Ngày 19/01/2018, tại Hải Phòng, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đến kiểm tra tình hình Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, thăm hỏi động viên cán bộ công nhân viên Công ty CP Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) và trao quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT PVTEX.

Cùng đi có các Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Sinh Khang, Lê Mạnh Hùng , Đỗ Chí Thanh, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (DKVN) Nghiêm Thùy Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Trần Quang Dũng, Tổng giám đốc PVTEX Vũ Phụng Hoàng, lãnh đạo các ban chuyên môn, văn phòng Tập đoàn, Công đoàn DKVN.

chu tich hdtv pvn tran sy thanh kiem tra tinh hinh nha may xo soi dinh vu
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh kiểm tra, đánh giá hiện trạng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã cùng đoàn công tác kiểm tra, đánh giá sơ bộ về tình trạng máy móc thiết bị của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ tại các phân xưởng sản xuất sợi POY, xơ PSF. Tại đây, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã gặp mặt, động viên hơn 60 cán bộ công nhân viên đang làm công tác quản lý, bảo dưỡng thiết bị nhà máy.

chu tich hdtv pvn tran sy thanh kiem tra tinh hinh nha may xo soi dinh vu
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh thăm hỏi động viên kỹ sư, công nhân tại nhà máy.

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh khẳng định: Lãnh đạo Tập đoàn cùng với Công đoàn DKVN thấu hiểu, cảm thông với cán bộ, kỹ sư, người lao động PVTEX đã hết sức vất vả suốt thời gian qua, những người còn lại của PVTEX hiện nay là những người rất can trường, bản lĩnh, đã và đang cùng với Tập đoàn nỗ lực giữ gìn nhà máy tránh xuống cấp, sẵn sàng cho nhà máy hoạt động lại khi có điều kiện. Trách nhiệm của Tập đoàn và các Bộ, ngành Trung ương là cố gắng làm sao tìm ra 1 còn đường ngắn nhất, ít tổn thất nhất để vận hành lại nhà máy. Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Nhiệm vụ trước mắt là phải cố gắng giữ gìn nhà máy, cố gắng không để xảy ra bất kỳ sơ sẩy nào.

chu tich hdtv pvn tran sy thanh kiem tra tinh hinh nha may xo soi dinh vu
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chúc tết sớm cán bộ công nhân viên PVTEX .

Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chúc cán bộ, công nhân viên, người lao động sức khoẻ, gia đình hạnh phúc. Chủ tịch hy vọng rằng sang năm mới, nhà máy sẽ có tín hiệu mới, khí thế mới để gây dựng, phát triển lại nhà máy.

Chia sẻ với những khó khăn của PVTEX, Chủ tịch Công đoàn DKVN Nghiêm Thùy Lan đã trao hai phần tiền hỗ trợ gồm: 350 triệu đồng cho người lao động ăn tết và 150 triệu đồng để tổ chức Đại hội Công đoàn PVTEX.

chu tich hdtv pvn tran sy thanh kiem tra tinh hinh nha may xo soi dinh vu
Chủ tịch Công đoàn DKVN Nghiêm Thùy Lan cũng động viên, hỗ trợ cán bộ công nhân viên PVTEX đón tết Mậu Tuất.

Thay mặt các cán bộ, công nhân viên, Tổng giám đốc PVTEX Vũ Phụng Hoàng đã bày tỏ lòng cảm ơn về sự động viên, quan tâm quý báu và kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn đối với PVTEX, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Tập đoàn, PVTEX sẽ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Sau khi thăm hỏi động viên các kỹ sư, cán bộ, công nhân tại nhà máy, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với lãnh đạo PVTEX và các ban chuyên môn Tập đoàn về công tác nhân sự, đánh giá tình trạng thực tế của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, kế hoạch bảo dưỡng, chuẩn bị vận hành lại nhà máy.

Tổng giám đốc PVTEX Vũ Phụng Hoàng đã báo cáo đoàn công tác về tình hình lao động và thu nhập của cán bộ công nhân viên PVTEX, thực trạng nhà máy và tình hình tài chính Công ty, phương án hợp tác và tìm kiếm đối tác sản xuất kinh doanh và phương án sản xuất sợi DTY.

Trong đó, PVTEX đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018: rà soát và hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2018 và kế hoạch sản xuất 5 năm (2018-2022); rà soát, chuẩn bị kế hoạch bảo dưỡng, sẵn sàng vận hành trở lại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ; PVTEX tiếp tục tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài Tập đoàn Dệt may Việt Nam để chuẩn bị công tác thị trường cho sản phẩm xơ, sợi giai đoạn tới của PVTEX…

Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cùng các Ban Chế biến, Ban Tài chính, Ban Kiểm soát đã có những phân tích, đánh giá sát sao về các phương án xử lý đối với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

chu tich hdtv pvn tran sy thanh kiem tra tinh hinh nha may xo soi dinh vu
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh kết luận buổi làm việc tại PVTEX.

