, thanh niên Vietsovpetro tham gia. Đây được xem như lời cam kết của các đoàn viên, thanh niên trong toàn Vietsovpetro quyết tâm hướng tới mục tiêu chung cùng chung tay với xã hội bảo vệ môi trường, vì một môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Toàn cảnh khai mạc buổi lao động tình nguyện

Đ/c Võ Văn Châu - Bí thư Đoàn Vietsovpetro phát biểu khai mạc

Thường trực Đoàn Vietsovpetro khởi động chương trình “Vẽ tranh bằng vân tay”

Các bạn ĐVTN các cơ sở Đoàn hào hứng tham gia hoạt động vẽ tranh

Bức tranh thể hiện lời cam kết của tuổi trẻ Vietsovpetro chung tay với xã hội thực hiện bảo vệ môi trường

Vệ sinh khuôn viên trụ sở Vietsovpetro

Cải tạo khuôn viên xanh tại Trung tâm Y tế

Trồng cây xanh tại sảnh làm việc Viện NCKH&TK

(Theo www.pvn.vn)

Khác với hình thức hội thi những năm trước, cuộc thi về An toàn - Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm nay của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã được Công đoàn TCT tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến với nhiều nội dung mới mẻ, hấp dẫn.

Công đoàn PVFCCo vừa tổ chức thành công cuộc thi online tìm hiểu kiến thức về an toàn nhân dịp Tháng hành động về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ I năm 2017 do Chính phủ phát động. Đây cũng chính là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên máy tính và chính sự đổi mới của cuộc thi năm nay nên sau 2 tuần triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của tất cả các Công đoàn cơ sở thành viên (CĐCSTV).

Theo thống kê, đã có tổng số 1.208 người, tương ứng với khoảng 75% CBCNV trong TCT tham gia, trong đó có các anh chị lãnh đạo các Ban/Văn phòng, đơn vị đến anh em tài xế và chị em tạp vụ, tất cả đều tham gia một cách tích cực, hào hứng.

CBCNV tham gia thi trực tuyến

Khác với những năm trước, cuộc thi được tổ chức dưới hình thức hội thi cấp TCT, mỗi CĐCSTV là một đội, mỗi đội khoảng 10 thành viên. Như vậy, với 9 CSTV thì chỉ có khoảng 100 CBCNV tham gia. Ông Tống Xuân Phong - Chủ tịch Công đoàn PVFCCo nhận định, đây là con số rất hạn chế, trong khi công tác ATVSLĐ là trách nhiệm của toàn thể người lao động.

Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho CĐ TCT là làm sao đổi mới, sáng tạo để cuộc thi trở nên hấp dẫn, thu hút hơn và quan trọng hơn hết là mở rộng được phạm vi tuyên truyền, nhằm cung cấp kiến thức về an toàn đến toàn thể người lao động. Đó cũng chính là ý tưởng để cuộc thi về an toàn dưới hình thức thi online ra đời như vừa qua.

Theo đó, mỗi CBCNV tham gia sẽ được cấp 1 tài khoản, họ có thể tham gia thi ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời gian nào, chỉ cần một thiết bị có kết nối Internet là đăng nhập vào tài khoản.

Không chỉ đổi mới về hình thức, nội dung cuộc thi về an toàn năm nay cũng có nhiều mới mẻ và hấp dẫn. Các thí sinh sẽ thi dưới hình thức trắc nghiệm từ hàng trăm bộ đề với ngân hàng câu hỏi gồm 420 câu. Ông Phong cho biết, ngoài những câu hỏi về ATVSLĐ, trong đề còn có các câu hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn giao thông. Nội dung những câu hỏi là những kiến thức rất thực tiễn, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người lao động. Chính những điều này đã tạo nên sự hứng thú, nhiệt tình tham gia của họ.

