Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) là trường đại học công lập thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau 6 năm thành lập đã có 124 sinh viên khóa I tốt nghiệp, 100% kỹ sư có việc làm trong và ngoài ngành Dầu khí. Con số ấn tượng này là thước đo rất giá trị đối với một trường đại học mới ra đời. Trong thành công đó không thể không nhắc đến chiếc cầu nối vô hình - Ngày hội hướng nghiệp (Company Day) qua 3 lần (2014, 2015 và 2017) nhà trường tổ chức rất thành công.
Hồi hộp, đợi chờ, hy vọng…
Đó là tâm trạng chung của các em sinh viên PVU, nhất là sinh viên năm thứ 4 và năm thứ 5 tham gia Company Day năm nay. Gặp Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên khóa II (năm thứ 5) chuyên ngành Lọc - Hóa dầu tại tầng 5 Tòa nhà Đại học Dầu khí Việt Nam (TP Bà Rịa) sau khi kết thúc vòng phỏng vấn, vẫn còn rất hồi hộp. Tuấn Anh cho hay, ước mơ ra trường sẽ được làm việc tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo). Có lẽ ước mơ của Tuấn Anh đang dần thành hiện thực khi Company Day 2017 em được Phòng Tổ chức nhân sự Nhà máy Đạm Phú Mỹ phỏng vấn.
TS Phan Minh Quốc Bình và TS Hoàng Hùng trao Kỷ niệm chương cho đại diện các đơn vị tham dự Company Day 2017
Tuấn Anh chân thành chia sẻ: Nhà tuyển dụng tập trung kiểm tra khả năng xử lý tình huống; kiến thức chuyên ngành; đam mê và sở thích… Sau khi phỏng vấn xong các anh, chị còn góp ý về điểm mạnh, điểm yếu và khuyến khích em cần phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tuấn Anh cho rằng mình có thế mạnh trong xử lý tình huống và trong quá trình học có hai lần thực tập tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, mỗi lần 1 tháng. Chính quá trình này giúp Tuấn Anh cũng như các bạn cùng lớp có rất nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế bổ ích. Nhưng Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận ngoại ngữ chỉ ở mức khá và đang cố gắng rèn luyện thêm.
Còn Dương Hoài Nam, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Địa chất - Địa Vật lý Dầu khí được bộ phận nhân sự khu vực Đông Nam Á (Công ty TNHH Dịch vụ Schlumberger) phỏng vấn vòng 1 trước đó một ngày. Ngày 26-5, có 24 sinh viên năm thứ 4 và thứ 5 trải qua vòng kiểm tra năng lực rất căng thẳng hoàn toàn bằng tiếng Anh từ 12h30’ đến 18h30’. Trong đó, nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên nói về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Các câu hỏi thường là: Tại sao em chọn Schlumberger ứng tuyển? Tại sao Schlumberger phải chọn em? Khả năng làm việc nhóm, làm theo yêu cầu, thuyết trình và tính điểm… Hoài Nam hơi buồn vì sau ngày kiểm tra vòng 1 em không nằm trong top 8 sinh viên xuất sắc nhất PVU lọt vào vòng phỏng vấn trực tiếp trong ngày 27-5. Hoài Nam cho rằng, em còn một năm nữa để cải thiện kết quả học tập, đặc biệt là nâng cao năng lực tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác để Company Day lần sau có cơ hội được lựa chọn phỏng vấn bởi Schlumberger. Nam cho biết sẽ không từ bỏ ước mơ được làm việc ở Tập đoàn Schlumberger.
Trong khi đó, sinh viên Lê Văn Ý cũng chuyên ngành Địa chất - Địa Vật lý Dầu khí may mắn hơn, vượt qua vòng 1 và trong ngày 27-5 được Giám đốc Nhân sự Schlumberger Đông Nam Á phỏng vấn trực tiếp. Văn Ý cho hay, các câu hỏi của nhà tuyển dụng xoay quanh gia đình ứng viên; kiến thức chuyên ngành; thời gian sinh viên cảm thấy tuyệt vời nhất và thời gian cảm thấy tồi tệ nhất; các hoạt động tham gia trong quá trình học tại trường; các hoạt động bán thời gian và tại sao sinh viên chọn tham gia các hoạt động này… Văn Ý chưa chắc chắn là đậu hay rớt ở vòng phỏng vấn trực tiếp vì còn chờ thư của nhà tuyển dụng gửi phản hồi. Nhưng qua lần phỏng vấn này, được Giám đốc Nhân sự khu vực Đông Nam Á của Schlumberger phỏng vấn đã cho Văn Ý có thêm kinh nghiệm.
