Vừa qua, tại TP Bà Rịa, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) phối hợp với Học viện Mỏ và Công nghệ New Mexico (NMT, Mỹ) tổ chức Nói chuyện chuyên đề cho sinh viên với nội dung “Geomechanical challenges during geological CO2 storage & Southwest Regional Partnership on Carbon Sequestration”.
Tham dự buổi nói chuyện về phía NMT có TS Robert Balch - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thu hồi dầu khí (PRRC) và TS Jihoon Wang - Giảng viên tại Đại học Hanyang, Hàn Quốc.
Quang cảnh chung của buổi nói chuyện |
Về phía PVU, có sự tham dự của TS Lê Quốc Phong - Phó Hiệu trưởng; TS Bùi Thanh Bình - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Dầu khí; TS Trương Thanh Tuấn - Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng ĐN&KHCN; ThS Ngô Thu Kiều - Phó trưởng phòng Đào tạo; cùng các giảng viên và đông đảo các sinh viên.
GS Robert Balch giới thiệu tổng quan về dự án Southwest Partnership và các kiến thức liên quan đến CO2 |
Tại buổi nói chuyện, GS Robert Balch đến từ Viện công nghệ mỏ New Mexico đã giới thiệu tổng quan về dự án Southwest Partnership nhằm thu gom và chôn vùi và tàng chứa CO2 tại các vỉa dầu khí nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu. Đây là một dự án nghiên cứu và thực nghiệm có quy mô rất lớn được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ hơn 1 tỷ đô la. Trong phần trình bày TS Balch đã đi sâu vào những thành công trong bơm ép CO2 tăng cường hệ số thu hồi dầu tại Farnsworth, Texas. GS Balch đã trình bày các kinh nghiệm trong việc đánh giá thành hệ, xây dựng mô hình địa chất, các thí nghiệm có liên quan, mô phỏng bơm ép CO2 và các công nghệ dự báo sự dịch chuyển của CO2 trong quá trình bơm ép cũng như đánh giá các tác động môi trường và các đánh giá rủi ro về cả kinh tế kỹ thuật và môi trường của dự án. Trong đó TS Balch nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các chính sách vĩ mô cũng như sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ tới sự thành công của dự án. Phần trình bày của TS Balch không chỉ cung cấp những kinh nghiệm quý giá về bài học thành công khi sử dụng CO2 trong thu hồi dầu tăng cường mà còn cung cấp cho sinh viên và giảng viên những kiến thức quý báu về tình hình sử dụng CO2 trong thu hồi dầu tăng cường tại Hoa Kỳ cũng những triển vọng áp dụng trên thế giới và tại Việt Nam.
TS Jihoon Wang trình bày nội dung về địa cơ học trong việc bơm ép chôn vùi CO2 |
Cũng trong buổi nói chuyện, TS Jihoon Wang - Giảng viên tại Đại học Hanyang, Hàn Quốc đã tóm tắt những thách thức về địa cơ học trong việc bơm ép chôn vùi CO2 tại các đối tượng chứa có chiều sâu không lớn. Trong đó TS Wang nhấn mạnh vào bốn khía cạnh đó là sự thông tầng trong quá trình bơm ép dẫn tới CO2 có thể gây ô nhiễm các tầng chứa ngầm, hoặc các tai biến địa chất như động đất có thể phát sinh trong quá trình bơm ép, sự mất ổn định của lớp đá chắn và sự mất ổn định thành giếng trong quá trình bơm ép. Ở mỗi thách thức, TS Wang đã cho những ví dụ cụ thể cũng như giới thiệu các tính toán, mô phỏng và các kết quả nghiên cứu đã đạt được giúp người nghe có được những cái nhìn kỹ thuật về vấn đề.
Sinh viên PVU tham gia trao đổi sôi nổi với các chuyên gia |
Buổi nói chuyện diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút sự lắng nghe, tìm hiểu sâu cũng như sự quan tâm của các sinh viên. Việc trao đổi, đặt câu hỏi với các chuyên gia sẽ giúp ích cho sinh viên trong việc rèn luyện tiếng Anh cùng như bổ sung những kiến thức bổ ích để tiếp tục theo đuổi đam mê trong lĩnh vực mình đã chọn.
TS Lê Quốc Phong tặng hoa cảm ơn các chuyên gia |
Thầy trò PVU chụp hình lưu niệm với các chuyên gia tại buổi nói chuyện |
Thay mặt lãnh đạo nhà trường, TS Lê Quốc Phong - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời cảm ơn các chuyên gia và mong rằng thời gian sắp tới các chuyên gia cũng như NMT sẽ dành nhiều thời gian hơn để có thể chia sẻ thêm nhiều kiến thức bổ ích với sinh viên PVU.
An Nhiên