PV- Thưa Tổng giám đốc, ông có thể giới thiệu sơ lược về công ty và chương trình hỗ trợ giáo dục của Schlumberger ?
Ông Sujit Kumar: Schlumberger là công ty hàng đầu trên thế giới chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng trong ngành công nghiệp dầu khítrong đó có công nghệ và các giải pháp thông tin, quản lý các dự án tích hợp giúp tối ưu hóa hiệu suất khai thác. Các sản phẩm và dịch vụ của Schlumberger rất đa dạng, từ thu nhận và xử lý địa chấn, đánh giá thành hệ, thử vỉa và khoan định hướng đến bơm trám xi măng, khai thác cơ học và hoàn thiệngiếng; tư vấn, phần mềm và quản lý thông tin.Công ty hiện có 113.000 nhân viên thuộc 140 quốc tịch khác nhau đang làm việc tại 85 quốc gia. Năm 2011 lợi nhuậncủa Schlumberger đạt 39,54 tỷ USD.
Trong quá trình hoạt động, Schlumberger đã không ngừng tăng cường hợp tác với các trường đại học trên thế giới thông qua Chương trình tài trợ phần mềm. Theo chương trình này, Schlumberger sẽ cung cấp các phần mềm do công ty phát triển cho các trường cao đẳng, các viện kỹ thuật và các trường đại học trong nỗ lực tăng cường kiến thức phần mềm về địa chất, địa vật lý và kỹ thuật dầu khí theo tiêu chuẩn công nghiệp, cung cấp các kỹ năng cho sinh viên nhằm giúp họ học tập và ứng dụng tốt hơn trên thực tế.
Schlumberger đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học tại Việt Nam và PVU là một trong số đó. Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác và phối hợp thông qua chương trình hỗ trợ giáo dục nhằm mang lại hiệu quả trực tiếp cho sinh viên. Chương trình này sẽ giúp sinh viên có khả năng thúc đẩy tiến bộ học tập, từ đó rút ngắn khoảng thời gian giữa học tập và ứng dụng thực tế một cách có hiệu quả nhất.
PV- Xin ông cho biết về gói phần mềm tài trợ cho PVU ?
Ông Sujit Kumar:Trong danh mục các phần mềm tài trợ cho PVU lần này gồm có các phần mềm Petrel Geophysical và Geological Modeling; phần mềm mô phỏng động lực; phần mềm lưu ảnh Techlog Wellbore; phần mềm mô phỏng trữ lượng ECLIPSE, phần mềm phân tích hiệu quả mạng lưới sản xuất và thiết kế giếng dầu PIPESIM; phần mềm xử lý địa chấn Omega và phần mềm Ocean plug-in dùng cho Petrel. Tất cả những phần mềm tài trợ này hiện đang được sử dụng tại hàng trăm công ty dầu khí trên khắp thế giới và đây là những công nghệ phần mềm mới nhất của Schlumberger dành cho các nhóm chuyên gia đang tiến hành các nghiên cứu đồng bộ về toàn bộ công việc từ địa chấn cho tới mô phỏng.
Gói phần mềm chúng tôi tài trợ cho PVU có trị giá 10,2 triệu USD và là mức tài trợ lớn nhất mà công ty dành cho một trường đại học tại khu vực Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại.
PV- Thưa PGS.TS Lê Phước Hảo, ông có thể cho bạn đọc biết ý nghĩa của việc tài trợ và việc thành lập Trung tâm Mô hình hóa mỏ tại PVU ?
PGS.TS Lê Phước Hảo:Được thành lập từ tháng 11/2010, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam là một trường đại học công lập đặc biệt do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư và quản lý. Sứ mệnh của Trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Trong giai đoạn đầu, PVU sẽ tập trung đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành dầu khí và mục tiêu lâu dài của Nhà trường sẽ phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, tiến tới đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Trong gần hai năm qua, Ban giám hiệu cùng toàn thể CBCNV Nhà trường không ngừng phấn đấu, từng bước hiện thực hóa sứ mệnh và tầm nhìn nói trên bằng những bước đi cụ thể. Nhờ sự ủng hộ rất lớn từ phía lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị chức năng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đối tác trong và ngoài nước, PVU đã tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Việc tài trợ gói phần mềm phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Công ty Schlumberger - một trong những công ty nổi tiếng thế giới về phần mềm mô phỏng trong lĩnh vực dầu khí là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với tiến trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Sinh viên và cán bộ giảng dạy của PVU có điều kiện tiếp cận và sử dụng các phần mềm công nghệ cao, tiên tiến, từ đó giúp tăng cường khả năng giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Không những thế, nó còn giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên không bị bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp. Đây cũng được coi là thành quả bước đầu mà Nhà trường đã đạt được trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
PV- Xin PGS.TS cho biết các phần mềm này sẽ được sử dụng như thế nào tại Trường Đại học Dầu khí Việt Nam ?
PGS.TS Lê Phước Hảo:Hệ thống phần mềm do Schlumberger tài trợ sẽ đặt trong một trung tâm tại PVU để có thể được khai thác, sử dụng một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Đối với công tác đào tạo sinh viên, chúng tôi đưa nội dung giảng dạy các phần mềm này vào đề cương chi tiết các môn học, biên soạn tài liệu để hướng dẫn sử dụng, phục vụ giảng dạy trực tiếp13 môn chuyên ngành; minh họa, mô phỏng cho 25 môn học khác trong chương trình đào tạo bậc đại học cho 3 chuyên ngành Địa chất dầu khí, Địa vật lý dầu khí và Kỹ thuật dầu khí. Ngoài ra sinh viên sẽ sử dụng các phần mềm trên để thực hiện các đồ án môn học, luận văn tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó chúng tôi sẽ có kế hoạch phối hợp với Công ty Schlumberger triển khai các khóa đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và nâng cao giúp các cán bộ giảng dạy của PVU, các kỹ sư của các đơn vị trong Ngành và các trường đại học có thể tiếp cận, sử dụng thành thạo các phần mềm tiên tiến, phục vụ vàomục đích đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài khoa học mang tính liên ngành.
Các gói phần mềm tài trợ của công ty Schlumberger
PV- Xin trân trọng cảm ơn quý vị!
Vũ Huân (thực hiện)