Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hiện đang ở trong một giai đoạn đặc biệt, đòi hỏi các nhà lãnh đạo không chỉ phải thể hiện được năng lực quản lý điều hành mà còn phải có những giải pháp khéo léo vượt qua thách thức, trong khó khăn nhìn rõ cơ hội, tiên lượng chính xác về tương lai. Nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu, Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn đã chia sẻ về hoạt động của Tập đoàn.
Thưa Tổng giám đốc, hai năm qua giá dầu thế giới suy giảm sâu và kéo dài, ông đánh giá như thế nào về những tác động đối với Petrovietnam?
Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn: Ngày nay Petrovietnam đang được giao nhiều trọng trách với đất nước, trong đó nhiệm vụ tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên dầu khí là quan trọng nhất.
Giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ
Hai năm qua, giá dầu thế giới giảm sâu, phục hồi chậm và biến động khó dự đoán đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lực và các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của hầu hết các công ty dầu khí thế giới, khiến phải đưa ra những giải pháp ứng phó đặc biệt. Nhất là nhóm các công ty thăm dò, khai thác, dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Hiện tượng phổ biến xảy ra là thu hẹp địa bàn hoạt động thăm dò, khai thác; dừng giãn tiến độ, tái cơ cấu hoặc giải thể, sáp nhập các công ty; thậm chí hủy bỏ các đề án đã có trong kế hoạch, đóng mỏ hoặc giảm sản lượng khai thác, sa thải hàng loạt nhân công; thậm chí phải bán mỏ và các tài sản dầu khí vv...
Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn
Petrovietnam đã và đang phải quản lý điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Nhiều đơn vị trong ngành gặp khó về tìm kiếm việc làm, cạnh tranh ngày càng gay gắt, nguồn lực tài chính buộc phải thu hẹp dẫn đến việc đầu tư bị hạn chế.
Petrovietnam là tập đoàn sản xuất - xuất khẩu dầu thô nên bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu thiệt hại lớn khi giá dầu giảm. Tập đoàn hiện đang khai thác dầu khí ngoài biển, có nơi rất xa bờ, chi phí lớn hơn nhiều so với trong đất liền. Hiện nay, một số mỏ khai thác để đảm bảo mức hòa vốn là rất khó khăn như: Đại Hùng, Sông Đốc, Hải Sư Đen - Hải Sư Trắng, Nam Rồng - Đồi Mồi, Thăng Long - Đông Đô, Ruby - Pearl. Khi giá dầu thấp hơn 40 USD/thùng, lần lượt các mỏ dầu có giá thành khai thác cao không đủ bù chi phí sẽ phải xem xét dừng, giãn đầu tư, nếu không chỉ còn cách đi vay để duy trì sản xuất. Đây là một bài toán thực tế nan giải về doanh thu, lợi nhuận. Có thể nói, tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nặng nề, từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến dịch vụ khoan, địa chấn, khảo sát, chế tạo giàn, cung ứng vật tư - thiết bị, xây lắp vận chuyển…
Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn trên giàn Lan Tây
Là người trực tiếp điều hành hoạt động của Tập đoàn, Tổng giám đốc nhìn nhận ra sao về năng lực vượt khó của Petrovietnam trong năm 2016 vừa qua?
Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn: Việc Petrovietnam đề ra tới 6 kịch bản cho giá dầu thấp, kèm theo đó là các giải pháp ứng phó... đã minh chứng rõ nét nhất tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách của người Dầu khí.
Petrovietnam thực sự đã nỗ lực vượt qua sóng gió và thành công trong bối cảnh ngặt nghèo. Năm 2016 Tập đoàn vẫn tiếp tục hoàn thành và vượt mức nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí, chiến lược kinh tế biển Việt Nam; giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước và vai trò doanh nghiệp đầu tàu, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tham gia bảo vệ giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an sinh xã hội.
Thành công đó trước hết nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách; sau đó là những giải pháp then chốt, đúng đắn mà tập thể lãnh đạo Tập đoàn đề ra và nhờ sự cố gắng, quyết tâm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn - một khối thống nhất, chung sức đồng lòng trong gian khó.
Trước thử thách, khó khăn, Petrovietnam đã đề ra những giải pháp cụ thể nào, thưa Tổng giám đốc?
Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn: Giá dầu xuống thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là nguyên nhân về địa - chính trị. Vì vậy, đây chỉ là khủng hoảng mang tính thời điểm. Dầu khí là tài nguyên hữu hạn, là năng lượng quý, không tái tạo, chưa thể thay thế hoàn toàn trong vài thập niên tới, một ngày không xa, giá dầu sẽ phải về đúng giá trị của nó theo quy luật. Đây là nhận định lạc quan có cơ sở.
