Chúng tôi tới thăm Làng trẻ em SOS Thái Bình - mái ấm gia đình từ tấm lòng của người lao động dầu khí góp phần xây dựng để cảm nhận và sẻ chia những câu chuyện về lòng nhân ái, về tình yêu thương bao la giữa con người với con người nơi đây.
Làng trẻ em SOS Thái Bình do Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí tài trợ xây dựng.
Làng trẻ em SOS Thái Bình là làng SOS thứ 16 ở Việt Nam, được bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013 và hoàn thành vào tháng 1/2015 trên khuôn viên rộng 25 nghìn m2 tại phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Dự án xây dựng Làng trẻ em SOS Thái Bình được Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) tài trợ số tiền 1 triệu USD. Đặc biệt, PV Drilling là doanh nghiệp đầu tiên tài trợ kinh phí xây dựng dự án này. Niềm vui càng có ý nghĩa hơn khi Làng trẻ em SOS Thái Bình không chỉ phục vụ riêng cho tỉnh Thái Bình mà sẽ còn phục vụ các tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước vào khuôn viên làng trẻ chính là không gian rộng rãi, sạch sẽ thoáng mát. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi được xây dựng khang trang và hiện đại. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Làng trẻ em SOS Thái Bình cho biết: Làng hiện có 108 em và 15 mẹ, dì trực tiếp nuôi dưỡng, cùng Trường mầm non SOS Thái Bình đã đón nhận được 168 cháu vào học và được chia vào 6 lớp. Những đứa trẻ về đây đều có tuổi thơ bất hạnh. Việc tổ chức nuôi dưỡng các em theo mô hình "gia đình thay thế" với 4 nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS Quốc tế là: Bà mẹ, chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng. 14 ngôi nhà trong làng là 14 gia đình được đặt theo tên của một loài hoa, có nhà hoa Đào, hoa Mai, hoa Hướng Dương... tượng trưng cho niềm tin, ước vọng của các em. Ở đó có những bà mẹ và những đứa con không cùng huyết thống, mỗi đứa một cá tính, một quê khác nhau nhưng đều có chung một hoàn cảnh là sớm phải chịu thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống.
Học sinh Làng trẻ em SOS Thái Bình trên đường đi học
Trải qua những năm tháng chung sống cùng một mái nhà, bằng tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, họ trở thành người một nhà và coi nhau như ruột thịt. Các mẹ, các dì chính là người đã sưởi ấm những trái tim nhỏ bé, yếu đuối, thiếu hụt tình cảm của các em, giúp các em vượt qua mặc cảm của số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Vừa là mẹ, vừa là bạn
Mặc dù không sinh ra các con nhưng với các mẹ, các dì ở làng, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con khôn lớn chính là niềm vui, niềm hạnh phúc. Tình thương yêu của các mẹ, các dì trở thành nguồn động lực giúp các con vơi đi mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà hoa Lay ơn của chị Ðỗ Thị Oanh đúng lúc chị cùng các con đang chuẩn bị bữa trưa. Trò chuyện cùng chị, được biết chị quê ở xã Hồng Thái (huyện Kiến Xương). Trước khi vào làng, chị làm nhiều nghề nhưng chỉ một lần đến thăm làng, chị đã cảm mến cuộc sống nơi đây.
Gần 3 năm sống cùng các con với biết bao kỷ niệm nhưng có lẽ đến giờ điều làm chị Oanh thấy nhớ và vui nhất là con gái út Lê Ngọc Hân khỏe mạnh, hiếu động. Chị kể, nhà chị có 6 cháu, trong đó cháu Hân quê ở xã Minh Tân (Kiến Xương) bé nhất, bố Hân mất khi cháu còn nhỏ, mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng. Lúc mới vào, cháu 13 tháng tuổi, cân nặng chỉ được hơn 4kg, rất gầy yếu. Với một người chưa chăm sóc trẻ lại được giao nuôi một cháu bé bị suy dinh dưỡng nặng nên chị cũng có đôi chút bỡ ngỡ. Nhưng bằng những kiến thức đã được học cùng kinh nghiệm thực tế, dần dần mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Sau gần hai tháng nuôi dưỡng, chăm sóc, cân nặng của cháu tăng lên 7,2kg. Giờ nhìn cháu vui đùa cùng các anh chị trong làng, chị Oanh rất hạnh phúc.
