Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế đủ mạnh để khuyến khích nhà đầu tư

Qua 6 lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý Dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 trong tháng 10 này.

Sau nhiều lần lấy ý kiến, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cả về mặt kĩ thuật lẫn nội dung. Dự thảo Luật hiện có 11 chương, 69 điều, tăng 2 chương và 12 điều so với bản Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022.

Trong đó, dự luật đã bổ sung 1 chương mới về hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Căn cứ chiến lược, quy hoạch về năng lượng, tài nguyên khoáng sản và đề xuất của các tổ chức, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo luật cũng đã quy định chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí; đồng thời tính toán rất nhiều đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt ở khâu điều tra, thăm dò.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu kết luận Hội thảo (ảnh: quochoi.vn)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu kết luận Hội thảo (ảnh: quochoi.vn)

Đặc biệt, về vấn đề phân cấp, phân quyền của các bên liên quan trong hoạt động dầu khí được quy định rõ ràng hơn, minh bạch hơn, gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, đầu mối và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đảm bảo tính khả thi cao.

Khắc phục được tình trạng quy định chung chung, thiếu rõ ràng, phối hợp không hiệu quả và kéo dài thời gian. Trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng, còn lại xác định rõ thẩm quyền ở từng khâu thuộc trách nhiệm của bộ ngành và DN.

Cụ thể, về hợp đồng dầu khí, dự thảo quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ trình Bộ Công thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hợp đồng dầu khí trước khi kí hợp đồng với nhà thầu, khắc phục quy định thiếu rõ ràng, làm chậm trễ và trì hoãn quá trình ra quyết định, mất đi cơ hội kinh doanh và không rõ ràng về mặt trách nhiệm.

Dự thảo luật cũng đã tập trung cải cách thể chế, cải cách trình tự thủ tục, hài hòa với các quy định hiện hành, nhằm thực hiện các dự án dầu khí một cách thuận lợi hơn. Trong đó, quy định rõ quy trình, thủ tục đầu tư dự án dầu khí theo chuỗi, đảm bảo rõ ràng, chi tiết và có thể áp dụng được ngay, khắc phục được những vướng mắc hiện nay trong thực hiện dự án dầu khí cả trên biển lẫn trên đất liền.

Cụ thể, việc khai thác khí đồng hành sẽ liên quan đến việc lắp đặt đường ống trên biển, trên đất liền. Như vậy sẽ liên quan đến các vấn đề về xây dựng, đất đai, môi trường, hiện nay đang gặp phải rất nhiều trở ngại về mặt thể chế, nếu thực hiện tuần tự từng thủ tục sẽ kéo dài thời gian và thậm chí chồng chéo. Vì thế quy định lần này phần nào đã tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục đầu tư. 

 

ảnh minh hoạ: petrovietnam.petrotimes.vn

Các cơ chế khuyến khích đầu tư đầu tư phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên và tận thu mỏ dầu khí được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi lần này thế nào? PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV.

PV. Thưa ông, ông đánh giá thế nào về các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển mỏ dầu khí đã được tiếp thu chỉnh lý trong dự thảo luật sẽ trình Quốc hội ở kỳ họp tới?

Ông Phan Đức Hiếu: Trong quá trình khai thác mỏ dầu khí, có những mỏ đã sắp đến thời hạn kết thúc, tuy nhiên tiềm năng trữ lượng vẫn có thể tiếp tục khai thác, nếu chúng ta có cơ chế về chi phí và lợi ích thì hoàn toàn có thể tiếp tục khai thác. Hay nhà đầu tư muốn đầu tư thêm vào mỏ đó có thể gia tăng trữ lượng và nâng cao hiệu quả.

Tất cả những thực tiễn đó trong Luật Dầu khí hiện hành chưa chế định. Như vậy hiện đang thiếu một cơ chế gia tăng hiệu quả trong hoạt động dầu khí. Trong dự thảo luật lần này đã quy định những nội dung như vậy.

Trong quá trình thảo luận và tham vấn chuyên gia một số nội dung vẫn còn những ý kiến khác nhau. Ví dụ, có nên khai thác tận thu dầu khí hay không, chúng ta cần một cơ chế hoàn toàn khác với việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dầu khí. Có quan điểm cho rằng lợi ích đó phải đáng kể và nên quy định một tiêu chí, cụ thể như chi phí so với lợi ích thì lợi ích phải đạt từ 20% trở lên; cũng có quan điểm khác cho rằng, nếu cố định một tiêu chí thì rất khó để xác định lợi ích cao hơn chi phí là bao nhiêu %.

Đôi khi con số lợi ích ở những trường hợp cụ thể rất khó để tính toán, đo đếm, có thể chỉ 1-2% nhưng quy mô và trữ lượng lớn thì lợi ích lại rất lớn; còn đối với những mỏ nhỏ tuy % lớn nhưng lợi ích lại không phải lớn.

Ngoài những lợi ích về vật chất thì những lợi ích vô hình khác cũng rất quan trọng như công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, cơ hội để phát triển công nghệ, tự chủ xây dựng nền công nghiệp dầu khí. Tôi hoàn toàn nghiêng về quan điểm bài toán chi phí lợi ích dương, tức là lợi ích cao hơn chi phí nên quyết định khai thác tận thu mỏ.  

