Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Quyết tâm cho kỳ bảo dưỡng then chốt

Nhà máy Đạm Phú Mỹ (trực thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) đã bắt đầu bước vào kỳ bảo dưỡng tổng thể lớn, phức tạp và có ý nghĩa quan trọng nhất từ trước đến nay. Với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước, cộng với tinh thần quyết tâm, vững vàng của mỗi CBCNV nhà máy thì có thể vững tin rằng, kỳ bảo dưỡng sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, đưa nhà máy cũng như PVFCCo tiến đến một giai đoạn phát triển mới.

1. Ngày 22-11 vừa qua, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã chính thức dừng máy để bước vào kỳ bảo dưỡng tổng thể (BDTT) được đánh giá là lớn, phức tạp và quan trọng nhất từ trước đến nay. Thật may mắn, ngày 22-11 là một ngày nắng rất đẹp, còn trước đó thì khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu mưa gió liên miên do chịu ảnh hưởng của các đợt bão ngoài Biển Đông tiến vào vùng Nam Trung Bộ. Có thể nói, đó là một dấu hiệu tốt đẹp, là sự ủng hộ của thiên nhiên, báo hiệu cho một kỳ BDTT của Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhiều thuận lợi.

Cũng phải nhấn mạnh ngay rằng, khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ bước vào kỳ BDTT lần này còn có một thuận lợi đặc biệt quan trọng khác, đó là vào ngày 1-11, nhà máy đã đạt sản lượng 777 nghìn tấn urê quy đổi, đạt 101% kế hoạch, xuất sắc về đích trước 2 tháng của năm 2017. Việc nhà máy hoàn thành kế hoạch năm trước khi bước vào đợt BDTT có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó vừa là nguồn động lực cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho tất cả CBCNV nhà máy, là tiền đề vững chắc để mọi người sẵn sàng cho công tác BDTT.


Công tác BDTT Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Thử tưởng tượng, nếu như nhà máy chưa hoàn thành kế hoạch mà phải dừng máy mất 1 tháng, đến khi khởi động lại thì đã gần hết năm và như vậy áp lực lên vai mọi người sẽ thật khủng khiếp. Chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của CBCNV, từ đó có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ bảo dưỡng nhà máy.

“Cá nhân tôi rất vui mừng và hạnh phúc khi nhà máy đã hoàn thành sản lượng năm 2017 trước 2 tháng. Đó là nỗ lực lớn của CBCNV Nhà máy Đạm Phú Mỹ, cùng sự quan tâm, chỉ đạo, quản trị khoa học, triệt để của lãnh đạo tổng công ty và lãnh đạo nhà máy. Thành quả đó lại có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn này, là động lực lớn giúp cho CBCNV chuẩn bị cho đợt ra quân BDTT nhà máy thường kỳ 2 năm/lần” - ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc nhà máy chia sẻ.

Theo ông Hùng, đợt BDTT lần này kéo dài từ ngày 22-11 đến 21-12, với khối lượng công việc dự tính ban đầu là khoảng 4.666 hạng mục. Nhưng đó cũng mới chỉ là con số dự tính ban đầu, còn con số chính xác chỉ được xác định khi tháo các thiết bị máy móc ra. Như ở đợt BDTT năm 2015, dự tính ban đầu là 3.944 hạng mục, con số ấy tăng thêm 800 hạng mục nữa khi tiến hành bảo dưỡng. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, nếu có những hạng mục công việc phát sinh thì cũng đều nằm trong sự chuẩn bị của nhà máy.

  Ngày 1-11, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đạt sản lượng 777 nghìn tấn urê quy đổi, đạt 101% kế hoạch, xuất sắc về đích năm 2017 trước 2 tháng. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với công tác BDTT, là nguồn động lực cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho tất cả CBCNV nhà máy.
 
 
 
 
 
 
 
 

Như đã nói, PVFCCo và Nhà máy Đạm Phú Mỹ xác định rằng, đây là kỳ BDTT lớn và phức tạp nhất trong vòng hơn 13 năm nhà máy đi vào hoạt động. Bởi vì năm nay, hạng mục công việc nhiều do phần lớn máy móc thiết bị đã hao mòn, lão hóa đáng kể; và đặc biệt hơn hết là ngoài việc bảo dưỡng thông thường ra thì trong lần BDTT này còn có công tác tích hợp, đấu nối giữa nhà máy hiện hữu với Dự án nâng công suất xưởng NH3 và Dự án Nhà máy NPK công nghệ hóa học.

Cụ thể là, Tổ hợp Dự án Xưởng NH3 mở rộng - Nhà máy Sản xuất NPK công nghệ hóa học sẽ nâng công suất xưởng NH3 hiện tại của nhà máy thêm 90.000 tấn/năm (tăng khoảng 20% công suất hiện có). Còn Dự án Nhà máy sản xuất NPK bằng công nghệ hóa học của Hãng Incro SA (Tây Ban Nha) - công nghệ hiện đại nhất hiện nay - có công suất 250.000 tấn. Hiện dự án đang bước vào giai đoạn nước rút, đạt 98% tiến độ tổng thể, các hạng mục công việc còn lại đang được hoàn thiện khẩn trương để tiến hành chạy thử vào cuối tháng 11 và chính thức vận hành thương mại vào đầu năm 2018.

