(Báo Giáo dục và Thời đại) PGS. TS Lê Phước Hảo - Hiệu trưởng, trả lời phỏng vấn nhân dịp Khai giảng Khóa I

Nhân dịp lễ khai giảng khóa 1 của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, PGS. TS. Lê Phước Hảo, Hiệu trưởng Nhà trường đã có buổi trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại trên số báo 166 ra ngày 18/10/2011, PVU trích đăng nội dung trao đổi này.

1. Được biết Ông vừa trở về sau chuyến công tác của tại Hà Lan, Ông có thể chia sẻ về mục đích của chuyến công tác này?

Vừa qua, tôi cùng với một số lãnh đạo các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rất vinh dự được tham gia đoàn công tác của Thủ tướng tới Hà Lan. Trong chuyến công tác này, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (ĐHDKVN) đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Công nghệ Deft (TUDeft) – trường đại học kỹ thuật lớn nhất và nổi tiếng nhất Hà Lan đồng thời là một trong số ít trường trên thế giới có chương trình đào tạo thạc sĩ về Công trình biển. Theo thỏa thuận, TUDeft sẽ giúp PVU xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy, đào tạo giảng viên về Công trình biển. TUDeft đồng thời cử các giáo sư sang Việt Nam giảng dạy cao học và quản lý chuyên môn về chương trình cao học này. Ngoài ra, hai bên sẽ tiến hành hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi giảng viên nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và chất lượng đào tạo của PVU. Chương trình hợp tác giữa hai Trường sẽ được triển khai ngay trong tháng tới.

 

PVU Delft

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan Maxime Verhagen chứng kiến lễ Ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Dầu khí và Trường Đại học Công nghệ Delft - Ảnh Chinhphu.vn

2. Ông có thể giới thiệu về cách thức xây dựng chương trình đào tạo và các chuyên ngành đào tạo chính hiện nay?

Cùng với cơ sở vật chất – phòng thí nghiệm, đội ngũ CBGD thì chương trình đào tạo tiên tiến là một thành tố quan trọng để hướng tới chất lượng cao trong giáo dục đại học. PVU chủ trương không nhập khẩu chương trình đào tạo của các trường đại học nước ngoài mà tự xây dựng chương trình đào tạo cho mình dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài theo chuẩn ABET. Bằng cách này, chúng tôi có được chương trình đào tạo tương đồng với các chương trình đào tạo của quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời giúp đội ngũ CBGD nâng cao năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng xây dựng chương trình đào tạo và bài giảng trong quá trình làm việc với chuyên gia và bồi dưỡng chuyên môn CBGD tại nước ngoài.

Trong những năm đầu, chúng tôi tập trung đào tạo các chuyên ngành Dầu khí như: Địa chất dầu khí, Địa vật lý dầu khí, Khoan khai thác, Lọc hóa dầu, Công nghệ mỏ, Công nghệ khí, An toàn - Môi trường dầu khí…

3. Được biết mục tiêu của Trường là đào tạo chất lượng cao, Ông có thể cho biết về tiêu chuẩn đầu ra của Trường?

Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp PVU có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh để có thể làm việc trong môi trường quốc tế. Thứ hai, các em sẽ có khả năng tiếp cận ngay công việc do đã được tiếp cận thực tế nhiều trong các kỳ thực tập, kiến tập tại các đơn vị trong Tập đoàn và được đào tạo, hỗ trợ phát triển các kỹ năng mềm cần thiết. Thứ ba, sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHDKVN có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập và sáng tạo, có khả năng thích ứng trong môi trường sản xuất-kinh doanh trong nước và quốc tế.

4. Các giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển Trường là gì?

Để thực hiện các mục tiêu đào tạo chất lượng cao và phấn đấu trở thành một trường đại học xuất sắc, Trường đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp sau: Một là, xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến; Hai là, đầu tư CSVC hiện đại, đồng bộ đạt chuẩn quốc tế phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập  và nghiên cứu khoa học; Ba là, sử dụng ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh; Bốn là, tuyển chọn nghiêm ngặt đội ngũ giảng viên, đào tạo thực tế tại các cơ sở của Tập đoàn và gửi đi đào tạo nước ngoài trước khi giảng dạy; Năm là, thực hiện phương châm đào tạo kết hợp lý thuyết với thực tiễn, giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giữa Nhà trường và các đơn vị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và bổ sung các kỹ năng mềm cần thiết; Sáu là, áp dụng hình thức tuyển sinh và đào tạo một cách linh hoạt; Bảy là, chú trọng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và nâng cao cho CBCNV trong Ngành, nhằm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của thực tiễn sản xuất – kinh doanh; Tám là, sớm mở chương trình đào tạo sau đại học và xác định đẩy nhanh đào tạo sau đại học là một trong những giải pháp tăng cường chất lượng cho đào tạo đại học.

5.   Ngoài tiếng Việt, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng để giảng dạy và học tập trong Trường. Nhà trường có giải pháp cụ thể nào để đào tạo tiếng Anh tăng cường cho sinh viên?

Xu thế hội nhập quốc tế trong phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục đại học lẫn trong thị trường lao động buộc phải sử dụng tiếng Anh ngày càng nhiều ngay cả trong quá trình đào tạo, vì vậy, nhiệm vụ của Nhà trường là giúp sinh viên hoàn thiện năng lực tiếng Anh để cuối năm thứ hai đại học, các em có thể đạt trình độ tương đương IELTS 6.0 để có thể học tốt các môn cơ sở ngành và chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh, đồng thời phát triển các kỹ năng giao tiếp và học thuật. Để thực hiện điều này, Nhà trường đã xây dựng chương trình tiếng Anh tăng cường với tổng thời lượng là 1.000 tiết. Bên cạnh dó, Trường tuyển chọn nghiêm ngặt và đào tạo giáo viên cơ hữu bài bản, và chọn lọc và bố trí giáo viên bản ngữ đúng chuẩn đảm nhiệm 50% khối lượng giảng dạy tiếng Anh để đảm bảo sinh viên được tiếp cận với ngôn ngữ chuẩn ngay từ đầu. Sinh viên được kiểm tra trình độ đầu vào, chia lớp theo trình độ, với sĩ số khoảng 20 em/lớp. Điều này đảm bảo học viên có nhiều cơ hội thực hành giao tiếp trên lớp và nhận được sự quan tâm thích đáng của thầy cô đứng lớp.

6. Ông có nhắn gửi gì với các em sinh viên của Trường?

Mục tiêu đào tạo chất lượng cao của Trường có đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực học tập của các em sinh viên – những chủ nhân tương lai của Ngành Dầu khí. Lựa chọn Trường ĐHDKVN tức là các em đã gắn sự nghiệp tương lai của mình với một ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, gắn hoài bão cá nhân với nguyện vọng chung của Dân tộc là có thể đàng hoàng "sánh vai với các cường quốc năm Châu" như sinh thời Bác Hồ đã mong đợi. Thi đỗ vào Trường là thành quả sau 12 năm nỗ lực học tập hết mình của các em, song đây mới chỉ là thành công bước đầu và còn rất nhiều thử thách cần cố gắng, nỗ lực của các em. BGH và toàn thể cán bộ, giảng viên của Nhà trường mong rằng tất cả sinh viên của Trường sẽ nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, nhằm đạt được kết quả tốt nhất ngay từ học kỳ đầu, để khi ra trường các em có thể đương đầu với mọi thử thách, phát huy tối đa năng lực của bản thân, đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói chung và Ngành Dầu khí nói riêng.

PV.