Chị Hoàng Thị Luyên cùng các con làm hoa nhựa
Thăm ngôi nhà mang tên loài hoa Thược Dược, chúng tôi mới thấy hết được tình cảm mà những con người nơi đây dành cho nhau. Trong không khí ấm cúng của gia đình, chị Hoàng Thị Luyên đang cùng các con làm hoa nhựa. Gắn bó với Làng SOS và những đứa trẻ mồ côi từ những ngày thành lập, quãng thời gian ấy cũng đủ để chị Hoàng Thị Luyên và những đứa con do chị nuôi dưỡng thực sự trở thành một gia đình thân thiết. Khóe mắt ngấn lệ chị Luyên trải lòng: Trước kia, chị cũng đã từng lập gia đình, nhưng không may, sau nhiều năm chị vẫn không thể sinh con do bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chất độc da cam trong chiến tranh. Niềm hạnh phúc được sinh ra những đứa con đáng yêu không thể thực hiện được, cuộc sống hôn nhân gia đình tan vỡ. Sau một thời gian, chị đã xin vào làm việc tại Làng trẻ em SOS Thái Bình và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn của những em nhỏ.
Bởi thế, chị coi việc đến với ngôi làng như định mệnh để mẹ và các con trở thành người thân. Nhà chị hiện đang nuôi dưỡng 8 con, đứa lớn tuổi nhất 14 tuổi, đứa nhỏ tuổi nhất cũng 5 tuổi. Mỗi đứa con đến với chị là một câu chuyện, một cảnh ngộ không ai giống ai, có con thì không biết bố, mẹ đi tù, có con thì bố mẹ mất sớm, gia đình hai bên nội ngoại đều có hoàn cảnh khó khăn, không thể nương tựa…
Nhận nuôi và chăm lo cho các con, chị Luyên cũng như tất cả các mẹ trong làng luôn tâm niệm, trăn trở một điều là làm sao để các con có được những bữa ăn ngon hơn, đủ đầy hơn, để các con có thêm những điều kiện học hành tốt hơn. Và mong muốn lớn nhất của cuộc đời các chị bây giờ là các con luôn ngoan ngoãn, học tập tốt, lớn khôn nên người.
Mẹ Luyên đang cùng các con học bài
Nhắc đến hoàn cảnh của mỗi em, cán bộ, nhân viên trong làng nhớ mãi chuyện về hai chị em Vương Thị Yến và Vương Văn Thanh, quê ở xã Đô Lương (huyện Đông Hưng, Thái Bình). Cả bố và mẹ đều mất sớm khi Yến mới 12 tuổi và em trai vừa 9 tuổi. Gia đình hai bên nội, ngoại đều khó khăn nên đã đồng ý gửi các em vào làng nhờ cán bộ và các mẹ chăm sóc. Được sống trong sự bao bọc của cán bộ cùng những người mẹ, người dì và các anh, chị, em, hai chị em dần cảm thấy tự tin và thích nghi với cuộc sống mới. "Được sống trong làng, em cảm thấy rất vui vì ở đây em đã được các cán bộ và các mẹ, các dì quan tâm, chăm sóc từ bữa ăn tới giấc ngủ, được vui chơi nô đùa cùng các anh, chị và các em. Nơi đây chính là gia đình thân thiết mang lại cho em cuộc sống mới, giúp em thực hiện ước mơ được đến trường", Yến tâm sự.
Nơi nuôi dưỡng ước mơ
Làng trẻ em SOS Thái Bình mang lại cho các em thứ tình thương đặc biệt chỉ có trong các gia đình hạnh phúc. Ở đây các em còn được tạo điều kiện đi học để có thể hòa nhập vào cuộc sống. Cậu bé Việt Anh (9 tuổi, học lớp 3) đã ôm ấp giấc mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người ngay từ khi còn bé tẹo. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, cậu thường xin phép mẹ lên thư viện của làng để đọc sách. Không biết từ bao giờ niềm đam mê đọc sách đã ngấm vào máu của cậu, nhất là những cuốn sách về các danh y nổi tiếng trên thế giới. Hiểu được mong ước của con, mẹ Lanh luôn khích lệ: “Để trở thành bác sĩ, ngoài lòng đam mê và tâm huyết với nghề, con cần phải có tấm lòng nhân ái”.