   
 Ông Nguyễn Đình Hùng  

Việc đấu nối giữa nhà máy hiện hữu với dự án mới trong đợt BDTT này được Phó giám đốc Nguyễn Đình Hùng đánh giá là khá phức tạp. Thứ nhất, nhà máy phải có những thay đổi một số thiết bị để có thể đồng bộ với dự án mới. Thứ hai, đội ngũ cán bộ kỹ thuật hai bên - giữa nhà máy và dự án phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác để việc đấu nối thành công, an toàn mà không xảy ra sự cố nào. “Việc đấu nối giữa nhà máy hiện hữu và dự án mới là một giải pháp công nghệ rất khó. Đây có thể là một điểm nhấn đặc biệt trong đợt BDTT lần này và là một cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của PVFCCo cũng như Nhà máy Đạm Phú Mỹ” - ông Hùng cho biết.

Ông lý giải thêm rằng, khi Tổ hợp Dự án Xưởng NH3 mở rộng - Nhà máy Sản xuất NPK công nghệ hóa học được đấu nối thành công và đi vào hoạt động thì Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện nay sẽ trở thành Tổ hợp Nhà máy Phân bón - Hóa chất Phú Mỹ. Ngoài sản phẩm Đạm Phú Mỹ truyền thống, Tổ hợp sẽ cung ứng các sản phẩm NPK Phú Mỹ có chất lượng vượt trội với nhiều công thức khác nhau phù hợp với từng vùng đất và từng loại cây trồng. Sản phẩm NPK Phú Mỹ chất lượng cao cũng được kỳ vọng sẽ hình thành xu hướng mới trong nông nghiệp - xu hướng nông nghiệp an toàn, công nghệ cao, hiện đại, sản xuất hàng hóa với năng suất và giá trị kinh tế cao; đồng thời góp phần đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường và bảo vệ môi trường.

2. Theo tính toán thì vào đợt cao điểm của kỳ BDTT lần này, số lượng người tham gia bảo dưỡng là trên 2.000 người, chia làm hai ca làm việc 24/24 giờ. Đối với một số hạng mục công việc mà nhân lực nhà máy không đủ để đáp ứng hoặc không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thì nhà máy sẽ thuê các đơn vị ngoài thực hiện như PTSC, Vietsovpetro... Còn lại, hầu hết các hạng mục tháo lắp, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị tĩnh, thiết bị động đều do đội ngũ CBCNV nhà máy tự làm.

Ông Hùng tự tin khẳng định, cho đến nay thì CBCNV nhà máy đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Không chỉ vận hành ổn định, hiệu quả mà công tác bảo dưỡng, sửa chữa hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng… đều được đảm bảo. Đó cũng chính là một trong những yếu tố giúp nhà máy vận hành liên tục, ổn định, hiệu quả, dài ngày, từ đó đưa đến kết quả là hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng như vừa qua.

Cũng phải nói thêm rằng, ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, việc phải dừng toàn bộ hệ thống để sửa chữa một thiết bị nào đó là hiếm, trừ những trường hợp bất khả kháng phải dừng máy, như mất nguồn điện, nguồn khí chẳng hạn. Sở dĩ nhà máy đảm bảo được điều đó để có thể sản xuất liên tục là vì đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên bảo dưỡng, vận hành làm chủ công nghệ, có thể “bắt mạch” và biết máy móc, thiết bị đang “bệnh” như thế nào. Từ đó, họ chủ động chuẩn bị vật tư và khi nhà máy dừng vì yếu tố khách quan nào đó thì họ sẽ nhanh chóng tận dụng thời gian này để bảo dưỡng cơ hội.

Do đã “bắt bệnh” và chuẩn bị sẵn nên việc bảo dưỡng, sửa chữa hoàn thành rất nhanh, giúp nhà máy hạn chế đến mức tối đa việc dừng nhà máy, mất sản phẩm, mất thời gian, gây lãng phí…
Về công tác chuẩn bị cho đợt BDTT Nhà máy Đạm Phú Mỹ lần này, ông Hùng đánh giá là tốt nhất trong các kỳ bảo dưỡng. Công tác BDTT năm nay đã được nhà máy chuẩn bị kỹ từ sau khi kết thúc đợt BDTT năm 2015. Ở nhà máy, hằng tháng đội ngũ vận hành đều đưa ra những đầu mục để đội ngũ kỹ thuật bảo dưỡng cập nhật và đưa vào trong kế hoạch bảo dưỡng. Từ đó, các công việc như lập kế hoạch, mua sắm vật tư, thuê các dịch vụ phụ trợ được nhà máy bắt tay vào thực hiện từ rất sớm. Mỗi kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân ở nhà máy đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng trong từng tổ chuyên môn. Mọi người bước vào kỳ bảo dưỡng quan trọng này với tâm thế thoải mái, tự tin.

