(Báo Giáo dục và Thời đại) Trường Đại học Dầu khí Việt Nam: Một mô hình xã hội hóa giáo dục

Bài đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số 166 ra ngày 18/10/2011

Ngày 25/11/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2157/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU), trường đại học công lập đặc biệt trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

PVU được giao sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học (NCKH) và thực tiễn sản xuất kinh doanh, nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của PVN và của đất nước.Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân lực chất lượng cao cho chiến lược tăng tốc phát triển của PVN giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2025, đồng thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trước mắt PVU sẽ tập trung đào tạo đại học các chuyên ngành dầu khí, gồm Địa chất Dầu khí, Địa Vật lý Dầu khí, Khoan-Khai thác Dầu khí và Lọc-Hóa dầu. Trong tương lai, PVU sẽ phát triển thành Trường Đại học đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực trong xã hội.

Xã hội hóa giáo dục, về bản chất là thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần, huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội làm giáo dục, để phát huy cao nhất trách nhiệm và năng lực của mọi người dân, mọi tổ chức chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội cho sự nghiệp giáo dục. Huy động mọi nguồn lực thực hiện xã hội hóa giáo dục là một chính sách đúng đắn để phát triển giáo dục. Vì vậy, xã hội hóa giáo dục không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà là sự nghiệp của toàn dân, của mọi tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Xã hội hóa giáo dục là một yêu cầu cấp thiết đối với các trường đại học và các cơ sở đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thoả mãn yêu cầu được giáo dục của mọi người trong toàn xã hội.

Để khai thác và tận dụng tiềm lực to lớn của xã hội, PVU đã và đang triển khai mô hình đào tạo và quản lý giáo dục hiện đại, phù hợp với quy định của Bộ GD & ĐT, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng một môi trường giáo dục tiên tiến. Mô hình này được đúc rút từ kinh nghiệm của những đại học hàng đầu trên thế giới và một số đại học ở Việt Nam. Trong mô hình xã hội hóa giáo dục, nguồn lực vật chất phục vụ việc học tập, giảng dạy và NCKH có tầm quan trọng nhất. Vì vậy, ngay từ khi thành lập PVU đã thể hiện rất rõ những ưu thế của một trường đại học trực thuộc PVN, được PVN đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, và được hưởng những ưu đãi về tài chính cho hoạt động của Nhà trường. Về đội ngũ cán bộ, áp dụng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao do PVN ban hành, PVU đã tuyển dụng và đào tạo được một đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý trình độ cao, phục vụ tốt các hoạt động đào tạo và NCKH của Trường. Ngoài ra, PVU luôn mở cửa chào đón các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ thỉnh giảng, chuyên gia dầu khí, các giáo sư trong và ngoài nước đến tham gia giảng dạy, quản lý hay cộng tác NCKH.

Cách thức xã hội hóa giáo dục của PVU còn được thể hiện thông qua sự hỗ trợ về tài chính của các doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc PVN cho sinh viên của PVU, như tài trợ học bổng, làm thẻ sinh viên có tích hợp ATM, … Hơn thế nữa, các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có điểm thi đại học đầu vào cao hoặc có kết quả học tập tốt sẽ được cấp học bổng của "Quĩ học bổng Tài năng sinh viên Dầu khí" do PVU xây dựng. Quĩ này đã dành được nhiều sự quan tâm và sẵn sàng đóng góp của các đơn vị thành viên của PVN. Đây cũng là những điểm mạnh về xã hội hóa giáo dục của PVU, nhằm tạo điều kiện và cơ hội học tập tốt nhất cho sinh viên, đồng thời khuyến khích các em không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