Sau những lời động viên, khích lệ của mẹ, cậu bé Việt Anh như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện được ước mơ của mình. Những lúc cả nhà ngồi quây quần bên nhau, cậu bé thích được trổ tài khả năng “khám bệnh” cho các “bệnh nhân nhí” trong nhà. Dụng cụ khám bệnh dù chỉ là mấy thứ đồ chơi sẵn có trong chiếc tủ nhỏ được đặt gọn ghẽ ở góc nhà. Cậu bé yêu cầu các anh, chị, em phải ngồi im để “bác sĩ” nghe phổi cho chuẩn xác. Sau đó, cậu yêu cầu các "bệnh nhân" há to miệng để "bác sĩ" khám họng. Những lúc như vậy ngôi nhà Hoa Hồng của mẹ Lanh luôn rộn rã tiếng cười nói của con trẻ.
Các con đang vui chơi trong sân làng
“Cô bé của những đam mê” Nguyễn Thị Huyền (15 tuổi, học lớp 9) rất thích sáng tạo và đam mê khám phá thế giới xung quanh. Em thường dành nhiều thời gian để sáng tạo ra những bức tranh tuyệt đẹp vào lúc rảnh rỗi. Đó là những bức tranh có bầu trời xanh ngát với những chú chim dang rộng cánh bay tìm về tổ ấm, có đại dương mênh mông với những chú cá đang đua nhau nhảy múa trên làn nước trong xanh.
Huyền luôn mơ ước đi đây đi đó để khám phá những kì quan thiên nhiên hùng vĩ, điều mà em chỉ có thể thấy qua sách báo và tivi. Hiểu được ước mơ của con, mẹ Thanh luôn động viên khích lệ: “Thế giới này đẹp lắm, nếu có cơ hội, con hãy đi thật nhiều nơi để nâng cao hiểu biết”. Thấm thía lời mẹ chỉ bảo, Huyền luôn tự nỗ lực vươn lên trong học tập để được đi “thật nhiều nơi” như mẹ nói.
“Cô bé đa tài” là biệt danh mà tất cả các anh, chị, em trong làng đặt cho Vũ Thị Thúy (16 tuổi, học lớp 9). Nhìn em chín chắn hơn vẻ bề ngoài rất nhiều, không chỉ học giỏi mà Thúy còn có rất nhiều tài lẻ, có lúc em sắm vai một MC năng động, lúc là một vũ công duyên dáng, đôi khi lại là một giáo viên tận tụy.
Với niềm đam mê ca hát, vào những lúc rảnh rỗi, Thúy và các bạn trong làng lại rủ nhau tập diễn văn nghệ. Nhìn Thúy vừa mải mê tập diễn lại vừa hướng dẫn cho các bạn trong đội chẳng khác nào một diễn viên chuyên nghiệp. Tuy vầng trán ướt đẫm mồ hôi nhưng dường như em không hề biết mệt mỏi mà vẫn hăng say “chỉ đạo” cho toàn đội. Thúy thường khích lệ tinh thần các bạn: “Văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta”. Thúy không chỉ là một vũ công, một giáo viên mà em còn là một MC không thể thiếu trong mỗi dịp văn nghệ của làng. Nhìn cách cô bé làm chủ sân khấu trông mới chuyên nghiệp làm sao.
Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Làng trẻ em SOS Thái Bình
Giám đốc Làng SOS Thái Bình Nguyễn Văn Tân trải lòng: Làng trẻ em SOS không chỉ mang đến cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn một mái nhà, mà còn đúng nghĩa là một mái ấm, một gia đình với các anh, chị, em và vòng tay chăm sóc, dạy dỗ của người mẹ, người dì. Ngôi nhà chung này là nơi các em được yêu thương, đùm bọc. Đó cũng là nhờ những người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chung tay góp sức, dành sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Thái Bình trong những năm vừa qua. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã làm giảm bớt khó khăn cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng, từ đó có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống, trong học tập.
Rời Làng trẻ em SOS Thái Bình, nhìn những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của các em, chúng tôi hiểu rằng, các em đang có những ngày tháng tươi đẹp của cuộc đời. Ngôi nhà chung sẽ là nơi giúp các em có thêm nghị lực để bước tiếp những chặng đường còn nhiều gian nan ở phía trước.
“PV Drilling là đơn vị đầu tiên ủng hộ kinh phí xây dựng Làng trẻ em SOS Thái Bình. Ngoài nguồn kinh phí ủng hộ cho việc xây dựng Làng trẻ em SOS Thái Bình, hằng năm, PV Drilling còn tặng quà Trung thu đến các gia đình trong làng. Bên cạnh đó, PV Drilling còn trao tặng cho làng 14 xe đạp để phục vụ việc đi lại của các mẹ, các dì và các con trong sinh hoạt hằng ngày”.
Nguyễn Hoan