Nét đẹp văn hóa của ngành Dầu khí

Đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam không chỉ say mê làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất mà còn áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị, cho Tập đoàn và cho đất nước hàng chục triệu USD.

Nở rộ phong trào sáng kiến

Nhằm thúc đẩy và không ngừng phát triển phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong 5 năm qua Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã phối hợp với Tập đoàn phát động phong trào thi đua hằng năm, chỉ đạo và tổ chức Hội thi Tay nghề ngành Dầu khí (từ năm 2009, 2 năm tổ chức 1 lần), Hội thi Sáng tạo kỹ thuật... Phong trào thi đua Lao động sáng tạo (LĐST) phát huy sáng kiến đã được hưởng ứng rộng khắp đến các cấp công đoàn trong Tập đoàn.

Thông qua phong trào thi đua LĐST đã xuất hiện hàng nghìn đề tài, sáng kiến lớn nhỏ với giá trị làm lợi hàng nghìn tỉ đồng và các lợi ích xã hội khác mà không thể tính ra giá trị bằng tiền. Các đơn vị trong toàn Tập đoàn luôn hưởng ứng phong trào LĐST bằng nhiều hình thức, biện pháp như đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, doanh thu, tạo thêm việc làm. Nhiều đơn vị duy trì có hiệu quả phong trào thường xuyên tập trung vào các nội dung chính “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ” và cụ thể hóa phù hợp với nhiệm vụ riêng bằng những khẩu hiệu hành động quyết tâm “LĐST, năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn”, “chất lượng và dịch vụ là yếu tố quyết định tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp”.


Vận hành đường ống trên giàn khoan. Ảnh: Đức Hậu (Vietsovpetro)

Bên cạnh đó, đội ngũ công nhân lao động có trình độ, tay nghề cao là một thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tính đến nay, toàn Tập đoàn có hơn 60.000 CNVC-LĐ, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ học vấn đại học và trên đại học chiếm 53,8%; trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 42,8%; người lao động được đào tạo ngắn hạn chiếm 10,02%; đào tạo tay nghề chiếm 13,1%; thi tay nghề chiếm 5,9%. Đây là nguồn nhân lực rất đáng quý, tạo nên những thành quả lao động đáng tự hào của ngành Dầu khí trong suốt những năm qua, đồng thời là nhân tố quan trọng nhất để ngành Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2012-2017, các đơn vị trong toàn ngành đã có 2.205 lượt đăng ký đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 1.764 sáng kiến được công nhận cấp đơn vị, 61 sáng kiến được công nhận cấp Tập đoàn, số tiền làm lợi hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, có 178 cá nhân được tặng Bằng và Huy hiệu LĐST của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; CĐ DKVN khen thưởng cho: 68 tác giả, đồng tác giả được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn và 9 cá nhân được tặng Giấy chứng nhận LĐST cấp CĐ DKVN.

Vườn ươm điển hình tiên tiến

Trong phong trào thi đua lao động giỏi, LĐST, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Dầu khí, không thể không nhắc tới Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP). Kết quả của công tác sáng kiến - sáng chế đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng và đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, là một trong những yếu tố giúp VSP vượt qua những khó khăn khi giá dầu giảm trong giai đoạn vừa qua. Trong giai đoạn 2012-2017, VSP đã có 514 sáng kiến với sự tham gia của 3.171 người có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, 66 lượt cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng và Huy hiệu LĐST; 56 đề tài, sáng kiến đạt giải tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố; có 21 đề tài, sáng kiến đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật ngành Dầu khí; có 12 đề tài, sáng kiến đạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).

Ngoài ra, VSP có 1 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, đó là công trình: “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”.

Đặc biệt, có 1 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, đó là Cụm công trình: “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ VSP và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” của TS Từ Thành Nghĩa và 29 đồng tác giả. Đây là công trình được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, ghi nhận kết quả nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, xây dựng và áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới.

Tiêu biểu cho tuổi trẻ đi đầu trong phong trào LĐST là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Trong 5 năm qua, BSR tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, hoạt động vận hành, sản xuất, kinh doanh luôn phát triển ổn định và có hiệu quả. Ở giai đoạn này, BSR có 142 sáng kiến cấp cơ sở, trong đó có 12 sáng kiến đạt giải trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi; 14 sáng kiến cấp Tập đoàn; 2 sáng kiến đạt giải Hội thi Sáng tạo KHKT cấp Quốc gia (VIFOTECH) và 1 sáng kiến đạt Giải thưởng Korea Invention Promotion Association, Korea.

Có thể kể tới “Giải pháp thu hồi hoàn toàn dầu thải nhẹ tại Phân xưởng CDU”, giúp hệ thống thu hồi dầu thải làm việc rất ổn định với bất kỳ thành phần dầu thô nào khi được đưa vào chế biến tại CDU và có thể chế biến hoàn toàn lại CDU với lưu lượng lên đến 4,5m3/giờ; Giảm được thời gian lưu kho cho dầu thải, giúp tạo ra được không gian dự trữ an toàn khi các phân xưởng có sự cố, góp phần kéo dài thời gian hoạt động cũng như tính linh động của nhà máy. Chi phí đầu tư ban đầu là 10.000USD, nhưng lợi nhuận thu được hằng năm là 4,62-8,51 triệu USD kể từ ngày bắt đầu áp dụng vào tháng 5-2012. Ngoài ra, còn có hàng trăm sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật khác ở các đơn vị PV Gas, PVFCCo, PTSC, PVCFC, PVD... cũng các tập thể, cá nhân tiêu biểu khác đạt thành tích xuất sắc trong phong trào này

 Qua phong trào thi đua đã xuất hiện hàng nghìn đề tài, sáng kiến lớn nhỏ với giá trị làm lợi hàng trăm tỉ đồng và các lợi ích xã hội khác mà không thể tính ra giá trị bằng tiền.

PV