Trường ĐHDKVN (PVU) được thành lập với sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Ngành Dầu khí, với mục tiêu trở thành một trường đại học kỹ thuật có uy tín trong khu vực và hướng đến đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành dầu khí. Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và phù hợp với yêu cầu đào tạo trong nước, việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao và kỹ năng giảng dạy chuyên nghiệp là một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo mục tiêu chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu của Trường. Trong giai đoạn đầu thành lập 2011-2015, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường đạt 100% có trình độ sau đại học với tiêu chí tuyển dụng cán bộ giảng dạy yêu cầu ứng viên phải có trình độ từ Thạc sỹ trở lên, ưu tiên tuyển dụng các ứng viên có trình độ tiến sỹ. Sau khi được tiếp nhận, các cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sỹ được cử đi đào tạo tiến sỹ ở các nước phát triển để đạt tiêu chuẩn cán bộ giảng dạy của Trường (có trình độ từ tiến sỹ trở lên). Việc tìm các nguồn học bổng đào tạo tiến sỹ ở các nước phát triển được nhiều cán bộ giảng dạy của PVU quan tâm và ưu tiên lựa chọn vì các lý do cơ bản sau:
- Linh hoạt trong việc chọn cơ sở đào tạo (do cán bộ giảng dạy của Trường chỉ được cấp học bổng đào tạo tại Mỹ);
- Giảm áp lực về ký quỹ tài chính đi học nước ngoài áp dụng đối với cán bộ giảng dạy của Trường khi nhận hỗ trợ tài chính từ Tập đoàn;
- Tăng cơ hội tham gia network của các nguồn học bổng;
- Giảm gánh nặng tài chính cho quốc gia trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được những mục tiêu đào tạo.
Tất cả các thông tin về các học bổng này đều có trên Internet, bằng tiếng Anh, tiếng Việt hay các thứ tiếng khác. Vì vậy, trong bài viết của mình, tôi sẽ không cố gắng dịch hay nhắc lại tất cả mọi vấn đề, mà chỉ nêu ra những điểm đáng chú ý, những nội dung quan trọng và cần thiết nhất. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ giới thiệu học bổng do Liên minh Châu Âu tài trợ hay còn gọi là học bổng Erasmus Mundus (EM).
Bài viết ngắn gọn này sẽ giúp các bạn lên kế hoạch và chuẩn bị những yếu tố cần thiết, trong đó quan trọng nhất là hoàn thành bộ hồ sơ ở chất lượng tốt nhất. Nếu các bạn muốn có thêm thông tin, hãy vào trang web chính thức của các chương trình này để tìm hiểu thêm.
1. Giới thiệu chung về học bổng Erasmus Mundus
Học bổng này được đặt theo tên của một học giả về nhân văn học và thần học người Hà Lan, Desiderious Erasmus Rotterdamus, người đã từng theo học ở hầu hết các trường dòng nổi tiếng ở châu Âu. "Mundus" trong tiếng La Tinh nghĩa là "Thế giới" để chỉ quy mô toàn cầu của chương trình.
Học bổng EM được liên minh Châu Âu EC lập ra với mục đích tăng cường chất lượng giáo dục sau đại học và hợp tác trong lĩnh vực học thuật giữa Châu Âu và thế giới.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là nâng cao chất lượng giáo dục cao học và thúc đẩy sự hiểu biết liên các nền văn hoá thông qua hợp tác với các nước ngoài châu Âu – các nước thứ ba (third countries). Từ đó, một mục tiêu cao hơn nhằm phát triển các khoá học sau đại học chất lượng cao, trong đó tạo điền kiện cho sinh viên và học giả ngoài châu Âu tham gia vào các chương trình đào tạo sau đại học tại các cơ sở giáo dục của châu Âu, cũng như khuyến khích các sinh viên và học giả châu Âu đi ra các nước ngoài châu ÂU để học tập và trao đổi.
Học bổng EM đã hoàn thành giai đoạn 1 (2004 – 2008) và hiện nay đang ở trong giai đoạn 2 (2009 – 2013). Giai đoạn 2 bao gồm các action chính như sau:
- Action 1: chương trinh đào tạo liên kết EM bậc thạc sỹ (action 1A) và bậc tiến sỹ (action 1B)
- Action 2: chương trình đối tác EM giữa các trường, tổ chức giáo dục ở Châu Âu và các nước khác, bao gồm học bổng ở tất cả các bậc học.
- Action 3: tăng cường giáo dục sau đại học ở Châu Âu thông qua các dự án để tăng tính thu hút của các tổ chức giáo dục ở Châu Âu.
Do mục đích và giới hạn của bài viết, tôi chỉ tập trung vào Action 2, là action mà tôi đã nộp hồ sơ thành công và được học bổng làm nghiên cứu sinh.
Action 2 của học bổng EM được chia ra thành các dự án (theo các khu vực địa lý) với một trường đại học ở Châu Âu làm điều phối viên của dự án. Có thể tham khảo các dựa án của action 2 ở đây.
Điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển
- Phải mang quốc tịch của các nước nằm trong chương trình của dự án.
- Không cư trú hoặc không làm việc, học tập … hơn 12 tháng trong vòng 5 năm trở lại đây tại bất kỳ 27 nước thành viên nào của EU, các nước EEA/EFTA và các nước sắp gia nhập EU.
- Không nhận học bổng nào tương tự của EM
- Các điều kiện cụ thể do từng dự án quy định (về bằng cấp và ngành học liên quan, về trình độ ngoại ngữ…).
Cách thức tham gia dự tuyển
Trước hết, các bạn hãy vào website của từng dự án để chọn cho mình một khoá học phù hợp, với ngành mình đã học cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai. Các trường đại học tham gia dự án sẽ có một danh sách các khóa học Tiến sỹ với ngành học tương ứng. Bạn vào đường link sẽ có thông tin yêu cầu cho mỗi khóa học đó (thời gian học, yêu cầu về bằng cấp, yêu cầu về ngôn ngữ,….). Trường đại học mà bạn nộp hồ sơ sẽ đánh giá xem bạn có đáp ứng các yêu cầu của họ hay không. Sau đó họ sẽ gửi danh sách các ứng viên của trường họ cho consortium và sẽ đánh giá, chọn lựa lại một lần cuối cùng danh sách các ứng viên cấp học bổng rồi nộp cho Education Audiovisual and Culture Executive Agency (CEACEA) của EC để thông qua về mặt nhân sự và tài chính. Lúc đó, những người trong danh sách được thông qua chính thức (main list) được nhận học bổng EM.
Các ngành học bao gồm:
- Khoa học nông nghiệp
- Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Vùng
- Kinh Doanh và Khoa học Quản lý
- Sư phạm
- Kỹ thuật và công nghệ
- Địa chất
- Luật
- Khoa học Xã hội
- Khoa học Tự nhiên
- Y và Dược.
Số lượng hồ sơ vào một khoá học hàng năm rất đông. Không có phỏng vấn trừ trường hợp đặc biệt. Vì vậy, cần phải chứng tỏ trong bạn là một ứng cử viên nặng ký và ưu việt hơn những thí sinh khác trong hồ sơ của mình.
Lưu ý rằng, khi nhận được học bổng EM, bạn nghiễm nhiên được được bảo hiểm bởi chương trình bảo hiểm của EM (Erasmus Mundus Insurance Scheme). Bạn không phải đóng thêm một khoản phí nào, nhưng được bảo hiểm trong thời gian trước thời gian nhập học chính thức 15 ngày và sau khi kết thúc khoá học 3 tháng. Với sinh viên EM, các thủ tục về thị thực cũng được ưu tiên.
Một số lưu ý về thời gian
Thường vào tháng 11, 12, các dự án bắt đầu mở để cho các ứng viên nộp hồ sơ. Hạn cuối cùng cho việc nộp hồ sơ tuỳ theo chương trình nhưng vào khoảng cuối tháng 2 hoặc cuối tháng 3 hàng năm. Các bạn nên vào trang web chính thức của từng dự án để biết lịch cụ thể.
2. Chuẩn bị hồ sơ cho học bổng EM
Các giấy tờ sau đây là cần có khi nộp hồ sơ cho bậc học Tiến sỹ của học bổng EM Action 2. Vì quá trình nộp hồ sơ cho học bổng EM là online nên các giấy tờ cần phải chuẩn bị ở dạng file ảnh jpg hoặc file PDF.
+ Hộ chiếu hoặc chứng minh thư nhân dân (tốt nhất là hộ chiếu vì có tiếng Anh và tiếng Việt).
+ CV theo form chuẩn Euro
+ Chứng chỉ ngoại ngữ
+ Bài luận (motivation letter): trình bày về các lý do theo học chương trình EM và trường mình chọn, các kỹ năng đặc biệt, hướng nghiên cứu học thuật và đưa ra cam kết trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học. Bài luận của tôi tập trung vào niềm đam mê về hóa học (là ngành mà tôi nộp hồ sơ) từ lúc còn học phổ thông cho đến bây giờ. Tôi nhấn mạnh điều đó trong suốt bài luận và tin rằng học bổng EM với môi trường học thuật tiên tiến và hiện đại ở Châu Âu sẽ giúp tôi hoàn thành niềm đam mê đó và phát triển hơn nữa công tác chuyên môn của tôi sau này (là cán bộ giảng dạy ngành kỹ thuật hóa học của PVU). Các bạn có thể tải bài luận của tôi tại đây. Một lưu ý nữa là yêu cầu của EM là bài luận không quá một trang nhưng có thể viết hơn một chút, gần hai trang cũng được.
+ Bằng và bảng điểm đại học, cao học: công chứng dịch thuật sang tiếng Anh (đối với trường hợp chỉ có tiếng Việt).
