Trong 2 ngày 23-24/11 tại Hà Nội, Hội Cơ học đá Việt Nam (VSRM) phối hợp với Hội Cơ học đá và Công trình đá quốc tế (ISRM) và Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế Cơ học đá châu Á lần thứ 12 (ARMS12) với chủ đề “Cơ học đá và công trình – Những vấn đề đương đại”.
Tham dự hội nghị có PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); GS. Reşat Ulusay - Chủ tịch Hội Cơ học đá Thế giới (ISRM); TS. Suseno Kramadibrata - Phó Chủ tịch hội ISRM, phụ trách khu vực châu Á; GS. Sergio A. B. Fontoura – nguyên Phó Chủ tịch hội ISRM, phụ trách khu vực Mỹ La tinh; TS. Mahendra Singh - Chủ tịch Hội Cơ học đá Ấn Độ; TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU); Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tại hội nghị |
Chủ đề của Hội nghị là “Cơ học đá và công trình – Những vấn đề đương đại”, các vấn đề trình bày liên quan đến sự ổn định công trình trong các lĩnh vực Thủy điện, Giao thông, Mỏ, Tai biến địa chất và đặc biệt là Khai thác Dầu khí… Hội nghị có sự tham dự của Ban lãnh đạo Hội Cơ học đá và Công trình quốc tế (ISRM); các học giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học đá và Công trình từ các nước: Mỹ, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Brazil, Mông Cổ… Đây là dịp thuận lợi để các nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ học đá cũng như định hướng nghiên cứu các vấn đề Cơ học đá đương đại phục vụ phát triển đất nước.
Hội nghị Khoa học quốc tế “Cơ học đá và công trình – Những vấn đề đương đại” năm 2022 là bước phát triển tiếp nối truyền thống thường xuyên, liên tục của Hội Cơ học đá Việt Nam kể từ lần Hội thảo khoa học đầu tiên năm 1984 đến nay. Tại ARMS12, Ban Tổ chức đã nhận được gần 150 bài báo từ rất nhiều các nhà nghiên cứu trên thế giới và đã chọn ra 20 báo cáo xuất sắc nhất để trình bày tại hội nghị và 35 bài báo được đăng tại kỷ yếu của hội nghị.
GS. Reşat Ulusay - Chủ tịch hội cơ học đá thế giới phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, GS. Reşat Ulusay - Chủ tịch Hội Cơ học đá Thế giới (ISRM) đã thay mặt cho ISRM chào đón các nhà khoa học tới tham dự hội thảo. GS. Reşat Ulusay bày tỏ niềm vui được cùng với PVU và VSRM tổ chức hội thảo quan trọng này tại Hà Nội; đồng thời tin rằng, hội nghị với các chuyên đề thú vị sẽ tạo cơ hội quý giá cho các học giả, nhà khoa học nghiên cứu, chuyên gia trong ngành trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về cơ khí đá và kỹ thuật đá để cùng nhau phát triển bền vững lĩnh vực này tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung.
PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo VUSTA, PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã giới thiệu sơ lược về VUSTA, chào mừng các diễn giả và các đại biểu đã đến tham dự hội thảo; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ học đá trong phát triển kinh tế- xã hội cũng như đóng góp cho sự phát triển của nên khoa học kỹ thuật nhân loại. PGS.TS Phạm Quang Thao biểu dương PVU, VSRM cùng với ISRM và đã làm tốt công tác tổ chức cho hội nghị.
Thay mặt PVU, đơn vị đồng tổ chức hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng PVU vui mừng chia sẻ: Hội nghị Khoa học quốc tế “Cơ học đá và công trình - Các vấn đề đương đại” nhằm tạo ra một diễn đàn hữu ích để giao lưu, trao đổi, học hỏi các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ học đá cũng như định hướng các vấn đề cơ học đá đương đại phục vụ phát triển đất nước. Chúng tôi mong rằng những công nghệ nổi trội và những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học sẽ được phổ biến xuyên suốt hội nghị.
TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng PVU phát biểu tại hội nghị |
TS. Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: "Tôi tin rằng hội nghị sẽ là một sự kiện sẽ mang lại những giá trị tốt nhất cho tất cả mọi người tham gia mang tính chuyên môn, kết quả nghiên cứu có giá trị, ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời, hội nghị cũng mang lại những ý tưởng mới và kinh nghiệm thực tiễn, để thiết lập quan hệ hợp tác, nghiên cứu và tìm kiếm những đối tác trong nước và quốc tế cho hướng hợp tác tương lai.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất vui mừng khi được giới thiệu đến các đại biểu hiểu thêm về PVU với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học, đào tạo với ứng dụng thực tiễn sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí. PVU là trường đơn vị đứng đầu cả nước về đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có cơ học đá; là đơn vị đào tạo duy nhất tại Việt Nam có các chương trình đào tạo đạt chuẩn Hội đồng Kiểm định các chương trình đào tạo Kỹ thuật - Công nghệ Hoa Kỳ (ABET). Đồng thời PVU cũng có tiêu chuẩn tuyển sinh khắt khe, nên luôn là trường có điểm đầu vào cao về lĩnh vực dầu khí. Hơn nữa môi trường làm việc và học tập tại PVU là một môi trường năng động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Toàn cảnh hội nghị |
Trong khuôn khổ hội nghị, tại phiên tổng thể, các đại biểu nghe các báo cáo khoa học, tập trung trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng mới nhất trong một số lĩnh vực được ưu tiên của đá; ứng dựng của Cơ học đá từ khai thác dầu khí, khai thác than, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, dân dụng tới phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và nghe các báo cáo tiêu biểu: "So sánh các mô hình phát triển khe nứt áp dụng cho tầng Oligocen tại mỏ Bạch Hổ” do ThS Nguyễn Hữu Trường – Giảng viên Khoa Dầu khí (PVU) trình bày; “Sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán tốc độ cơ học khoan các giếng dầu khí” do TS. Đỗ Quang Khánh - Trưởng Bộ môn Khoan - Khai thác (PVU) trình bày; và tham luận “Đề xuất các phương pháp thu hồi dầu tăng cường cho tầng Miocene dưới mỏ Bạch Hổ" do ThS. Lương Hải Linh - Giảng viên Khoa Dầu khí (PVU) trình bày.
Các nhà nghiên cứu tại PVU thăm các gian hàng tại hội nghị |
Chia sẻ tại hội nghị, TS. Bùi Thanh Bình - Trưởng khoa Dầu Khí (PVU) đã đánh giá cao công tác tổ chức của hội thảo và khẳng định những đóng góp quan trọng của các giảng viên khoa Dầu khí (PVU) đã góp phần vào thành công hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh giá trị của các công trình khoa học mà các nhà nghiên cứu PVU đem đến tại hội thảo lần này; đồng thời khẳng định hướng đi đúng đắn trong đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại PVU. Được biết, tính từ đầu năm 2022 tới nay khoa Dầu Khí đã có gần 40 bài báo khoa học được trình bày tại các hội thảo quốc tế và đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín thế giới. Đây là những cố gắng rất đáng ghi nhận của khoa Dầu Khí nói riêng và của PVU nói chung, góp phần vào các hoạt động khoa học công nghệ của Tập đoàn.
TS. Bùi Thanh Bình cũng bày tỏ cảm ơn tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các lãnh đạo PVU đã tạo những điều kiện tốt nhất cho các giảng viên trong nghiên cứu khoa học cũng như có dịp giới thiệu các nghiên cứu của PVU tới bè bạn thế giới, các bài trình bày của PVU được các nhà khoa học thế giới đánh giá cao, mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác quốc tế. TS. Bùi Thanh Bình cho biết thêm, nhiều nhà khoa học tham dự hội nghị đã bày tỏ mong muốn được tới thăm và có cơ hội hợp tác với PVU trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.