Thách thức lớn nhất hiện nay của Petrovietnam là tài chính từ nguồn doanh thu của Tập đoàn khi dầu mất giá và điều kiện tìm kiếm thăm dò dầu khí (khâu cốt lõi nhất của Petrovietnam) ngày càng khó khăn, phải tiến ra vùng nước sâu, xa bờ, tốn kém và rủi ro cao hơn nhiều.
Petrovietnam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, cụ thể trên toàn diện các mặt công tác, ở tất cả các lĩnh vực cốt lõi, tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nổi bật trong đó là việc tập trung rà soát từng dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển; thực hiện quyết liệt kế hoạch tìm kiếm thăm dò đối với các dự án khả thi, rủi ro thấp trên cơ sở tranh thủ giá dịch vụ dầu khí giảm để triển khai đầu tư các dự án được đánh giá tốt, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2017, 2018 và những năm tiếp theo khi giá dầu phục hồi trở lại; rà soát lại sản lượng khai thác ở từng mỏ, chi phí sản xuất từng giếng đang khai thác, cân đối sản lượng hợp lý trên cơ sở phát huy những mỏ, giếng có giá thành tốt để bù đắp cho sản lượng các mỏ có giá thành cao. Petrovietnam đang tiến hành tối ưu hóa hoạt động và hợp lý hóa chế độ khai thác của từng giếng khoan tại các mỏ để đảm bảo hai mục tiêu là hài hòa sản lượng, an toàn mỏ nhằm khai thác lâu dài; tối ưu hóa công tác vận hành, bố trí lịch khoan, lịch sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị khai thác hợp lý để nâng cao thời gian hoạt động của toàn hệ thống; đẩy mạnh công tác nghiên cứu có trọng tâm, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ trực tiếp và định hướng công tác tìm kiếm thăm dò. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp gia tăng thu hồi dầu; nghiên cứu, đề xuất công nghệ và cơ chế phù hợp để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên… Bên cạnh đó, các đơn vị trong lĩnh vực khí, điện, chế biến dầu khí đã tranh thủ các yếu tố thuận lợi từ giá dầu thấp là nguyên, nhiên liệu của các nhà máy để cơ cấu sản phẩm tối ưu nhất trong từng thời điểm, phát huy tối đa công suất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy.
Nhận diện về sự phát triển Petrovietnam trong năm 2017 và những năm tiếp theo của Tổng giám đốc?
Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn: Dưới góc độ tích cực, dù đang khó khăn, Petrovietnam đã nhìn thấy đây chính là cơ hội để Tập đoàn rà soát, chấn chỉnh lại những điểm còn chưa hợp lý, chưa hiệu quả trong toàn bộ các khâu, từ quản trị điều hành đến sản xuất kinh doanh, từ con người đến cơ sở vật chất, từ quản lý tài chính, thương mại, thị trường đến đầu tư phát triển… Một dịp để tổng điều chỉnh các điểm xung yếu, đưa ra những giải pháp kịp thời để nâng cao khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh.
Các khó khăn, vướng mắc đang dần được Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ, điều đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn và các đơn vị vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công tác tìm kiếm thăm dò - lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, từ đó tạo thêm việc làm cho các dịch vụ, không những đảm bảo cho phát triển bền vững của Tập đoàn và các đơn vị trong những năm tiếp theo mà còn củng cố sự cố gắng, tạo niềm tin và thổi một luồng sinh khí mới cho tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn tự tin vượt qua mọi thử thách, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao năm 2017 và những năm tiếp theo.
Người lao động Dầu khí có quyền tự hào về truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển của ngành, tự hào về truyền thống vượt qua bất cứ khó khăn thử thách nào. Đó chính là sức mạnh tinh thần và văn hóa Dầu khí. Đến nay, ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và đồng bộ, thương hiệu Petrovietnam có uy tín ở trong và ngoài nước. Thế và lực của Tập đoàn đã ở một tầm cao mới.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển mạnh và bền vững ngành công nghiệp Dầu khí nước nhà luôn nhất quán trong suốt chiều dài lịch sử của ngành. Nghị quyết 41-NQ/TW (ngày 23-7-2015) của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định tầm nhìn và chỉ rõ con đường cho Petrovietnam, đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để mỗi người lao động Dầu khí tiến về phía trước.
Xin cảm ơn Tổng giám đốc.
(Theo www.pvn.vn)