Riêng trong phần phỏng vấn sinh viên PVU của Công ty PVD Logging tôi được phép trực tiếp tham dự. Sinh viên Trương Đoàn Tuấn Kiệt (năm thứ 4 chuyên ngành Địa chất - Địa Vật lý Dầu khí) tuy có chút rụt rè nhưng khi được hỏi về kiến thức chuyên ngành và các đề tài nghiên cứu khoa học từng tham gia Kiệt trả lời rất tốt. Kiệt cũng là sinh viên năng động và có kỹ năng làm việc nhóm rất tốt.
Tất cả hồ sơ xin việc của sinh viên tham gia phỏng vấn được viết bằng tiếng Anh, kết quả học tập của em đều đạt khá - giỏi. Trong bảng điểm các em sinh viên PVU đều có môn “Kiến tập định hướng nghề nghiệp”. Đây là một trong những nội dung được PVU đưa vào chương trình đào tạo và được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao chất lượng sinh viên PVU bên cạnh kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác.
Nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp sinh viên PVU tại Company Day 2015
Trong lần về thăm trường nhân Company Day 2017, kỹ sư Đinh Thiện Sỹ - cựu sinh viên khóa I, hiện đang công tác tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) xúc động chia sẻ với chúng tôi về những trải nghiệm đầu tiên luôn mang lại ấn tượng không thể nào quên, Company Day đầu tiên tổ chức đã để lại trong em những hình ảnh, ký ức vô cùng đẹp. Cũng như các sinh viên tham gia Company Day 2017, Thiện Sỹ và các bạn cùng khóa thời điểm Company Day 2014 cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc hồi hộp, đợi chờ, lo lắng, có hy vọng, có thất vọng… Mặc dù trong quá trình học tại trường, các em đều tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như đi làm thêm, nhưng các kỹ năng mềm, kỹ năng phỏng vấn vẫn hạn chế. Qua lần phỏng vấn ở Company Day 2014 bởi Giám đốc Nhân sự PVEP, Thiện Sỹ thấy thiếu sót khá nhiều và rút ra nhiều bài học bổ ích cho bản thân.
Kỹ sư Thiện Sỹ cùng một số bạn sinh viên khóa I về tham dự lần này cũng nhắn nhủ các em sinh viên khóa sau, hãy nhận thức sâu sắc về những lợi thế khi học tại PVU, lợi ích của Company Day mang lại. Dù sau này làm việc đúng ngành hay trái ngành thì những gì học hỏi trong Company Day phải được ứng dụng linh hoạt, đa dạng. Đúng là không có gì tuyệt vời hơn khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp được đánh giá khách quan năng lực bởi những giám đốc nhân sự có kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết.
Bản thân các thầy cô và sinh viên đều mong muốn các nhà tuyển dụng có bảng đánh giá rõ ràng, chi tiết, khách quan, trao đổi thẳng thắn, trực tiếp, theo kiểu “thuốc đắng dã tật” để các em sắp tốt nghiệp thấy được khả năng của mình ở đâu, cái gì được, cái gì chưa được, còn thiếu kỹ năng gì, cần cải thiện gì và định hướng phương pháp cải thiện điểm yếu… Đó chính là những bài học vô cùng quý giá. Company Day chính là sợi dây vô hình rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp
Nói về Company Day 2017 để nhớ về Company Day lần đầu tiên PVU tổ chức vào năm 2014. Lần thứ nhất tôi có cơ hội tham dự và thực sự khâm phục cách tổ chức chuyên nghiệp và mang tính quốc tế của Nhà trường. Sau biết rằng, hầu hết giảng viên PVU đều tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học lớn trên thế giới. Chính các thầy cô đã mang kiến thức, kinh nghiệm hướng nghiệp theo mô hình các trường đại học trên thế giới về PVU. Việc tổ chức ngày hội hướng nghiệp ở các trường đại học trên thế giới có thể hằng tháng, thậm chí là hằng tuần. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc tổ chức Company Day như PVU chưa phổ biến, bởi để tổ chức như vậy đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian và mối quan hệ của trường đại học với các doanh nghiệp. May mắn là PVU có sẵn lợi thế một trường đại học trong tập đoàn kinh tế lớn nhất nước và mang tầm quốc tế.