PV. Thưa ông, những vướng mắc trong hợp đồng dầu khí đã được giải quyết trong dự thảo luật lần này hay chưa?

Ông Phan Đức Hiếu: Dự thảo luật lần này có rất nhiều cơ chế hướng tới việc làm sao để gia tăng được trữ lượng, thông qua việc chúng ta có thêm các mỏ mới và hợp đồng dầu khí mới. Các sửa đổi quan trọng như: tăng cường hoạt động điều tra cơ bản và dự luật đã bổ dung một chương mới, với những nội dung chi tiết, các yêu cầu về hoạt động điều tra cơ bản và cơ chế tài chính cũng như quản lý các mẫu vật thu được trong hoạt động điều tra cơ bản; sửa đổi các cơ chế thu hút đầu tư...

Một nội dung quan trọng nữa là biện pháp ưu đãi mềm, đó là cải cách hành chính, cải cách thể chế, bỏ bớt các hồ sơ, trình tự thủ tục không cần thiết trong hoạt động dầu khí. Quy trình đầu tư hoạt động dầu khí theo chuỗi, có cả trên biển và trên đất liền, hướng đến thủ tục đầu tư hài hòa. Tuy nhiên tôi cho rằng, trong phạm vi một đạo luật rất khó để quy định thật chi tiết các nội dung, một số nội dung sẽ phải chờ ban hành nghị định hướng dẫn.

PV: Xin cảm ơn ông!

ảnh minh hoạ: moit.gov.vn

Các ưu đãi về đầu tư và ủy quyền tham gia quyết định đầu tư đã được quy định thế nào trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi? Phóng viên VOVGT phỏng vấn TS. Phan Minh Quốc Bình, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, các chính sách ưu đãi hiện nay đã đủ mạnh để khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, đặc biệt ở khâu điều tra, thăm dò?

TS. Phan Minh Quốc Bình: Xét về mặt chính sách khuyến khích đầu tư có thể cạnh tranh với quốc gia khác như Malaysia, Indonesia tôi cho rằng cũng nên bổ sung thêm cơ chế để chúng ta có được một khung pháp lý, cơ chế tài chính rõ ràng hơn, giúp cho nhà đầu tư thuận lợi hơn trong công tác quyết định đầu tư.

Hiện nay dự luật của mình đang có khuyến khích đầu tư và đặc biệt đầu tư, trong đó đặc biệt khuyến khích đầu tư với ưu đãi 25%. Tuy nhiên, hợp đồng đó đã được kí và nếu trong quá trình thăm dò khai thác không được như mong muốn, hợp đồng đó chuyển qua dạng mỏ nhỏ, mỏ cận biên hoặc mỏ khó khai thác. Với chính sách ưu đãi đặc biệt đầu tư đó có đủ khuyến khích nhà đầu tư hay không hay lúc đó chúng ta phải áp dụng một cơ chế tài chính khác?

Lấy việc khai thác tận thu được nguồn dầu mỏ mới quan trọng hơn là cơ chế về thuế về phân chia lợi nhuận hay xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tôi nghĩ rằng nếu cụ thể hóa hơn những việc đó cho mỏ nhỏ, mỏ cận biên, tận thu các mỏ mà sản lượng đang cạn kiệt sẽ giúp cho quá trình triển khai hợp đồng thuận lợi hơn.

PV: Việc ủy quyền cho các đơn vị tham gia vào việc quyết định đầu tư đã được quy định rõ trong dự luật này hay chưa?

TS. Phan Minh Quốc Bình: Dự thảo lần này đã xét đến vấn đề ủy quyền cho các đơn vị tham gia quyết định đầu tư, Chính phủ mà cụ thể là Thủ tướng sẽ quyết định khung ban đầu, sau đó tùy thuộc tình hình có thể phân cấp, ủy quyền cho Bộ Công thương xem xét và quyết định các phương án đầu tư.

Nếu được thì nên tiếp tục phân cấp, ủy quyền hơn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể tham gia vào việc quyết định hình thức hợp đồng như Malaysia sẽ giúp cho quá trình ra quyết định nhanh hơn và thuận lợi hơn.

PV: Ông có đề xuất gì thêm vào Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi lần này?

TS. Phan Minh Quốc Bình: Có hai vấn đề tôi quan tâm, thứ nhất xem xét ủy quyền cho Petrovietnam rõ ràng hơn, ngoài vai trò là nhà đầu tư, cần thể hiện vai trò của quản lý nhà nước. Bởi với vai trò là quản lý nhà nước thì tiếng nói sẽ tốt hơn và để xử lý các tình huống phát sinh thuận lợi hơn.

Thứ hai, dù dự thảo lần này đã hoàn thiện cơ bản, tuy nhiên để giải quyết những tồn tại, chẳng han như mỏ nhỏ, mỏ cận biên và các mỏ tận thu thì cũng nên đưa ra các tình huống, phương án, với từng loại mỏ khác nhau, với mỗi phương án đó có một khung cơ chế tài chính thì sẽ đầy đủ hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Để đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí trong bối cảnh các mỏ lớn đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng, cần cân nhắc nhiều hơn các cơ chế, biện pháp khuyến khích đầu tư các mỏ nhỏ, mỏ cận biên và những mỏ ở vùng biển xa. Đặc biệt, cần có các biện pháp bảo hộ đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Bộ Công thương và Petrovietnam.

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.