Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp giữa các bên đối tác, song Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) - đại diện nhà điều hành Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đã và đang có những bước tiến quan trọng trong tổng thể tiến độ của dự án.
Từ tháng 6-2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành nhà điều hành chính thức của Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Chi nhánh của PVN - Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) là đơn vị đại diện nhà điều hành triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các bên PVN, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).
Trong quá trình đàm phán quyết định đầu tư cuối cùng (FID), PVN đã ký thỏa thuận văn kiện đàm phán bổ sung với MOECO, PTTEP để có cơ sở triển khai một số công việc dự án. Các bên sẽ góp chi phí quản lý theo tỷ lệ góp vốn trong BCC, đối với chi phí đầu tư, PVN sẽ ứng trước chi phí cho MOECO và PTTEP, các chi phí này sẽ được các đối tác hoàn trả khi có FID.
Tổng giám đốc SWPOC Đỗ Khang Ninh (phải) nhận Giấy chứng nhận đầu tư từ lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang
Hiện nay, PVN đang cùng các đối tác nước ngoài đàm phán và hoàn thiện FID, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2018. SWPOC cũng đã phối hợp với PVN họp thống nhất với các đối tác tiến độ tổng thể chuỗi dự án khí. Theo đó, dự kiến first gas (đón dòng khí đầu tiên) sẽ diễn ra vào quý IV/2021. Hiện SWPOC đang bám sát tiến độ để báo cáo triển khai các công việc phù hợp với tiến độ của chuỗi dự án này.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù còn gặp một số khó khăn như việc phối hợp các bên chưa chặt chẽ, thời gian phê duyệt các bên còn chậm, song SWPOC đã hoàn thành một số đầu việc quan trọng trong tổng thể tiến độ của dự án như: Phối hợp với nhà thầu Liên danh PVE-SC & LPK hoàn thành công tác khảo sát bờ, biển tuyến ống rẽ nhánh đến trạm GDS Kiên Giang; hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký Hợp đồng Thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) với Liên danh nhà thầu Worley Parson & PVE, dự kiến hoàn thành báo cáo FEED vào tháng 10-2017, hoàn thành việc phê duyệt FEED vào tháng 12-2017…
Trong công tác đánh giá tác động môi trường, SWPOC đã ký hợp đồng với Trung tâm An toàn và Môi trường Dầu khí - Viện Dầu khí. Tháng 3-2017 vừa qua đơn vị đã hoàn thành lấy mẫu tại thực địa và dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo vào tháng 9-2017.
SWPOC đang tiếp tục rà soát tổng thể dự án, tối ưu hóa phương án triển khai nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phi quản lý của dự án. Trong 6 tháng đầu năm, SWPOC đã thực hiện tiết giảm ước khoảng 6,21 tỉ đồng từ chi phí quản lý và chi phí đầu tư. |
Hiện SWPOC cũng đã thông báo phương án tuyến ống mới tiếp bờ tại An Minh - Kiên Giang đến các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đơn vị đang làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để thống nhất thanh, quyết toán chi phí tổ chức đã thực hiện đối với phương án tuyến ống cũ và cùng PVN làm việc với Bộ Tài chính để xin hướng dẫn về thông tư áp dụng đối với thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Bắt đầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đối với phương án tuyến ống mới từ tháng 7-2017.
Thực hiện chỉ đạo Tập đoàn, SWPOC đang tiếp tục rà soát tổng thể dự án, tối ưu hóa phương án triển khai nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phi quản lý của dự án. Trong 6 tháng đầu năm, SWPOC đã thực hiện tiết giảm ước khoảng 6,21 tỉ đồng từ chi phí quản lý và chi phí đầu tư.
SWPOC đã tổ chức đào tạo cho 30 lượt CBCNV, tập trung toàn lực vào việc hoàn thành FEED và các gói thầu trọng điểm năm 2017. Đơn vị đã áp dụng triệt để hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường theo tiêu chuẩn quy định, tăng cường công tác quản trị rủi ro, công tác quản lý giám sát kỹ thuật, giám sát công trường, công tác an toàn sức khỏe môi trường, công tác phòng chống cháy nổ... Đầu tháng 6-2017, tổ chức đào tạo và đánh giá chứng nhận BSI đã thực hiện đánh giá và đang chuẩn bị báo cáo trình cấp chứng chỉ cho hệ thống SEQ của SWPOC.
SWPOC họp bàn với UBND tỉnh Kiên Giang về tiến độ dự án
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm cả năm 2017, SWPOC tiếp tục bám sát các chỉ tiêu kế hoạch đã được Tập đoàn chấp thuận, định kỳ đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, có chỉ đạo kịp thời để đạt được mục tiêu. Song song đó, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn và các bên đối tác để có cơ chế phân cấp, ủy quyền phù hợp, tránh chồng chéo làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu sẽ luôn được giám sát chặt chẽ, cập nhật và báo cáo hằng tuần, hằng tháng với Tập đoàn, để kịp thời kiến nghị xử lý các vướng mắc khó khăn của dự án. Đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh nơi tuyến ống đi qua với các ban chức năng của Tập đoàn và các đối tác nước ngoài trong quá trình triển khai dự án.
SWPOC tăng cường và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể công ty, phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, làm việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ thông tin, các giải pháp phần mềm quản lý, điều hành tiên tiến, xây dựng kế hoạch đào tạo có trọng điểm, tái đào tạo cho CBCNV.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của SWPOC Hiện SWPOC đang huy động toàn lực để bám sát tiến độ của toàn chuỗi dự án. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2017, SWPOC đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tư vấn quản lý dự án và tư vấn cấp chứng chỉ: Hoàn thành xem xét thiết kế FEED; Thiết kế tổng thể và lập dự toán công trình: Hoàn thành phê duyệt thiết kế FEED cập nhật; Hoàn thành 100% thẩm tra thiết kế tổng thể và dự toán công trình; Cập nhật đơn giá, định mức: Hoàn thành và giải ngân 100%; Hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường; Triển khai công tác rà phá bom mìn vật nổ tuyến ống bờ theo tiến độ; Đền bù giải phóng mặt bằng; Thống nhất phương án triển khai hợp đồng EPC, kế hoạch đấu thầu tổng thể dự án; Hoàn thành việc hủy giấy chứng nhận đầu tư tại Cà Mau… |
Nguyên Phương