Cận cảnh bức tranh tài chính khả quan của BSR

6 tháng đầu năm 2017, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt 38.652 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.832 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 15% và 266% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích sâu báo cáo tài chính của Công ty cũng chỉ ra nhiều điểm đáng chú ý.

Tính đến cuối quý II/2017, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của BSR đạt 15.179 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản. Lượng tiền lớn cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh giúp BSR đáp ứng nhu cầu trả nợ, bảo đảm khả năng thanh toán, đầu tư mở rộng sản xuất.

Trong cơ cấu tài chính, tỷ lệ nợ vay cũng liên tục giảm xuống do trả dần các khoản nợ gốc vay dài hạn. Nếu như năm 2010, năm BSR tiếp nhận nhà máy, dư nợ vay 41.387 tỷ đồng, thì đến hết quý II/2017, nợ vay chỉ còn 13.555 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc nợ gốc vay dài hạn giảm dần đã làm giảm đáng kể chi phí lãi vay. Cụ thể, năm 2016, tổng lãi vay mà BSR phải trả là 605 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2011. Và trong 6 tháng đầu năm 2017, lãi vay giảm tiếp 18% so với cùng kỳ 2016.


Báo cáo tài chính của BSR cũng cho thấy, qua các năm, tỷ số thanh toán tổng quát và thanh toán hiện hành đều lớn hơn 1, đặc biệt là giai đoạn năm 2015 trở về sau, tỷ số này đều lớn hơn 2. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nhanh đều lớn hơn 0,5 và bắt đầu từ năm 2014, tỷ số này lớn hơn 1 đã chứng tỏ BSR có khả năng thanh toán nằm trong ngưỡng an toàn. Ngoài ra, các chỉ số này cũng có xu hướng tăng qua các năm cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ của BSR ngày càng tốt.

Để có được tốc độ chi trả như vậy, dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR duy trì khá tốt qua các năm. Đồng thời, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, BSR đã áp dụng các giải pháp về tài chính như kết hợp hạn mức tín dụng và tiền gửi kỳ hạn linh hoạt, cân đối dòng tiền thu chi, áp dụng giải pháp điều hành dòng tiền mang lại hiệu quả cao nhất cho BSR, thực hiện các giải pháp để thu xếp ngoại tệ thanh toán kịp thời trong tháng với chi phí thấp và tăng hiệu quả.

Về yếu tố tạo ra sự khởi sắc trong kết quả kinh doanh bán niên, lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2017, Quyết định số 952/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được sửa đổi theo hướng BSR được tự quyết định giá bán sản phẩm thay vì phải điều tiết như trước đây, do đó giá bán sản phẩm của Dung Quất có tính linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn so với trước đây và làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2017.

Song song với nâng cao hiệu quả hoạt động, BSR cũng chú trọng công tác quản lý chi phí và giá thành, đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chi phí từ cách phân loại, phân bổ chi phí, xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh... Cụ thể, hiện BSR đang áp dụng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các đặc điểm của ngành sản xuất đặc thù nhằm tự động tính toán và kiểm soát các chỉ tiêu kỹ thuật, giá trị sản phẩm, chi phí, cũng như hiệu quả sản xuất.

Dự kiến, BSR sẽ tiến hành IPO vào cuối năm 2017.

BSR