Nhà tuyển dụng trao đổi với sinh viên PVU tại ngày hội Company Day lần I-2014
Theo TS Hoàng Hùng, Phó hiệu trưởng PVU thì trong lần đầu tổ chức việc lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện thu hút rất nhiều các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cả các công ty nước ngoài tham dự, vì vậy đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kiên trì của tất cả giảng viên trong trường. Tại Company Day 2014, với điều kiện thuận lợi so với các trường khác cùng đào tạo lĩnh vực dầu khí như Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh… PVU thu hút sự tham gia của đại diện các công ty lớn ở lĩnh vực Upstream, Downstream và mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí: Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Schlumberger, BSR, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PTSC, PV Drilling, PVEP POC, BIENDONG POC, JX NOEX, JVPC…
Lần đó, sau sự kiện, PVU cũng ghi nhận nhiều đóng góp tích cực của các doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp trình bày những điểm khái quát nhất của công ty và đặc biệt là những yêu cầu về tuyển dụng, trong đó có kỹ năng cứng (chuyên môn) là kỹ năng cốt lõi bắt buộc của một kỹ sư (thông thường chiếm tới 50% tỷ trọng đánh giá một ứng viên tham gia phỏng vấn), kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Một điểm đáng chú ý là, tất cả phần trình bày của các công ty (chưa kể các công ty giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh) đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của tiếng Anh trong ngành Dầu khí. Đây là một môi trường quốc tế, năng động và chuyên nghiệp, giỏi tiếng Anh không những giúp sinh viên có thể giao tiếp với người nước ngoài mà còn tiếp thu các kiến thức chuyên ngành về dầu khí, hầu hết được viết bằng tiếng Anh.
Thời điểm sau Company Day 2014, ông Lê Quang Ánh - Trưởng ban Tổ chức Nhân sự và Đào tạo PVEP đánh giá một cách khách quan, mặt bằng chung chất lượng của sinh viên khóa I (thời điểm đó là sinh viên năm thứ 4) còn một số khía cạnh thiếu hụt liên quan đến chuyên môn. Ông Lê Quang Ánh chia sẻ thêm: “Khi các bạn xác định đi theo chuyên ngành nào, chúng ta nên tập trung vào những mảng đó! Tuy nhiên, về kiến thức tổng quát chung thì các em sinh viên vẫn nắm được. Về kỹ năng mềm, ngoại ngữ thì các em thể hiện khá tốt. Đây là một lợi thế rất tốt, các bạn cần phát huy”.
Và 3 năm sau, khi trò chuyện với TS Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU được ông cho biết, tất cả sinh viên khóa I đã tốt nghiệp và 100% có việc làm, trong đó 60% làm đúng chuyên ngành Dầu khí còn 40% làm ngành gần hoặc khác ngành. Điều đó cũng đã minh chứng cho sự nỗ lực vô cùng lớn của ban lãnh đạo, đội ngũ giảng viên và toàn thể sinh viên, nhất là sinh viên khóa I tốt nghiệp đúng vào thời điểm giá dầu đang ở đáy và ngành Dầu khí gặp rất nhiều khó khăn, thử thách
Nếu như thời điểm PVU tổ chức Company Day 2014 giá dầu còn ở đỉnh cao hơn 100USD/thùng, tất cả các công ty dầu khí ở lĩnh vực Upstream, Downstream và dịch vụ kỹ thuật dầu khí làm không hết việc, nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất cao thì cuối năm 2014 giá dầu bắt đầu giảm. Đầu năm 2015, hàng loạt tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới bắt đầu tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự hàng loạt để tránh nguy cơ phá sản. Như nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí lớn nhất thế giới Schlumberger Ltd có thời điểm cắt giảm tổng cộng lên đến 20.000 vị trí. Giống như Schlumberger Ltd thì hàng loạt tập đoàn dầu khí khác trên thế giới cũng cắt giảm nhân sự hàng loạt. Bức tranh ngành Dầu khí ngày càng khó.