Kết luận tại buổi làm việc với PVTEX, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ phải bảo toàn thiết bị, máy móc của nhà máy, ổn định tư tưởng cán bộ công nhân viên, lập và trình kế hoạch chi tiết về tài chính, nhân sự để duy trì hoạt động cơ bản của nhà máy trong năm 2018. Chủ tịch HĐTV PVN nhấn mạnh về tính minh bạch, trung thực trong các phương án xử lý Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, đưa ra các phương án phải sát với thực tế, chi tiết để khi trình lên HĐTV Tập đoàn và các cấp Ban, ngành Chính phủ có thể căn cứ, đưa ra quyết sách chính xác và nhanh chóng.

Thành Công - Thanh Ngọc

Tại hội thảo “Đánh giá công nghệ, sản phẩm và định hướng phương án khởi động lại Nhà máy Xơ sợi (NMSX) Đình Vũ”, đại diện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bày tỏ sự khẩn thiết mong muốn NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm: Cần “mở cửa” cho PVN đầu tư

Chúng tôi nhận thấy việc giữ thuế suất thuế nhập khẩu 2% sản phẩm xơ là sự khó khăn đối với các doanh nghiệp sợi, nhưng vì NMXS Đình Vũ được đầu tư rất lớn, nằm trong kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, nên chúng tôi cho rằng việc áp thuế nhập khẩu xơ 2% là cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của cho ngành dệt may.

Khi tham dự hội thảo, chúng tôi nhận thấy rằng, với sản phẩm xơ polyester thì chúng ta có rất nhiều thuận lợi, từ thị trường đến kỹ thuật công nghệ. Chúng ta đã tập trung sản xuất, bán được sản phẩm, đạt chất lượng ổn định. Nhưng để có sản phẩm phù hợp, giá cả, chất lượng đảm bảo thì chúng ta vẫn chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, giá bán sản phẩm của Đình Vũ trước đây luôn cao hơn so với giá sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu. Chính vì vậy, cạnh tranh về giá sẽ rất khó khăn.

Vấn đề thứ hai là con người, nguồn nhân lực. Chúng tôi cho rằng, khâu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực nắm vững thiết bị công nghệ để sản xuất tốt là khâu quan trọng nhất.

Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) nên thuê chuyên gia vận hành mới có thể đảm bảo chất lượng và độ ổn định sản phẩm của nhà máy. Nếu được thì thuê hẳn một doanh nghiệp chuyên nghiệp vận hành toàn bộ NMXS Đình Vũ.

Hiện nay, ngành dệt may đang xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn sợi và nhập khoảng 900 nghìn tấn nguyên liệu/năm. Năm vừa qua, thuế thu được từ mặt hàng xơ nhập khẩu khoảng 3 triệu USD.

Tôi đề nghị PVTEX nên kiến nghị Nhà nước hỗ trợ một phần vốn từ nguồn thuế này. Mặt khác, lượng vốn lưu động còn lại cần “mở cửa” cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vì chỉ có PVN mới đủ khả năng đầu tư cho PVTEX.

Trưởng Ban Đầu tư Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu: Vinatex sẽ sử dụng xơ sợi Đình Vũ

Qua hội thảo này, một lần nữa cần khẳng định là NMXS Đình Vũ được đầu tư toàn bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến và hiện đại. Nhà máy đã có sản phẩm và được tiêu thụ tốt.

Xin lưu ý, trước thời điểm nhà máy tạm dừng sản xuất vào năm 2015, Vinatex đã có 8 đơn vị sử dụng sản phẩm của PVTEX, tiêu thụ hơn 3.000 tấn xơ, tất cả đều có phản hồi, đánh giá chất lượng là khá và tốt. Đặc biệt, lô sản phẩm cuối cùng của nhà máy được một số đơn vị như Dệt Phú Bài của Vinatex sử dụng làm hàng xuất sang châu Âu. Đây là loại sợi bao nhuộm, có chất lượng cao nhất về xơ sợi tổng hợp.

Ngoài ra các đơn vị khác trong Vinatex đều “gửi gắm” nguyện vọng là nếu PVTEX khởi động lại, có sản phẩm, các đơn vị đều khẳng định là sẽ sử dụng. Đây cũng là quan điểm thống nhất từ lãnh đạo Vinatex đến các đơn vị thành viên trong tập đoàn cũng như các đối tác của chúng tôi. Xin nhắc lại một điểm là Vinatex chỉ có yêu cầu là sản phẩm phải đạt chất lượng và giá cả hợp lý.

