Giới thiệu trang web hữu ích cho Sinh viên kỹ thuật địa chất của PVU

Sau khi kết thúc chương trình PTTH và trở thành tân sinh viên, các em không chỉ bước lên một nấc thang cao hơn trong hành trình trang bị kiến thức của mình, mà đó còn là cánh cửa quan trọng đòi hỏi các em cần có sự lựa chọn và quyết định hướng đi và lĩnh vực mình sẽ gắn bó và phát triển trong tương lai. Để có thêm những thông tin hữu ích cho các sinh viên khối Upstream, đặc biệt là ngành Kỹ thuật Địa chất của Trường, bài viết sau đây (trong loạt bài viết định hướng và phổ biến kiến thức chuyên ngành) giới thiệu cho các em một địa chỉ hữu ích dành cho sự khám phá kiến thức và trang bị hành trang giúp các em học tốt hơn, nhanh hơn và hội nhập hơn.

Địa chất (Geology) là một ngành khoa học thuộc khối Khoa học trái đất (Geosciences), có rất nhiều khái niệm về Địa chất nhưng có thể hiểu một cách khái quát như sau: Địa chất là một ngành khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử, cấu trúc và sự vận động của Trái đất.

Nhìn chung, khái niệm về Địa chất ở Việt Nam còn khá xa lạ với nhiều người; trong khi đó, ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada,… sinh viên không thuộc chuyên ngành Địa chất cũng có những am hiểu nhất định về Trái đất. Thậm chí, chúng ta có thể nghe thấy trẻ em ở Mỹ bàn luận sôi nổi với nhau về Thuyết trôi dạt lục địa, Kỷ băng hà, Kỷ than đá…, các em nhỏ biết rằng Trái đất xưa kia không phải có hình dạng như ngày nay. Bạn cũng có thể tìm thấy trên internet những trang website về địa chất dành cho trẻ em như http://www.kidsgeo.com/geology-for-kids/. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thực tế này nhưng có lẽ một trong những lý do khách quan đáng chú ý có thể do Việt Nam là một đất nước khá yên bình, không có nhiều tai biến địa chất diễn ra như động đất, núi lửa, sóng thần,…

Tuy nhiên, đối với sinh viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (Trường, PVU) thì các kiến thức về Địa chất rất quan trọng, chúng là hành trang không thể thiếu trong lĩnh vực"Thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí".  Những kiến thức này các em sẽ được trang bị khi theo học chương trình đào tạo chính quy của PVU – một chương trình được thiết kế dựa trên sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho PVN, xây dựng Trường trở thành cơ sở đào tạo các chuyên ngành Dầu khí tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đáng chú ý, chương trình đào tạo của Trường được xây dựng trên cơ sở tư vấn tổng thể của Hiệp hội giáo dục quốc tế bang Texas, Hoa Kỳ (TIEC) và các khối kiến thức được đánh giá phù hợp với các tiêu chuẩn của ABET. Tuy vậy, sinh viên cũng cần chủ động hơn trong việc học tập của bản thân bằng cách tự tìm đọc các tài liệu liên quan để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, các em có thể dễ dàng tìm đọc các tài liệu điện tử như e-book, e-jounal, e-article và rất nhiều website chuyên ngành khác. Trong khuân khổ bài viết này, tôi xin giới thiệu một "geo-web" để các em tham khảo, đó là http://geology.com/. Trên website này, nội dung được nhóm vào thành các categories một cách logic, dễ theo dõi, nằm ở cột bên trái của web, gồm Astronomy, Climate Change, Energy, Historical Geology, Plate Tectonic, Earthquake, Oil and Gas, Map,… Tại đây người đọc có thể tìm hiểu những kiến thức địa chất cơ bản như Historical Geology (Địa sử), các loại đá cơ bản gồm Igneous Rocks (đá magma), Metamorphic Rocks (Đá biến chất) và Sedimentary Rocks (đá trầm tích), Plate Tectonic (Kiến tạo mảng). Đặc biệt những nội dung liên quan đến sự hình thành và phát triển Trái đất, các hoạt động kiến tạo cũng như quá trình lắng đọng trầm tích có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu cơ chế hình thành bể trầm tích, cấu trúc bể và đặc điểm trầm tích của bể; đây là tiền đề quan trọng cho việc đánh giá tiềm năng dầu khí. Liên quan trực tiếp đến Dầu khí có mục Energy (trong đó có các kiến thức về năng lượng hóa thạch và các dạng năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo được) và Oil and Gas (gồm có các nội dung cơ bản như LNG là gì, nghiên cứu đánh giá trữ lượng dầu trong đá phiến sét,… cho đến tình hình khai thác dầu khí ở các mỏ trên thế giới và các tin tức mới nhất về việc thăm dò dầu khí ở Bắc Cực).

Ngoài ra, người đọc cũng có thể tìm đọc về các tai biến địa chất (Geological Hazards) như động đất (Earthquake), trượt đất (Landslide), sóng thần (Tsunami), núi lửa (Volcanoes) và vấn đề nóng thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học mà cả các doanh nhân cũng như các chính trị gia trên toàn thế giới, đó là Biến đổi khí hậu (Climate Change). Không kém phần thú vị, người đọc có thể vừa tìm hiểu về sự thành tạo vừa được ngắm nhìn các loại đá quý trong phần Gemstones, Diamond, Minerals, Gold.

Để hỗ trợ người đọc hiểu rõ hơn về các thuật ngữ chuyên ngành Địa chất, website này cũng cung cấp mục "Geology and Earth Science terms and definitions" (http://geology.com/geology-dictionary.shtml). Ngoài ra, website còn đưa ra hơn 10 đường link khác có từ điển địa chất để tham khảo, đáng chú ý hơn cả là "Oilfield Glossary" của Schlumberger (http://www.glossary.oilfield.slb.com/).

Thông qua những giới thiệu khái quát trên, tôi hy vọng đây sẽ là kho tài liệu quý để các em khai phá!

Th.S Phạm Bảo Ngọc
CBGD Khoa Dầu khí