Ông Tống Xuân Phong - Chủ tịch Công đoàn PVFCCo

Có thể nói, cuộc thi năm nay đã rất thành công khi có 100% các đơn vị tham gia, trong đó có 7/9 đơn vị có tỷ lệ trên 50% CBCNV tham gia; đặc biệt có 3 đơn vị gồm: Công đoàn PVFCCo Miền Trung, Công đoàn Chi nhánh KDHC và Công đoàn PVFCCo Miền Bắc đã huy động 100% CBCNV tham gia với điểm bình quân rất cao.

Và mặc dù với thời gian thi ngắn nhưng đã có tới trên 400 người trả lời đúng 30 câu. Đặc biệt, có một số CBCNV làm bài thi với thời gian hơn 1 phút cho 30 câu trả lời đúng.

Chính những điều này đã nói lên rằng, kết quả tuyên truyền về an toàn thông qua cuộc thi năm nay đã thật sự lan tỏa và đạt hiệu quả cao. Không những thế, cuộc thi năm nay đã tạo ra được một phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị. Và, điều hạnh phúc nhất đối với BTC như ông Phong đó chính là sau khi cuộc thi kết thúc, một số CBCNV gọi điện về để… cảm ơn vì đã tổ chức cuộc thi ý nghĩa này. Có người cho biết, nhờ cuộc thi mà họ mới hiểu ra những điều rất gần gũi trong cuộc sống hằng ngày mà trước đó họ tưởng là đã rõ.

Ông Phong chia sẻ, thành công của cuộc thi lần này là động lực để Công đoàn TCT tiếp tục phát huy, sáng tạo để năm sau tiếp tục mang đến một cuộc thi với nhiều điều mới mẻ và hấp dẫn hơn; từ đó tạo điều kiện để anh em CBCNV rèn giũa, trao đổi kiến thức nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong lao động sản xuất.

Kết quả cuộc thi: Giải Nhất tập thể thuộc về Công đoàn PVFCCo Miền Trung, giải Nhì thuộc về Công đoàn Chi nhánh KDHC, giải Ba thuộc về Công đoàn PVFCCo Miền Bắc; giải Khuyến khích thuộc về 2 đơn vị gồm: Công đoàn PVFCCo Đông Nam Bộ và Bao bì ĐPM.

Về giải cá nhân: BTC chọn 30 giải cá nhân có thành tích cao nhất tại các đơn vị để trao giải, trị giá 01 triệu đồng/giải.

(Theo www.pvn.vn)

Ngày 4/6, tại xã Văn Hội, Ninh Giang, Hải Dương đã diễn ra lễ khánh thành Trường Tiểu học xã Văn Hội do Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – thương hiệu Đạm Cà Mau) tài trợ xây dựng.

Đến tham dự có đại diện Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang, Hải Dương cùng thầy trò nhà trường và người dân xã Văn Hội. Về phía PVCFC có sự tham dự của bà Trần Thị Bình - Ủy viên HĐQT Công ty.

 

Bà Trần Thị Bình - Ủy viên HĐQT PVCFC phát biểu tại buổi lễ khánh thành

Công trình Trường Tiểu học xã Văn hội hoàn thành sau 8 tháng thi công xây dựng bắt đầu từ tháng 10/2016 gồm: nhà lớp học 2 tầng 4 phòng học và nhà làm việc 2 tầng 6 phòng.

Đây là một trong những công trình nằm trong kế hoạch an sinh xã hội năm 2016 mà Đạm Cà Mau triển khai, thể hiện trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng khắp cả nước, đặc biệt là trong phát triển giáo dục.

(Theo www.pvn.vn)

Ngày 2/6, tại TP Bà Rịa, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trao Quyết định số 975/QĐ-DKVN ngày 22/5/2017 bổ nhiệm PGS-TS Lê Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU).

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam( PVN) về dự và trao Quyết định có ông Nguyễn Tiến Vinh - Thành viên Hội đồng Thành viên, ông Nguyễn Quỳnh Lâm - Phó Tổng giám đốc, ông Trịnh Dũng - Phó Trưởng ban Tổ chức Nhân sự. Lãnh đạo PVU có TS Hoàng Hùng - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các phòng/ban chuyên môn.