Ngành Dầu khí Việt Nam cũng chịu những tác động tương tự, hầu hết các công ty đều phải tiến hành tái cơ cấu, sắp xếp lại các vị trí để trụ vững. Chính bối cảnh ngành Dầu khí quá khó khăn đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các sinh viên đang theo học ngành này, vốn trước đây là ngành rất khó khi thi đầu vào. Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp và không chùng bước trước khó khăn, thử thách PVU đã tổ chức Ngày hội Company lần III thành công hơn mong đợi. Lần này vắng bóng hầu hết các công ty dầu khí ở mảng Upstream, nhưng đa số các công ty mảng Downstream đều tham dự như PVCFC, PVFCCo, BSR; các công ty PVD Training, PVD Logging; rồi Trung tâm Phân tích thí nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt với sự tham gia của Schlumberger, Premier Oil, Honeywell Việt Nam, Rosneft Việt Nam đã phần nào minh chứng nhu cầu nhân sự ngành Dầu khí đã khởi sắc.
Trao đổi ý kiến bên lề ngày hội, ông Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU cho hay, tại Company Day lần III, PVU đã thực hiện khảo sát chất lượng đào tạo và tìm hiểu nhu cầu đào tạo của các đơn vị thông qua việc đánh giá, góp ý, đề xuất của các đơn vị đã tuyển dụng sinh viên khóa I và các đơn vị tham gia sự kiện Company Day 2017 để nhà trường cải thiện, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.
Qua cuộc trò chuyện với TS Phan Minh Quốc Bình tôi chợt nhớ đến lần trò chuyện mới đây với GS.TS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP HCM xoay quanh chuyện hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Giáo sư Thành nhấn mạnh, hiện nay Nhà nước luôn đặt vấn đề các trường phải đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nên chương trình đào tạo phải thay đổi để chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội chứ không chỉ đào tạo những gì có như trước đây. Vì thế bản thân giảng viên ở các khoa, các trường phải năng động, chủ động tìm hiểu và nắm được các doanh nghiệp đang cần gì? Nhu cầu xã hội hiện nay và tương lai ra sao? Nhà trường cần đào tạo gì? Sinh viên ra trường sẽ làm gì?... Đây là những vấn đề rất thực tiễn. Về phía nhà trường rất cần doanh nghiệp để cải tiến, bổ sung trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để sinh viên có nơi kiến tập, khi ra trường có địa chỉ làm việc, dễ xin việc hơn là để các em “tự bơi”.
Không để các em “tự bơi” cũng là phương châm và hành động của đội ngũ giảng viên PVU và kết quả 124 sinh viên khóa I đều có việc làm đã minh chứng cho trách nhiệm trong công tác đào tạo gắn liền với công tác hướng nghiệp của PVU rất thành công, và đây là mô hình rất hay để nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước học tập.
Sau Company Day 2017 tôi có dịp trò chuyện với Hiệu trưởng Phan Minh Quốc Bình, Hiệu phó Hoàng Hùng và Hiệu phó Lê Văn Sỹ về những trăn trở, nỗi lo, cả niềm vui và niềm hy vọng về công việc sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tựu chung ở các thầy đều bật lên niềm hy vọng lớn, trong đó có những ngách công việc ngoài ngành mà PVU đang có nhiều lợi thế. Việc Polytex Fax Eastern, Star Global Expert hay PC Paint tìm đến PVU phỏng vấn tuyển dụng, đề nghị hợp tác nghiên cứu khoa học là những tín hiệu lạc quan. Rồi chuyện PVU bắt nhịp nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sắp tới sẽ làm một số đề tài khoa học tiếp tục là niềm vui, là động lực lớn cho nhà trường.
Từ năm 2012 đến nay, sinh viên PVU giành được 86 giải thưởng: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì toàn đoàn Olympic môn Vật lý năm 2015 và 2016; 2 giải Ba đồng đội môn Tiếng Anh khu vực phía Nam.
Giải cá nhân có 14 giải Nhất, 22 giải Nhì, 27 giải Ba và 13 giải Khuyến khích ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh; 1 giải Khuyến khích Olympic quốc tế Vật lý qua mạng; Giải Nhất Olympic các môn khoa học Mác - Lênin năm 2015 do Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức; Đạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích Hội thi Tay nghề Quốc gia năm 2014 và 2015.
PVU gửi sinh viên đi thực tập tại nước ngoài và du học: Có 27 sinh viên học tiếp đại học ở Nga, Malaysia và Thái Lan; 3 sinh viên xuất sắc được tham gia chương trình thực tập của UOP tại Mỹ kéo dài 8 tuần; 12 sinh viên tốt nghiệp khóa I (năm 2016) được học bổng toàn phần học tiếp tiến sĩ, thạc sĩ ở Australia, Canada và Hàn Quốc.
Thiên Thanh (Petrotimes)