sinh hoat cong dan

Tuần sinh hoạt công dân của sinh viên khóa I - PVU

Một đặc điểm nổi bật về xã hội hóa giáo dục của PVU được thể hiện qua sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ. Đây là một ưu thế lớn của PVU trong quá trình xây dựng và phát triển. Đặc biệt, sự tham gia của các doanh nghiệp vào giáo dục đại học của PVU không chỉ đơn thuần ở khía cạnh đóng góp tài chính, mà ở cả nội dung và phương thức, nhằm gắn kết nhiệm vụ đào tạo của PVU với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhân Lễ khai giảng khóa I năm học 2011-2012, tổ chức vào ngày 21/10/2011 tại cơ sở Bà Rịa – Vũng Tàu, PVU sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với khoảng 30 đơn vị thành viên của PVN. Theo thỏa thuận sẽ ký kết, ngoài hỗ trợ về tài chính, các đơn vị thành viên của PVN sẽ cử các chuyên gia đầu ngành đến làm việc tại PVU, đồng thời sẽ tiếp nhận sinh viên của PVU đến thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của mình. Chuyên gia của các đơn vị trực thuộc PVN, với những kinh nghiệp thực tế sản xuất kinh doanh, sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo, như giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực tập và NCKH, … Phía PVU có nhiệm vụ tổ chức các khóa đào tạo thường xuyên, đào tạo theo địa chỉ ở các cấp độ khác nhau, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ - công nhân viên của các đơn vị trực thuộc PVN. Đồng thời, PVU và các đơn vị thành viên của PVN sẽ thường xuyên hợp tác NCKH để triển khai và ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Mục đích của phương pháp hợp tác đào tạo này là nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức thực tế và chuyên môn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với chiến lược tăng tốc phát triển của PVN. Đây sẽ là nhân tố tích cực tác động trở lại và hỗ trợ các doanh nghiệp cùng phát triển. Ngoài ra, một lợi ích không thể không nhắc đến là sinh viên tốt nghiệp PVU sẽ được ưu tiên tuyển dụng và bố trí việc làm tại các đơn vị, các dự án trong và ngoài nước của PVN. Với cách thức hợp tác đào tạo này, sinh viên được tuyển dụng vào các đơn vị của PVN có thể bắt nhịp nhanh với công việc thực tế. Bên cạnh đó, PVU sẽ chủ động tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, để nắm bắt những thông tin về chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Để đạt được mục tiêu và thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược phát triển giáo dục, PVU đã và đang đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục gắn với hợp tác quốc tế, nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có đủ năng lực hội nhập quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc hợp tác đào tạo với những doanh nghiệp trong nước, PVU còn ký thỏa thuận hợp tác và nhận tài trợ của các doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình là Công ty Schlumberger tài trợ các phần mềm tính toán phỏng trong dầu khí trị giá 185.000 USD, Công ty JX Nippon Oil & Gas Exploration Corporation tài trợ cho hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy trị giá 100.000 USD. Xã hội hóa giáo dục của PVU không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp mà còn hợp tác với các tổ chức quốc tế trong đào tạo đại học và sau đại học. Một ví dụ điển hình là chương trình đào tạo về Công trình biển liên kết giữa PVU và Trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), với sự hỗ trợ tài chính ban đầu của Chính phủ Hà Lan và các đối tác sẽ được triển khai ngay trong thời gian tới.

Những hoạt động nêu trên là minh chứng rõ ràng về mô hình xã hội hóa giáo dục đã và đang được triển khai ở PVU, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh những đầu tư của PVN, sự hỗ trợ và hợp tác của các đơn vị trực thuộc PVN, PVU sẽ tiếp tục nâng cao hoạt động xã hội hóa giáo dục để huy động đầu tư, hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy mới hoạt động được gần một năm, nhưng những kết quả đạt được bước đầu của PVU đã thể hiện rất rõ ưu thế về nhiều mặt của một trường đại học công lập đặc biệt. Trong tương lai, những ưu thế này sẽ tiếp tục được phát huy để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhằm xây dựng và phát triển PVU thành một cơ sở đào tạo và NCKH hàng đầu của Việt Nam, tiến tới đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

PV.