Tại buổi lễ, Phó Trưởng ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn Trịnh Dũng đã công bố Quyết định của Tổng giám đốc Tập đoàn đối với việc bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng PVU.

 

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Quỳnh Lâm phát biểu tại Lễ trao Quyết định bổ nhiệm

Phát biểu tại Lễ trao Quyết định, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quỳnh Lâm chúc mừng PGS-TS Lê Văn Sỹ trên cương vị mới. Ông Nguyễn Quỳnh Lâm đánh giá: “Đồng chí Lê Văn Sỹ có cả học vị và học hàm và là một trong những người đại diện của PVN rất trẻ có nhiều thành tích chuyên môn lẫn quản lý. Việc cân bằng giữa chuyên môn và quản lý rất quan trọng. Ở vị trí quản lý sẽ mất nhiều thời gian nhưng tôi hy vọng PGS-TS Lê Văn Sỹ tiếp tục trau dồi chuyên môn để hướng dẫn đào tạo nhiều thế hệ sinh viên giỏi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên PVU phát huy kết quả đã đạt được, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dầu khí Việt Nam.


Tân Phó Hiệu trưởng PVU Lê Văn Sỹ nhận Quyết định bổ nhiệm từ lãnh đạo PVN

Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, TS Hoàng Hùng - Phó Hiệu trưởng PVU chúc mừng và bày tỏ sự tin tưởng PGS-TS Lê Văn Sỹ sẽ hoàn thành trách nhiệm trên cương vị mới.

Trước đó, vào ngày 5/11/2016, TS Lê Văn Sỹ vinh dự được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. PGS.TS Lê Văn Sỹ hiện là một trong nhiều giảng viên của PVU có nền tảng giáo dục và nghiên cứu chuyên sâu, được đào tạo rất bài bản từ nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.


Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí và lãnh đạo PVU chúc mừng tân Phó Hiệu trưởng Lê Văn Sỹ

Sinh năm 1979 tại Tiền Hải, Thái Bình, ông Lê Văn Sỹ tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Công nghiệp và Chế tạo tại Đại học Padova (Italy) năm 2009, tốt nghiệp thạc sỹ Cơ khí - Kỹ thuật thiết kế sản phẩm năm 2006 tại Đại học Ulsan (Hàn Quốc), tốt nghiệp kỹ sư Cơ khí - Thiết kế máy tại Đại học Bách Khoa TP HCM năm 2003. Trong thời gian giảng dạy tại PVU, PGS-TS Lê Văn Sỹ tiếp tục hoàn tất chương trình sau tiến sĩ (Visiting Scholar) tại Đại học Tulsa (bang Oklahoma, Hoa Kỳ) về lĩnh vực tách lọc dầu/khí dưới sự tài trợ của Quỹ học bổng VEF năm 2012.

Phát biểu tại buổi lễ, tân Phó Hiệu trưởng Lê Văn Sỹ gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Tập đoàn và tập thể lãnh đạo, cán bộ PVU đã tin tưởng giao trọng trách vô cùng lớn lao. PGS-TS Lê Văn Sỹ cam kết sẽ nỗ lực cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên PVU phát huy sức mạnh đoàn kết để đào tạo được các thế hệ sinh viên chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn.

 

Ngày 1/6, trong chuyến công tác tại TP HCM, ông Jean Christophe Phible – Phó Tổng giám đốc EDF khu vực châu Á đã dẫn đầu Tổ hợp nhà đầu tư Nhà máy điện (NMĐ) Sơn Mỹ 1 đến thăm Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Cùng đi có đại diện của Sojizt Việt Nam và Công ty Thái Bình Dương là những đối tác cùng tham gia vào dự án NMĐ Sơn Mỹ 1.

Tiếp đoàn, phía PV GAS có ông Dương Mạnh Sơn - Tổng giám đốc, ông Hồ Tùng Vũ - Phó Tổng giám đốc; các ông bà đại diện lãnh đạo các Ban và đơn vị liên quan.


