PV GAS đứng thứ 3 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), tính đến cuối tháng 12/2017, vốn hóa sàn HOSE đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 110 tỷ USD. 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE cũng như thị trường chứng khoán (TTCK) cả nước lần lượt là VNM, VIC, GAS.

Trong năm nay, cổ phiếu VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), GAS (PV GAS) đều đã tăng mạnh. Cụ thể, vốn hóa của Vinamilk tăng thêm 114.000 tỷ đồng (5 tỷ USD), Vingroup tăng thêm 82.000 tỷ đồng (3,6 tỷ USD), PV GAS tăng thêm 61.000 tỷ đồng (2,7 tỷ USD).

Báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) vừa được Credit Suisse công bố cũng cho thấy, giá trị vốn hóa thị trường Việt Nam thuộc hàng dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2017 với tỷ lệ 61%. Chỉ tính riêng sàn HOSE thì quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau 1 năm đã tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng.

Năm 2017 là thời gian các “bom tấn” đổ bộ lên sàn chứng khoán khi hàng loạt doanh nghiệp lớn với thương hiệu được khẳng định đã lần lượt chào sàn và thu hút mạnh mẽ dòng vốn từ các tổ chức nước ngoài. Cùng với sự góp mặt của những “bom tấn” mới mẻ, dòng tiền cũng đổ mạnh vào thị trường, đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường cũng cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ, khi 10 cổ phiếu lớn nhất đã chiếm tới 56% giá trị thị trường trong khi hàng trăm cổ phiếu còn lại chỉ đóng góp 44%.


PV GAS đứng thứ 3 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến ngày 19/12/2017, chỉ số VN-Index đạt 951,42 điểm, tăng 43% so với cuối năm 2016 - mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Hiện có 731 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 679 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt gần 959 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016.

Cũng theo UBCKNN, trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào TTCK, với việc mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tính đến cuối tháng 11/2017 đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản, tăng 11% so với cuối năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà TTCK đã đạt được trong năm 2017: Thứ nhất, quy mô vốn hóa của thị trường đã vượt cả mục tiêu tới năm 2020 khi đạt trên 70% GDP; thứ hai, đã chuẩn bị tích cực, chu đáo, khai trương và vận hành suôn sẻ TTCK phái sinh, góp phần vào việc củng cố, phát triển và hoàn thiện thể chế của TTCK; thứ ba, trong năm qua đã huy động được nguồn vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển. Thứ trưởng cho biết, tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 vừa tổ chức tại Nhật Bản, các thành viên đã đánh giá TTCK Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực và rất tiềm năng. Để có được thành công đó, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, còn có nỗ lực lớn của cơ quan quản lý và thành viên thị trường.

P.V