+ Thư giới thiệu: có thể cần 01 hoặc 02 thư giới thiệu từ các giáo sư đã trực tiếp hướng dẫn mình làm luận văn tốt nghiệp đại học hoặc cao học hoặc là cán bộ quản lý trực tiếp ở nơi bạn đang làm việc. Nếu mà bạn có thư giới thiệu từ các giáo sư trong cùng lĩnh vực của mình hiện đang làm việc ở các nước Châu Âu hoặc Mỹ, Canada thì sẽ được đánh giá cao hơn. Tôi chỉ nộp một thư giới thiệu duy nhất do một người bạn của tôi là tiến sỹ Hóa học người Hoa Kỳ viết.
+ Đề cương nghiên cứu (workplan proposal): viết về những hoạt động nghiên cứu của bạn trong thời gian học tập theo học bổng EM. Bạn phải tự liên hệ với giáo sư hướng dẫn ở trường mình định theo học, hỏi xem giáo sư có nhận hướng dẫn sinh viên hay không hoặc là trong các dự án nghiên cứu của giáo sư đó còn chỗ trống để minh tham gia vào. Bạn vào thẳng website của các khoa rồi xem hồ sơ của giáo sư để xem những người nào có hướng nghiên cứu hay các dự án phù hợp với mình. Đề cương nghiên cứu nộp cho học bổng EM phải được chính giáo sư đó ký và bạn ký tên thì mới hợp lệ. Nội dung của đề cương phải được sự đồng ý của giáo sư.
3. Nhận học bổng và làm thủ tục
Sau khi hết hạn nộp hồ sơ (theo dự án AREAS của tôi là ngày 31/01/2012), consortium sẽ đánh giá hồ sơ của bạn theo các tiêu chí như sau:
- Khả năng học thuật (bằng cấp, bảng điểm, đề cương nghiên cứu…)
- Khả năng ngoại ngữ
- Bài luận
- Thư giới thiệu
- Cân bằng giới tính
Kết quả học bổng sẽ được thông báo trong vòng 03 tháng kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ. Bạn sẽ nhận được thông báo bằng email là được cấp học bổng, không được cấp học bổng hay là vào danh sách dự phòng reserve list (trong trường hợp những người được nhận học bổng từ chối thì những ứng cử viên trong danh sách này sẽ thay thế).
Điều phối viên (coordinator) của dự án sẽ gửi email thông báo trúng học bổng kèm theo file mềm "Scholarship offer" ghi rõ thời gian học, sinh hoạt phí và vấn đề khác cũng như yêu cầu bạn trả lời ngay là đã nhận được email đó, đồng thời yêu cầu bạn ghi rõ trong file offer là chấp nhận hay không chấp nhận học bổng, ký tên và scan bản đó gửi lại bẳng email trong vòng 10 ngày.
Sau đó, trường mà bạn sẽ nhập học theo học bổng EM chịu trách nhiệm liên lạc với bạn để hướng dẫn các thủ tục nhập học cũng như các thông tin liên quan đến cuộc sống: tìm nhà, thủ tục đưa gia đình sang cùng, đặt vé máy bay…
4. Cảm nhận về học bổng EM
Tôi nhận được email thông báo học bổng vào buổi tối thứ 06, ngày 06/04/2012. Tôi không thể diễn tả được niềm vui của tôi lúc đó vì đó là một điều rất bất ngờ vì không bao giờ tôi nghĩ là có thể nhận được học bổng này. Tôi tình cờ biết được thông tin về học bổng này qua PGS. TS Lê Thị Minh Nghĩa – Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản. Cô gửi cho tôi thông tin cơ bản về học bổng và đường link đến website của dự án AREAS để tôi có thể tham khảo về một chương trình học sau đại học. Sau đó, tôi đăng ký một tài khoản ở website của dự án để nộp hồ sơ. Đồng thời, tôi tìm trên internet các kinh nghiệm về nộp hồ sơ cho học bổng EM tại các diễn đàn như: vietphd.org hoặc ttvnol.com và ở các website cá nhân. Những thông tin ở đấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu cũng như hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Tôi hoàn thành hồ sơ vào đúng hạn chót của dự án và cũng không hy vọng gì nhiều là sẽ được nhận học bổng này.
Có thể nói, EM là một chương trình học bổng rất thú vị và đối tượng được cấp học bổng rất đa dạng. Bạn có thể tham gia chương trình học đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, sau tiến sỹ theo học bổng EM. Đó chính là cơ hội cho các bạn để tiếp cận với một môi trường giáo dục hiện đại và tiên tiến ở các nước Châu Âu.
Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều các bạn sinh viên và học giả Việt Nam quan tâm hơn đến chương trình học bổng EM và bài viết ngắn gọn của tôi có thể giúp đỡ các bạn một phần nào đó để có thể đạt được ước mơ đi học ở Châu Âu.
Hoàng Anh Việt Dũng
Khoa Dầu khí