Lãnh đạo PV GAS tiếp đại diện Tổ hợp nhà đầu tư Nhà máy điện Sơn Mỹ 1

Ông Dương Mạnh Sơn – Tổng giám đốc PV GAS thay mặt tập thể người lao động PV GAS chào mừng ông Jean Christophe Phible, thể hiện sự vui mừng và trân trọng được đón tiếp các đại diện của Tổ hợp nhà đầu tư NMĐ Sơn Mỹ 1 và nhấn mạnh việc tham gia của EDF vào tổ hợp nhà đầu tư NMĐ Sơn Mỹ 1 là một tín hiệu tích cực để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai chuỗi dự án khí điện tại Sơn Mỹ (Bình Thuận) hướng đến mục tiêu đưa lần lượt các dự án thành phần đi vào hoạt động từ 2023 trở đi.

Đồng thời, ông Dương Mạnh Sơn cũng thông báo đến các đại diện Tổ hợp nhà đầu tư NMĐ Sơn Mỹ 1 về cơ chế giá khí cho chuỗi dự án khí điện tại Sơn Mỹ đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ 2013 – đây là cơ sở có tính pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để các bên có thể triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư cho các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án khí điện Sơn Mỹ.


Các bên mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác

Ông Jean Christophe Phible - Phó Tổng giám đốc EDF khu vực châu Á bày tỏ sự ấn tượng trước những thành quả đã đạt được của PV GAS sau 27 năm hình thành và phát triển cũng như những đóng góp to lớn của PV GAS đối với sự phát triển của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Nhân dịp này, ông Jean Christophe Phible mong muốn tăng cường trao đổi hợp tác giữa PV GAS và Tổ hợp nhà đầu tư NMĐ Sơn Mỹ 1 nói chung và EDF nói riêng trong việc triển khai đồng bộ chuỗi dự án Sơn Mỹ.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong sự cởi mở và thiện chí, hứa hẹn là tiền đề thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác giữa các bên tham gia vào chuỗi các dự án khí điện Sơn Mỹ.


Lãnh đạo PV GAS và đại diện Tổ hợp nhà đầu tư Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc

Tổ hợp nhà đầu tư NMĐ Sơn Mỹ 1 (gồm EDF, Sojitz và Công ty Thái Bình Dương) được giao triển khai nhà máy điện Sơn Mỹ 1 với công suất danh định 2000 MW gồm 3 tổ máy, dự kiến đi vào hoạt động từ 2027 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh. EDF là đối tác thay thế GDF Suez tham gia vào dự án này từ tháng 7/2015.

EDF (Electricité De France) là tập đoàn điện lực Cộng hòa Pháp, một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất thế giới hiện nay. EDF sở hữu và vận hành hệ thống các nhà máy điện với nguồn nhiên liệu đa dạng (hạt nhân, than, khí, năng lượng tái tạo,…) với tổng công suất lến đến 120 GW, trong đó các nhà máy điện chạy khí/LNG chiếm khoảng 8,6 % tổng công suất lắp đặt. EDF có mặt không chỉ ở Pháp mà đã mở rộng phạm vi hoạt động tại các nước châu Âu (Bỉ, Áo, Italia,…), Mỹ, tại châu Á EDF hiện đang tham gia vào các dự án ở Trung Quốc và Việt Nam.

(Theo www.pvn.vn)

Ngày 1/6/2017, Đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các ban chức năng đã đến làm việc với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.

Tham dự buổi làm việc có ông Phan Đình Đức - Thành viên Hội đồng thành viên PVN, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc PVN. Về phía PVCFC có ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT; ông Bùi Minh Tiến - Tổng giám đốc cùng đại diện lãnh đạo các phòng Ban và cán bộ chủ chốt công ty.


