Ngày 18/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: vai trò của cộng đồng doanh nghiệp”.
Toàn cảnh hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: vai trò của cộng đồng doanh nghiệp”
Hội thảo cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước về biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với BĐKH, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về các hoạt động ứng phó tại Việt Nam.
BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng to lớn, nặng nề của BĐKH do bờ biển dài, nhiều khu vực có bình độ thấp, riêng Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Ông Lề Xuân Đình phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: “Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5-0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. BĐKH thực sự đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Tác động của BĐKH đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.
Nhằm ứng phó với BĐKH, các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách về phòng chống, ứng phó với BĐKH cần được nghiên cứu, ban hành theo tiêu chí đồng bộ, kết hợp khoa học và thực tiễn, có tính gắn kết và liên vùng, phối hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, thông qua ứng phó tốt với BĐKH, Chính phủ cần tìm ra môi trường, mô hình tăng trưởng phù hợp, hướng tới bảo đảm phát triển bền vững. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực nhận thức, thực thi chính sách, biện pháp trong ứng phó với BĐKH.
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ứng phó BĐKH, trong đó doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của sự biến đổi này vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển hoá thách thức thành cơ hội từ những tác động của BĐKH. Đặc biệt, cần làm tốt việc nghiên cứu, đầu tư thỏa đáng cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, nhận thức về BĐKH của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đồng đều gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Từ đó, cần huy động và tận dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như sự tự giác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất để đáp ứng yêu cầu chung.
Hội thảo có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - tập đoàn luôn đi đầu trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường công nghiệp.
Bà Đỗ Thị Thu Phương, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường – Ban Công nghệ An toàn môi trường – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Đại diện Tập đoàn Dầu khí, bà Đỗ Thị Thu Phương, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường - Ban Công nghệ An toàn môi trường chia sẻ: Tập đoàn Dầu khí mới đây đã xây dựng được kế hoạch giảm thiểu nhằm thích ứng với BĐKH và kế hoạch được ban hành từ tháng 4/2019 và đây là lần đầu tiên chúng tôi công bố ra bên ngoài qua hội nghị ngày hôm nay. PVN cũng đã có khái niệm tính sơ bộ về ảnh hưởng của BĐKH đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, bởi PVN có những hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam, từ đất liền ra ngoài biển, trong đó có những công trình bị ảnh hưởng bởi những biến động của thời tiết. Chính vì vậy chúng tôi đã xây dựng kế hoạch này làm kim chỉ nam để thực hiện ứng phó với BĐKH.
Tập đoàn Dầu khí từ trước đến nay luôn thực hiện những đầy đủ chính sách của pháp luật liên quan đến BĐKH, bảo vệ môi trường. Luôn làm cụ thể theo các chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, chỉ đạo của các ban ngành liên quan đến bảo vệ môi trường. Tập đoàn Dầu khí luôn cụ thể hóa những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề liên quan đến BĐKH, cũng như góp phần cùng với cả nước với Chính phủ đạt được mục tiêu đã cam kết trong COP 21 giảm 8% phí đăng ký.
Mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí là luôn đạt được những kế hoạch dựa trên các văn bản của Việt Nam và quốc tế liên quan đến BĐKH, đáp ứng các nhu cầu và cụ thể hóa những văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến BĐKH, nhằm cùng với cộng đồng quốc tế giảm nhẹ BĐKH, qua đó nhằm đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế chung.
Tập đoàn Dầu khí cũng đã đưa ra các mục tiêu để giảm thiểu BĐKH, đó là giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng chính sách quản lý năng lượng. Mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí là tới 2025 giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với năm 2010 tương đương 2,86% so với kịch bản thông thường và tới năm 2030 giảm 23,53 triệu tấn CO2, tương đương 2,44% so với kịch bản thông thường.
Đối với mục tiêu thích ứng để đạt được những chủ trương, chính sách của Nhà nước về BĐKH, PVN đã nâng cao nhận thức, tổ chức đào tạo, đồng thời xây dựng chương trình tuyên truyền, nghiên cứu đánh giá rủi ro với BĐKH trong từng lĩnh vực.
Trong kế hoạch đã ban hành, Tập đoàn Dầu khí có danh mục các dự án ưu tiên thực hiện, đó là những danh mục đã lựa chọn để đưa ra những tính toán và giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai, những dự án được lựa chọn dựa vào rất nhiều yếu tố về kinh tế và kỹ thuật…