Hy vọng, trong một thời gian ngắn nữa tất cả các đơn vị của Vinatex sẽ tiếp tục được sử dụng sản phẩm của NMXS Đình Vũ.

Ủy viên HĐQT Công ty CP Vinatex Nam Định Nguyễn Mạnh Hùng: Cần ổn định chất lượng sản phẩm

Trước đây, chúng tôi sử dụng 100% xơ nhập khẩu. Sau này có xơ Đình Vũ, anh em kỹ thuật của PVTEX đã đến với chúng tôi và cùng nhau thực hiện từng bước chuyển đổi xơ như đưa xơ vào máy đánh, căn chỉnh thiết bị, theo dõi chất lượng sản phẩm…

Trong ngành sợi, từng công đoạn phải thực hiện rất nghiêm ngặt và liên quan chặt chẽ với nhau. Đặc biệt, sai lầm của công đoạn trước không thể sửa đổi bằng công đoạn sau mà sẽ dẫn đến hỏng toàn bộ sản phẩm. Chính vì vậy chúng tôi rất cần xơ tổng hợp phải đạt độ ổn định về chất lượng như xơ Đình Vũ vào cuối năm 2015. Đợt xơ này chúng tôi sử dụng để làm hàng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Việc ổn định chất lượng xơ là đặc biệt quan trọng, bởi với bông có thể thay thế điều chỉnh được, nhưng thay đổi xơ là việc cực kỳ phức tạp và có chi phí gia công lớn hơn cả giá nguyên liệu. Nguyên nhân do chất phụ gia, lượng dầu của các loại xơ rất khác nhau, phải căn chỉnh lại toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, có thể khiến doanh nghiệp sợi mất nhiều chi phí và thời gian.

 

 

 


Toàn cảnh hội thảo

Phải nói rằng, khi NMXS Đình Vũ đang hoạt động đã tạo rất nhiều thuận lợi cho chúng tôi. Trước đây, mỗi lần nhập xơ về, chúng tôi phải mở LC trước 1 tháng, sau khi chuyển tiền hoàn tất thì phải mất từ 20 ngày tới 1 tháng sau mới nhận được hàng. Mặt khác, mỗi lô xơ nhập khẩu ít nhất cũng 100- 200 tấn. Còn đối với NMXS Đình Vũ, mỗi tuần chúng tôi lấy 2 container (50 tấn), lượng tiền đặt cọc nhỏ hơn nhiều, quay vòng vốn tốt hơn. Hơn thế, chúng tôi còn được trả chậm theo dạng cuốn chiếu, nghĩa là hết hàng đợt này, nhập hàng đợt mới thì mới phải chuyển tiền cho PVTEX, giúp chúng tôi giảm được khá nhiều chi phí kho bãi và thời gian chờ nhận hàng. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại.

Giám đốc Công ty CP Tam Liên Nguyễn Huy Hoàng: Mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị dệt may

Các đơn vị sản xuất sợi khu vực phía Nam đều rất mong chờ NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại.

Vấn đề mấu chốt của chất lượng sợi là chất lượng có tính cơ lý (co, dãn, độ mảnh) và màu sắc (công nghệ trùng ngưng, nguyên liệu đầu vào). Đây là việc NMXS Đình Vũ đã hoàn thành rất tốt. Bởi vậy, chỉ cần hoàn thiện nốt phần nhuộm là chúng ta hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất, giữ được sự ổn định về chất lượng sản phẩm.

Trước đây PVTEX có một đội kỹ thuật lưu động, bất cứ vấn đề gì của khách hàng liên quan đến xơ là có mặt để ghi nhận về chất lượng, đây là điều làm chúng tôi “ấm lòng”. PVTEX cũng lập một đội vận chuyển ở cảng Cát Lái, căn cứ vào lượng hàng khách hàng nhập tuần sau, ngay từ đầu tuần có khoảng 60 xe container có mặt ở cảng, vận chuyển nhịp nhàng đến từng khách hàng. Điều đó giúp khách hàng không mất chi phí lưu kho, thời gian vận chuyển nhanh. Đây là cung cách bán hàng theo quy luật thị trường, được khách hàng đánh giá rất cao.