Ông Bùi Minh Tiến - Tổng giám đốc PVCFC báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh công ty trong 6 tháng đầu năm 2017

Ông Bùi Minh Tiến - Tổng giám đốc PVCFC đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình thực hiện kế hoạch cả năm 2017. Theo đó, 6 tháng đầu năm thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, cùng với kế hoạch chủ động và những hướng đi đúng đắn, PVCFC đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Nhà máy Đạm Cà Mau tiếp tục vận hành an toàn, ổn định với sản lượng sản xuất ước 6 tháng đầu năm đạt 460.000 tấn, cung cấp kịp thời hàng hóa cho vụ Hè Thu 2017. Các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng tích cực, công tác phát triển sản phẩm mới và chuẩn bị thị trường bước đầu được đón nhận và phản hồi tốt từ khách hàng, công tác bảo dưỡng được chuẩn bị kỹ lưỡng…


Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại PVCFC

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc PVN nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, PVCFC cần tiếp tục đánh giá và tái cấu trúc mô hình quản trị, tái cấu trúc công ty, tài sản và con người; tăng cường hơn nữa công tác đánh giá và phát triển thị trường, tiếp thị và quảng bá sản phẩm tại các thị trường mục tiêu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trên nền tảng phân bón thông minh, không ngừng cho ra đời những sản phẩm mới phù hợp với từng đối tượng cây trồng theo đúng định hướng chiến lược công ty đề ra.

Trong dịp này, PVCFC cũng tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí giữ chức Phó Tổng giám đốc PVCFC.


Đại diện Ban lãnh đạo PVN và PVCFC trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc PVCFC cho ông Nguyễn Tuấn Anh

Thay mặt lãnh đạo PVN, ông Lê Mạnh Hùng chúc mừng và mong muốn ông Nguyễn Tuấn Anh trên cương vị mới sẽ có những đóng góp tích cực cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên PVCFC hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1976, thạc sĩ kinh tế, là người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty thành viên của Tập đoàn, đặc biệt và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón và hóa chất dầu khí. Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc PVCFC sẽ tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, góp phần giúp cho PVCFC gặt hái thành công mới trong điều kiện thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

(Theo www.pvn.vn)

Vừa qua, trong chương trình công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Ban thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Cảng Dịch vụ Dầu khí Tổng hợp PTSC Thanh Hóa (PTSC Thanh Hóa).

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trần Toàn – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã chia sẻ với Đoàn công tác về hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác Công đoàn của tổng công ty, công tác tổ chức thi công dự án của PTSC tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cũng như các hoạt động hỗ trợ chăm lo cho người lao động của PTSC Thanh Hóa, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc để người lao động yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm 2017.


Buổi làm việc của Công đoàn Dầu khí Việt Nam tại PTSC Thanh Hóa

Đồng chí Tô Ngọc Thụ – Chủ tịch Công đoàn PTSC Thanh Hóa đã báo cáo Đoàn công tác về tình hình lao động, việc làm, thu nhập, việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy PTSC Thanh Hóa và được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của Công đoàn Tổng công ty, đời sống của người lao động PTSC Thanh Hóa luôn được quan tâm và không ngừng nâng cao; việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách được đảm bảo, nhiều chế độ có lợi cho người lao động như: BHXH, BHYT, BHTN, nơi ăn nghỉ, vui chơi, phúc lợi, thể dục thể thao...

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nghiêm Thùy Lan – Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam chúc mừng những kết quả PTSC Thanh Hóa đã đạt được, ghi nhận PTSC nói chung và PTSC Thanh Hóa nói riêng là điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động phong trào, công tác an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động trong ngành Dầu khí.

Đồng chí Nghiêm Thùy Lan ghi nhận các khó khăn, đề xuất của PTSC Thanh Hóa để đề xuất, làm việc với các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ đơn vị tháo gỡ khó khăn. Đối với hoạt động công tác Công đoàn, đồng chí cũng lưu ý công đoàn cơ sở công ty cần đặc biệt chú ý đến công tác đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết các chế độ chính sách, bức xúc của người lao động; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.