Đợt BDTT lần này kéo dài từ ngày 22-11 đến 21-12, với khối lượng công việc dự tính ban đầu là khoảng 4.666 hạng mục.

Trò chuyện với tôi tại nhà máy trước kỳ bảo dưỡng vài ngày, anh Ngô Văn Định (SN 1986) ở Phòng Kỹ thuật cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, anh và anh em trong phòng đều đã rất sẵn sàng cho kỳ bảo dưỡng. Mấy hôm trước, cả phòng tổ chức buổi giao lưu để lên tinh thần cho mọi người. “Tuy kỳ BDTT này lớn và phức tạp, nhưng với sự chuẩn bị kỹ cùng một tinh thần thoải mái nhất, tôi tin kỳ bảo dưỡng sẽ thành công tốt đẹp về mọi mặt, an toàn, chất lượng” - anh Định nói.

Trong đợt BDTT lần này, có 4 tiêu chí được đặt ra, đó là: An toàn, chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Trong đó, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu. Thứ nhất là vấn đề đảm bảo an toàn lao động. Cụ thể là nhà máy có sáng kiến họp hằng ngày về công tác an toàn với mục tiêu “An toàn mỗi ngày”. Cụ thể là cứ vào đầu giờ mỗi ngày, ban chỉ huy công tác BDTT của nhà máy sẽ họp với toàn bộ các tổ để thông báo về khu vực, không gian, môi trường làm việc của hôm nay như thế nào. Các tổ sẽ căn cứ vào đó mà chuẩn bị về công tác an toàn cũng như từng tổ viên có ý thức hơn trong quá trình làm việc để đảm bảo an toàn cho mình, cho công trình và mọi người xung quanh. Đồng thời trong buổi họp này, ban chỉ huy sẽ nêu ra những nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với công việc ngày hôm qua của từng tổ.

Bên cạnh đó vấn đề thì an toàn môi trường cũng được lãnh đạo nhà máy quan tâm đặc biệt. Phương án xả thải, cô lập thiết bị và xử lý xúc tác thay thế phải được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình để đảm bảo trong quá trình bảo dưỡng không xảy ra bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng đến môi trường.


Kỹ sư Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Cũng như những lần bảo dưỡng trước, BDTT 2017 cũng là dịp để mỗi CBCNV tích cực đóng góp ý tưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm mang lại kết quả cao nhất. Trước khi bước vào kỳ bảo dưỡng, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên tổng công ty đã phát động phong trào thi đua “30 ngày đêm lao động sáng tạo phục vụ công tác BDTT nhà máy năm 2017”. Không chỉ có CBCNV nhà máy tham gia mà có cả sự chung sức của Ban Quản lý Dự án và các ban chuyên môn tổng công ty. Thời gian thi đua từ ngày 22-11 đến ngày 21-12-2017. Mục tiêu đặt ra trong đợt thi đua này là phấn đấu: mỗi tổ, đội tham gia BDTT, đấu nối Dự án NH3 nâng công suất, chạy thử Dự án NPK đều có ý tưởng sáng tạo; toàn tổng công ty có từ 150 ý tưởng trở lên được công nhận cho nghiên cứu, áp dụng.

Chứng kiến không khí ra quân cho đợt BDTT vào ngày 22-11 vừa qua mới thấy được ý chí và tinh thần của mọi người chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng lần này cao đến thế nào. Trên dưới đều đồng lòng, quyết tâm hoàn thành công tác bảo dưỡng theo đúng 4 tiêu trí đã đề ra. Có thể nói, với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước, cộng với tinh thần quyết tâm, vững vàng của mỗi CBCNV nhà máy thì có thể vững tin rằng, kỳ bảo dưỡng sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, đưa Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng như PVFCCo tiến đến một nấc thang phát triển mới!

Ông Nguyễn Đình Hùng chia sẻ, năm nay không phải lần đầu tiên Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoàn thành kế hoạch trước thời hạn, mà đây là năm thứ 11 liên tiếp Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt được thành tích này. Ngoài vấn đề ý thức, trách nhiệm của CBCNV nhà máy và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tổng công ty, lãnh đạo nhà máy thì thành quả năm nay mà nhà máy đạt được còn nhờ hưởng “quả ngọt” từ sự chung tay đoàn kết, sẻ chia kinh nghiệm về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của các đơn vị trong ngành, nhất là Nhà máy Đạm Cà Mau.

Ngoài ra, nhà máy còn nhận được sự hợp tác hiệu quả từ Tổng Công ty Khí khi nguồn khí cung cấp cho nhà máy rất ổn định, chất lượng giúp nhà máy hoạt động liên tục, ổn định, đảm bảo đúng kế hoạch.

Có thể nói, trong giai đoạn khó khăn chung của ngành hiện nay, sự đoàn kết, sẻ chia kinh nghiệm và hợp tác giữa các đơn vị trong ngành là vô cùng ý nghĩa, bởi từ đó, tất cả sẽ cùng nhau tiến lên, vượt qua thách thức và vững bước đi đến thành công. 

Lê Trúc