Thị trường sợi miền Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lượng xơ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Trong miền Nam có một lượng khách hàng rất lớn sản xuất “hàng chợ”. Họ không cần hóa đơn đầu vào, xuất bán hàng chất lượng thấp, nên họ giảm sâu giá thành. Họ bán sợi với giá cực thấp, thậm chí chỉ ghi hóa đơn 7.000 đồng/kg, trong khi giá thành sợi thấp nhất của Việt Nam đã tới 38.000 đồng/kg. Thực tế 7.000 đồng chưa đủ tiền mua xơ nguyên liệu. Đây là sự phá giá trắng trợn khiến nhiều doanh nghiệp miền Nam đang lâm vào tình trạng khó khăn.


Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Bởi vậy, trong một chuỗi giá trị dệt may, các doanh nghiệp sợi rất mong NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại, giữ được các hoạt động chuyên nghiệp, bài bản về chăm sóc khách hàng, kho vận nhịp nhàng như trước đây. Đặc biệt, PVTEX cùng chúng tôi đề xuất lên Chính phủ có giải pháp để tạo sự cạnh tranh công bằng, làm trong sạch thị trường.

Tôi tin rằng, khi NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại sẽ xuất phát từ một độ cao nhất định so với trước đây. Những gì PVTEX đã làm kể cả về kỹ thuật lẫn thị trường luôn được đánh giá cao ở khu vực phía Nam. Có thể nói rằng, các anh đã chạm một tay tới đích.

 Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng:


“Có thể khẳng định, hệ thống, thiết bị, công nghệ của NMXS Đình Vũ được đầu tư tiên tiến hiện đại. Qua thông tin từ các chuyên gia, đối tác, khách hàng trong ngành xơ sợi Việt Nam, có thể thấy thị trường xơ sợi trên thế giới nói chung, trong nước nói riêng, có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.

Sản phẩm của PVTEX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nhu cầu nguồn nguyên liệu xơ sợi trong nước rất cao, trong khi đó nhiều doanh nghiệp sợi phải dành nguồn ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu nguyên liệu. Rất có thể khi NMXS Đình Vũ được vận hành trở lại, cơ hội sẽ được mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước”.
 NMXS Đình Vũ đã thực hiện thành công một số cải tiến kỹ thuật: Lắp đặt hệ thống guide dẫn sợi để ổn định lực căng sợi, loại trừ sợi ngắn, sợi dài; bổ sung hệ thống ổn định thu hồi dầu tráng sợi khiến lên dầu đều, ổn định; lắp đặt hệ thống phân tách sản phẩm triệt để loại sản phẩm không đạt chất lượng; cải tạo hệ thống cấp hơi, hệ thống điện… để ổn định vận hành toàn bộ nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí.

Hiệu quả của những cải tiến đó là giảm sự cố dẫn đến phải hạ cấp sản phẩm, nâng công suất và chất lượng nhà máy lên 96-97% loại A, tỉ lệ phế phẩm giảm xuống dưới 1,4%, đồng thời giảm tiêu hao vật tư hóa chất (15%), điện (10-20%) và LPG (10%).

Phó văn phòng Illies - Đại diện Tập đoàn OERLICON (Neumarg & Barmarg) Phạm Thái Hà:


Toàn bộ thiết bị, dây chuyền sản xuất xơ (Neumarg) và sợi (Bamarg) của NMXS Đình Vũ được chúng tôi cung cấp đều thuộc thế hệ thứ ba, tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống thiết bị này đảm bảo chất lượng, chủng loại sản phẩm cao nhất trên thế giới, có thể đáp ứng mọi nhu cầu về của khách hàng về xơ, sợi tổng hợp.

Hiện nay, Tập đoàn OERLIKON chiếm hơn 90% thị trường máy móc thiết bị xơ sợi tổng hợp trên toàn thế giới với thương hiệu Neumarg & Barmarg.

Đại diện của Tập đoàn Thyssenkrupp - Nhà cung cấp bản quyền Uhde Vivekanand Gundavarupa:

Tháp trùng ngưng của NMXS Đình Vũ được thiết kế, cung cấp bởi Uhde Investa Fisher (Thụy Sỹ), toàn bộ các thiết bị đều có xuất xứ tại Đức và các nước thuộc nhóm G7. Tháp trùng ngưng của nhà máy sản xuất polymer nóng chảy từ nguyên liệu ban đầu cung cấp cho các phân xưởng sản xuất xơ và sợi tổng hợp. Công nghệ của nhà máy là công nghệ trùng ngưng 2 bình phản ứng, sản xuất xơ sợi trực tiếp có chất lượng ổn định, tiết giảm năng lượng, chi phí sản xuất tối đa. Công suất NMXS Đình Vũ đạt 500 tấn/ngày.

Công Kiên