Tiến Công – Duy Cương

(Theo www.pvn.vn)

Trong hai ngày 01-02/06, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức bàn giao hai căn nhà Đại đoàn kết cho ngư dân nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nằm trong kế hoạch tuyên truyền bảo đảm an ninh an toàn các công trình dầu khí trên biển năm 2017, PVEP đã cùng các đơn vị/nhà thầu dầu khí (PVEP POC, CL JOC, HL-HV JOC, LS JOC, TL JOC, Petronas, JVPC) thực hiện tài trợ và thông qua BCH BĐBP hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp xây dựng hai căn Nhà Tình nghĩa Đại đoàn kết cho hai hộ ngư dân nghèo trên địa bàn, với sự cho phép của chính quyền địa phương.


Bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Nguyễn Đức Nghĩa

Hai hộ ngư dân nghèo được trao tặng nhà Đại đoàn kết là gia đình ông Nguyễn Đức Nghĩa, thường trú khu phố 2, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận và gia đình ông Nguyễn Hữu Nam, thường trú tại 194A đường Trần Phú, phường 5, TP Vũng Tàu. Ông Nguyễn Đức Nghĩa và ông Nguyễn Hữu Nam đều là ngư dân bám biển lâu năm, song đã mất sức lao động do gặp phải tai nạn trên biển, cả hai gia đình đều thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.


Trao quyết định bàn giao nhà Đại đoàn kết cho ông Nguyễn Hữu Nam

PVEP và các nhà thầu dầu khí đã hỗ trợ tổng kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết tại hai tỉnh là 120 triệu đồng (60 triệu đồng/căn). Sau thời gian thi công, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, đồn Biên phòng địa phương, cùng với kinh phí đóng góp thêm của gia đình, hai căn nhà đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch và bàn giao lại cho các hộ ngư dân. Tại buổi bàn giao, đại diện PVEP cũng trao tặng cho mỗi hộ gia đình một số vật phẩm dùng trong nhà như tivi, quạt máy, nồi cơm điện… trị giá 10 triệu đồng.


Ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch Công đoàn PVEP phát biểu tại lễ bàn giao

“Sau những ngày tháng xây dựng với sự phối hợp nhiệt tình, chặt chẽ của phía BCH BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng địa phương, hôm nay, công trình đã được hoàn thành khang trang, đẹp đẽ với đầy đủ các trang thiết bị sinh hoạt. Chúng tôi rất vui mừng, hạnh phúc và tin tưởng rằng với một ngôi nhà mới, sẽ giúp cho gia đình ổn định được cuộc sống mới, yên tâm làm ăn và có cuộc sống mới hạnh phúc, tốt đẹp hơn” - ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch Công đoàn PVEP phát biểu tại lễ bàn giao.


Đoàn công tác PVEP trao tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Hữu Nam

Song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, PVEP luôn đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, nhận thức rõ trách nhiệm chia sẻ khó khăn, chăm lo đến các gia đình diện chính sách, đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các hộ gia đình nghèo… tại các địa phương trong cả nước bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Với thành tích luôn đi đầu trong hoạt động An sinh xã hội với tổng số tiền đóng góp là 650 tỉ đồng trong những năm qua, PVEP cũng được vinh danh là Doanh nghiệp vì Người Lao động, Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội.

Chương trình tuyên truyền bảo đảm an ninh an toàn các công trình dầu khí trên biển năm 2017 của Tổng công ty PVEP được diễn ra từ ngày 1/6 đến hết ngày 9/6 tại hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm các hoạt động trao tặng nhà Đại đoàn kết cho ngư dân nghèo; tổ chức Hội nghị tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp tới bà con ngư dân về các văn bản pháp luật liên quan đến an ninh, an toàn công trình dầu khí và hoạt động dầu khí; cung cấp tài liệu thông báo vị trí khu vực các công trình dầu khí và các yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn khác đến cộng đồng ngư dân trong tỉnh…

(Theo www.pvn.vn)