Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho miễn thuế xuất khẩu đối với dầu thô khai thác từ mỏ dầu Sông Đốc để tránh làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án trong thời gian tới.
Mỏ Sông Đốc thuộc Hợp đồng PSC Lô 46-02 được ký kết ngày 12-12-2002 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tổ hợp nhà thầu gồm: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Petronas và Talisman. Dự án do Công ty Điều hành chung Trường Sơn JOC điều hành. Trên cơ sở kế hoạch khai thác sớm được Chính phủ phê duyệt năm 2007, Trường Sơn JOC đã đưa mỏ Sông Đốc vào khai thác và cho dòng dầu đầu tiên vào ngày 24-11-2008.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Sông Đốc
Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành khai thác, tổ hợp nhà thầu đánh giá dự án triển khai khó khăn, không mang lại hiệu quả nên đã dừng khai thác và rút khỏi dự án. Nhằm tiếp tục khai thác nguồn dầu khí tại mỏ Sông Đốc, Chính phủ đã giao PVN nghiên cứu tiếp tục triển khai vận hành, khai thác mỏ. Ngày 24-11-2013, PVN đã giao nhiệm vụ cho PVEP tiếp nhận và vận hành mỏ Sông Đốc, nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên, đồng thời mang về nguồn thu cho ngân sách và bảo đảm kế hoạch sản lượng khai thác của ngành Dầu khí.
Ngay sau khi nhận bàn giao vận hành mỏ, PVEP đã khẩn trương triển khai xây dựng mô hình, quy trình phù hợp cũng như bố trí nhân lực, phân công nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn để thực hiện công tác vừa quản lý vừa điều hành dự án được hiệu quả. Ban lãnh đạo cùng tập thể CBCNV PVEP quyết tâm dám nghĩ dám làm, với tiêu chí an toàn luôn được đề cao để duy trì vận hành, khai thác mỏ Sông Đốc, đã đem lại nhiều thành công được Chính phủ, các bộ, ngành và Tập đoàn ghi nhận.
Việc phát động phong trào đóng góp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã mang lại nhiều giải pháp hợp lý hóa sản xuất; góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của hệ thống thiết bị khai thác, giảm giá thành khai thác và tăng hiệu quả kinh tế cho mỏ. Kể từ thời điểm chuyển giao đến nay, mỏ Sông Đốc luôn được PVEP vận hành tuyệt đối an toàn với hiệu suất của hệ thống thiết bị khai thác đạt mức trung bình 99,9%, là một kỳ tích trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi. Công tác quản lý mỏ cũng đã được PVEP thực hiện và giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế sự suy giảm sản lượng.
Mỏ Sông Đốc nằm trong Bể Malay - Thổ Chu, cách mũi Cà Mau khoảng 205km về phía tây nam. Thành công của PVEP trong việc tự vận hành mỏ Sông Đốc còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỏ Sông Đốc cũng thường xuyên hỗ trợ, ứng cứu ngư dân Việt Nam trong trường hợp xảy ra tai nạn gần khu vực mỏ.
Bên cạnh khó khăn về mặt địa lý, mỏ Sông Đốc có trữ lượng còn không nhiều, hàm lượng nước xâm nhập 50-90%. Chính vì thế, việc vận hành và duy trì khai thác hiệu quả dự án này để mang lại lợi ích kinh tế là một vấn đề hết sức khó khăn, thách thức. PVEP cùng PVN đã hết sức trăn trở để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho dự án, khai thác nguồn tài nguyên mà không gây thiệt hại về kinh tế. Theo cơ chế truyền thống, chắc chắn phải dừng khai thác và triển khai việc thu dọn mỏ, vì đã tìm mọi phương cách cắt giảm các dịch vụ phụ trợ, đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ thiết yếu, để hạ giá thành khai thác.
Sau khi cân nhắc kỹ, lãnh đạo PVEP đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương, PVN tạo cơ chế điều hành phi lợi nhuận mỏ Sông Đốc, để khai thác mỏ. Điểm cốt lõi, toàn bộ doanh thu bán dầu thô từ mỏ sẽ được đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước, PVEP chỉ đóng vai trò là người thay mặt Nhà nước vận hành và khai thác dầu khí tại mỏ này, tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm. Đây là cơ chế có tính đặc thù, chỉ dành riêng cho mỏ Sông Đốc, nơi hoàn toàn do người Việt Nam tự điều hành. Từ tháng 4-2016, Chính phủ đã chủ trương giao PVEP khai thác dầu khí, đóng góp thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bằng cơ chế đặc biệt - điều hành phi lợi nhuận theo đề xuất. Chính việc này đã tạo điều kiện để mỏ Sông Đốc tiếp tục duy trì hoạt động, người lao động của PVEP có việc làm, nguồn thu của quốc gia được đảm bảo.
Trong quý III/2017, hoạt động khai thác dầu thô tại mỏ Sông Đốc đạt 164.300 thùng, doanh thu đạt trên 187 tỉ đồng, dòng tiền dự án dương (thu vào) khoảng 16,6 tỉ đồng. Dự kiến trong quý IV/2017, mỏ Sông Đốc sẽ khai thác khoảng 154.860 thùng, sau khi nộp thuế tài nguyên (7%), thuế xuất khẩu dầu thô (10%), dòng tiền dự án trong quý IV là khoảng gần 500 triệu đồng. Nếu được miễn thuế xuất khẩu dầu thô (10%) dòng tiền thu vào dự án 12,8 tỉ đồng.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, nếu tiếp tục thu thuế xuất khẩu dầu thô, trong quý I/2018, dự án sẽ âm khoảng 6 tỉ đồng. Trường hợp được miễn thuế, dòng tiền thu vào dự án sẽ là 10 tỉ đồng. Đặc biệt, vì mỏ Sông Đốc được giao PVEP điều hành với cơ chế phi lợi nhuận nên nếu dòng tiền âm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách quốc gia. Chính vì vậy, để duy trì khai thác mỏ Sông Đốc sau ngày 31-12-2017, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế xuất khẩu dầu thô nhằm đảm bảo dự án có dòng tiền lãi. Trường hợp nếu dự án được miễn thuế xuất khẩu, PVN đánh giá dự án có dòng tiền dương đến hết quý II/2018, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 34,2 tỉ đồng.
Việc miễn thuế xuất khẩu dầu thô đối với mỏ Sông Đốc sẽ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tài nguyên quốc gia không bị lãng phí, tạo việc làm cho lao động ngành Dầu khí.
H.A